Tạp chí Hồng Lĩnh số 213 tháng 5/2024 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn ÁO BIÊN THÙY của Nhà văn Đỗ Tiến Thụy
ÁO BIÊN THÙY
Truyện ngắn
Những ngày cuối năm Bính Dần. Nhiệt độ xuống 6 độ C. Ruộng đồng xám xịt. Cỏ cây chết rụi. Đàn trâu sau những đường cày rút ruột vụ đông phải nhào xuống hồ đầm buốt cóng phì phọp mò lá trang lá súng, chìm hàng loạt, phải kéo về mổ chia cho từng hộ. Máu trâu loang bầm sân kho hợp tác. Thịt trâu cày rất dai nhưng ngọt, trẻ con nhai dít nước rồi nuốt chửng. Nhiều đứa nghẹn trợn mắt.
Khi đó tôi mười bảy tuổi rưỡi, vừa có lệnh gọi nhập ngũ. Ngày lên đường là mùng 5 tháng giêng.
Biên giới phía Bắc vẫn ùng oàng, việc tòng quân đồng nghĩa với ra trận. Dù không nói ra nhưng bố tôi cố công chuẩn bị cái Tết Đinh Mão tươm hơn để con trai rất có thể là hưởng cái tết cuối cùng.
Ngày 27 Tết, hợp tác xã tát hồ lấy cá chia cho các hộ, mỗi nhân khẩu hai cân. Sẽ không có gì đáng kể nếu như trong đống cá to như cây rơm đủ loại trắm mè trôi chép không có một con trắm ốc 25 kg. Nếu là bây giờ, chỉ cần chụp ảnh con cá quăng lên mạng phút mốt có người chốt ngay. Nhưng ngày đó dân làng tôi… chê. Chê vì cá… ngon quá, mang về ăn đoàng một bữa là hết. Nhà nào cũng muốn nhận cá nhỏ để còn phân ra ướp mặn ăn dè. Đùn đẩy mãi chả nhà nào nhận, ông đội trưởng đưa ra ý tưởng, hay là bổ ra chia đều. Xóm hơn trăm hộ, mỗi hộ một vẻo ăn lấy thảo. Mọi người rú lên, thế thì vụn hết còn gì…
Bố tôi khi ấy đang đốt lò gạch ngoài bãi tha ma, nghe tin thì thủng thỉnh về làng. Từ khi lớn lên chưa bao giờ tôi thấy bố đến những sự kiện thịt cá chia mô tanh rềnh máu me ở sân hợp tác. Thế mà hôm ấy ông phá lệ.
Ông bảo nếu không ai nhận con trắm ốc thì để nhà tôi. Ông đội trưởng mừng quýnh: “Bác nhận thì may cho em quá. Theo tiêu chuẩn, nhà bác 14 khẩu được 28 cân, còn 3 cân nữa…”. Bố tôi bảo thôi, nhà tôi nhận con cá to ngon thế này là quá đáng lắm rồi.
Bố tôi mang con “khổng ngư” ấy về treo ở hiên bếp, đầu nó sát xà ngang, đuôi chạm sân. Ông mài dao pha cá, những vẩng cá nần nẫn xếp đầy một chậu nhôm Liên Xô.
Đêm 28, trời rét căm căm. Tôi đi chơi với bạn bè về, để nguyên quần áo nhảy vào chuồng trấu.
Đó là một ô gạch xây lưng lửng hình chữ nhật để đựng trấu và rơm. Ngủ ở chuồng trấu đã ấm còn êm, vì bếp có đống dấm vần nồi cám lợn sôi ùng ục cả đêm, nhưng sáng dậy rửa mặt lấy khăn ngoáy hai lỗ mũi thấy đen sì.
Tôi nằm vừa ấm chỗ thì bố về bảo tôi ra ngủ canh lò gạch với ông. Tôi ngạc nhiên quá, vì việc canh lò trước giờ vẫn chỉ có bố và anh cả tôi luân phiên.
“Con vác phên cá ra lò để nướng hơ”
Cửa lò gạch đào âm như một cái hầm, chứa củi dự bị và trải rơm làm chỗ ngủ. Bố tôi hất cái chiếu cuộn trong góc ra rồi bảo tôi ngủ trước, khi nào bố gọi thì dậy thay ca.
