05-05-2022 - 08:11

Truyện ngắn MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN của Nguyễn Thị Hương Liên

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5.2022 giới thiệu truyện ngắn "Mùa xuân đầu tiên" của tác giả Nguyễn Thị Hương Liên

NGUYỄN THỊ HƯƠNG LIÊN

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

                                                 Truyện ngắn

Cứ mỗi buổi sáng, khi gà mẹ chưa cõng con ra khỏi chuồng đã nghe tiếng bánh xe lăn lộc cộc trên đường cùng tiếng chuông loong coong trong trẻo.

Con hẻm nhỏ nghèo quen với âm thanh ấy đến mức nhiều người dù đã thức giấc nhưng vẫn nằm trong mùng chờ nghe tiếng xe đi qua mới dậy. Là vì nếu có dậy thì vẫn còn quá sớm.

Có người còn tự hỏi nếu một ngày nào đó, sáng sớm mai, không còn được nghe tiếng bánh xe gõ vào mặt đường nữa thì sẽ ra sao. Chắc là trống vắng lắm.

Thứ âm thanh thô mộc ấy trở thành chủ âm của cuộc sống nơi con hẻm nghèo đã gần bốn mươi năm nay. Người đàn ông từng ngày cứ mải mốt, lầm lũi đẩy chiếc xe tiến về phía trước, mặc bao nhiêu sức lực tuổi trẻ trôi tuột về phía sau. Rồi thời gian đã khiến chàng trai trung niên lực lưỡng năm nào nay đã là ông già gần tám mươi tuổi.

Bốn mươi năm, quãng thời gian đủ dài để vũng biến nên đồi, nương dâu trở thành biển cả và con người kiến tạo xong những điều lớn lao cho cuộc đời.Ví như trên quãng đường này, nhà cửa mọc lên như nấm, cái sau to đẹp hơn cái trước. Ô tô, xe máy chạy đầy đường. Con người phởn phơ với quần là áo lượt, với bộ mặt no đủ, căng bóng. Nhịp điệu cuộc sống cứ hừng hực, rậm rật trôi qua hối hả. Nhưng hình như người đàn ông không hề quan tâm đến điều đó. Bằng cớ là hàng ngày, ông cứ thong thả, chậm rãi đi theo sau chiếc xe, xuôi ngược phố phường, để bán kem và bánh mì, nét mặt luôn ánh lên niềm vui kì lạ. Mặc ngày nắng cũng như ngày mưa, con hẻm chưa bao giờ thấy ông ngơi nghỉ.

Có điều, hành trình của ông bây giờ vất vả lắm. Thời trẻ, thùng kem đầy hơn, quãng đường đi được dài hơn, đồng tiền thu về cũng nhiều hơn. Giờ thì cả xe và người đều cũ kỹ như nhau. Lưng còng gối mỏi. Mỗi ngày ông chỉ kiếm được trăm ngàn. Ông đưa cho bà năm mươi ngàn để lo chợ búa cơm nước, hai mươi ngàn để bà mua thuốc chữa bệnh, còn ba mươi ngàn giành tích cốc phòng cơ. Được vậy là ông vui vì ông thấy mình vẫn thực hiện đúng lời hứa với bà: anh sẽ bao bọc, chở che, nuôi dưỡng em suốt đời.

*

Hôm nay, phải chiều muộn ông mới về đến nhà. Hàng bán hết sớm nhưng vì hai đầu gối đau nhức khiến ông lê từng bước nặng nhọc. Mồ hôi vã ra, hơi thở phập phù, nhiều lúc tưởng như có tiếng trống trò đánh trong tai. Vậy nhưng, đặt chiếc xe xuống đầu ngõ, ông vội kéo vạt áo lau mồ hôi, lấy lại tư thế rồi bước những bước mạnh mẽ, dứt khoát lên bậc thềm, cốt để bà thấy ông vẫn vô cùng khỏe mạnh. Thế mà cái đầu gối lại không hiểu ý nên nhói lên nhức nhối khiến ông thoáng nhăn mặt. Ông vội cất tiếng vui vẻ:

- Em chưa nghỉ trưa sao?

Bà không trả lời ông mà hỏi lại:

- Hôm nay anh về muộn là tại cái chân già phải không?

