12-08-2022 - 06:33

Tơ tằm nhả mãi còn vương

Tạp chí Hồng Lĩnh số 191 tháng 7/2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Tơ tằm nhả mãi còn vương” của Nhà lý luận phê bình Hà Quảng

Trong số đông đảo các nhà thơ nữ tiền bối thời hiện đại không thể không nhắc đến nữ thi sĩ Cẩm Lai. Nhà thơ Cẩm Lai tên thật là Lê Thị Cẩm Lai (1923 - 2006), sinh tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Chị là một trong những nhà thơ nữ thuộc lớp tiền bối đặt những viên gạch đầu cho thơ ca kháng chiến Xứ Nghệ cũng như cả nước. Từ một thanh niên tham gia phong trào những năm đầu Cách mạng cho đến những ngày cuối làm biên tập viên một Nhà xuất bản lớn, chị dành trọn đời cho công tác văn  hóa, cho Cách mạng. Chị vừa làm công tác vừa sáng tác văn chương, ngoài thơ còn viết hồi ký và dịch thuật. Chị đã để lạị hơn mười tập thơ trong đó có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả. Tác phẩm chính của chị gồm: Dòng máu trẻ (1947), Tơ tằm (1963), Mùa xanh (1972), Sắc biển (1979), Huơng kỷ niệm(1990), Mây hồng (1993), Những đóa hoa ban, Đất lên huơng (thơ in chung 1995), Lệ đắng (1998), Gió biếc (1999) Tôi hát (thơ dịch in chung), Tình bạn tình thơ (hồi ký 1998), Mây bay từ đính núi (hồi ký - 1999).

Hồi ký của nhà văn Lý Thị Trung có ghi lại vài nét chân dung chị thời trẻ: “Chị từng là nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) - trường của các thiếu nữ tóc buông lơi, tà áo dài thướt tha màu tím nhớ nhung chung thủy mà người ta thường dành cho Huế: màu tím Huế. Những năm học ở Huế chị đã làm thơ, bạn bè cùng nội trú trong trường gọi chị là “nữ thi sĩ”. Cẩm Lai có đôi mắt đẹp. Nhìn những tấm ảnh thời nữ sinh thấy chị cũng “vang bóng một thời” (Nhà thơ một thời áo tím).

Kỷ niệm một thời hiện lên trong thơ chị rất đằm thắm:

Gặp Huế dịu dàng Huế biến đổi thân ta

Nét thanh thản như thông đỉnh Ngự

Nét mềm dẻo như dòng Hương lụa

Huế và ta kết chặt một sắc xuân

Chị đến với Cách mạng một cách tình cờ. Học xong một kỳ nghỉ về  thăm gia đình, do có cậu em tham gia Việt Minh đã cho chị xem sách báo, kể cho nghe về chị Trần Thị Hường - một tấm gương hy sinh không khuất phục thực dân khi bị bắt thời XVNT (1930). Dần dần chị được gặp gỡ những người cách mạng ở quê và tham gia công tác phong trào từ tháng 4 - 1945. Bài thơ đầu tiên chị viết về Cách mạng là bức vẽ chân dung chân thật về người con gái quê hương hy sinh vì nghĩa lớn đã được nghe kể, người mà sau này tên chị được đặt cho một con đường của thị xã Hà Tĩnh. Đây cũng là hình ảnh đẹp đẽ, người thật việc thật của dòng văn học Cách mạng về người chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh! Nhân vật hiện lên không như trong một bức tranh cổ động mà như một nhân vật trữ tình văn học:

… Ngọn cờ chị cắm đỉnh non

Đã nhen ngọn lửa gọi hồn núi sông

Gọi hồn Xô - Viết trẻ trung

Ánh lên mộ chị sắc hồng cờ bay…

Gia đình nhà thơ Cẩm Lai thuộc loại khá giả. Ông thân sinh chị từng là đốc học các trường huyện, được phong hàm Thị độc học sĩ. Sau Cách mạng ông là Chủ tịch Hội Liên Việt Thị xã Hà Tĩnh, tích cực tham gia mọi công tác xã hội. Chị được ăn học nền nếp từ nhỏ, đi theo Cách mạng gia đình trải qua bao sóng gió. Cha chị đã mất trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Đời sống của gia đình, mẹ và các em có thời kỳ vô cùng thiếu thốn, lại càng khó khăn khi phải ly tán mỗi người một ngả, tuy vậy chị vẫn luôn giữ niềm tin, hy vọng.

