Đọc tập ký và truyện ngắn “Trăng lu” của tác giả Đinh Sỹ Minh (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2024), ta sẽ có cảm giác mình đang được ngồi trên một toa tàu cũ kỹ chầm chậm đi ngược trở lại thời gian để về với những tháng ngày xưa cũ. Thuở ấy, cuộc mưu sinh của mỗi người nói riêng và cả xã hội nói chung luôn hiện hữu bao vất vả, nhọc nhằn; luôn bị bó buộc trong muôn vàn nỗi khó khăn chất chứa, vậy nhưng khi ấy lòng người lại trong trẻo, hồn nhiên đến lạ thường. Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 trân trọng giới thiệu bài viết “Trên chuyến tàu ngược thời gian” của Trần Hồng Giang
Đọc tập ký và truyện ngắn “Trăng lu” của tác giả Đinh Sỹ Minh (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2024), ta sẽ có cảm giác mình đang được ngồi trên một toa tàu cũ kỹ chầm chậm đi ngược trở lại thời gian để về với những tháng ngày xưa cũ. Thuở ấy, cuộc mưu sinh của mỗi người nói riêng và cả xã hội nói chung luôn hiện hữu bao vất vả, nhọc nhằn; luôn bị bó buộc trong muôn vàn nỗi khó khăn chất chứa, vậy nhưng khi ấy lòng người lại trong trẻo, hồn nhiên đến lạ thường.
Với 12 câu chuyện ở cả hai thể loại là truyện ngắn và ký, tác giả Đinh Sỹ Minh đã đưa người đọc trở về với một thời kỳ gian lao, khó nhọc của lịch sử đất nước. Với từng thân phận con người ở những bối cảnh khác nhau, tác giả đã khắc họa rất rõ nét về một thế hệ người Việt đầy nhiệt huyết sống, đầy lòng trắc ẩn, sự bao dung và cũng đầy nét hào sảng, kiêu bạc… Ta thấy hiện lên mồn một hình ảnh những nông dân thật thà chất phác, những bậc trí thức xem trọng danh dự hơn tất thảy, những người lính dù ở phía nào cũng nặng lòng với tình yêu quê hương đất nước… và có cả những chị đại anh hai mang đậm khí chất ngang tàng, bạo liệt nhưng cũng luôn sẵn sàng ghé vai sẻ chia bao cảnh huống éo le của đời sống.
Điều đáng nói ở tập sách này là các nhân vật trong những câu chuyện kể luôn sống động và tự nhiên như họ từ ngoài đời thực bước vào trang sách, đó chính là lối hành văn đề cao tính thực tả, tôn trọng sự thật của tác giả Đinh Sỹ Minh. Ông hầu như không có sự tô vẽ, hay lối phóng tác quá đà để các nguyên mẫu ngoài đời thực trở thành những nhân vật văn học với đủ các sắc màu lóng lánh, mà vẫn để nó giữ nguyên được vẻ bình dị, mộc mạc như những gì sẵn có. Bản chất, tính cách, tâm hồn… của mỗi con người là mỗi góc cạnh, mỗi sắc thái riêng biệt, bởi thế mà khi được người viết dụng công đưa vào tác phẩm thì nó sẽ làm nên vẻ đẹp tự nhiên của nhân vật văn học. Và theo đó, những nhân vật ấy, những tác phẩm ấy sẽ còn được neo giữ lâu dài trong tâm trí người đọc.
