11-11-2022 - 09:04

Trường THPT Nguyễn Huệ nửa thế kỷ vượt khó trưởng thành

Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Huệ - Kỳ Anh (1972 - 2022). Tạp chí Hồng Lĩnh số 195 trân trọng giới thiệu bài viết “Trường THPT Nguyễn Huệ nửa thế kỷ vượt khó trưởng thành” của Ths. Dương Đình Thọ - Hiệu trưởng nhà trường.

Trường THPT Nguyễn Huệ ra đời trên một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, hiếu học và anh hùng. Xứ Voi, tên gọi chung cho cả vùng gồm các xã phía bắc huyện Kỳ Anh và nam Cẩm Xuyên là trung tâm xứ Hà Hoa xưa. Đây là một vùng địa linh được vua Quang Trung chọn làm nơi huấn luyện voi chiến, gọi là Tuần Tượng trại, từng vinh dự được góp sức trong chiến thắng mùa xuân Kỉ Dậu, đại phá quân Thanh. Có lẽ đây chính là lý do lãnh đạo ngành đã đặt tên cho trường Phổ thông cấp III Nguyễn Huệ ngay từ khi thành lập. Cảnh vật, con người nơi đây ai từng một lần qua hẳn đều nhớ, hình ảnh núi Tượng Lĩnh (Núi Voi) soi bóng trên dòng sông Rác, cây đa Voi sum suê, bánh tày Voi hương nếp thơm nồng. Nơi đây là cái nôi của những làn điệu dân ca ví dặm. Đây cũng là nơi sinh ra nhưng nhà khoa bảng có tiếng thời phòng kiến: Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy, Phó bảng Nguyễn Tiến Kỷ, các cử nhân Nguyễn Văn Vỹ, Lê Lương, Hoàng Lý, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Văn Nhu, Trần Công Thưởng. Xứ Voi cũng là quê hương yêu nước và cách mạng. Chính nơi này, các cụ Dương Xuân Ôn, Trần Công Thưởng hưởng ứng chiếu Cần vương dấy binh chống lại triều đình, mở đầu cho phong trào kháng Pháp ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên. Cũng chính nơi này, tháng 6 năm 1930 Đại hội Đảng bộ đầu tiên của Kỳ Anh được tổ chức tại đền Phương Giai, Kỳ Bắc. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Nhân dân nơi đây đã có nhiều đóng góp, hy sinh. Hầu hết các xã trong vùng đều được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Ngày 31 tháng 7 năm 1972, Đảng bộ và Nhân dân các xã phía bắc huyện Kỳ Anh và phía Nam huyện Cẩm Xuyên vui mừng đón nhận Quyết định của Chủ tịch UBHC tỉnh thành lập Trường Phổ thông cấp III Nguyễn Huệ tại vùng sơ tán thuộc thôn Hoàng Diệu, xã Kỳ Tiến. Trong tiếng rền vang của bom và đại bác, tiếng gầm rú của máy bay cùng sự khắc nghiệt của thời tiết, thầy trò đã ngày đêm đào hào, đắp lũy, cất lán dựng trường. Vừa làm xong 3 lán học thì bão lớn ập đến cuốn phăng tất cả. Thầy trò phải làm lại từ đầu. Với sự chung tay góp sức của Nhân dân, Ngày 15 tháng 10 năm 1972 là ngày khai giảng đầu tiên. Mùa gặt đầu tiên, trường có 2 học sinh giỏi tỉnh; Đội tuyển Văn 9 xếp thứ 2 đồng đội của tỉnh. Tỷ lệ tốt nghiệp đạt 89%. Nhiều học sinh tốt nghiệp được vào Đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Sự ra đời của trường Nguyễn Huệ ở Hoàng Diệu thực sự giống như một câu chuyện truyền thuyết mang âm vang hào hùng của những hi sinh gian khó và ân tình sâu nặng, tạo tiền đề quan trọng để nhà trường phát triển ở những giai đoạn tiếp theo. Đúng như lời thơ của thầy Trần Mậu Chước, nguyên hiệu trưởng đầu tiên của trường đã tổng kết:

