29-09-2021 - 07:43

Truyện ngắn NẮNG VÀNG của Trần Hành Sơn

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu truyện ngắn NẮNG VÀNG của tác giả Trần Hành Sơn

TRẦN HÀNH SƠN

NẮNG VÀNG

                                    Truyện ngắn

Trời đã xế sang buổi chiều, bóng dãy bạch đàn đổ dài sau ngôi nhà bên vách núi. Ông Lâm lúi húi xếp lại đống gỗ đêm qua bị con mang chạy qua đạp đổ. Bỗng có tiếng gọi hốt hoảng từ con đường mòn vọng đến:

- Ông Lâm ơi ! Giúp chúng cháu với!

Một tốp học sinh đang dìu bạn vội vã băng qua hàng rào vào sân.

- Nó bị rắn cắn, nếu không chữa nhanh thì nguy lắm, chúng cháu xin ông cứu giúp, giờ xuống bệnh viện xa quá - bọn trẻ lo lắng nháo nhác .

Ông Lâm lướt nhanh một lượt, bảo bọn chúng lùi ra xa. Ông tháo thắt lưng cu cậu bị rắn cắn, lấy khăn, giây chun băng hết toàn bộ chân bị rắn cắn, rồi cắt thùng mỳ tôm làm nẹp, nẹp cố định chân. Bằng thao tác nhanh gọn, ông chích nặn, rửa vết cắn bằng nước sạch và xà - phòng rồi sát trùng. Ông bế Huy (cậu học sinh) bị rắn cắn lên giường.

Lũ trẻ hốt hoảng hỏi ông:

- Có sao không ông, chắc nộc độc rắn không vào máu đâu ông nhỉ ?

- Không sao, vết thương còn cạn, độc rắn bị nặn ra hết cả rồi, may mà đưa đến kịp thời. Các cháu đi đâu mà đông thế? Ông Lâm hỏi.

- Dạ chúng cháu đi lao động trồng thông ở trên núi ạ. Lũ trẻ trả lời.

Vốn là một thầy giáo nên khi gặp lũ trẻ, ông lại bàng hoàng nhớ những ngày qua. Năm đó hai vợ chồng ông xin chuyển về quê dạy học. Ông nghĩ một cách đơn giản chuyển về quê để cống hiến hết mình cho con em quê hương thì chẳng có gì là khó. Nhưng đâu phải như ông nghĩ. Ông Lâm còn nhớ hôm gặp ông Bình ở phòng riêng, cũng không hiểu sao vừa mới thấy ông, ông Bình đã lạnh lùng: “Năm nay không nhận bất kỳ ai hết”

Ông Lâm thất vọng ra về. Ông vừa đạp xe về nhà vừa nghĩ mông lung. Cái số mình sao lại vất vả thế! Bao nhiêu người xin về quê công tác đều thuận buồm xuôi gió. Chỉ mỗi ông chật vật mãi cũng không về được gần nhà, lại phải điều đi xa hơn, lần này nữa lại về dạy ở một trường miền núi đầu huyện, vợ con ông lại ở nội trú trong trường một xã cuối huyện, cách nhau hơn 40 km.

 Những ngày đầu ông còn đạp xe đến trường dạy và chiều đạp xe về vợ con; nhưng lâu dần, đường sá xa xôi, ông quyết định ở lại khu tập thể cho đến chiều thứ 7 mới đạp xe về. Ông yêu lũ trẻ con lam lũ nơi đây và có lẽ nếu không có ông động viên bọn trẻ không thể nào đến lớp nổi.

Chiều hôm ấy, sau buổi lao động cật lực để chống bão, mặc dù đã nghe thông báo bão đổ bộ vào quê nhưng ông không về kịp. Sau khi học sinh đã về hết, ông rảo quanh trường để kiểm tra lần cuối việc phòng chống bão thì trời đã nhá nhem. Mưa như trút, gió giật kinh hoàng! Ông Lâm ngồi đứng không yên, hai vách đất đã đổ sập, cánh cửa chính rung lên. Mưa quất liên hồi vào mặt, gió gầm réo man rợ trong đêm, dội vào vách núi nghe thật rùng rợn. Ông Lâm cùng các thầy giáo ở lại phải lao ra giữa mưa lấy các cành cây gãy cột chéo vào hai cánh cửa sổ tất cả các phòng học. Gần sáng gió yếu dần, bão tan. Ông vội vã đạp xe về trường vợ.

