26-10-2022 - 06:54

Truyện ngắn DƯỚI BÓNG THÁP của Tác giả NGUYỄN THỊ KIM HÒA                        

Tạp chí Hồng Lĩnh số 194 tháng 10-2022 xin trân trọng giới thiệu Truyện ngắn DƯỚI BÓNG THÁP của Tác giả NGUYỄN THỊ KIM HÒA

 

NGUYỄN THỊ KIM HÒA

DƯỚI BÓNG THÁP    

                              Truyện ngắn

 

Đêm ta bị đem khỏi lòng tháp, trời đứng ngắc, không một cọng gió.

Bóng bò thần Nadin in lên vách gạch tháp cũng đứng. Đốm đỏ trên đầu nhang cháy dở trước ta đứng sựng theo, không thấy một nhấp nháy. Sợi khói nhang đang uốn éo theo đó vụt bị kéo thẳng. Ngọn khói trổ nhọn, bén ngót như một mũi dao dựng đứng, đâm lút lên.

Thằng trộm nhỏ con lúc xoay trở đưa đầu ta xuống bậc cấp, tay không biết bị thứ gì đâm, tóe máu.

- Ba đồ yêu đó! Không sao đâu. Nhanh!

Thằng lớn con giữ khúc mình ta ở bậc cấp dưới gằn giọng.

Tiếng nó đục. Ánh mắt cũng đục. Tròng mắt không phản chiếu chút ấm áp nào. Đáy mắt độc tuôn ra thứ ánh sáng lừ lừ, lạnh lẽo, báo ta biết nó là đứa cầm đầu.

Mình ta rơi một cú rõ đau xuống sân gạch.

Thình.

Đá chạm gạch cứng. Tiếng ta kêu lớn như thế. Sao người giữ tháp không nghe?

Lầm bầm chửi thề, thằng cầm đầu ra lệnh đứa đàn em đổi chỗ.

Chuẩn bị công kênh đầu ta lên, không hiểu nghĩ gì, bỗng dưng nó khựng lại. Chạy ngược lên tháp, nó chậm rãi kéo khép hai cánh cổng gỗ sơn đỏ. Nghề trộm nó hẳn lâu năm, nên mới học được tính cẩn thận, phòng hờ sớm bị phát hiện.

Không bỏ lỡ cơ hội, ta xin đôi cửa gỗ rên rít khóc thay ta âm thanh kèn kẹt thật to. Đêm lặng phắc. Không cả hơi gió. Con chó cụt đuôi tối nào cũng sủa um dưới chân tháp sao đêm nay tai điếc, miệng câm?

Thằng trộm đã quay lại. Bàn tay giữ đầu ta lạnh toát như mắt nó. Không ai cứu ta được nữa rồi. Hai lần ta kêu cứu đều rơi vào vô vọng.

Đêm tiếp tay thêm cho kẻ trộm, xui trời lắc rắc đổ mưa.

- Nhanh. Khiêng ra khu kut! *

Thằng cầm đầu ra lệnh.

Mưa theo tiếng những bước chân hối hả ngày một dày lên. Mưa nhanh nhảu thay chúng thu dọn dấu vết. Vệt đế dép in trên đất, dấu cuốc xắn xuống, vết đất bị đào lên rồi lấp lại. Mọi thứ mưa đều sẽ dọn sạch bong hết.

Cả tảng đất dậy mùi mưa quẳng xuống, rớt trúng mắt ta. Trước lúc mù lòa, ta còn kịp thấy thằng cầm đầu rê cuốc kéo tới đống xương rồng.

Mưa nhễu giữa mắt nó như đóng băng. Ta sợ đến không dám nhìn. Từ bao giờ con người lại có cặp mắt chết của những pho tượng?

Mưa nhét đất bít miệng ta, chèn đứt luôn hi vọng kêu cứu cuối cùng. Ta nghe được tiếng cuốc hùa tiếng mưa nện bằng mặt đất. Ta ngửi được mùi lũ xương rồng đang dàn ra, bày lớp ngụy trang. Thế là hết. Sau cơn mưa này, ai có thể biết dưới nền đất ẩm rục bình thường, dưới lúp xúp bụi xương rồng quen mặt, là ta – kẻ bất hạnh bị chôn. Ta chỉ là một tảng đá khốn khổ.