Ông cười:

- Cái chân có sao đâu, khỏe re mà. Tại hôm nay anh gặp người quen nói chuyện tào lao vui quá nên về trễ.

Bà trao ông cốc nước mát, nhỏ nhẹ:

- Anh uống nước, nghỉ một chút cho khỏe rồi ăn cơm. Để em hâm lại bát canh chua.

Ông khoan khoái nhấp từng ngụm nước mát rượi, nghĩ thầm bà đã không phát hiện ra cái chân đau.

Từ trong bếp, bà vừa dọn cơm vừa nghĩ:

- Khổ thân, anh ấy giấu mình, nhịn đau, cố làm ra vẻ bình thường nhưng làm sao qua khỏi mắt mình.

Cơm nước xong, bà dứt khoát bắt ông lên giường nằm để bà bóp chân. Ban đầu ông loanh quanh từ chối. Nhưng rồi trước lý lẽ của bà, ông đành chấp hành mệnh lệnh. Ông nằm yên, nhắm nghiền hai mắt tưởng như đang ngủ rất sâu nhưng kì thực là không hề ngủ. Bà xoa dầu vào hai đầu gối ông rồi lẩm bẩm một mình:

- Chà, hết đát rồi, đòi tra mỡ nhớt đây mà.

Mùi dầu sực lên, hai đầu gối của ông nóng dần rồi dễ chịu hẳn. Ông nằm nghe cái cách bà xoa bóp mà như vuốt ve, chiều chuộng, nâng niu đôi chân của ông, bỗng thấy lòng mình êm dịu vô cùng. Cuộc đời ông có bà phải chăng là định mệnh, như cá thuộc về nước, những ngôi sao là của bầu trời?

Tự dưng, bà lại lẩm bẩm:

- Cũng may nó không mòn, nếu không thì chân anh đã mòn lên tận cổ mất rồi.

Ông suýt phì cười, ti hí mắt nhìn bà. Vẫn là cô bé của ngày xưa không sai một ly nào.

Cái “ngày xưa” ấy cách nay một khoảng thời gian bằng cả đời người, lúc bà là cô bé gần đôi mươi còn ông là chàng trai hơn bà mười tuổi. Cô bé rửa bát thuê cho một quán ăn nhỏ bên ga tàu. Chàng trai khỏe mạnh vạm vỡ là công nhân hỏa xa, khách ruột của quán.

Bà ngồi lặng lẽ lần cục xương trồi lên trên đầu gối ông, day đi day lại giống kiểu để nó ngấm dầu, nói như tự sự:

- Giá hồi ấy mình đừng gặp nhau, anh đâu có khổ thế này. Anh cưỡi tàu hỏa, cuộc đời vi vu khắp chốn cùng nơi, chứ đâu phải đi bộ hàng ngày để kiếm sống như vầy.

Ông lại hé mắt nhìn bà:

- Cứ mỗi lần thấy anh đau một chút là em hay tự sự kiểu ấy. Người trông  thế mà đa nghi như Tào Tháo, dám nghĩ xấu, cho rằng anh đã có vợ con ở quê nhà, còn giở thói trăng hoa lừa lọc. Cuối cùng thì anh cũng chứng minh được sự trong sáng và tấm lòng thành của mình. Em là cô bé mồ côi. Và anh chỉ còn mẹ. Chúng mình thành vợ chồng mà không hề có đám cưới. Không lời chúc phúc của anh em bầu bạn. Hai đứa nắm chặt tay nhau suốt dọc đường về nhà. Nhưng mẹ anh đã không chấp nhận em.

Bàn tay bà xoa xoa lên vết sẹo ở bắp chân, ký ức ùa về:

- Vết sẹo này là do trận cuồng nộ của mẹ. Khi anh dắt em bước vào cửa, hai đứa chưa kịp chào hỏi thì cái bát trên tay bà bay tới. Anh xoay người che đỡ cho em. Mảnh vỡ găm vào chân, thành sẹo tận bây giờ.

Ông khép mắt lại:

- Thương em quá. Nhưng anh cũng rất kính yêu mẹ. Mẹ chỉ có một mình anh. Lúc ấy, anh thấy mình giống con thuyền giữa hai xoáy nước, mà xoáy nào cũng hun hút. Để vẹn tình vẹn hiếu, anh dắt em lên vùng kinh tế mới. Cứ ngỡ làm thế sẽ mang lại hạnh phúc cho cả ba người. Ai dè đó lại là quyết định sai lầm lớn nhất của đời anh.