Trong ánh sáng nhập nhòa, lờ lợ, linh tính như mách bảo ông điều chẳng lành. Lòng ông như lửa đốt. Trên khắp các nẻo đường, nhà cửa, cây cối đổ ngổn ngang, toàn bộ xóm bãi cùng với ngôi trường bị bão cuốn phăng ra biển! Đau xót biết bao, đứa con trai 5 tuổi của ông cũng bị sóng thần cuốn trôi; may vợ cùng đồng nghiệp đi chống bão nên thoát nạn! Cú đánh vào số phận làm ông gục ngã! Sau đợt đó, ông làm đơn xin thôi việc. Hai vợ chồng về quê cho đến hôm nay.

Ông Bình phải nghỉ hưu sớm bởi bệnh đau đầu hành hạ. Sáng nay ông ra Hà Nội chữa bệnh. Sau buổi thăm khám xong, các bác sỹ quyết định chuyển ông về bệnh viện tâm thần.

- Biết vậy, nhưng tôi chịu trách nhiệm. Các anh cứ yên tâm. Phong - bác sỹ chuyên khoa thần kinh ở bệnh viện thuyết phục mọi người đưa ông Bình về nhà mình điều trị. Khám cho ông, Phong xác định ông bị rối loạn thần kinh, rối loạn tăng động giảm, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm, nếu để lâu hoặc điều trị cùng với bệnh nhân thần kinh nặng thì rất nguy hiểm.

- Anh quen biết ông ta à, người nhà sao? Các bác sỹ hỏi anh?

- Không, tôi không hề quen ông ta, thậm chí chưa một lần gặp mặt, nhưng nếu đưa vào bệnh viện tâm thần tôi thấy áy náy bởi bệnh ông ta chỉ cần yên tĩnh, ăn uống, sinh hoạt điều độ là được.

Ông Bình đồng ý về nhà điều trị ngoại trú. Ông định nói lời cảm ơn bác sỹ nhưng lại thôi, đầu óc ông cứ mông lung cái nọ xọ cái kia. Phong dọn cho ông một căn phòng sạch sẽ, thoáng đãng ở tầng một, gần chỗ tập thể dục và vườn hoa để ông tiện dã ngoại, tâm thần thư thả, thoải mái. 

Ông Bình điều trị bệnh tại nhà bác sỹ Phong đã hơn một tháng. Ông thấy sức khỏe mình đã hồi phục, đầu óc minh mẫn, tinh thần sảng khoái và bắt đầu nhớ nhà, nhớ quê. Nhiều lần ông trình bày với bác sỹ nguyện vọng muốn được trở về. Phong động viên ông ở lại điều trị cho lành hẳn.

Một hôm Phong hỏi ông:

- Bác đã khỏe hẳn chưa? Giờ chắc nóng ruột ở quê nhỉ?

- Tôi khỏe như vâm rồi bác sĩ ạ; nay chuẩn bị vào mùa gặt, đúng như bác sĩ nói, tôi muốn về để giúp đỡ bà nó chút - ông Bình vui vẻ nói liền một mạch.

- Thế thì sáng mai hai bác cháu cùng về nhé, cháu có chuyến đi công tác ở Vinh. Phong hồn hậu bảo ông.

Ngồi trên xe, ông Bình say sưa kể cho Phong nghe về quê ông. Đó là miền quê yên bình dọc triền sông Lam xinh đẹp và núi Hồng Lĩnh trầm mặc, uy nghi. Trưởng thành từ cán bộ Tuyên giáo nên ông Bình vẽ và trải ra trước mắt Phong một bức tranh tuyệt đẹp và vô cùng hấp dẫn về vùng đất nổi tiếng thơ mộng núi Hồng sông Lam. Phong ít khi được dã ngoại về các vùng nông thôn; cuộc sống của anh từ nhỏ gắn với thành phố và thường xuyên bận rộn với công việc y đức, nên nghe ông Bình kể anh lại càng khát khao được thấy, được ngắm cảnh và ru mình trong khung cảnh xinh đẹp êm đềm ấy. Anh nhận lời mời về nhà ông Bình.

*

Ráng vàng còn treo trên sườn núi, ông Lâm đã lùa đàn dê vào chuồng. Đã lâu không thấy bọn trẻ đến chơi, ông thấy nhơ nhớ. Chắc tại từ hôm bị rắn cắn, bọn trẻ sợ không dám vào vườn. Bỗng, một tiếng huỵch… và ông nghe có tiếng người ngã. Nhanh như sóc, ông vớ chiếc đòn tre lao ra.

- Chú là ai? Sao lại vào rừng giờ này? Nhà chú ở đâu? Ông Lâm chợt hỏi.

- Vâng, cháu là khách của bác Bình dưới xóm. Bác có biết bác Bình không ạ ?