Lúc còn trong tháp, người ta gọi ta: Bà hoàng hậu.

*

Buổi sáng gần tàn, người giữ tháp mới lên.

Ta quen rồi tiếng chân ông. Một bước nặng, một bước nhẹ. Tập tễnh nối nhau. Nhưng dứt khoát. Lúc ở lòng tháp, mỗi ngày, tiếng chân ấy là âm thanh ta chờ đợi nhất.

Tiếng chân vang ngoài cửa, chắc chắn sẽ dắt theo âm reo rủng rẻng vui tai của xâu chìa khóa. Rồi đôi cánh cửa gỗ sơn đỏ nặng nề sẽ bật bung. Cả thế giới bên ngoài tức thì ùa vào. Tưới khắp người ta, tràn trụa còn hơn nước tắm tượng, sẽ là gió, ánh sáng, là trăm triệu tiếng động, mùi hương.

Làm thành hẳn một dòng chảy sáng rực, mạnh mẽ, chúng cuốn ta đi. Trôi khỏi bệ thờ, trôi qua cửa tháp, băng băng đổ về khoảng êm ái của kí ức.

Ta thấy lại ta. Tảng đá nhỏ vắt vẻo cưỡi trên chồng chồng núi đá.

Bầy dê kiếm ăn chán hay rủ nhau ra nằm cạnh ta, ngắm mây trôi. Có con dê đực lông trắng tuyền cứ thích cọ cọ vào ta cái sừng cong cụt ngủn. Đám dê non ưa trửng giỡn nằm chưa nóng chỗ đã vùng dậy đuổi nhau, té ạch đụi vào ta, huơ những bộ guốc non chưa quen leo trèo. Mụ dê cái gọi con về, quết cả lên ta mấy bầu vú dài, căng nhức, sữa tứa giọt giọt.

Gió phần phật múa quanh ta. Vũ điệu có mùi đất khô, mùi lá mục, mùi hoa trôm hôi hôi lẫn mùi sữa dê thơm nức.

Mùa trái trôm chín, rải khắp chân ta chi chít những hạt tròn, đen óng được gió lẩy ra khỏi lòng trái nứt khô giòn. Mưa mùa ấy mới chịu ghé đến. Đem theo hơi muối biển trộn cùng mùi hạt khô, mùi đất khát nước và cả mùi phân dê ủ rục.

Từ ngày vào tháp, quanh ta chỉ có mùi gạch.

Vua nói đó là mùi quá khứ. Quá khứ giăng khắp mặt Vua, khắp tám cánh tay, năm cái đầu trổ trên phù điêu. Quá khứ bám dày bệ yoni, phủ kín từng cột kèo gỗ. Mọi ngóc ngách trong lòng tháp đều có quá khứ đổ đặc tơ, làm tổ.

Mùa lễ lạt, lòng tháp có thêm mùi khói nhang.

“Đây có phải mùi tương lai?”

Vua trả lời ta bằng vẻ mặt chau, buồn rầu.

Vua kể lư hương trong tháp trước đây chỉ dùng để đốt trầm. Loại trầm miếng lấy từ thân cây dó vùng Kauthara. Thứ hương thiêng mỗi lần tỏa lại như thấy Mẹ Xứ Sở Po Inư Nưgar dạo gót ngọc khắp lòng tháp. Thấy từ mỗi bước Mẹ đi, đất đai, lúa gạo, cây rừng thấp thoáng ẩn hiện. Trầm dẫu hóa hết, tàn sạch trong lư, bóng dáng Mẹ vẫn phảng phất cùng mùi hương.

Ta chưa bao giờ được gặp Mẹ Xứ Sở. Mùi hương trầm từ lời Vua, chỉ chờn vờn quanh ta trong một giấc mơ.

Ta từng mơ về những tép vỏ cây khô liu riu tỏa khói trên một chén lửa. Quầng khói lạ lắm lại mang hình mặt Vua. Ta hít lấy hít để, nhưng chỉ nghe nồng nặc, quen thuộc đến tức thở. Mùi hương trầm mơ định tặng cho ta lần ấy, rốt cuộc, vẫn là mùi nhang. 20 mùa Katê ** trong lòng tháp, mùi nhang ám luôn vào giấc mơ ta.

Ta thèm được như Vua, có kí ức ngát hương trầm để át bớt hơi khói nhang cay xè, sặc sụa.