Điển hình nhất về các lớp nhân vật trong tập “Trăng lu” đó chính là những người nông dân tảo tần, lam lũ. Họ sống hồn nhiên trong một không gian làng mạc với củ khoai, cây lúa… nhưng ở họ luôn đầy ắp những sự thương yêu đùm bọc, luôn giàu sự sẻ chia của tình làng nghĩa xóm. Và nhất là trong tâm hồn của họ luôn tràn trề khí chất của những người quân tử dám làm dám chịu. Hình ảnh một ông Đắc (trong truyện ngắn “Chuyện ông Đắc”), từ một người thanh niên nông thôn với bao khát khát, hoài vọng… nhưng chỉ vì lý lịch bản thân là con trai nhà địa chủ mà mọi nỗ lực phấn đấu của ông đều như bị chặn đường bít lối. Để vượt qua được những trở ngại do cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan tạo nên ấy, nhiều lúc đã khiến ông Đắc tưởng chừng sẽ gục ngã. Nhưng rồi không vì thế mà ông nản chí buông xuôi. Cuối cùng, bằng ý chí nghị lực luôn biết cố gắng vươn lên trong nghịch cảnh, ông vẫn đạt được những thành quả ngọt ngào từ cuộc đời đã đền đáp cho những gì ông tận lòng dâng hiến. Cũng có hoàn cảnh tương tự như ông Đắc, nhân vật người bác trong truyện ngắn “Giấc mơ của một cháu ngoan Bác Hồ”. Những sai lầm của tuổi trẻ đã khiến con đường tiến thân không còn hiện hữu, giấc mơ đem nhiệt huyết thanh xuân đi dựng xây cuộc đời phút chốc hóa thành mây khói. Một tai nạn bất ngờ dẫn đến cú sốc quá nặng đối với một người vừa bước qua tuổi vị thành niên tưởng sẽ quật ngã con người ấy. Nhưng không, ông đã bình thản vượt qua hết khó khăn này tới trở ngại khác, để rồi cuối cùng ông vẫn khẳng định được chân giá trị của mình với một kết cục toại nguyện cho những gì mình đã lựa chọn.
Ở mảng viết về đời sống nông thôn trong tập sách “Trăng lu” của tác giả Đinh Sỹ Minh, ta còn thấy nổi lên những nhân vật khá đặc sắc mà ta có thể gọi đó là các “trí thức làng”. Có thể kể ra như ông nội trong “Ông nội tôi”, hay thầy Khoát trong “Thầy đồ”… họ là những người giàu tri thức nhưng lại sống ẩn mình lặng lẽ nhìn thời cuộc. Tuy vậy, ở họ luôn hiện hữu một tấm lòng bao dung, độ lượng đối với lớp hậu sinh và chất chứa trong lòng những nỗi niềm trăn trở với quê hương đất nước. Hình ảnh các “ông đồ xứ Nghệ” hiện lên rõ rệt qua các nhân vật này như lời minh chứng của một vùng đất học ngàn năm. Một vùng đất của những con người thông minh, tài trí; một vùng đất mà sự sắc sảo của ngữ ý ngôn từ tưởng như đã thấm đẫm trong sinh hoạt đời sống thường nhật, trong hoa lá cỏ cây. Và điều đó khiến ta không thể không nhắc nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo: “Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa/ Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài…”
Tuýp nhân vật để lại ấn tượng nhất trong tập truyện “Trăng lu” phải đến đó là những “chị đại, anh hai” mà một thời ta không hiếm gặp trong đời sống. Họ là những con người với vẻ ngoài không mấy thiện cảm, thế nhưng trái lại họ lại có tư chất hào sảng, trượng nghĩa. Nguyễn Ngụ trong truyện “Ngụ Đại”, anh Káng trong “Đại ca Đù”, chị Hương trong “Trăng lu”, cậu bé lang thang trong “Nhập trường”… là những nhân vật điển hình như thế. Không quan tâm nhau theo cách ồn ào, vồ vập… mà họ cứ lặng lẽ âm thầm bên đời rồi bất ngờ xuất hiện, sẵn lòng đưa bàn tay nghĩa hiệp của mình ra giúp đỡ người khác. Người đọc luôn có sự háo hức khi được tiếp cận với các nhân vật ở dạng này, bởi nó gây cho người ta sự tò mò, lôi cuốn… để rồi sẽ muốn đi tới tận cùng câu chuyện xem kết cục của nó ra sao.