Trường tôi sinh ra từ hầm hào lán luỹ

Và lớn lên dưới đạn bom giặc Mỹ

Trưởng thành từ khoai lúa Kỳ Anh

Đang vươn mình trong mùa xuân thế kỉ.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 hiệp định Pa-ri được ký kết, miền Bắc nước ta không còn bom đạn giặc Mỹ. Lãnh đạo huyện Kỳ Anh và lãnh đạo ngành Giáo dục thống nhất chủ trương chuyển trường cấp 3 Nguyễn Huệ lên địa điểm mới tại Lòi Hạ xã Kỳ Tiến. Thầy Dương Ngô được cử về làm hiệu trưởng thay thầy Trần Mậu Chước nhận nhiệm vụ mới. Thầy trò lại bước vào những ngày lao động cật lực để di dời toàn bộ nhà cửa, tài sản; tiếp tục phát cây, san đất, tạo dựng khuôn viên mới. Bằng sức lao động, thầy trò đã biến Lòi Hạ từ một vùng hoang sơ thành ngôi trường khang trang, quy cũ. Hai mươi năm trên đất Lòi Hạ thầy và trò đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xây dựng trường Nguyễn Huệ trở thành đơn vị vững mạnh về mọi mặt. 12 năm liền từ 1976 đến 1988 được công nhận trường tiên tiến,  tiên tiến xuất sắc được UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Đoàn trường luôn giữ vi trí là đơn vị xuất sắc trong phong trào xây dựng tập thể học sinh XHCN.

Những năm từ 1972 đến cuối thập kỉ 70, cả trường chứng kiến hai lần tổng động viên thanh niên nhập ngũ giải phóng miền Nam và bảo vệ Biên giới.  Nhiều học sinh viết đơn tình nguyện tòng quân diệt giặc. Hoàng Văn Thanh, một học sinh giỏi Văn đã viết đơn bằng máu thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ tổ quốc. 17 người đã anh dũng hi sinh trên chiến trường. Máu đào các anh góp phần tô thắm thêm truyền thống anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc.

Đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)

Những năm cuối thập niên 80 đầu 90 là thời kỳ trường chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Thầy Đặng Quốc Hoán, phó hiệu trưởng và thầy Dương Ngô, hiệu trưởng nghỉ hưu, thầy Nguyễn Tiến Chưởng được cử làm hiệu trưởng. Đây là thời kỳ khó khăn của đất nước, học sinh bỏ học nhiều. Bằng ý chí, niềm tin và sự quyết tâm Chi bộ nhà trường, Ban giám hiệu và các thầy cô vẫn cố gắng giữ vững trường lớp.

Năm 1993, theo quyết định của UBND tỉnh, trường được chuyển lên Thị tứ Voi (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh). Lần thứ ba, thầy trò bước vào cuộc di dời đầy vất vả để chuyển trường. Vừa dạy học vừa lao động xây dựng, với công sửc của thầy trò, phụ huynh và sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, huyện, các xã, cơ sở vật chất ngày càng được xây dựng khang trang: có đủ phòng học, nhà hiệu bộ, thư viện, phòng đọc, các phòng chức năng… Số lượng học sinh dần phát triển trở lại bằng rồi cao hơn trước, có thời điểm lên cao 48 lớp 2452 học sinh và ổn định mức 42 lớp. Chất lượng dạy học ngày càng được khẳng định với 15 thầy cô giáo đạt giáo viên giỏi tỉnh, số học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh và đậu vào Đại học ngày một tăng. Chỉ tính riêng giai đoan 2012-2022 đã có 7 học sinh giỏi  quốc gia, 445 học sinh giỏi tỉnh, Năm 2002, học sinh trường đạt giải khuyến khích HSG quốc gia môn Lịch sử. 2 năm học 2012-2013 và 2013-2014, liên tục đoạt Huy chương bạc, Huy chương đồng quốc gia thi tiếng Anh qua mạng. Đặc biệt, 3 năm liền từ năm học 2015-2016 đến năm học 2018-2019, học sinh Nguyễn Huệ giành giải Nhất, giải Nhì và giải Ba thi KHKT học sinh Trung học cấp quốc gia. Năm học 2017-2018, giành giải khuyến khích HSG quốc gia môn Hóa học.