Tay bà lần xuống bàn chân ông. Đôi chân trần mỗi ngày đi bộ hàng chục ki lô mét ngót nửa thế kỷ nay. Cứ chắp nối những bước chân chắc đã được một vòng trái đất. Bàn chân bạc phếch, xám mốc vì ngấm sương mai và bốc mùi khét nắng. Đôi bàn chân cõng trên mình nó là cuộc đời không chỉ riêng ông mà còn cả của bà. Bà bôi dầu rồi nắn nắn những ngón chân gầy guộc, chai sần một cách trìu mến.

Ánh mắt bà dừng lại nơi ngón chân cái, rưng rưng. Bà xòe bàn tay, ấp lên ngón cái không móng, thấy lòng mình thổn thức:

- Nhớ những lần cuốc đất khai hoang. Chúng mình là dân thành phố chỉ quen cày đường nhựa, giờ cầm cuốc đã thấy khó huống chi là sử dụng nó. Anh tươi cười bảo em chịu khó học, rồi sẽ quen thôi. Thiên hạ làm được thì mình làm được. Anh làm ùi ụi. Để quen việc, mình tốn mồ hôi công sức hơn người khác. Và do lóng ngóng vụng về mà anh đã cuốc vào chân, khiến móng cái bay mất tích tìm mãi không thấy.

Ông nghe giọng bà đầy nước mắt, lại cảm nhận được hơi ấm truyền qua cái ngón chân mất móng, chạy dọc thân mình, làm nóng ran cả lồng ngực:

- Chắc em cố tình quên. Sau đó em bị rắn cắn. Anh bươn rừng tìm thầy thuốc suốt đêm. Tâm trí lúc ấy chỉ nghĩ tới một điều duy nhất là cầu mong cho em được bình an. Đường rừng, tối mịt không đèn đóm. Anh ngã dấp ngã dúi không biết bao nhiêu lần. Cái móng chân đau vấp đi vấp lại làm bông băng cũng bay đâu mất. May mà cứu được em. Anh mừng quá trời.

Bà buông ngón chân cái bùi ngùi:

- Cái ngón chân đã không thể mọc lại móng. Nếu thiếu đôi bàn chân này, chắc gì em còn sống được đến hôm nay. Anh đã bao bọc, che chở em suốt cả cuộc đời.

Ông lại he hé mắt nhìn trộm bà:

- Em tính công cho anh nữa rồi. Vì sai lầm lớn nhất là anh đưa em lên vùng kinh tế nên em mới phải khổ. Điều này cứ dằn vặt anh suốt mấy chục năm qua.

Bà như đoán được ông sẽ nghĩ vậy nên xoa xoa, vuốt vuốt bàn chân ông như muốn khỏa lấp quá khứ.

Nhưng trong lòng ông vẫn trào dâng bao nỗi niềm:

- Nhớ những ngày ở vùng kinh tế mới. Ăn uống kham khổ. Rừng thiêng nước độc. Đến đàn ông lực lưỡng như voi còn đổ nữa là. Em nhuốm sốt rét. Những cơn sốt rét rừng làm tóc tai em rụng dần, môi thâm lại.

Bà lật hai bàn chân ông, lấy ngón tay dò dò như tìm kiếm, đó là vết sẹo mờ ở gan bàn chân:

- Đây rồi. Đây là dấu vết của cái lần anh ốm do chối nước, tưởng không qua khỏi. May nhờ có ông người Thượng tốt bụng. Ông ấy bôi thứ gì đó vào gan bàn chân, châm lửa rồi lấy cái chén úp lên. Thế mà anh tỉnh lại.

Ông suýt bật lên thành tiếng:

- Em còn sống, làm sao anh chết được. Nhưng đó vẫn chưa phải là chuyện quan trọng. Đau đớn nhất là những lần em mang thai. Hạnh phúc tưởng như đã đến rất gần nhưng cuối cùng cũng tuột mất. Sốt rét rừng đã cướp của chúng ta những đứa con, cướp luôn của em cả quyền làm mẹ. Thú thật đây mới là điều kinh khủng nhất cuộc đời anh. Nhiều lúc anh thấy mình giống kẻ gây tội ác.