Ngày lễ lạt, Vua, bò thần Nadin, đám cột kèo, cả lòng tháp đều trốn vào mùi hương quá khứ, bỏ lại mình ta với nghi ngút, ngùn ngụt khói. Đã vậy, người giữ tháp còn chẳng hiểu ý, cứ hay lên thắp cho ta một nén nhang vào mỗi tối trăng tàn.

Đất phủ kín bưng. Bốn bề tối đen. Không hiểu sao ta vẫn nghe được mọi âm thanh trên mặt đất.

Nào tiếng xâu chìa khóa sững sờ rớt trước đôi cửa gỗ mất khóa, tiếng chân người giữ tháp thảng thốt bước gấp xuống bậc cấp gạch. Nào rầm rập những bước chân, xôn xao những giọng người đổ lên tháp ít lâu sau đó.

Trừ mấy ngày lễ, ta chưa nghe nhiều tiếng người vậy bao giờ. Cả tiếng bấm máy ảnh, tiếng máy quay phim, máy ghi âm, tiếng phím điện thoại lẫn tiếng ngòi bút đua nhau chạy.

Một giọng đàn ông trả lời phỏng vấn ngay trên ta. Âm thanh rốp rẻng hứa hẹn nghe chói tai. Cuối buổi, không biết người hỏi hay người được hỏi ném tặng mặt đất phía đầu ta mẩu thuốc lá hút dở. Mùi khói thuốc lách được qua kẽ đất, làm ta ngộp y chang khói nhang.

Ầm ào hết buổi sáng. Sang chiều, chuỗi ồn ã lần lượt thưa dần, mất hút.

Lúc con cuốc trong bụi ma dương bên hông tháp báo hiệu sụp tối, vọng vào tai ta chỉ còn tiếng lá khô lẹt quẹt lăn qua mặt gạch nào đó.

Gió đến rồi. Lũ trộm đêm nay liệu có đến không?

*

Có tiếng Saranai.

Tiếng kèn thình lình trỗi giữa đêm khiến ta choàng tỉnh. Mặt đất quanh ta chừng như lay động, rục rịch. Không phải chuyển động gây nên từ những nhát cuốc đào bới. Âm thanh này nhẹ hơn, nghe vui tai.

Mất cả đỗi, ta mới nhận ra những hạt đất xung quanh mình đang múa. Tiếng Saranai thổi không hay, chưa trọn điệu nhạc đã ngắc ngứ, đứt hơi bốn năm nhịp. Vậy mà cả lũ đất vẫn nương theo, lắc lư, rập rình.

Không có trống Ginăng, trống Baranưng hòa giọng cùng, tiếng Saranai càng lạc điệu. Ginăng là chân, Baranưng là bụng, mỗi Saranai chảy vào đêm chỉ như hồn người có mỗi khúc đầu lăn bừa lên tháp.

Ta không thích khói nhang mùa lễ lạt. Nhưng chỉ mỗi dịp lễ, mới được nghe trọn vẹn thứ âm thanh ta mê đắm.

Bắt đầu từ tít dưới chân đồi, dòng âm cuộn lên có hơi gió, hơi nước chảy. Nghe kĩ, lại như tiếng trăm chân dê đều đặn gõ mặt đá. Càng nghe, chuỗi âm lại càng lặn vào lòng. Bần thần. Náo nức. Cả người ta muốn rung theo chuỗi hai âm níu, một âm buông mê hoặc.

Lần đầu tiên, ta muốn như bầy dê, như con người, ta thèm có được đôi chân để nhảy múa.

Vua nói lễ rước y trang lúc nào cũng là quang cảnh đẹp nhất. Trong ánh mai, đoàn người lên tháp không màu áo ai giống ai. Tựa hồ có bàn tay thần linh kéo rút từ chân đồi lên sợi dây người rực rỡ, bện bằng trăm vạn sắc màu thế gian.

Ta chưa ra ngoài lòng tháp được như Vua. Nên đành háo hức uống tạm từng lời kể. Mã La, Kèn Bầu, Trống Da Trâu. Ta học thuộc tên từng nhạc cụ tạo chuỗi âm thanh xui ta biết ước mơ. Vua nói người Chăm nhờ người Raglai giữ hộ y trang. Nên tới ngày Katê mới có lễ rước trang phục, có âm nhạc Raglai theo đoàn người lên tháp.