Tôi lăn ngay ra chiếu và nghe một tiếng “xì”. Có con gì cồn cộn dưới lưng. Chắc là ếch hay chuột chui vào rơm thôi. Tôi nghĩ thế và nằm nghiêng ngắm bố lui cui tiếp củi rồi dựng phên cá cách cửa lò cả mét.
Ánh lửa từ cửa lò hắt ra hồng rực. Chỉ một lát, phên cá đã tỏa thơm ngào ngạt. Nước miếng tôi dâng đầy miệng. Tuổi trai tráng ngày hai bữa sắn, lúc nào ruột cũng xót vèo vẹo, chỉ nghĩ đến ăn, ăn và ăn… Tôi có thể ăn hết cả phên cá ngay lập tức. Nhưng đó là vô phép, thức ăn chưa cúng cụ thì tuyệt đối không được đụng vào.
Trong hơi ấm hừng hừng, tôi đành bóp bụng thiếp đi trong tiếng củi nổ lép bép và tiếng gió hút qua cửa lò hù hù. Tôi thấy mình biến thành một con mèo. Con mèo đang ngủ đói trong chuồng trấu thì bị đưa ra lò gạch ngồi nhìn phên cá nướng thơm quặn ruột mà không cách gì đụng được…
“Dậy, dậy!”
Tôi bật dậy. Ngoài trời vẫn tối đen. Tiếng gà gáy từ trong xóm vọng ra eo óc. Sau khi dặn dò tôi cách tiếp củi, điều chỉnh lửa, bố bảo:
“Đến sáng thì con xếp gạch mộc kín miệng lò rồi trát bùn cho thật kín, chỉ để một lỗ thông gió nhỏ bằng ngón tay thôi nhé”.
Tôi rất ngạc nhiên bởi “đóng lò” là công đoạn quan trọng, không cẩn thận là hỏng cả mẻ gạch như chơi, thế mà bố lại giao cho tôi. Tôi chưa kịp hỏi thì bố nhìn thẳng vào mắt tôi ngại ngần:
“Con… cho bố mượn… cái áo len…”
Tôi ngơ ngác chưa hiểu gì.
Chiếc áo len mà tôi đang mặc là do anh trai tôi xuất ngũ từ miền Nam về mua tặng bố. Đó là chiếc áo cổ hình trái tim có gắn mác made in America, sợi len nhỏ mịn, mũi dệt máy tinh tế. Bố tôi đón chiếc áo nói “Bố xin” rồi mặc thử. Xong ông cười cười bảo: “Áo này chỉ dành cho thanh niên đi ve gái là hợp”. Thế là chiếc áo được chuyển cho tôi. Thời ấy mùa đông thanh niên làng chủ yếu mặc áo bông chần lụ sụ, cổ và tay áo nghèn ghét, đứa nào khá hơn thì áo mút Tàu mỏng dính. Chỉ tôi có áo len, mà lại là áo len Mỹ, mặc rất ôm người. Mỗi khi đi chơi tôi thường mặc chiếc sơ mi kẻ Tiệp bên trong, tiếp đến áo len rồi choàng ngoài chiếc áo khoác vải bạt may giả kiểu NATO, kẻng phết.
“Bố ra Chúc Sơn mua chai nước mắm…”
Tôi chợt hiểu, vội lột chiếc áo len qua đầu, nghe rõ những sợi len nổ lách tách.
Bố tôi lóng ngóng tròng áo len qua đầu, mặc áo bông chần bên ngoài, chụp lên đầu chiếc mũ có bịt tai kiểu biên phòng rồi khoác áo tơi đạp xe đi.
Ngồi bên lửa ấm, nghĩ đến bố ba giờ sáng lọc cọc đạp xe trên con đường đất mưa phùn gió bấc trơn truội hơn mười cây số để lên chợ huyện mua một chai nước mắm, tôi cứ thắc mắc mãi.