Thời hoạt động Cách mạng, kháng chiến cũng như sau này, thực tiễn đã rèn luyện cho chị nhiều phương diện vừa có vốn sống để sáng tác vừa tu dưỡng bồi dưỡng thêm nhân cách. Kết quả của các chuyến đi thực tế khắp các vùng miền đất nước đã giúp chị cho ra đời những tác phẩm đầy ắp hiện thực sống động địa phương, cùng với những kỷ niệm sâu sắc về tình yêu, tình đồng chí, đồng bào (Những đóa hoa ban, Đất lên hương, Mùa xanh , Hương kỷ niệm, Nghiêng về ký ức …)

Hình ảnh người phụ nữ là hình ảnh trung tâm trong thơ chị (Dệt lụa, Hương Sả, Gái Mường Khương…). Những bà mẹ, những người chị tích cực lao động sản xuất, công tác, chan chứa tình cảm hiện lên trong thơ chị chân thật, sôi nổi và đằm thắm. Bài Tơ tằm của chị được nhạc sĩ Lê Lôi phổ nhạc  rất quen thuộc với mọi người. Những câu thơ như ca dao: Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ/ Công em năm nắng mười mưa…tiêu biểu cho cả một phong trào sáng tác hướng về lao động, về nông thôn. Thiên chức làm mẹ, làm vợ trong chiến tranh, hiện rõ một cách chân thật cụ thể nhưng không kém phần khái quát về cả một thế hệ trong cuộc chiến đấu vì sự tồn vong dân tộc. Người phụ nữ tần tảo vất vả, một thân cò lặn lội như trong ca dao…Quên tháng ngày nắng mưa/Quên bữa đói bữa no/Một thân cò lặn lội…Trong chiến tranh người phụ nữ vất vả khó nhọc gấp hai lần, làm tròn phận mình lại còn che chắn cho bao người, cho con cái, gia đình… Bom dội ầm ầm/ Đạn réo vèo vèo/ Lấy thân mình làm lá chắn/ Che những người đau! Nhận tất cả về phần mình, những người mẹ bao dung giàu đức hy sinh, họ lớn lao một cách bình dị… Nỗi đau đời/ là gánh nặng của riêng em! Chức phận thiêng liêng của người phụ nữ chị cảm nhận một cách thầm lặng và thực hiện một cách cụ thể.

Chị cũng dành nhiều xúc cảm cho tình yêu đôi lứa, những câu thơ như được chắt ra từ trái tim, từ những kỷ niệm bản thân được bồi đắp gìn giữ qua tháng ngày:

Tình yêu ánh nắng ban mai/Líu lo chim hót cho ngày thay đêm

Tình yêu thắt sợi chỉ mềm/Mành như tơ nhện lại bền dứa gai

Tình yêu không mượn tiếng lời/Mênh mang sóng vỗ bồi hồi gió trăng

Tình yêu tiếng nói mẹ hiền/Vỗ về an ủi ưu phiền xoá tan…

Cũng như những nhà thơ cùng thời, trùm lên tất cả các sáng tác của chị là cảm xúc về quê hương xứ sở. Những địa danh, những tuổi tên trong lịch sử thường được nhắc đến một cách ngưỡng  vọng, nhất là những gương sáng phụ nữ: Bà huyện Thanh Quan, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Ngọc Hân , Huyền Trân công chúa… Chị viết về quê kiểng với những vần thơ nồng ấm, nào Núi Nài, Sông Cụt, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Hương Sơn, Chợ Trỗ.…Đôi cụm mây Hồng Lĩnh/ Về đậu núi Cảm Sơn/ Vài ba làn khói sông Lam/ Bay trên dòng sông Phủ/ Núi Thiên Cầm một chiều ngoạn cảnh/Êm đềm sao hai tiếng quê hương!

Từ thủ đô một đôi lần chị về thăm quê, cảnh cũ người xưa cồn cào bao kỷ niệm, vui buồn lẫn lộn, nhưng sâu thẳm vẫn là một tình yêu nồng thắm, từ một đám mây, một ngọn gió, một dòng nước, gặp lại như hai người thân muốn ôm chầm, muốn lặng ngắm… như chìm đắm trong mơ.

Thời gian trôi

Dòng sông Phủ bồi hồi

Với một chút ân tình ai lở hẹn?

Ta trút xuống nhờ sông làm tan biến

Ngọt đường mặn muối cũng tan theo

Tan theo những ráng bọt bèo

Tan cả nỗi đau thầm lặng  

                               (Dòng sông Phủ)

Quê hương từng chứng kiến một thời gia biến của chị “với những cái mốc của những hồi ức luyến tiếc và đau thương” nhưng bao vui  buồn “ngọt đường mặn muối” đều tan đi để còn lại một hơi thở nồng nàn của tình yêu và sự bao dung, trân trọng đời sống hiện tại. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn đồng hương Nguyệt Tú đã có một nhận xét khá sâu sắc về sự nghiệp thơ ca của chị “Xưa chúng ta có Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa, Giọt lệ thu của bà Tương Phố, nay có Lệ sương của Anh Thơ và Lệ đắng của Cẩm Lai, những áng thơ hay của tình yêu bất tử” (Báo Nhân dân số 03-1999).