- Có chứ . Ừ… Ông Bình xóm dưới - Ông trấn tĩnh và hỏi - Nhà tôi đây, trời tối rồi, chú vào nghỉ, vừa hay tôi vừa thổi cơm. Mời chú ăn cùng  tí tôi dẫn về.

Phong bước theo ông vào nhà. Phong vẫn chưa hết đau. Anh mở túi thuốc lấy dầu xoa bóp hai cánh tay, vai, gáy, hai chân…Ông Lâm đang chú ý từng điệu bộ, cử chỉ của Phong. Ngay phút đầu tiên, bắt gặp ánh mắt của chàng thanh niên này, ông như bị hút mất hồn. Đôi mắt ấy sao mà ảm ảnh vậy! Ông nhìn Phong và dừng lại ở ngón chân cái của bàn chân bên trái rồi thoáng rùng mình. Đúng rồi… nó bị chẻ làm đôi…đó là ngón chân dị tật bẩm sinh của thằng Phương - con trai ông. Sao nó lại có thể gắn vào cơ thể chàng trai này mới được cơ chứ? Ông mím miệng lại khỏi bật ra tiếng kêu, rồi há hốc miệng ra, méo xệch nhìn chằm chằm vào ngón chân dị tật. Trong đầu ông hiện lên bàn chân, khuôn mặt rồi cơ thể con trai ông. Ông so sánh gương mặt hai người thấy cái gì đó cứ lộn xộn trong tâm trí. Ông nghĩ vậy… nhưng lại hoài nghi; lại so sánh…lại hoài nghi! Nhưng rốt cuộc trong con người ông chưa bao giờ có cảm giác lạ, vui sướng như lúc này.

- Chú Phong năm nay bao nhiêu tuổi?

- Dạ, cháu 27 tuổi ạ! - Phong vui vẻ trả lời.

Ông Lâm im lặng. Thôi đúng rồi, thằng Phương nhà mình đến tháng 6 này cũng vừa tròn 27. Ông cúi gằm mặt xuống, lẩm bẩm; rồi đặt bát xuống, xòe 2 bàn tay, miệng lẩm bẩm như tính toán điều gì.

Phong không hiểu gì, thấy cử chỉ của ông Lâm bỗng nhiên như người mất hồn, anh khẽ khàng:

- Bác ăn cơm đi ạ, cháu vui lắm; đây là bữa cơm đầu tiên cháu được ăn ở rừng đấy ạ !

Ông Lâm chợt tỉnh, ngẩng mặt lên, cười. Ông nhìn Phong lấp lánh trong đêm một cách kỳ lạ. Phong thấy lòng mình cũng trở nên ấm áp vô cùng.

Đêm ấy, ông nằm mãi không ngủ, ông Lâm kể cho Phong và mọi người nghe những biến động thăng trầm về cuộc đời của ông, về cơn bão số 8 và đặc biệt là sự mất tích Phương và sự kì lạ ở bàn chân Phong khiến anh cũng bối rối không kém.

Trăng đã nhô lên. Đêm nay là ngày 16 ta, trăng to, tròn và sáng vằng vặc. Đứng trên đồi nhìn xuống, làng mạc lúc ẩn, lúc hiện; con đường 18 vắt ngang như giải khăn voan lững lờ, nhấp nhô như sóng lượn. Xa xa là sông Lam hiền hòa, nhẫn nại ôm lấy xóm làng trù phú. Ánh trăng đổ tràn trên dãy núi, rừng thông Hồng Lĩnh vi vu khúc ca vừa hồi xuân sau cơn đau giặc lửa vừa qua. Phong không thể nào ngủ được, tất cả như cuốn phim quay lại trong đầu anh. Nó diễn ra nhanh quá, Phong mơ hồ cảm giác giống như câu chuyện cổ tích. Anh ngồi dậy, bước ra sân và leo lên đồi. Ánh trăng đón anh ở tảng đá cạnh những cây thông to lớn. Rừng vốn dĩ yên ả, trầm mặc về đêm lại càng lặng lẽ, thâm u. Trăng khuya vằng vặc đổ xuống đồi, ánh trăng trong vắt soi rõ từng rặng cây, hốc đá. Bên kia dốc đồi bỗng nhiên có tiếng mang tác gõ vào trong màn sương huyền ảo. Bên tai Phong vẫn còn văng vẳng tiếng khóc hạnh phúc của bà Lâm, lời kể về cơn bão số 8, sự mất tích của cậu bé và sự xuất hiện một cách kỳ lạ của mình. Tất cả là sự thật chăng?. Hay là sự sắp đặt của Chúa, của số phận. Sự trùng hợp một cách ngẫu nhiên trong cuộc sống thật thú vị. Hạnh phúc có gì xa xôi đâu… Phong cứ nghĩ lung tung, trong đầu anh thật lộn xộn không tài nào sắp xếp được. Từ trước tới giờ, anh cũng chưa hề nghe mẹ kể về cội gốc họ hàng, chỉ biết rằng bố anh làm nghề sông nước bị triều cường cuốn chết trong một cơn bão. Đôi khi anh gợi hỏi, thấy mẹ buồn lại thôi. Câu chuyện hôm qua diễn ra như một giấc mơ. Có đúng anh là con của ông bà Lâm hay không?. Có phải đây là nơi chôn rau cắt rốn của anh hay không?. Chao ôi, anh đã ao ước sự thật này mấy chục năm rồi! Anh đã có quê hương, dòng dõi, tổ tông?. Nếu đúng vậy thì ông Trời đã ban cho anh điều hạnh phúc kỳ diệu nhất.