Bố tôi là người cầu toàn. “Trâu tỏi, bò gừng, lợn hành, gà chanh, lươn lá lốt, ếch xương sông, hến thì là…, đồ nào thức nấy” là câu ông thường nói khi chế biến món ăn. Bất cứ món gì ông cũng cố gắng tìm đủ gia vị mới làm.
Còn nước mắm? Nhà tôi là gia đình liệt sĩ, Tết nào cũng được ưu tiên mua hai hộp mứt, hai bao thuốc Điện Biên bao bạc, một lạng chè Lương Sơn hảo hạng và một lít nước mắm loại 1 ở cửa hàng mậu dịch của xã cơ mà.
Trời sáng. Tôi đóng lò xong thì dọn dẹp hầm. Khi cuốn chiếu tôi hoảng hồn thấy một con rắn hổ mang to như sợi chão nằm bẹp gí. Vừa lúc ấy bố tôi về. Ông nhìn con rắn chết một loáng như chuyện quá đỗi bình thường. Nét mặt ông hân hoan như thể vừa giành được một thức thời trân quý hiếm chỉ dành để tiến vua. Ông giơ cao cái chai thủy tinh nút lá chuối đựng thứ nước sóng sánh màu cánh gián khoe:
“Bố phải chen mãi mới mua được đấy”
Theo giọng kể ngân nga như báo công của bố tôi thì nhiều người đã phải lách vào cái ngách nhỏ trong khu tập thể cán bộ sau chợ huyện lúc 4 giờ sáng, tranh nhau đút chiếc chai kèm tiền qua một ô cửa nhỏ. Người mua không biết mặt người bán. Chỉ khi nào thấy tiền được gỡ khỏi tay và chai nặng thì rút ra.
“Nó chỉ bán đến 5 giờ là sập cửa. Ối người về tay trắng đấy”
Nhìn gương mặt ướt nhòa tím tái của bố, tôi xót xa:
“Nhà mình đã có nước mắm, làm sao bố phải khổ vậy?”
Bố tôi xì một tiếng:
“Bố đã nhiều lần thấy xe chở nước mắm từ huyện về dừng ở cầu Dền, lái xe xuống múc nước ruộng lẫn cả đỉa đổ vào téc”.
Theo tục lệ quê tôi, sáng mùng 4 Tết nhà nhà sẽ đi tảo mộ và trưa sẽ cúng bữa cuối cùng đưa tiễn ông bà, hết Tết. Mọi năm, bữa Tết trưa mùng 4 nhà tôi rất sơ sài, đồ cúng chỉ có khoanh giò mỡ, bát canh dưa hầm xương vụn. Nhưng năm ấy Tết trưa mùng 4 nhà tôi thịnh soạn vô cùng.
Bố tôi mời họ hàng đến ăn liên hoan tiễn tôi ra trận. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”… Suốt chục năm chiến tranh, đã có mấy chục trai làng tôi nằm lại biên cương phía Bắc. Rất có thể đây sẽ là bữa cơm tiễn biệt.
Những mâm cỗ thuần cá trắm ốc. Trắm ốc rán giòn, trắm ốc om riềng mẻ, trắm ốc nướng hơ, trắm ốc ninh xu hào… được bày giữa dưa hành vàng ươm, rau mùi xanh ngát và ớt chỉ thiên cay đỏ. Giữa mỗi mâm là một chiếc bát không. Phải đến lúc khai tiệc bố tôi mới lấy chai nước mắm ra nghiêng tay cẩn trọng rót những giọt đặc keo vào bát. Mùi nước mắm lập tức cuốn quện với mùi thức ăn trên mâm, cả căn nhà lập tức bừng lên hương vị cuốn hút khó tả.
Phải đến khi ngắm nhìn gương mặt các cụ các ông các chú các bác mãn nguyện và những lời tấm tắc thế nào khi chấm thức ăn vào thứ nước mắm phi mậu dịch, tôi mới hiểu vì sao bố lại chấp nhận đêm hôm đường xa gió lạnh để có thứ nước chấm thần thánh này.
Sáng mùng 5 tôi dậy sớm chuẩn bị hành trang lên đường. Mẹ, các chị các em tôi sụt sịt nước mắt ngắn dài. Bố tôi ngồi ở tràng kỷ ôm chiếc giành tích ủ ấm chè xanh, không nói năng gì. Anh cả kể, khi anh nhập ngũ bố tôi cũng thế. Với ông, trai thời chiến đến tuổi nhập ngũ đánh giặc là đương nhiên.