Người ta thường khen mấy câu thơ của Văn Cao về  Quy Nhơn có hình ảnh đẹp độc đáo: Từ trời xanh/rơi/vài giọt Tháp Chàm/quanh Quy Nhơn/tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại… Như một bức tranh tĩnh vật, giọt Tháp Chàm rơi xuống từ trời xanh, trong cái “tĩnh” của lặng lẽ lại chứa đựng cái “động “ghê gớm của nội tâm. Thì trước đó Cẩm Lai đã viết về  hòn núi nhỏ ở quê nhà, với con mắt nhìn đầy nét lạ lùng, huyền ảo  và cũng  từ cái nhìn đó  gửi vào bao nỗi niềm, bao suy cảm: … Xanh thẫm núi Nài/Cái nấm trời rơi xuống/Lặng lẽ đơn côi!/…Xanh thẫm núi Nài/ Cái nón xanh úp sấp/ Lặng lẽ đơn côi!
Hình ảnh hòn núi như cái nấm, như chiếc nón từ trời cao rơi xuống,  không chỉ đẹp mà còn chứa chất bao tâm tư, hoài niệm sâu lắng khi được lồng vào: …Vây quanh là sắc tím hoa mua/Lác đác vài bông trang đỏ
Niềm tin bật lên từ núi nhỏ.../ Từ núi nhỏ này/ Cả đàn chim bay đi  (N
úi Nài)

Thơ chị bám sát vào hiện thực nổi bật cảm xúc chân thật sâu sắc như khi nói về các em bé bị bom Mỹ sát hại ở Hương Phúc:

Chị đến đây hương hoa bưởi thơm lừng

Giọt giọt trắng hoa rơi từng cánh

Trên dãy mộ cỏ xanh ôm kín

Hoa trắng nằm êm  nhẹ tựa bông

Và nỗi đau nghẹn ứ trong lòng.. (Hương hoa lửa)

Thơ của Cẩm Lai là sự rung cảm nỗi niềm, là tình yêu sâu lắng thiết tha. Thơ của chị gắn bó giữa niềm riêng và lý tưởng chung, thể hiện trên bình diện rộng của cuộc sống, chiến đấu của đất nước và con người. Nó mộc mạc, chân thành xúc động lòng người đọc, mạch văn, thơ ấy xuyên suốt các tập thơ và những tập văn xuôi… Nhà phê bình Lý Thái Du có nhận xét khá sâu sắc “Thơ chị thời kỳ đầu, nặng về sự kiện mà ít suy tư” (Nghệ Tĩnh - gương mặt nhà văn hiện đại). Không chỉ Cẩm Lai mà thế hệ các nhà thơ nữ Việt Nam lúc bấy giờ từ Mộng Đài, Ngân Giang, Hằng Phương cho đến cả Anh Thơ đều nặng về kể chuyện, tả cảnh, diễn tình mà ít suy tư, ngụ ý, trong số đó có lẻ Cẩm Lai là người chóng tiếp cận với màu sắc suy lý nhất. Thơ chị thay đổi theo thời gian, từ kể, tả đến suy ngẫm, càng về cuối càng nhiều ám ảnh. Nhiều bài kết hợp sâu sắc cảm xúc và suy nghĩ.

Là hạt cát, lọc nước biển thành muối mặn

Là một cây xanh góp sức cho rừng

Là một âm thanh trong bản đồng ca nhân ái

Người ước hoà mình như nước một dòng sông… (Sắc biển)

Cuộc đời của chị nhiều trắc trở, vượt qua nhiều sóng gió, vượt lên bao khó khăn của thân phận, hoàn cảnh, đáng quí chị luôn giữ trọn tấm lòng thương yêu, trách nhiệm, luôn tin tưởng ở cuộc đời. Bao nhiêu năm công tác biên tập ở một Nxb lớn có nhiều tập thơ rất ấn tượng với độc giả, nhưng trên thi đàn chị xuất hiện rất khiêm tốn. Nxb Phụ nữ không chỉ là nơi dìu dắt nâng đỡ nhiều tác giả nữ trẻ, mà còn là nơi trong thời bao cấp đã giúp nhiều tác giả cho ra đời nhiều đứa con tinh thần của mình trước khi thành danh. Thơ chị không ngời lên sắc màu lạ, mà dịu dàng đằm thắm khiêm nhường như những vạt “nấm mồ côi” (nấm mối) nơi quê hương chị. Từ tập thơ đầu Dòng máu trẻ-1947 đến tập sau cùng Gió biếc - 1999, hơn nửa thế kỷ làm thơ chị đem đến cho không chỉ dòng thơ phụ nữ mà cả nền thơ cả nước một phong cách trữ tình độc đáo giàu nữ tính, chân tình đằm thắm, phản ánh rõ tâm hồn và nhân cách của chị, để lại một tấm gương cho thế hệ các nhà thơ trẻ.

H.Q

. . . . .
Loading the player...