21-05-2024 - 00:31

Truyện ngắn “Cha” của Hoàng Bảo Châu

Tạp chí Hồng Lĩnh số 213 tháng 5/2024 hân hạnh giới thiệu truyện ngắn “Cha” của em Hoàng Bảo Châu (Lớp 8A3, Trường THCS Lê Văn Thiêm - Tác phẩm tham dự Cuộc thi Viết - Vẽ tuổi học trò lần thứ XIV)

Nắng chiều rải nhẹ khắp các đường làng, ngõ phố. Dòng người tấp nập, hối hả trở về mái ấm của mình sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Thành phố lúc này trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cái Hiền vội vã bán hết chỗ đồ trong giỏ hàng nhỏ treo bên hông của mình, đến khi cảm thấy đã bán gần hết thì mới chịu dừng lại. Cái giỏ hàng nó nhìn bé tí vậy thôi chứ gì cũng có, như một thế giới thu nhỏ đầy màu sắc, nào là chiếc bật lửa màu xanh xanh, đỏ đỏ, rồi đến cái lược vàng vàng, xinh xinh,... Cầm xấp tiền lẻ vừa kiếm được trên tay, nó liền nhảy nhót tung tăng về nhà như chú chim non.

Nhà nó chỉ đơn giản là căn nhà tranh tồi tàn nép mình nơi con phố nhỏ, xập xệ, chìm trong úa tàn của bê tông xuống cấp giữa lòng thành phố hoa lệ. Ấy vậy mà nó vẫn yêu cái khu nó sống đến lạ thường. Nó luôn tự hào nghĩ trong đầu rằng chưa có nơi nào đẹp hơn quê nó. Con hẻm nhỏ ấy ẩn chứa bao điều kì thú khiến nó luôn tò mò: những ngôi nhà như những căn nhà tí hon trong truyện cổ tích mà ba hay kể cho nó nghe, những chú chim họa mi, chích chòe,... hót lanh lảnh mỗi sáng mai, con đường gồ ghề đá sỏi, chỗ lại trũng sình lún bánh xe luôn hấp dẫn nó mỗi khi đi qua,... Nói chung, “chắc hẳn phải có kiến thức và trải nghiệm mới cảm nhận được vẻ đẹp ẩn giấu của nơi đây” – nó luôn nghĩ như thế và mỗi lần như vậy nó đều cảm thấy tự hào và sung sướng vô cùng.

Dọn rác, lượm ve chai, bán hàng rong,... là công việc của nó mỗi khi rảnh rỗi, không cần đi học. Mà hay ở chỗ, khu nhà nó ở gần nơi gầm cầu – nơi quăng rác lí tưởng của mấy kẻ “lười biếng” . Thế nên người dân ở khu này chẳng ai sợ rác. Mùi rác nồng ngái, thum thủm xộc vào mũi. Với họ, mùi hôi ấy là mùi đặc trưng của nơi này, nhất là những ngày mưa dầm, thứ mùi ấy bốc lên càng nồng nặc hơn. Ấy nhưng họ lúc nào cũng chung tay dọn sạch, cũng một phần là để mưu sinh kiếm sống qua ngày, đâm ra cũng không quá lo lắng.

Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ xong, Hiền tắm rửa và xắn tay vào nấu ăn. Quen việc nên tay làm thoăn thoắt, loáng cái đã xong cơm canh. Vừa kịp lúc ba nó mới đi làm về. Bao giờ cũng vậy, lúc nào cũng tầm 7h-8h thì ba mới về và mua cho nó khi thì bắp luộc, khi thì khoai lang nướng. Mỗi khi ba về, nó luôn cảm nhận được mùi chua chua từ những giọt mồ hôi của ba. Đó là minh chứng cho một ngày làm việc cực nhọc, lam lũ của người đàn ông gầy gò, khuôn mặt khắc khổ nhưng hiền hậu. Ngoài giờ làm trên công trường, ba nó cũng đi làm thêm, ai bảo gì làm nấy, từ chở hàng, mang vác... Ba làm tất cả cũng chỉ mong cho nó có tuổi thơ như các bạn đồng trang lứa, được vui chơi, được cắp sách đến trường cho bằng bạn bằng bè. Vì thế mà nó luôn muốn đợi ba về để có hơi ấm gia đình, đồng thời cũng lấp đầy những vị chua chát đó bằng những câu chuyện mà chỉ những người trong hoàn cảnh như nó mới hiểu được.