Năm học 2021-2022, năm bản lề hướng tới kỉ niệm 50 năm thành lập trường, trong điều kiện khó khăn vì dịch bệnh, thiên tai nhưng với khí thế thi đua sôi nổi thầy trò đã giành những kết quả hết sức ấn tượng với 41 học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh, xếp thứ 14/38 trường. Kết quả tốt nghiệp đạt 100%. Nhiều học sinh đạt điểm cao trong xét tuyển vào đại học. Số học sinh đạt từ 29 trở lên xếp thứ 2 toàn tỉnh, chỉ xếp sau THPT chuyên Hà Tĩnh. Em Nguyễn Anh Quân, đạt thủ khoa khối A00  và em Hoàng Thu Hương đạt á khoa của Khối C00 toàn tỉnh tạo nên những cột mốc mới trong hành trình chinh phục đỉnh cao để xứng danh  học sinh trường mang tên Nguyễn Huệ anh hùng.

Các hoạt động khác của nhà trường cũng có những thành công nổi bật: Giải Ba thi “Bảy sắc cầu vồng”, Giải Nhì toàn đoàn và Nhất đơn ca thi giọng hát hay THPT Hà Tĩnh, Giải Nhì cuộc thi “Thanh niên trường học phòng chống ma túy HIV và tệ nạn xã hội” , giải Nhì Hội khỏe Phù Đổng. Đội bóng Bóng đá nữ 13 năm liền từ 1997 đạt giải Nhất Nhì. Bóng đá nam đạt giải Nhì năm học 2001-2002…

Những nỗ lực của thầy và trò trong nhiều năm bền bỉ đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quí. Trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2001, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012;  nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ GDĐT, các Bộ ngành Trung ương. Đoàn TNCSHCM và Công đoàn nhà trường đều đã được tặng Cờ thi đua cùng nhiều bằng khen và giấy khen. Nhà trường đã được UBND Tỉnh công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm học 2015-2016. Nhiều năm, Chi bộ, Đảng bộ đảng được công nhận trong sạch vững mạnh. Năm học 2021-2022 vừa qua, Trường vinh dự được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

Nhìn lại những chặng đường phát triển nửa thế kỉ qua, Trường THPT Nguyễn Huệ tự hào về tất cả những thành quả và những giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ thầy trò đã nối tiếp nhau xây đắp nên. 50 năm qua, có 291 thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên đã và đang công tác tại trường. Các thế hệ CBGV NV luôn đoàn kết, gắn bó, tất cả vì học sinh, vì sự nghiệp trồng người. Trong gian khó, sự tận tụy, hi sinh của đội ngũ thầy cô giáo vì sự nghiệp trồng người càng ngời sáng:

“Mỗi tháng 13 cân nửa gạo nửa mì

Ăn cơm độn cùng muối vừng muối lạc

Khó khăn thế mà niềm tin không đổi khác

Vẫn yêu trường, yêu trẻ đến nôn nao.”

                                 (Nguyễn Tiến Chưởng)

Gương các thầy giáo mẫu mực như thầy Hiệu trưởng Trần Mậu Chước, Dương Ngô, Nguyễn Tiến Chưởng, các thầy Hiệu phó Phan Túy, Đặng Quốc Hoán, các bí thư Chi bộ Đặng Vượng, Trần Đình Lạc, các thầy cô giáo thế hệ đầu tiên như Nguyễn Phùng Nhị, Nguyễn Ngọc Châu, các thầy cô giáo thế hệ tiếp theo như Trương Biên Thùy, Hồ Nam Việt, Nguyễn Văn An… và nhiều thầy cô giáo khác, mãi như những tượng đài của lòng nhiệt huyết, sự mẫu mực và đức hi sinh trong lòng các thế hệ học sinh, phụ huynh và Nhân dân.