Tôi chào cả nhà rồi ngồi lên phóc ba ga xe đạp cho thằng bạn thân chở lên huyện.
Sân vận động huyện sáng ấy mưa phùn gió lạnh. Những tấm biểu ngữ căng trong ngày hội tòng quân ướt sũng. Loa phóng thanh rua đi rua lại bài hát Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới… Quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ… đầy hào khí. Nhưng thâm tâm tôi khi ấy lại nghĩ đến lời một bài hát khác. Ngày ra đi, hướng biên cương, gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt…
Sau bài diễn văn tiễn đưa ngắn gọn của ông chủ tịch huyện, chúng tôi lên xe. Tôi lột đôi dép nhựa Tiền Phong quẳng xuống cho thằng bạn. Thằng bạn quẳng lại lên xe. Tôi quát: “Tao lên đơn vị được phát dép rọ rồi”. Thằng bạn cầm đôi dép trên tay, nhìn tôi trân trân.
Khi xe nổ máy, giữa một rừng người tiễn đưa nhạt nhòa nước mắt, tôi bỗng nhận ra bố. Bố hơ hoải đạp xe xộc thẳng tới chỗ tôi gọi to:
“Hượm đã!”
Bố quẳng chiếc xe đạp đánh xoạch trước đầu ô tô rồi lột vội chiếc áo len mặc quên từ tối 28 Tết.
“Thôi… bố để mà mặc”
“Không”
Bố vo tròn chiếc áo dứt khoát ném lên xe bắt tôi mặc ngay. Tôi ứa nước mắt nhìn bố rồi chui đầu qua áo. Chiếc áo đang ấm hơi người. Và tôi bỗng thoảng thấy mùi nước mắm. Một thứ mùi dân mộc mặn mà khiến tôi nghi hoặc. Khi xe chuyển bánh, nhìn dáng bố với chiếc áo mỏng phất phơ trong gió lạnh, tôi đã gào bạt gió:
“Con sẽ gửi áo về cho bố!”
Dù đã được phát quân trang với đủ đầy trấn thủ, áo bông nhưng những ngày sương muối mịt mờ nơi biên giới phía Bắc tôi vẫn mặc lót chiếc áo len bên trong. Và thật lúc nào tôi cũng thấy phong vị Tết quê hương ấm áp tỏa ra từ chiếc áo.
Mùa hè đến, tôi mang ra suối giặt tất cả trang phục dân sự gồm chiếc quần côn vải si sữa, chiếc áo ni lông kẻ carô Tiệp và chiếc áo len. Sau khi phơi khô, trong khi gấp tôi nhận thấy hình như cổ tay áo len có một vệt muối mờ mờ. Đưa lên mũi, tôi sững sờ nhận ra mùi nước mắm.
Trước khi đơn vị hành quân vào Tây Nguyên, tôi được tranh thủ về thăm nhà. Tôi trao chiếc áo len cho bố, nhưng ông bảo để đấy cho thằng Hưng.
Thằng Hưng là em trai út của tôi, năm đó mới 5 tuổi.
Mười hai năm sau, bố tôi đưa chiếc áo cho thằng Hưng đúng lúc nó cần quần áo đẹp đi cưa cẩm.
Rồi thằng Hưng cũng đi bộ đội, chiếc áo len giặt cất đáy hòm. Chục năm sau, bố tôi mất. Sau lễ tang, chúng tôi dọn dẹp đồ đạc thì thấy nó. Tôi kể cho thằng Hưng chuyện bố đã từng mặc chiếc áo len này đi mua nước mắm Tết Đinh Mão. Nó ngồi thần người rồi bất ngờ đưa chiếc áo len bưng mặt khóc rưng rức. Một hồi lâu, nó mở áo ra nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ kè:
“Em cũng thấy có mùi nước mắm”.
Đ.T.T
Bộ đội Biên phòng tuần tra trên các tuyến biên giới. (ảnh: Viết Tôn)