Tiếng đàn Kanhi và lời hát tắm tượng từ ông Kadhar *** vang, trong ta vẫn bập bùng giọng nhạc Raglai. Không phải ta không thích tiếng Kanhi. Chỉ là, tiếng Kanhi hay khiến ta chạnh lòng. Vua, bò thần, đám cột kèo hay viên gạch tháp nào cũng có đầy quá khứ để tự tin đáp lời, hòa giọng cùng Kanhi. Ta thì không. Chung một lòng tháp nhưng có những vũng kí ức, những bề sâu ta mãi mãi làm kẻ đứng trên bờ. Dẫu cố gắng hết sức, biết có chạm được lớp nước mấp mé bề mặt. Âm vọng thiêng của Kanhi cũng giống như mùi trầm. Hiện hữu hay không hiện hữu, chúng đều bắt ta buồn nỗi buồn kẻ ngoài rìa.

Saranai, Baranưng và Ginăng không như thế.

Nhạc lễ còn réo rắt giữa lòng tháp, áo khăn chưa đội xong, ta đã nhấp nhổm mong điệu múa thiêng của bà bóng. Múa dứt, tức là lễ kết thúc. Là chuỗi nhạc Raglai đang bứt rứt trong ta được giải phóng.

Vù khỏi lòng tháp, dòng nhạc ùa ra hòa cùng nhạc điệu Chăm. Một chậm, một nhanh. Một trầm vang, một cao vút. Hai chuỗi nhạc xoắn nhau, rồi thần kì làm sao, chấp chới dìu hai bên ta, nâng hồn ta bay lên. Trên đôi cánh nhạc, phút đầu tiên trong cuộc đời tượng đá thờ, ta được bay.

Mỗi năm bốn mùa lễ, chỉ Katê cho ta chuyến bay trọn vẹn. Lượn vòng quanh tháp, say sưa ngắm cỏ cây, ngắm mặt người, ngắm được cả những bóng núi. Trong dãy bóng xa mờ ấy biết đâu chừng có ngọn núi đá ta sinh ra. Mấy cây trôm nơi đó biết có còn đội nắng đứng đủ mặt, hay kẻ đã bị cưa cụt ngọn, kẻ hóa than mất tích? Bầy dê xưa nữa, liệu có đứa nhớ ta, người bạn bị đào đi?

Ta chưa từng bay chỉ nhờ một âm độc tấu. Với giọng kèn tập tễnh, hụt hơi như tiếng Saranai dở tệ đang nghe lại càng không hy vọng.

Nhưng lạ quá. Sao cũng như những hạt đất quanh mình, rõ ràng ra đang run theo. Chùng chình. Lắc lư. Hồn ta múa rồi bỗng thoát xác đá, thoát ngục đất phủ xương rồng. Ta không tin nổi: Ta đang bay lên!

Ta muốn hét to vui sướng. Ta muốn vút hẳn trăm vòng quanh tháp mừng tự do. Muốn chui lại qua tường gạch, báo tin cho Vua, cho bò thần, cho cột kèo gỗ biết.

Tiếng Saranai bất ngờ kéo giật ta lại. Dòng âm lạc điệu, ngắc ngứ ghì lấy ta như van vỉ cầu xin. Saranai muốn gọi ta xuống đồi.

“Có gì dưới đó?”

Ta hỏi. Nhưng tiếng kèn chỉ nấc lên, như khóc. Ngay cả trong ngày Katê, ta cũng chưa bao giờ được bay khỏi đỉnh đồi. Thế giới dưới bóng tháp, đến tận đêm này mới mở cửa cho ta, với linh tính không lành.

Ngần ngừ. Rồi không thể cưỡng lại tiếng kèn. Ta đành lướt xuống.

Sân nhà người giữ tháp rõ dần trong tầm mắt. Ra người thổi Saranai là ông. Ông học Saranai từ bao giờ? Ông thổi chi tiếng kèn lạc điệu trong đêm nay?

- Chú thổi hay đó!

Giọng khen đột ngột vang làm ta giật mình. Tức khắc quay tìm trong tù mù tối bên góc sân, ta bắt gặp một cặp mắt lạnh. Ánh mắt đục, độc thứ ánh sáng lừ lừ, rợn óc. Là thằng trộm. Thằng cầm đầu. Ngồi gãi tai con chó cụt đuôi, nó đang cười thân thiết với người giữ tháp.