Thật ra, Hiền cũng từng có một gia đình trọn vẹn, đầy đủ 3 người: ba mẹ và nó. Bề ngoài nhìn vào thường nghĩ gia đình hạnh phúc. Vì nghèo, không có tiền chữa bệnh mà mẹ nó mất khi nó còn nhỏ tuổi. Thế là ba nó phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Đôi lúc nó thấy thương ba lắm. Ba luôn dành cho nó những thứ tốt nhất, từ ăn mặc đến việc học hành mà không hề kêu ca, nề hà. Ba luôn dặn nó phải học thật chăm, như là một cách trả ơn cho ba rồi. Ba luôn ôm nó vào lòng, nói với nó rằng:

- Chỉ có con chữ mới làm cho con người ta tốt hơn con ạ, ba cũng chẳng mong gì nhiều, chỉ cần con học giỏi, trở thành công dân có ích cho xã hội, giúp đỡ những người khó khăn để cuộc sống mọi người luôn đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc. Nhiêu đó thôi cũng đủ làm ba vui lòng.

Vâng lời ba, nó luôn cố gắng chăm chỉ để ba tự hào về nó thật nhiều. Sáng, khi con gà cồ gáy đến hồi thứ ba là nó dậy học bài. Niềm quyết tâm mãnh liệt cho nó sức mạnh vượt qua sự lười biếng của bản thân. Nó tin rằng nếu cần cù, siêng năng thì sẽ đậu được đại học, dù biết là rất khó. Ấy là do ở vùng này chỉ vài ba người được đi học, rồi đến lớp 9 lại nghỉ ngang, nói chi đến đại học. Học chi nhiều, con gái học biết chữ được rồi, mốt cũng về nhà chồng chớ làm nên cơm cháo gì đâu. Ai cũng biểu ba như vậy. Ai cũng khuyên hết năm nay thì cho Hiền nghỉ đi, hết 12 rồi còn gì. Ba cười hiền khô, đáp:

- Kệ, cứ để nó học, tới đâu tui lo tới đó. Con gái cũng cần học, mốt kiếm cái nghề ngồi làm văn phòng không phải đội nắng trên đầu cả ngày, đỡ cực. Số tui vì không có con chữ mới khổ thế này, nên giờ phải cố gắng cho nó học hành đàng hoàng tử tế để tương lai khấm khá hơn. Cố đến mấy cũng được, miễn sao con tui được học như những bạn cùng tuổi khác.” Hiền nghe ba trả lời mà mát lòng mát dạ, không ngờ ba có tư tưởng tiến bộ vậy. Ông luôn đặt nhiều kì vọng vào nó. Ông mong nó có thể vượt qua nghịch cảnh, học hành đỗ đạt, thành tài để xây dựng đất nước, tạo công ăn, việc làm cho những người nghèo khổ như ông, như chú cá chép nhỏ cố gắng bất chấp bao gian nan, hiểm trở để vượt vũ môn, hóa rồng giúp ích cho người dân mà ông hay kể cho nó nghe.

Minh họa: HÀ LÊ

Ngày thi đại học, ba khăn gói dẫn nó đến trường. Ba sợ nó đi không quen đường, lớ ngớ lại bị xe đụng thì khổ. Ba sợ nhiều thứ nữa, mặc dù chính bản thân ba cũng chẳng biết mặt mũi trung tâm thành phố ra sao, vì nhà nó chỉ ở ven thôi, đâu có vào trung tâm đâu, và ông cũng lúng ta lúng túng trước dòng xe cộ dày đặc, cuộc sống bon chen, náo nhiệt của nơi đây. Nhìn bộ dạng của ba, Hiền thương quá. Chỉ vì sự an toàn của mình mà ba đã vượt qua nỗi sợ của bản thân để bảo vệ, chở che cho con gái.

Vào những ngày này, Hiền mới cảm nhận được hết tình yêu thương của ba dành cho mình. Nào là đưa con tới điểm thi, mua đồ ăn sáng, giục con ăn nhanh đi, rồi còn động viên đủ kiểu. Nó nhớ cái lúc nó bước ra khỏi trường, ba vẫy tay gọi: “Hiền ơi, ba ở đây, ở đây này”. Rồi ba lại hỏi han tình hình của nó, rằng nó có làm được bài không, rằng đi thi có đói giữa giờ không con, rồi lại an ủi đủ thứ, làm bài như vậy là được rồi, cố gắng hết sức rồi mà. Nghe người ta kể, ba ngồi đợi nó suốt quá trình nó làm bài dưới cái nắng chang chang, oi bức của mùa hè. Nhìn ba mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ bừng, mà vẫn săn sóc, chăm lo cho nó, lại nhớ tới những ngày ba nhịn ăn sáng để tiết kiệm bớt, nó bỗng dưng òa khóc như một đứa trẻ. Ba ôm chầm lấy nó, cười hiền từ:

- Ôi dào, tiểu công chúa của tôi sao lại khóc thế này. Ba có làm sao đâu, con vào thi mệt chứ ba ngồi ngoài này toàn tán dóc thôi à, có làm việc gì nặng nhọc đâu mà phải ăn nhiều với mệt mỏi. Đôi lúc còn thấy vui vui nữa là...

