22-12-2019 - 16:23

Thơ thiếu nhi và lời bình: Hoa vừa đi vừa nở

Viết về đề tài chiến tranh cho các em thật khó vì tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo luôn nhìn cuộc sống bình yên tươi đẹp. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo với ‘‘Hoa vừa đi vừa nở’’ đã có một tứ thơ (hay là một câu chuyện) khá xinh xắn, gọn ghẽ nhiều kịch tính kể về các chiến sĩ giải phóng quân bơi qua sông có hoa lục bình. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ "Hoa vừa đi vừa nở" của Nhà thơ Trần Mạnh Hảo qua phần bình của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

HOA VỪA ĐI VỪA NỞ

 

 

 

Những năm Mỹ càn quét

Tàu nó đậu chật sông

Vịt trời bơi không thoát

Mỹ soi đèn suốt đêm.

 

Những dòng sông Nam Bộ

Chú qua, làm sao bơi

Làm sao cho khỏi lộ

- Đã có lục bình (1) trôi.

 

Những mảng lục bình dày

Che đầu cho các chú

Mỹ chỉ nhìn thấy cây

Chú qua sông rồi đó.

 

Lên bờ qua mắt Mỹ

Rễ lục bình bám đầu

Giống tóc các cô chải

Mấy chú cười nhìn nhau.

 

Chú thương hoa lục bình

Ra hoa còn vất vả

Che cho chú qua sông

Hoa vừa đi vừa nở.

                             Trần Mạnh Hảo

Hoa lục bình - Ảnh: Internet

 

 

 

LỜI BÌNH:

 

        Viết về đề tài chiến tranh cho các em thật khó vì tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo luôn nhìn cuộc sống bình yên tươi đẹp. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo với ‘‘Hoa vừa đi vừa nở’’ đã có một tứ thơ (hay là một câu chuyện) khá xinh xắn, gọn  ghẽ nhiều kịch tính kể về các chiến sĩ giải phóng quân bơi qua sông có hoa lục bình (một loài cây bèo Nhật Bản còn gọi là bèo tây) che ngụy trang trước mắt địch trong tình thế hoàn cảnh nghiệt ngã hiểm nghèo: ‘‘Những năm Mỹ càn quét - Tàu nó đậu chật sông – Vịt trời bơi không thoát’’. Chỉ một hình ảnh ‘‘Vịt trời bơi không thoát’’ cho ta hình dung sự vượt sông ‘‘Làm sao cho khỏi lộ’’ khi ‘‘Mỹ soi đèn suốt đêm’’. Ở đây nhà thơ dùng hình ảnh con vịt trời gần gũi thân quen với các em để dễ so sánh và gợi ý tò mò liên tưởng. Thế nhưng đã có: ‘‘Những mảng lục bình dày – Che đầu cho các chú’’. Cái hay của bài thơ là hình ảnh khá bất ngờ và khá sinh động: ‘‘Hoa vừa đi vừa nở’’. Hoa đi chứ không phải là hoa trôi. Đi có sự định vị khi vượt sông. Hoa đội trên đầu các chú che mắt giặc khi: ‘‘Mỹ chỉ nhìn thấy cây’’. Hoa nở xoe cánh ngụy trang trên đầu các chú là loài hoa cũng biết giao cảm với con người cũng là bạn đồng hành, đồng đội góp sức mình cho cuộc hành quân lặng lẽ theo từng bước chân của các chú bộ đội dưới mặt nước đầy bí ẩn. Hoa nở hay là các em mong hoa nở - Tất cả đều có lý! Đến cả cành lá, loài hoa cũng trở thành ‘‘vũ khí mềm’’ nhưng lại có hiệu quả biết bao. Và tôi cứ nghĩ khi chú bộ đội thở qua chùm rễ lục bình để che mắt giặc chính là chú đang truyền thêm hơi người, sức sống vào mạch rễ ấm áp, truyền cảm để bông hoa bèo tây nở xòe to hơn. Một vẻ đẹp bình dị giữa bao hiểm nguy rình rập đã gieo vào lòng các em sự tự tin, tự hào vào sự khôn khéo, dũng cảm, mưu trí của người chiến sĩ.

        Nhà thơ đã chớp được một cận cảnh thật thú vị đáng yêu khi: ‘‘Lên bờ qua mắt Mỹ - Rễ lục bình bám đầu - giống tóc các cô chải – Mấy chú cười nhìn nhau’’. Đây cũng là một vẻ đẹp tâm hồn thật hồn nhiên, một khoảng lặng của chiến tranh như những vòng sóng lan tỏa. Và ‘‘Chú thương hoa lục bình – Ra hoa còn vất vả - Che cho chú qua sông – Hoa vừa đi vừa nở’’. Thì ra cái giống hoa lục bình, dính kết vào nhau thành bè, thanh mảng mới dễ ra hoa. Nhưng để che mắt địch ngụy trang cho các chú vượt sông hoa đã tự nguyện tách mình ra để ‘‘vừa đi vừa nở’’. Một sự quên mình tự nguyện đã thức dậy gieo vào lòng các em  lòng quả cảm, khôn khéo. Nhưng cái hay của tứ thơ là các chú thương hoa chứ không nói gì về sự hiểm nguy vừa trải qua của mình. Đó chính là phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ. Đó cũng là một loài hoa mộc mạc nở hết mình để dâng hiến cuộc đời cho tình yêu tổ quốc…

N.N.P

 

. . . . .
Loading the player...