Bà vỗ nhè nhẹ vào chân ông như ru rín:

- Trời đã không cho chúng mình những đứa con nhưng cho chúng mình luôn ở bên nhau. Anh và em lại trở về thành phố với hai bàn tay trắng như lúc ra đi. Và đôi bàn chân này đã bươn bả ngược xuôi kiếm sống.

Ông vẫn ngùi ngùi tâm trạng:

- Ở rừng về, đôi bàn chân em đã không còn đứng vững. Bao nhiêu sức lực bị đem vứt bỏ một cách vô ích. Nhưng em đừng lo nghĩ cho thêm phiền não. Đã có anh bao bọc, che chở, nuôi dưỡng. Em quên rồi sao?

Bà bất giác mỉm cười.

*

Năm nay mùa xuân hình như đến sớm.

Trong căn phòng nhỏ hẹp, hai ông bà già ngồi bên nhau, tay trong tay, vẻ mặt tràn trề hạnh phúc. Họ ngắm nhìn mùa xuân rồi lại nhìn vào mắt nhau, ánh mắt đằm thắm, chan chứa yêu thương khiến mùa xuân cũng phải ghen tỵ.

Mùa xuân nhuộm thắm gương mặt hai người.

Bà lên tiếng:

- Tết này anh tròn bảy mươi chín tuổi, còn em cũng đã lên lão. Thời gian cứ như mây trôi nước chảy.

Ông gật đầu:

- Ừ nhỉ, thế mà anh cứ ngỡ đây là mùa xuân đầu tiên mình sống bên nhau.

Bà có vẻ mơ màng:

- Mùa xuân đầu tiên ấy...

Ông cướp lời bà, dí dỏm:

... chúng mình nắm tay nhau và cho đến giờ vẫn nắm tay nhau.

Bà bật cười:

- Chỉ thấy nắm tay. Sao mấy chục năm chung sống, chưa bao giờ anh nói yêu em?

Ông chậm rãi:

- Tính anh là vậy. Yêu em nhiều nhưng nói ra thấy kỳ cục quá. Mấy chục năm qua, anh luôn nhủ mình cố gắng để làm tròn lời hứa sẽ bao bọc, che chở, nuôi dưỡng em suốt đời. Vậy là yêu chớ sao?

Bà chan chứa niềm vui như trẻ nhỏ:

- Biết rồi, biết rồi. Vậy lúc này anh sợ nhất điều gì?

- Là sự cô đơn - ông đáp.

Bà suy tư:

- Làm người, ai mà chẳng phải chết, hơn nữa chúng mình đều già cả rồi.

Ông lại dí dỏm:

- Anh tính rồi. Chúng ta là cặp trời sinh. Nếu anh chết trước thì mình em cô đơn. Nếu em chết trước thì mình anh lẻ loi, sống sao nổi. Cho nên anh sẽ xin ông trời cho hai đứa mình cùng chết. Chúng ta sẽ sóng đôi nắm tay nhau đi ra nghĩa địa.

Cả hai cùng cười. Tiếng cười ròn ấm như hơi thở mùa xuân, y như ngày đầu họ gặp nhau. Gốc mai già trước ngõ cũng cựa mình, trong nắng sớm, bung nở những chùm hoa vàng rực.

Bà kéo tay ông:

- Anh nhìn kìa! Gốc mai ngày xưa chúng mình trồng giờ vẫn đầy hoa.

Ông mạnh mẽ:

- Ừ, em thấy không, những nụ mai bây giờ to hơn, sắc hoa vàng thắm hơn để mùa xuân luôn tươi mới. Nó cũng giống chúng mình. Mùa xuân nào cũng là mùa xuân đầu tiên phải không em?

Hai ông bà lặng yên bên nhau, tay nắm chặt tay. Trong mắt họ mùa xuân đang nhảy múa reo cười. Và trong tim họ, đang khe khẽ ngân lên bản tình ca mùa xuân tươi thắm.

Tiết Thanh Minh 2022.

                               N.T.H.L

Tình già ( Ảnh Réhah) 

. . . . .
Loading the player...