- Ba, ba không sao thật chứ

- Trời, ba ổn thật mà. Lo gì cho ba. Ba già rồi, không cần ăn nhiều. Thôi, thi xong thì phải vui lên chứ. Nào, trưa nay, ba sẽ khao con đi ăn tô phở thật to, mừng cho sự nỗ lực của hai cha con mình. Ăn thử đồ ăn thành phố coi nó có khác đồ ăn hằng ngày chúng ta ăn như nào

Nghe ba nói, nó càng xót ba hơn. Rồi nó lại thầm lo lắng. Không biết mình có đỗ không, lỡ thi trật thì sao nhỉ. Khi đó chắc ba buồn lắm. Công sức đưa đi thi, rồi bao nhiêu mồ hôi, kì vọng của ba đều trở thành công cốc. Những suy nghĩ vẩn vơ như vậy cứ luẩn quẩn trong đầu nó. Đang đêm, nó bỗng bật dậy hoảng hốt vì mơ thấy điểm thấp lè tè. Nhưng cũng có những lúc nó mơ thấy điểm cao, đỗ rồi, đang ngủ mà la hét như điên.

Thời gian biết điểm thi sao mà lâu như thể mười mấy năm vậy. Ngày có điểm, nó vội chạy sang nhà bạn, mượn tạm cái máy tính để dò điểm. Những chữ số như muốn nhảy múa trước mặt nó. Tim nó đập thình thịch tựa như nhảy bổ ra khỏi lồng ngực. Đây rồi, Nguyễn Thị Hiền, số báo danh này, điểm này. Nhìn điểm xong, nó trợn tròn mắt không thể tin nổi. Nó dụi mắt mấy lần rồi khóc vì sung sướng: 9-9-9, ba môn Toán - Văn - Anh, như vậy là đỗ rồi ư. Nó nhảy cẫng lên trong niềm hân hoan tột cùng. Đi về nhà mà nó cảm tưởng như nó đang bay. Hình như nó mới mọc cánh thì phải, sao nó cũng đi như thường ngày mà cảm giác lướt nhanh như gió vậy.

Nó chạy vội về khoe với ba. Có lẽ ba còn vui hơn cả nó nữa. Ba cười cười xoa đầu nó, bảo rằng làm tốt lắm con gái, rồi chạy qua hàng xóm uống trà, ngồi thao thao bất tuyệt khoe thành tích. Nó nhìn ba mà xúc động, xen lẫn niềm vui sướng, tự hào.

Thế nhưng, vui vẻ chưa được bao lâu, nó lại cảm thấy bồn chồn, bất an. Bởi nó đi học thì lấy tiền đâu ra mà trang trải cuộc sống. Ba nó nghe xong, nghĩ ngợi một hồi rồi nói với nó:

- Cái đó con không phải lo. Cứ đi học, tốn đến mấy ba cũng lo được. Ba sẽ xin làm thêm cho người ta, không có thì mình vay mượn, có sao đâu

- Nhưng ai cũng khó lấy tiền đâu cho mình mượn. Họ không có, trách làm sao được. Với lại vậy phiền lắm, người ta khinh cho

- Thế thì thôi, mình bán đi con xe là được. Xe có cũng tốt, mà không có cũng chẳng sao nhưng học thì rất cần thiết, con ạ

Nói rồi, ba chỉ vào con xe máy cà tàng, cũ kĩ đang nằm nơi góc sân nhà. Đây là kỉ vật cuối cùng của mẹ để lại cho cha con, đồng thời cũng là đồ vật có giá trị nhất trong gia đình. Nó vẫn còn nhớ, để tậu được chiếc xe này, ba mẹ nó đã thắt lưng buộc bụng như thế nào, vay mượn ra làm sao, cũng chỉ để sau này đưa đón con với đi làm đỡ mưa gió. Ấy vậy mà giờ xe phải bán đi ư. Chỉ vì giấc mơ đại học của nó mà ba phải hi sinh đến như thế. Nó biết ba nó dẫu không muốn nhưng cũng đành chịu thôi, bởi dù sao chiếc xe đó cũng là món quà mà ba mẹ phải vất vả mới có được, nó cũng như người bạn đồng hành suốt chặng đường nuôi con lớn khôn, ăn học. Mà giờ lại phải,... Ba nó chiều đó cứ buồn buồn, mắt chốc chốc lại hướng về xa xăm. Bữa cơm chiều hôm đó buồn bã lạ thường, chẳng ai muốn nói với ai câu gì…