Ông ta cũng là đồng bọn!

Một ý nghĩ lóe lên trong ta ghê rợn như ánh chớp. Chẳng trách mọi lời ta kêu cứu đêm qua đều trôi vào hư không. Ta thấy mình không còn hơi sức nữa. Chỉ muốn nằm bẹp luôn trong khoảng sân nửa tối nửa sáng. Người giữ tháp, người bảo vệ ta, người bạn ta tin tưởng… Sao lại đi tiếp tay chôn ta?

*

Ta đã luôn xem người giữ tháp như bạn. Vua, bò thần, cột kèo ta đều yêu quý. Nhưng họ thuộc về nhau, về khoảng quá khứ ta không với tới được. Chỉ ông, chia sẻ cùng ta kí ức 20 mùa Katê.

Ta nhớ ngày đầu gặp, ông vai đeo ba lô, tập tễnh theo sau đoàn người đưa ta lên tháp, mắt cứ nhìn ta đăm đắm. Lúc còn lại một mình, ông tiến đến thật gần, nửa ngơ ngác nửa kiếm tìm gì đó trên gương mặt ta, rồi miệng bật lẩm bẩm: “Giống... giống quá!”

Đến tận giờ ta vẫn chưa rõ mình giống ai. Người tạc tượng vô tình ban cho ta khóe miệng, hàng chân mày hay đôi mắt quen nào trong quá khứ ông. Ta cũng thôi tò mò. Vua nói ông là người lính trở về từ chiến trường K. Trong ông, hẳn cũng có những vũng quá khứ ta không chạm tới được và cả không nên chạm.

Trừ việc hay đốt nhang vào mỗi tối trăng tàn, ông được lòng hết cả tháp. Cách ông diệt lũ mối kĩ càng giúp đám cột kèo gỗ, tỉ mẩn lau tượng bò thần, hay cẩn thận lượm từng vụn gạch đổ, đều khiến tất cả cảm động. Vua vốn sẵn thiện cảm với những đoạn quá khứ có mùi chiến trận, cũng gật gù khi nhắc đến ông:

“Người này vẫn còn linh hồn đẹp của một chiến binh!”

Mỗi ta biết, quan tâm ông dành cho ta có phần hơn. Dạo ông nuôi dê dưới chân tháp, ta càng tin giữa ta và ông hẳn có một sợi liên kết bí ẩn. Nếu không, sao ông biết được dạo đó ta đang nhớ đến khắc khoải tiếng dê be vọng giữa các vách đá?

Ta vẫn nhớ như in trưa đấy. Buổi trưa ngột hầm ngó ra hai cửa gỗ khóa chặt như mọi ngày. Chợt văng vẳng vào tai ta giọng gọi nhau của những người bạn dê xưa. Lúc ấy, ta còn tưởng mình mơ.

Vua từng nói, ở lâu trong tháp, tượng đá sẽ mơ được. Những giấc mơ thật hơn cả hiện thực, mở ra hẳn một thế giới óng ánh, tuyệt mĩ mà hồn đá nào bước vào cũng đều không muốn quay lại.

Vua và bò thần đã đến được nơi huyền diệu đó. Ta cứ ngỡ mình sắp được theo họ.

Thằng nhỏ rượt con dê trắng chạy qua cửa tháp chợt mở báo ta biết tiếng dê là thật. Người giữ tháp đẩy nốt cánh cửa. Trong ô vuông không gian vàng rực rợp gió, ta thấy không chỉ mình con dê trắng. Còn cả lũ dê non năm bảy con lông đen tuyền, dáng bé choắt đang xúm nhau nhảy lẫng cẫng. Rồi một ả dê cái an nhàn nằm duỗi chân, phơi mấy bầu vú đầy căng, hẳn thơm nức sữa.

Trong phút chốc, thế giới quen thuộc, quê hương núi đá của ta hiện rõ mồn một ngoài cửa tháp. Không phải một giấc mơ.

Thằng nhỏ và bầy dê còn chạy tới chạy lui trong ô cửa tháp mở được vài lần nữa. Sau, nghe đâu có người báo cáo tụi nhỏ thả dê quấy rầy tôn nghiêm tháp. Những bước chạy rộn ràng mùi quê hương ta thế là mất hút.