Còn với các nhân vật nữ trong tập sách cũng đã được tác giả xây dựng nên bằng những nét đặc tả khá táo bạo. Về cơ bản, họ cũng chỉ là những người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác trong đời sống, thế nhưng qua những tình tiết và hoàn cảnh cụ thể, họ lại có những cách hành xử hết sức… khác đời. Mơ, trong “Chuyện ông Đắc”, một cô gái sống ở cái thời còn nặng nề về gia phong nề nếp và đang đà thăng tiến trong bộ máy chính quyền, nhưng dám từ bỏ tất cả danh lợi để có thể đến được với tình yêu đích thực của mình. Chị Hương, trong truyện “Trăng lu”, một thiếu phụ xứ Huế tưởng đâu là một người đàn bà nhẫn nhịn trong cái khuôn thước gia đình truyền thống, vậy mà chị lại có đủ mánh lới để giúp mình và mọi người vượt qua được những chuyện trắc trở, rắc rối do xã hội đương thời tạo nên. Đóc, trong truyện “Ngụ Đại, từ một cô gái chân quê thuần túy, ngây thơ đến mức ngờ nghệch và đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời, nhưng về cuối truyện ta lại thấy một bà cụ Đóc rất sắc sảo và ân tình, chỉn chu với mọi việc, thậm chí còn giữ được cả mối duyên thầm với người tình cũ. Cô Hòa, trong truyện “Nhập trường”, một người đàn bà nanh nọc và giảo quyệt nhưng lại rất biết che giấu bộ mặt thật của mình, khiến cho những ai từng tiếp xúc gặp bao phen khốn đốn… Và còn nhiều các nhân vật khác nữa cứ dẫn dắt ta đi vào các câu chuyện với sự lôi cuốn khó kìm chế.
“Trăng lu” truyện ngắn được lấy tên đặt chung cho cả tập sách chính là câu chuyện để lại cho người đọc nhiều sự suy tư, ám ảnh nhất. Những con người xa lạ vô tình quen nhau trên một chuyến tàu Thống Nhất nhưng lại nhanh chóng trở nên thân thiết, gắn bó. Họ hỗ trợ giúp đỡ nhau miếng ăn chỗ ngủ, họ hợp tác với nhau để đối phó với công an, thuế vụ… theo một cách rất tự nhiên. Tưởng như họ là những người thân trong một gia đình chứ không phải là những người bạn đường bất ưng gặp gỡ. Câu chuyện ấy đã diễn ra ở cái thời mà đa số mọi người đều rất đói khổ, thế nhưng tình người lại được xem trọng, còn được coi như là thước đo của nhân cách, của mỗi con người trong đời sống xã hội. Và cái thời ấy… nó cách đây chưa lâu lắm, thật tiếc!
Có cảm giác trải dài toàn bộ tập sách này chính là quãng đời trai trẻ của người kể chuyện - tác giả Đinh Sỹ Minh. Một thời thanh niên sôi nổi với bao khát khao, hoài vọng; bao háo hức, mong muốn được khám phám những góc khuất của đời sống xã hội ở thời điểm ấy. Có bao niềm vui nỗi buồn đã đi qua trên suốt quãng đường ngược xuôi ấy. Đã có bao cuộc gặp gỡ đã để lại những kỷ niệm yêu thương khó có thể phai mờ, nhưng kèm theo đó còn có cả sự tổn thương, mất mát… khiến cho lòng người không khỏi xót xa, nuối tiếc về một thời quá vãng.
Đọc tập truyện và ký “Trăng lu” của tác giả Đinh Sỹ Minh, ta sẽ thấy lại được ít nhiều những hình ảnh mà chính chúng ta đã bắt gặp ở đâu đó trên đường đời. Những hình ảnh ấy làm ta chợt nhớ lại những gì mà một thời kỳ mỗi người chúng ta và đất nước này đã trải qua với bao gian khó, nhọc nhằn. Những ký ức vừa sâu đậm vừa nhạt nhòa ấy luôn làm ta khắc khoải, nhất là với những người thuộc thế hệ 5x, 6x. Còn với những người trẻ cũng sẽ được ngược về quá khứ để cảm nhận những gì mà cái khoảng không gian và thời gian mà thế hệ cha anh họ đã từng sống. Và “Trăng lu” chính là một chuyến tàu chầm chậm đưa chúng ta về lại với những tháng ngày chưa xa lắm.
Nam Định, 03/2024
T.H.G