18-10-2021 - 14:01

Truyện ngắn CHUYẾN TÀU QUA THÀNH PHỐ của Nguyễn Thị Mai Phương

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu truyện ngắn CHUYẾN TÀU QUA THÀNH PHỐ của tác giả Nguyễn Thị Mai Phương

NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG

CHUYẾN TÀU QUA THÀNH PHỐ

                                   Truyện ngắn

Nhạn ngồi bó gối ngáp vặt. Mấy sợi tóc xõa xuống khe ngực nhồn nhột, hai mắt díp lại. Trong thâm tâm Nhạn chỉ muốn nhanh nhanh lên một chuyến tàu đi bất cứ đâu để xóa đi những thứ làm Nhạn quá ư mệt mỏi. Lần này Nhạn sẽ đi tìm Phức. Thời gian đủ để Nhạn nhận ra mình cần Phức cho cuộc đời. Và chắc chắn, Phức cũng đang nhớ Nhạn trên một chuyến tàu nào đấy.

Chiếc xe cà tàng lúc lúc lại chồm lên xóc lộn ruột. Dù thế cũng còn hơn phải ngồi xe trâu, xe ngựa từ cái làng heo hút này. Xe tải chuyên chở gà vịt của người anh họ giờ bỗng là phương tiện xa xỉ cho Nhạn ra thành phố.

“Ngồi cho tử tế lên mà ngủ” – người anh họ nhòm sang ghế bên gằn giọng. Anh còn lạ gì cô em họ quanh năm tha phương, lang bạt, chỉ về qua nhà chốc lát lại té đi. “Anh có đi qua ga tàu thì cho em qua đấy”. “Ga nào?”. “Ga nào cũng được, miễn là lên tàu đi được”. “Mày lại đi à? Ở nhà nó chết hay sao mà đi ghê thế? Chồng con không lấy, tiền cũng chẳng thấy có, mày có thương mẹ mày không?”. Thay bằng câu trả lời, Nhạn thở dài đánh thượt một cái rồi nói buồn bã: “Anh thì biết gì về em? Anh giỏi thì chăm vợ con anh tốt vào, chị ấy hậu sản ốm yếu. Anh chỉ tham tiền thôi à?”. Người anh họ im bặt. Trong ca bin xe chỉ còn những tiếng thở đều đều. Ngoài cửa kính, trời đã nhá nhem tối. Người anh họ nhấc chiếc vỏ chăn cũ trong ngăn kéo chèn vào chỗ cái cổ của Nhạn đang ngật ngưỡng.

Ở làng, chẳng ai biết Nhạn làm gì cụ thể. Ngày trước Nhạn xinh đẹp tươi vui, nhưng hồi này sao già đi, thiếu sức sống. Khối người tò mò, hay con bé đi làm gái chứ quái gì. Đám thanh niên vẫn rủ Nhạn ra cầu ao ngồi hút thuốc vặt và tán phét đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Thi thoảng có thằng quàng tay, bá cổ hay nhìn trộm khuôn ngực thấp thoáng của Nhạn cười ma mãnh. Nhạn gạt phắt cái tay đó xuống rồi lầm bầm, mấy ông tưởng con nhà người ta là rác à, có ngày chết mất ngáp. Bọn nó cười lấp liếm và kết thúc cuộc vui bằng ván tá lả.

Làng Nhạn giờ thay đổi chóng mặt. Bãi dâu ven sông thành cái cảng lớn bán cát sỏi. Thuyền máy sục sạo suốt ngày đêm. Quán xá mọc lên, làng giống như cái phố tạm. Mấy đứa học cùng Nhạn giờ đã thành mẹ sề nheo nhóc, tối ngày đi cào cát thuê. Nhạn ngồi trước gương, nhìn cái mặt ủ ê vẫn còn thấy tự hào chán, dù sao Nhạn chẳng bị lệ thuộc chồng con. Nói thế, Nhạn cũng khao khát có một người đàn ông chìa vai ra gánh đỡ cùng mẹ con Nhạn, muốn bế ẵm một đứa con. Từ nhỏ sống bên mẹ, trong nhà chưa hề có đàn ông, ngoại trừ cái ảnh bố Nhạn trên tường. Mẹ bảo bố hy sinh ở một trận đánh giặc trên biên giới, ngay trong mùa xuân Nhạn ra đời. Nhạn lớn lên cùng những lời ru buồn thăm thẳm của mẹ và lời dặn “phải ngăn mẹ lấy chồng” của bà nội.

Đêm đêm, Nhạn hé mắt nhìn, thấy mẹ thắp đèn, ngồi quay mặt vào tường, chải tóc thì thầm với cái bóng mình. “Mình không biết có sống được không…”. Nhạn giả vờ ngủ. Tiếng mẹ nấc lên rồi tay mẹ dừng trên bầu ngực. Mẹ khóc. Lúc Nhạn học cấp 2, cũng có một hai người đàn ông đến nhà chơi, có tình cảm với mẹ. Nhớ lời bà, khách về, Nhạn níu chân mẹ khóc và nằng nặc nói “mẹ đừng đi lấy chồng, con không cho mẹ lấy chồng, mẹ ở với con cơ”... Mẹ ôm nó, nhìn xa xôi im lặng. Nhiều năm sau Nhạn mới biết mẹ thật thiệt thòi, vì thói ích kỷ của mình mà mẹ khổ hơn, khi ấy, Nhạn giục mẹ xem có ưng ông nào thì lấy làm chồng, mẹ lắc đầu.