Ra đời và lớn lên trong gian khó, các thế hệ cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường luôn nỗ lực khắc phục hoàn cảnh, hoàn thành nhiệm vụ dạy tốt học tốt. Cơ sở vật chất khang trang hôm nay và để lại ở những nơi đã đi qua là minh chứng cho sức lao động sáng tạo vô cùng bền bỉ của thầy và trò cùng với đó là những thành quả xuất sắc trong tổ chức dạy học dù trong những thời điểm khó khăn nhất. Dưới sự dìu dắt của đội ngũ giáo viên tâm huyết và sáng tạo, đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể: Học sinh nông thôn mà chế tạo thành công máy cắt 3D, máy khắc lazer đoạt giải Nhất, giải Nhì trong các kỳ thi KHKT quốc gia, giành huy chương trong thi ngoại ngữ, đạt học sinh giỏi quốc gia văn hóa, giành giải cao trong thi “Bảy sắc cầu vồng”, đạt thủ khoa, á khoa trong tuyển sinh đại học…

Chính trong quá trình vượt lên gian khó, tình đồng nghiệp, tình thầy trò càng được vun đắp: “dựa vào nhau san sẻ mọi lo toan, tin yêu nhau bằng tình thương đồng chí”. Đặc biệt tình nghĩa học sinh thầy cô, với mái trường, bè bạn luôn sâu sắc, thủy chung trọn vẹn.

Trưởng thành từ mái trường THPT Nguyễn Huệ thân yêu, hơn 16358 anh chị em đã tốt nghiệp ra trường. Nhiều anh chị đã trở thành những chiến sỹ anh dũng, đi đầu trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 17 người đã hy sinh và rất nhiều người đã cống hiến một phần xương máu và tuổi xuân đẹp nhất. Nhiều người đã trở thành những lao động giỏi…Nhiều học sinh ưu tú đã trở thành giáo sư, tiến sỹ, tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, nhà quản lý; Đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp. Tiêu biểu như Thiếu tướng Hoàng Kỳ Lân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng;  Đại tá Lê Văn Hướng, tham mưu trưởng, phó tư lênh Quân đoàn 4; Phó GSTS Nguyễn Thị Hương, giảng viên,học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn  Thị Gái, UVBTV, Trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy; Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Văn Hoà, Viện trưởng viện KSND tỉnh Tiền Giang; Nhà báo Đặng Quốc Huân, Phó chánh văn phòng Đài Truyền hình Việt Nam; nhà báo Lê Anh Đạt, Q.Tổng biên tập báo Đại đoàn kết,… Và có một lực lượng hùng hậu các anh chị đã tình nguyện ở lại quê nhà, góp sức mình cùng toàn dân xây dựng quê hương  ngày càng giàu đẹp. Dù ở đâu, làm gì, học sinh Trường Nguyễn Huệ luôn có khát vọng vươn tới những đỉnh cao của tri thức, của khoa học, luôn sống cuộc đời lương thiện với những chân giá trị, làm rạng danh cho truyền thống của nhà trường!

Thế hệ hôm nay vô cùng tự hào, trân trọng, biết ơn truyền thống và những bài học quý giá của các thế hệ đi trước, vui mừng với kết quả đạt được vừa qua và xin hứa phấn đấu tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường: quyết tâm thi đua dạy thật tốt, học thật tốt; nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động giáo dục; Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm tới, xây dựng trường THPT Nguyễn Huệ trở thành trường học hạnh phúc.

Trong từng bước đi lên của mình Trường THPT Nguyễn Huệ luôn ghi nhớ, trân trọng, biết ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm giúp đỡ sâu sát, hiệu quả của các cấp lãnh đạo tỉnh, ngành, huyện và các xã; sự đồng thuận, phối hợp, hỗ trợ đắc lực từ phụ huynh, sự giúp đỡ của cựu học sinh, các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm… Nhà trường mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ để tiếp tục phát triển, đạt nhiều thành tích cao hơn nữa, xứng đáng với lòng mong mỏi, kỳ vọng của cán bộ, Nhân dân cùng các thế hệ thầy cô giáo và học sinh.

 D.Đ.T

. . . . .
Loading the player...