Người giữ tháp cũng phải bán bầy dê ông nuôi. Dẫu vậy, chút quê hương ông cho ta nghe lại cũng đủ ấm lòng đến tận giờ.

Ta mang ơn. Ta kính trọng ông. Ta xem ông như người bạn lớn, người thấu hiểu ta, bảo vệ ta. Sao ông lại trở thành kẻ trộm?

Ta lại mơ. Một giấc mơ dữ.

Không óng ánh. Không thế giới huyền diệu nào như Vua nói hết.

Chỉ có cánh cổng tháp bằng đá (thay chỗ đôi cổng gỗ sơn đỏ ta quen) bị phá bung, đổ sụm. Tượng thần Shiva gắn trên vòm cửa rung rinh, lắc lư dữ dội rồi rớt xuống. Những nhát búa, dùi đục không biết từ đâu giáng lên mình thần. Thần vỡ tan. Chân, tay, gương mặt, nụ cười tan nát. Đá đen vãi đầy như máu đọng.

Có tiếng bò thần rống lên tuyệt vọng. Bò thần cái trắng đang bị lôi qua cửa tháp. Bò thần đực đen hóa điên không ngừng gào. Tiếng gào tức tưởi chỉ có cái bóng cô độc của chính thần trên vách gạch đáp lại.

Trên bệ yoni, Vua chảy nước mắt. Bệ đá nơi ta ngồi trống hoắc. Vua không chỉ khóc tiếng khóc mất hoàng hậu, mất bò thần. Vua khóc cho chính Vua. Cho mũ miện cũng đã sứt sẹo, cho thân mình lỗ chỗ vết thương dùi đục. Cho cả chuỗi nước mắt cũng bị đau đớn làm rúm lại, móp méo đến đáng thương.

“Họ đồn rằng trong tượng đá tháp có đồng đen...”

Tiếng thở dài cắt ngang cơn mơ dữ.

Lòng đất vẫn kín bưng. Xung quanh ta tối đen. Ai vừa gọi ta khỏi giấc mơ hãi hùng?

Lại thêm một tiếng thở dài. Trong bóng tối, những hạt đất chừng như đang rẽ qua, rồi lờ mờ phát sáng. Mắt ta thu được một cái bóng tròn rung rung gắn giữa phiến gạch vuông vức. Bỗng nhớ ra, ta đang bị chôn trong đất kut. Linh hồn trong hộp Klaong **** kia chắc vừa cứu ta khỏi mơ.

“Đừng cảm ơn ta. Giấc mơ đó không phải mơ đâu. Chúng là thật. Lòng tháp không muốn cất giữ những kí ức buồn, nên gởi hết chúng cho mặt đất bên ngoài. Chỉ cần ngươi ở trong đất, dù hồn người, cỏ cây hay đá tảng, ngày ngày ngươi sẽ  phải uống dòng kí ức đó. Ngươi sẽ đau. Nỗi đau còn thống khổ hơn lúc người ta đục đẽo người thành tượng…”

“Không. Ta không muốn! Ta không cần thêm nỗi đau nào nữa. Ta cũng không ở trong đất lâu đâu. Họ sẽ đưa ta lên.”

Ta hét với linh hồn trong Klaong.

Ta không muốn nó hù dọa thêm nữa. Dù rành rành một sự thật: Ra khỏi đất, biết ta níu giữ được hình hài này bao lâu trước búa, dùi bọn trộm  chực giáng xuống…

*

Rồi cũng đến lúc tiếng cuốc vang.

Đêm im bặt. Đêm sợ hãi rúc trốn. Vang khắp tháp, chỉ tiếng cuốc đào, âm thanh đưa ta khỏi đất độc diễn.

Vẫn hai thằng trộm cũ. Một nhỏ con, một cao lớn. Không thấy cái dáng đi tập tễnh ta ngỡ sẽ gặp. Ông không can đảm đối diện ta sao, bạn ta? Đến mức này ông còn không cho ta tỏ mặt. Hay định tiếp tục diễn vai người bạn tận tụy, trung thành?

Trăng tàn. Không dưng, lòng ta trở về phẳng lặng. Sợ hãi, phẫn nộ, chua chát, ngọn sóng nào cũng đã đánh đến đỉnh rồi. Giờ, trong ta chỉ một dòng thản nhiên trôi ngang, không gì có thể gợn.