Đã ba mươi năm còn gì. Nhạn ba mươi tuổi, và mẹ đã 52. Học hết lớp 10, Nhạn nghỉ ra thành phố làm thuê. Hồi đầu Nhạn làm nhân viên cho một quán cà phê, vừa bán được hai hôm Nhạn đã bị bốn năm gã say rượu trêu chọc, sàm sỡ rách cả áo. Nhạn khóc. Vợ chồng chủ quán dỗ dành sẽ cho Nhạn làm quán khác. Nhạn sợ cái nhìn chòng chọc của ông chủ mới, định rời đi thì gã chủ thủng thẳng nói, “anh mua đứt cô em rồi, đừng nghĩ chuyện đi chỗ khác”. Nhạn gặng hỏi mãi thì biết rằng chủ cũ đã bán Nhạn cho chủ mới lấy một món tiền. Bao nhiêu tiền thì Nhạn không biết. Đêm ấy Nhạn khóc và muốn về với mẹ. Mình mẹ ở nhà chắc cũng nhớ con. Mấy hôm sau Nhạn đánh liều kể với chủ quán về gia cảnh mình, mong chút lòng thương hại. Gã chủ quán lườm Nhạn, bảo tối nay đi với gã có việc. Ngồi sau xe gã, Nhạn vừa sợ, vừa run, chỉ chực nhảy xuống đường chạy trốn, nhưng không chắc thoát được, thành phố này đông thật, nhưng không ai để ý đến cô. Gã mời Nhạn uống trà chanh. Nhạn thiếp đi, tỉnh dậy, Nhạn thấy mình nằm giường trong khách sạn, phần dưới cơ thể ê buốt, ga giường loang lổ máu. Nhạn hốt hoảng rú lên. Gã chủ ngồi rít thuốc ở ghế bịt mồm Nhạn lại, gầm gừ, “coi như cô đổi lấy tự do, biết chưa, im thì sống, đây là tiền đi đường, hoặc làm gì tùy”. Đôi mắt sát thủ đóng cửa đi ra.

Chiều ấy, Nhạn thất thểu đi ra ga tàu. Nhạn đi bộ qua vườn cây, đến khu đường ray vắng. Nhạn sẽ chở đòan tàu đi qua để bước đến, một phút thôi là xong. Đời con gái của Nhạn vậy là hết. Con xin lỗi mẹ. Bố ơi, nếu bố còn sống, chắc con không bị như thế này... Nhạn bước đi trong ánh đèn lấp lóa. Tiếng tàu sầm sập đến, rồi vút một cái, có cái gì đó hất Nhạn đi, đau điếng. “Cô này điên à, muốn chết à”- người đàn ông vừa xô ngã Nhạn ra khỏi đường ray đang lồm cồm bò dậy và nói. Cái đèn pin bị văng một đoạn. Nhạn ôm lấy anh ta khóc nức nở. Người đó là Phức, một công nhân gác tàu. Phức đưa Nhạn về ở tạm phòng trọ của mình, ngồi cả đêm canh cho Nhạn ngủ. “Đẹp từng này mà ra thành phố làm gì cho khổ cơ chứ”- Phức rì rầm. “Dù cuộc sống  có khổ đau chừng nào, khó khăn và bất công ra sao thì cô phải tự đứng lên, vượt qua, tìm cách mà sống chứ. Sống được đã khó, nhưng sống như thế nào khó lắm”- Phức nói với Nhạn thế. Nhạn đồng ý sẽ không chết nữa. Từ đó mà hai người quen thân nhau, Phức xin cho Nhạn chân nấu cơm ở xí nghiệp giấy. Nhạn đã kể lại nỗi đau khổ của mình và từ chối lời tỏ tình của Phức. Phức ngồi im lặng chảy nước mắt và ôm Nhạn vào lòng. Nhạn không kể  thì Phức cũng biết điều đó ngay khi cứu Nhạn khỏi tử thần đêm ấy. Nhạn trốn Phức về quê.  