- Chào bà, đây là nhà ông Lâm phải không ạ?

Tiếng chào rất to từ ngoài cổng làm ông Lâm giật mình. Một người đàn ông cao lớn, đội mũ phớt nhanh nhẹn bước vào.

- Ơ…ai đây, anh Bình hả?. Tôi không nhầm chứ!

- Trời ơi, thầy Lâm!. Nghe cháu Huy nói tôi tưởng Lâm nào té ra lại là thầy. Ơ sao lại có cả bác sĩ Phong ở đây. Huy ơi, Huy đâu rồi con?

- Chuyện là thế này thầy Lâm ạ ! Ông Bình xởi lởi - Tôi nghe cháu Huy kể hai lần cháu gặp nạn nhờ ông cứu nên thoát chết. Sáng hôm nay gia đình có chút lễ mọn đến tạ và cảm ơn thầy.

- Chuyện cứu cháu là phải thế, có gì mà phải ơn với huệ. Tôi cũng không ngờ cháu Huy là con ông - Mặc dù biết Phong là khách của ông Bình nhưng ông Lâm cũng giới thiệu như là thủ tục xã giao vậy - Anh Phong, đây là ông Bình chủ tịch huyện ta đó.

- Ôi, chúng tôi là bạn của nhau rồi, bác sĩ  Phong là ân nhân của tôi đấy - Ông Bình nhìn Phong, ngạc nhiên - Tôi nghe cháu Huy bảo bác sĩ đi bạn chơi ít hôm nữa mới về, không ngờ lại là nhà ông đây?

- Dạ! Trái đất tròn ông ạ - Ông Lâm cười - Chuyện dài lắm anh Bình ạ, anh gắng giữ gìn sức khỏe sau này ta sẽ hàn huyên sau!

Năm giờ chiều xe đến bến Nước Ngầm. Ông bà Lâm, ông Bình và Phong bắt tắc-xi về nhà. Mẹ Phong đón mọi người ở cổng. Trong ánh điện nhập nhòa ông Lâm thấy bà quen quen, hình như mình đã gặp, không kìm được, ông Lâm nói to:

- Lan, có phải trò Lan không?

- Vâng - giọng mẹ Phong run run - Thầy ơi! Em là Lan bên xóm núi đây ạ. Ngày xưa nếu không có thầy thì em đã không thể đến trường.

- Ôi…

Ông Lâm chỉ nói được thế rồi nước mắt lưng tròng. Ông nhớ lại con bé Lan đen nhẻm năm nào đứng nơi bậu cửa vì không có tiền đi học. Hồi đó, tháng nào ông cũng bớt ít tiền lương của mình mua sách vở bút mực động viên nó theo học.

Chỉ chờ có thế, cả nhà ôm chầm nhau mà khóc. Đêm ấy, trong câu chuyện của bà Lan, quá khứ của Phong như được sáng rõ. Bà úp hai bàn tay vào mặt khóc nức nở.

- Khi thầy chuyển công tác nơi khác em cũng thôi học. Lấy chồng không được bao lâu thì anh ấy bị sóng cuốn khi chèo thuyền đi cứu người. Cháu Phong là do anh ấy cứu. Hồi đó cháu nó bị sang chấn dẫn đến mất ý thức. Mấy ngày không tìm được bố mẹ cháu nên mẹ con em đành bỏ làng ra đi.

Nói rồi hai người đàn bà cùng ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài. Ông Lâm cũng rút khăn tay ra lau nước mắt. Ngoài kia nắng đã vàng khắp sân…

           Hà Nội đầu tháng 8 - 2021

                                                                                                                    T.H.S

. . . . .
Loading the player...