09-08-2022 - 10:12

Tản văn SÔNG GIĂNG của Tác giả Nguyễn Hồng

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 7/2022 giới thiệu Tản văn SÔNG GIĂNG của Tác giả Nguyễn Hồng

NGUYỄN HỒNG

SÔNG GIĂNG

                                                                                                        Tản văn

Ôm trọn cả Xứ Nghệ là Sông Lam. Con sông chảy dềnh dàng từ cao nguyên Xiêng Khoảng của Lào, qua các huyện của Nghệ An, hợp lưu với sông La của Hà Tĩnh (tạo thành ranh giới Nghệ An và Hà Tĩnh) rồi mới đổ ra biển. Sông lớn nên ở mỗi phân khúc, người bản địa sẽ gọi sông bằng một cái tên khác. Dài dòng chút để thấy, Sông Giăng là tên gọi khác của Sông Lam đoạn chảy qua các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương của Nghệ An.

Là một phụ lưu của Sông Lam, Sông Giăng nhỏ nhắn, hiền lành và kín tiếng. Vì kín tiếng nên khi được xướng tên cả người lẫn sông đều ngơ ngác chào nhau. Đừng trách vội người ở xa, ngay cả người Nghệ đôi lúc vẫn còn hỏi nhau sông Giăng ở đâu. Là ở đâu đó, loanh quanh đất Nghệ mình thôi nhưng chưa định hình được ở đâu cả. Tôi đã chưa biết gì về Sông Giăng ngoài một cái tên.

Tôi theo đoàn thực tế tìm đến sông Giăng. Thì ra là nó, con sông cũ tôi đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần trên đường công tác. Chỉ là sông thôi, nhỏ như sợi chỉ, lặng lẽ như hơi thở. Tôi thường gặp sông vào lúc chiều muộn. Đường dài chân mỏi, ý nghĩ cũng mỏi, dòng sông nhỏ lóc cóc chạy theo xe gợi buồn thương trong chiều sương rơi. Tôi còn chẳng lưu vào bộ nhớ, chẳng buồn hỏi người ở địa phương tên của dòng sông. Sông nào rồi cũng quanh co nước vậy thôi.

Ai cũng như tôi chắc sông rất buồn.

Nhưng không. Sông mải sống đời của sông chẳng thèm bận lòng. Tôi chỉ là hạt cát bên bờ sông phù sa bồi xanh bến bãi. Là hơi thở mỏng giữa ngút ngát gió sông và mênh mông nắng. Tôi chẳng thể làm sông buồn. Sông cũng chẳng vì tôi mà buồn. Chỉ có tôi ngơ ngác như con cò lạc bạn, chới với giữa bát ngát sông xanh mà cám cảnh phận mình.

Sông Giăng xanh lắm. Xanh của nước. Xanh của mây trời. Xanh cây xa cỏ gần. Những điệp trùng xanh đuổi theo nhau vô tận. Càng xa bờ, màu xanh càng vời vợi. Thuyền chúng tôi chạy ra giữa sông, nhỏ bé giữa bao la xanh. Một người trong đoàn gọi giục người lái thuyền. “Chạy nhanh thêm chút xíu được không anh, cho kịp thuyền kia”. Người lái thuyền cười hiền từ. “Khách theo đoàn ở đây toàn thế, thuyền nọ đuổi theo thuyền kia chỉ để té nước hay lè lưỡi trêu nhau”. Cứ thế, như là thương lây, những ý nghĩ cũng xanh reo trong lòng. Chúng tôi được trở về tuổi thơ dẫu trong tích tắc, cũng chí chóe cãi nhau hệt ngày xưa hơn thua trong trận cỏ gà.

Sông Giăng bữa ấy hiền khô. Lặng yên nước chảy, chẳng gợn chút ồn ào nào. Chỉ có tiếng người lao xao trong chốc lát rồi đột nhiên im bặt nhường lời cho gió, cho ran ríu tiếng chim và róc rách suối reo. Tôi cứ trộm nghĩ, người ta có ồn ào ở đâu, chát chúa ở đâu thì trước màu xanh dịu dàng thăm thẳm này cũng thấy lòng dịu lại, tự động thanh lọc. Nếu may mắn được gặp thêm người bản địa, nghe họ chuyện trò càng hiểu hơn nết ở ăn của một vùng đất. Người rồi cũng hiền lành như sông.

Nước Sông Giăng mát ngọt, lại trong vắt. Nước trong dễ nhìn được cả rong rêu tận đáy. Đã thế lại nhiều cá. Là loài cá mát, vảy ánh bạc, hay bơi theo đàn. Dân tứ xứ truyền tai nhau câu cửa miệng “Cơm Mường Quạ, Cá Sông Giăng” đã từ bao đời nay rồi.

Cái màu xanh thăm thẳm ấy chẳng chịu đẹp một mình. Phải đợi đến màu trắng xôn xao của đàn cò thì màu xanh kiêu hãnh của sông Giăng mới bộc lộ hết vẻ quyến rũ. Cò rủ nhau về đầy sông Giăng. Cò đậu một chân ngủ gật ở bờ sông. Cò thủng thẳng loanh quanh mép nước. Cò tự do đuổi nhau bay lượn trước mặt người. Cò ở đây lạ lắm, ung dung muôn vẻ chẳng hề sợ hãi. Tôi hiểu thế nghĩa là chúng đã được sống cuộc đời của mình.

Bữa nọ “check in” ở Sông Giăng liền có người hỏi sông Giăng ở đâu. Tôi đã ngẩn ngơ mất một lúc. Ừ nhỉ? Sông Giăng ở đâu? Trên bản đồ địa lý đã là chắc chắn nhưng trong bản đồ ý nghĩ thì chưa hình thành. Biết trả lời người sao đây?

Giờ có ai hỏi sông Giăng ở đâu. Tôi sẽ trả lời ngay được. Dải lụa mỏng xanh của nàng tiên nào đó bỏ quên ở miền Tây xứ Nghệ. Nàng về trời lâu quá, khăn nhớ thương nhiều mà thành sông Giăng.

                                                                                                             N.H

Sông Giăng ( Ảnh Hồ Nhật Thanh) 

. . . . .
Loading the player...