Ngày nhập học, ba nói để ba đưa nó đi làm thủ tục, nhưng nó không chịu, mạnh miệng bảo:

- Thôi ba khỏi đi, con lớn rồi tự lo được. Bữa đi một lần con cũng quen chút chút rồi. Ba đi theo chi tốn tiền xe cộ.

- Ừ, lớn rồi thì tự lập đi con. Lên đó ráng mà học hành, tiền bạc ba lo được, cứ ăn uống vô mà có sức.

- Dạ con biết rồi ba.

Ba chở nó ra bến đón xe. Ông đứng canh xe cho nó, hễ thấy xe đi thành phố là ông lại ngoắt lại hỏi giá cả. Đến chiếc thứ tư, nghe lơ xe nói giá hợp lí, ông lại đẩy nó lên. Trước khi đi, ông còn đưa cho nó cái bịch đen nho nhỏ:

- Ba cho con, lên trên phải cố gắng mà học tập, có chi nhớ gọi điện hay gửi thư về báo cho ba nha con

Lên xe rồi, nó mở ra xem thử. Hóa ra là một chiếc kẹp tóc màu hồng hình con bướm, cánh đính những viên hạt cườm lấp lánh, nhỏ li ti. Không ngờ ba lại tâm lí như vậy, mua cả kẹp tóc cho con gái.  Nó ngoái đầu nhìn lại hy vọng thấy ba nhưng chỉ thấy dòng xe cộ đông đúc. Xe đã chạy xa rồi. Xe đang đưa nó đến một miền đất xa lạ, nơi không có con hẻm với những căn nhà tạm bợ, xập xệ, ngói hở mè cong, giường nghiêng chiếu cói kia nữa, không có những bầu trời bao la, xanh ngắt, không có “khu vườn cổ tích” với bao chim chóc mà thay vào đó là hình ảnh thành phố hoa lệ với những tòa nhà cao chót vót, những khu trung tâm mua sắm sang trọng mà nó mơ cũng không bao giờ được đặt chân tới.

Hiền đâu ngờ đây là lần cuối cùng nó được gặp ba. Mấy tháng sau khi nhập học, ba mất vì tai nạn giao thông. Nghe tin dữ, nó vội bỏ dở tiết học, vay ít tiền của bạn rồi lật đật bắt xe về quê. Nhìn mặt ba lần cuối, nó bật khóc nức nở. Giờ đây, không còn ai ôm nó vào lòng, kể cho nó nghe câu chuyện ngày xửa ngày xưa, không ai động viên, ăn cơm cùng nó nữa rồi. Nó tính bỏ chiếc kẹp tóc vào chiếc quan tài nhưng lại thôi, bởi nó biết để mua được món quà tặng con gái, ba phải vất vả tìm kiếm như thế nào. Nước mắt nó tuôn xối xả đau đớn gọi “Ba ơi!”.

Sau khi ba mất, nó cố gắng vừa đi dạy kèm vừa học. Rồi những năm tháng đại học cũng qua đi nhanh chóng. Nó tốt nghiệp loại xuất sắc, rồi được nhận vào làm giảng viên của một trường đại học lớn. Nó cất giữ chiếc kẹp tóc cẩn thận, năm nào giỗ ba cũng lấy chiếc kẹp tóc năm xưa, nay đã không còn những hạt cườm tỏa sáng nữa, rồi thì thầm: Cảm ơn ba vì cho con biết cuộc đời phải nỗ lực hết mình, sống bằng cả trái tim và trí tuệ. Cảm ơn ba vì tất cả.

Năm nay, mùa tựu trường sắp tới. Lá đã bắt đầu rơi trên con phố nhỏ. Bầu trời cũng trở nên xanh cao vời vợi, như bầu trời của những năm nhập học. Bà giáo già đứng bên song cửa sổ trường đại học lớn, thì thầm hai tiếng: “Ba ơi”...

H.B.C

. . . . .
Loading the player...