Hai thằng trộm đêm nay không cần che mặt. Gương mặt, dáng hình chúng, ta cũng không muốn nhớ.

Có tiếng điện thoại rung.

Thằng cầm đầu ngưng bàn tay phủi đất cho ta, ngón trỏ đưa trước miệng ra hiệu im lặng.

- A lô... Anh ơi...

Một giọng nữ yếu ớt, mỏng dính vọng ra từ khối chữ nhật nó cầm.

- Sao rồi em? Đỡ hơn chưa? Ăn gì chưa?

Ngạc nhiên, ta nghe giọng thằng trộm luống cuống. Ngồi bệt luôn xuống đất, Bàn tay nó vô tình chạm lại ta. Lòng bàn tay bỗng ướt nhẹp.

- Bác sĩ có hỏi, nói mai anh đem tiền vô nhen. Anh sắp mượn được tiền rồi.

- Anh...em có mệnh hệ gì. Anh lo hai đứa nhỏ dùm em… Anh nhen...

- Bậy!

Thằng trộm nạt lớn. Ta cũng đâm giật mình.

- Em sẽ không sao hết. Có tiền rồi. Yên tâm. Anh sẽ đưa em vô thành phố. Anh sẽ cho thận. Giờ anh trai cho em gái dễ òm. Em sẽ không sao hết. Biết chưa!

- Tiền đâu ra… Bầy dê anh cũng bán rồi còn gì…

- Đã nói anh mượn. Con nhỏ này! Anh lo được. Ngủ đi. Không nghĩ bậy bạ tùm lum nữa. Con mày, mày tự khỏe về mà nuôi. Anh mày còn chưa lấy vợ, ở đó đòi gởi con. Không lo khỏe, tao cho hai đứa nghỉ học, đi chăn dê mướn hết!

Điện thoại tắt bụp.

Thằng trộm thở hắt ra, nhắm mắt. Nó tựa cả vào người ta tự bao giờ?

- Anh nói chi gắt. Lỡ em ấy buồn thêm…

Đứa đàn em lên tiếng. Ta suýt quên mất nó vẫn đứng bên cạnh.

Nhịp thở đứa đang tựa ta đã bớt gấp. Cơn đau thắt ngang ngực vừa bùng dần giãn ra, dịu xuống. Từ lúc nào ta nghe được tiếng trái tim nó?

Vịn ta, nó đứng dậy, vẫn còn hơi loạng choạng. Dứt khoát hất mặt cho đứa đàn em, nó ra lệnh:

- Nhanh. Khiêng xuống. Còn giao trước trời sáng!

Thằng nhỏ con líu ríu làm theo.

Lại đứa đỡ đầu, đứa khiêng khúc mình. Lại công kênh ta lên, lắc lư ta theo nhịp bước chân vội. Thật lạ, lọt vào tai ta lần này, sao lại có thêm tiếng những bước chân càng lúc càng nặng nề, tiếng thở ai đó như kéo ra từ lá phổi già, mệt nhọc.

- Anh...Mình động vô Bà như dị ***** có sao không?

Trên bậc cấp đầu tiên xuống đồi, chợt giọng thằng nhỏ con lại cất lên, ngập ngừng.

- Tao cần em tao sống. Không phải mày nói mày thương nó?

Câu hỏi thằng cầm đầu găm vào đêm, xổ tuột cùng ta trôi xuống.

Định nhìn lại lần nữa vòm cửa tháp mất tượng Shiva, ngắm lần cuối dáng tháp gạch 20 mùa Katê gắn bó. Nhưng, mắt ta bỗng không đủ sức thu thêm hình ảnh nào. Đối diện ta, gương mặt thằng cầm đầu vừa vụt rõ, trong ánh chớp trời chợt nháng và trong cả thoáng chớp buồn của kí ức.

Ta đã không nhận ra nó. Thằng nhỏ từng đem bầy dê lên tháp!

Chính nó. Đứa đem dáng hình quê ta lấp đầy khoảng nhớ trong ta. Đứa có bước chạy nhẹ tênh và ánh mắt (ta nhớ lắm, lúc nó đứng nhìn ta từ ô cửa tháp mở) trong vắt, ấm sực như dệt bằng trăm sợi nắng.

Ra nó và ta, đời người và đời đá, ai buồn hơn?