Một dạo, Nhạn đi trông mẹ nằm viện. Phức ngày nào cũng đến. Khuya ấy, Nhạn chứng kiến người chồng quỳ xuống dưới chân bác sĩ xin cứu lấy vợ mình, chị vợ bị đau bụng dữ dội khi đang mang thai. Bác sĩ khám rồi đưa giấy tờ cho người chồng và nói, “phải mổ gấp, đi nộp tiền đi”. Anh chồng cầu cứu Nhạn: “Chị ơi, đọc hộ em, em không biết chữ”. Chao ôi, vốn liếng chữ nghĩa của Nhạn cũng có ngày được dùng đến. Giấy cam đoan để phẫu thuật gấp, người vợ bị vỡ tử cung. Anh chồng lập cập khoanh một vòng tròn coi như là chữ ký vào dưới, chạy đi. Lúc sau quay lại, “chị ơi giúp em, chỉ cho em chỗ mua máu, vợ em phải tiếp máu mà bệnh viện hết rồi”. “Tôi sao mà biết được”. “Chị cố giúp em”.  Nói qua nói lại một hồi, Nhạn vụt nghĩ mình trẻ khỏe, cho chị ta ít máu cũng chẳng sao. Vậy là Nhạn đi cùng anh ta đến gặp bác sĩ. May thay, đúng nhóm máu đang cần. Nhạn đón cốc nước đường và cái bánh ngọt từ cô y tá rồi nằm nghỉ. Người đàn ông quỳ bên cạnh: “đội ơn chị, chị ơi, không có chị, vợ em chết rồi. Em biết ơn chị lắm, mai bán được lợn, người nhà em xuống em gửi tiền cho chị”. “Tôi không lấy tiền, tôi giúp anh”. Nhạn nói thế rồi ngủ lúc nào không rõ. Lúc tỉnh dậy, thấy nằm cạnh mẹ. Mẹ bảo có một chị bế Nhạn xuống, mua cho mẹ một bọc thức ăn, hoa quả đây này. Nhạn nhìn thấy cái phong bì có hai trăm nghìn. Thì ra, họ cảm ơn Nhạn. Thôi vậy cũng đủ mẹ con rau cháo mấy ngày ở đây. Nhạn thở dài rồi vụt lóe lên ý nghĩ điên rồ. Nhạn gia nhập đội quân bán máu cho bệnh viện. Nhạn không nghĩ rằng, mình đang rút cạn sinh lực thanh xuân để trang trải nuôi người ốm.

Mẹ ra viện, bảo Nhạn chở đến ga tàu ngắm cảnh. Lạ lùng. Suốt mấy chục năm hai mẹ con tắt lửa tối đèn có nhau nhưng hình như Nhạn không hiểu mẹ. Nhạn bảo, “mẹ ở với bố có hai tuần lễ, thì cũng nhanh quên chứ đâu mà nhớ mấy chục năm làm gì”. Mẹ kể, ngày bố nhập ngũ, mẹ ra ga tàu tiễn bố, không bao giờ quên, lúc bố lên tàu đã nhoài người ra ô cửa sổ hôn gió và vẫy mũ chào mẹ. Suốt bao năm mẹ vẫn mong một chuyến tàu nào đó mang bố trở về, đọc báo thấy có những trường hợp liệt sĩ trở về đó thôi... Mẹ đứng nhìn đoàn tàu ngược lên phía Bắc hồi lâu. Dường như bà hoàn toàn chìm đắm vào một thế giới khác. Mái tóc đã điểm bạc ánh lên trong nắng cuối ngày.

“Cho em xuống đây, ga kia rồi”- Nhạn nói với anh họ. “Được rồi, mày mà làm gì nhố nhăng chết với tao, thành phố này tao đầy người quen” - anh họ nói thế rồi mở cửa. Nhạn bĩu môi, nghĩ, “thế cơ, thế thì em đã kiện có kẻ đi tù rồi”. Nhạn chợt nhận ra, dù gì thì anh em họ mạc, người làng quê mình vẫn là tình nghĩa nhất. Từ lâu, Nhạn cũng nguôi quên đi chuyện cũ. Đôi mắt sát thủ nọ đã chết vì tai nạn, Phức đã điều tra ra thế. Phức không cho Nhạn đi bán máu mà tham gia câu lạc bộ hiến máu cứu người, thi thoảng ai cần thì giúp.

“Cô em đi đâu, anh chở” - người xe ôm sáp lại mời. “Đi tàu”. “Đi đâu, tôi tìm chuyến cho”. “Đi đâu cũng được”. Có người đi đến nói xen vào: “Cô gái kia, tàu này đi đến tương lai, sắp chạy rồi, mười phút nữa thôi, nhưng cô không được lên tàu, cô ủ ê mệt mỏi, mất niềm tin vào cuộc sống thế kia, tự ti không tin vào bản thân mình thì sao mà đi được”. Đúng là Phức rồi. Nhạn quay lại, quên cả ngại ngùng ôm chầm lấy Phức khóc như đứa trẻ. “Mai mình đi xem một căn phòng chung cư nhé, cưới xong mình ở đó. Em nghỉ vài hôm, đón mẹ lên thành phố chơi rồi đi làm lại, nhà bếp xí nghiệp quen cơm Nhạn nấu rồi”- Phúc thủ thỉ.

Nhạn ngoái nhìn chuyến tàu qua thành phố với tâm trạng đầy vui vẻ và hạnh phúc. Có lẽ, đây là lần đầu tiên Nhạn thấy đoàn tàu thật đẹp. Bất giác, Nhạn nhớ câu chuyện của mẹ về bố. Nhạn xổ mái tóc dài của mình ra quấn vào cổ Phức. Hai người dìu nhau đi qua bóng tối. Thành phố sáng lung linh.

                                                                    Tháng 3/2021

                                                                             N.T.M.P    

. . . . .
Loading the player...