*

Ta gặp người giữ tháp dưới chân đồi.

Tiếng nổ máy xe của thằng trộm chắc đánh thức ông.

Từ trong nhà, ta thấy ông xô cửa chạy ra. Vẫn một bước nặng, một bước nhẹ tập tễnh. Rồi cuống quýt vấp luôn bậc thềm, té ụp.

Phút chốc, ta nhận ra ta hiểu lầm ông. Con chó cụt đuôi hẳn ăn trúng thuốc mê đang ngủ lăn lóc, bỏ mặt chủ lồm cồm bò dậy.

- Đứng lại! Đứa nào? Chở gì đó? Lấy gì đó?

Chụp được cái lưỡi hái cắt cỏ, ông tiếp tục tấp tễnh chạy đuổi theo, kêu lớn.

Thằng trộm nhỏ con run tay lái. Chiếc xe xiêu vẹo trên mặt cát, lẩy bẩy, tắt máy.

Người giữ tháp và cây lưỡi hái đã vụt tới. Ánh thép trắng lóe trong đen đặc đêm rờn rợn. Thằng cầm đầu vẫn đứng vịn ta, mắt lạnh băng. Một tay nó vừa lén bật “tách” lên mũi dao bấm bén ngót, sáng rợn óc.

Không!

Ta thét muốn bể ngực đá. Đừng vì ta mà giết nhau. Bóng tháp vẫn đang nhìn kìa. Ta không muốn lòng tháp, lòng đất nơi này đựng thêm một kí ức có mùi máu, lại là máu những người quen.

Ám ảnh từ tham vọng, từ thống khổ con người tặng tháp và tặng nhau đủ đớn đau hết thảy rồi. Xin đừng gieo thêm nữa!

Phải chăng nghe được tiếng ta, hai người đàn ông một già, một trẻ đồng chững lại.

Người giữ tháp vẫn giơ lưỡi hái. Nhưng ánh mắt đổ từ mặt đứa trộm sang mặt ta cứng ngắc. Mắt đứa trộm, ngược lại, chỉ trừng trừng ngó ông. Hơi lạnh trong ánh nhìn loãng giữa cùng quẫn, tuyệt vọng lẫn vẻ khẩn cầu.

Ta nằm ngửa mặt trên yên xe, chắn giữa họ, đếm từng ánh mắt trôi qua.

Đột nhiên, ta nghe người giữ tháp thở dài. Tiếng thở sao mà giống linh hồn dưới lòng đất kut.

- Đi đi...

Ông hạ lưỡi hái, phẩy tay.

Mắt thằng cầm đầu thoáng loang ánh nước. Quay phắt đi, nó lầm lụi thay chỗ đứa đàn em, hì hục đạp lại máy xe. Rồi đứa lái, đứa vịn ta, tiếp tục chạy.

Vệt mắt người giữ tháp trôi qua ta. Bất lực. Hối lỗi. Xót xa. Ta đọc được tất cả. Cũng đủ cho một lời từ tạ ta, lời chào vĩnh biệt sau chót.

Khóe mắt ta xốn lên, cảnh vật nhòe dần. Hình như ta khóc. Nước mắt đá rớt cùng một tiếng sấm nổ giữa trời khô lạnh.

Sẽ thế nào nếu ngày mai thằng trộm biết ta không phải một pho tượng cổ, có giá trị. 20 năm trước, tượng hoàng hậu thật đã mất. Ta được tạc lại, đặt lên bệ đá, đóng vai bà.

Mưa lại sầm sập tuôn xuống giữa đêm mùa hạn.

Dưới mưa, chợt ước phải chi trong lòng ta thực sự có đồng đen...

      Panrang, 29/9/21

                                N.T.K.H

_____________

* Kut: khu mộ của người Chăm Bàlamôn

** Katê: lễ hội lớn của người Chăm Bàlamôn, ngày nay chỉ còn tổ chức ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận.

*** Kadhar: chức sắc tín ngưỡng dân gian quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm, chuyên kéo đàn Kanhi và hát thánh lễ.

**** Hộp Klaong: hộp đựng hài cốt ( 9 mảnh xương trán của người mất sau lễ thiêu).

***** như dị: như vậy (tiếng địa phương)

Dưới bóng tháp (ảnh nguồn ITN)

. . . . .
Loading the player...