04-08-2022 - 07:50

Tản văn QUÊ CÁT của Tác giả Nguyễn Xuân Diệu

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 7/2022 xin giới thiệu Tản văn QUÊ CÁT của Tác giả Nguyễn Xuân Diệu

NGUYỄN xuân diệu

quê cát

                                                                                                            Tản văn

Đã từ bao giờ quê tôi mang cái tên Quê Cát. Cát! Dưới cái nắng miền Trung đỏ lửa, màu cát chói chang loa lóa. Cát nóng như thể nung chín da thịt người. Cho những ngày xa lắm, để che chắn cái nóng, cái nắng dữ dằn, người dân quê tôi phải mặc cả áo tơi ra đồng cần mẫn cấy cày gieo sự sống trên mảnh đất “cây lúa mỏng, nắng dày, cồn cát trắng”!

Tuổi thơ tôi gắn liền với cát, với cái nắng ấy. Nhúm rau của tôi được vùi vào lòng cát khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Tóc để chỏm, lũ trẻ con chúng tôi bàn chân trần lún sâu trong cát mát rượi sớm mai, chiều tối hò nhau chạy đuổi bắt “còng”. Rồi khi mệt nhoài, cả bọn nằm xoài trên bãi biển xây những lâu đài cát. Bao lần người mẹ của thằng bạn nối khố với tôi ra biển. Mẹ lặng lẽ đứng nhìn chúng tôi. Rồi mẹ ngồi xuống vuốt mái tóc hoe hoe màu nắng, ướt đẫm nước biển mặn mòi của bạn, của tôi, thầm thì:

- Giá mà cát xây được cho người nghèo chúng ta ngôi nhà, dù nhỏ bé thôi nhưng vững chãi, chắn được bão giông. Để xóm chài khỏi mang tiếng “làng chạy” những khi bão tố rình rập, nói chi đến lâu đài…!

Tôi và bạn ngẩn ngơ nhìn mẹ. Cái tuổi lên năm, lên sáu, làm sao chúng tôi hiểu được cái nỗi niềm xa xôi trong lời nói của bà. Rồi mẹ đứng dậy, lúp xúp đi về cái xóm chài Quê Cát, nơi những túp lều tranh le te nằm loi thoi bên bờ biển.

Chúng tôi lớn dần lên. Rồi hai đứa cắp sách tới trường. Con đường tới trường bàn chân nhỏ nhoi của chúng tôi ngập trong cát. Trên sân trường cát trắng lũ con gái nhảy dây, đánh chài, lũ con trai chơi bi đá bóng. Chúng tôi biết đâu rằng, cái bụi cát khô khốc nồng nã màu nắng ấy đã ngấm sâu vào huyết quản, như một vết khắc vào tâm hồn thơ dại, để cho vương vít cả cuộc đời…!

Người ở xa đâu đó, người ở vùng quê trù phú nào đó, người ở chốn thị thành…có thể thờ ơ khi nghe cái tên Quê Cát. Nhưng với người dân quê tôi cát đã thành bạn bè, thành máu thịt. Cát gắn bó, thủy chung với người từ thuở lọt lòng. Bãi cát mềm đỡ con thuyền cha xuống biển tìm cá. Cát dịu êm đỡ tấm lưng mẹ bớt mỏi sau buổi lao động nhọc nhằn. Cát kết thành pháo đài bảo vệ người dân quê tôi giáng trả lũ cướp trời, cướp biển. Cát chở che, nâng bước cho những binh đoàn điệp trùng ra trận. Giọt máu đỏ thắm của người dân Quê Cát cùng giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống cát, ngấm vào lòng cát cho củ khoai, củ lạc nên ngọt, nên bùi; cho cây lúa dẻo thơm hạt gạo; cho “gừng chín tháng gừng hỡi còn cay” cho ai “tình nặng, ngãi dày”…! Cát buồn vui, hờn giận cùng người nên mới có nỗi niềm “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”… Đến bát nhang cũng được người dân quê tôi chọn thứ cát sạch sẽ, tinh khiết đưa lên bàn thờ để xuân thu nhị kỳ, giỗ chạp, tết nhất, người người, nhà nhà cắm vào đó nén hương thơm nhớ về tiên tổ, mát dạ người về với cát…!

Thời gian cộng thêm tuổi trời để tôi hiểu thêm một điều đau đáu. Trên Quê Cát,  cái nắng ngàn đời hun tấm lưng trần của cha kéo lưới, cái nắng ngàn đời làm sạm làn da nõn nà một thời con gái của mẹ cấy cày. Vậy mà cái làng chài nhỏ nhoi bên bờ biển vùng bãi ngang Hà Tĩnh của tôi vẫn le te những túp lều tranh vách đất như thuở tôi mới chào đời…!

 Bom đạn kẻ thù rơi xuống Quê Cát của tôi. Cùng với bao trai tráng, tôi và người bạn nối khố ngày xưa cầm súng lên đường. Ngày ra đi, bạn tôi cầm bàn tay sạn chai, run run của mẹ, nghẹn lời: “Mẹ ơi, ngày hết giặc con sẽ về xây ngôi nhà vững vàng cho mẹ an lòng những khi nắng táp, mưa sa. Để khi giông bão mẹ không còn phải “chạy” nữa!” Bạn tôi đã nằm lại ở một vùng đất đầy nắng gió phương Nam. Còn tôi khắc khoải trong lòng khi nhớ bạn, nhớ cái làng chài nhỏ nhoi bên bờ sóng, nơi túp lều tranh le te của người mẹ bạn tôi còn đó, khi anh đành lỗi hẹn với mẹ về một ngôi nhà mơ ước. Mùa hè năm nay, sau bao năm xa cách, nỗi nhớ cố hương chẳng dằn lòng được, tôi tìm về quê nhà. Quê tôi đó, vẫn cồn cát trắng mênh mông. Rẽ qua những con đường nhựa, đường bê tông phẳng lỳ, tôi cởi giày cầm tay để bàn chân trần ngập trong cát mịn. Cát ôm lấy bàn chân tôi mát rượi. Bàn chân của đứa con tha hương đã bước trên biết mấy những nẻo đường chốn lạ. Từ những nẻo đường nhọn hoắt đá tai mèo Trường Sơn, những con đường ong óng đất đỏ cao nguyên đến những đại lộ thênh thang nơi phố phường đô hội…Nhưng kỳ lạ sao đi trên con đường về với tuổi thơ, bước chân tôi cứ ríu lại, lòng tôi cứ nôn nao. Mùi cát nồng nàn thân thuộc ngất ngây trong lòng làm tôi cay sè khóe mắt. Cái mùi vị chỉ những người sinh ra trên cát, lớn lên cùng cát mới hiểu hết, mới thấm thía vô cùng…!

Chiều muộn. Hoàng hôn rưới một màu tím ngát lên bờ, lên bãi. Lũ trẻ con xóm chài vẫn nô đùa đuổi bắt “coòng” như thuở chúng tôi ngày xưa. Biển sóng của ngày xưa vẫn ru vô hồi bờ cát. Tôi ngỡ ngàng khi đặt bước chân mình lên con đường xóm chài nơi hai đứa chúng tôi cầm súng ra đi những năm ngợp trời đạn lửa. Mùi cá nướng thơm nồng khắp các nẻo đường xóm nhỏ. Trước mắt tôi căn lều le te mái tranh vách đất của mẹ - người mẹ yêu quý vô cùng của bạn và tôi - không còn nữa. Thay vào đó là ngôi nhà mái đỏ, tường vôi vững chãi, khiêm nhường mọc lên, rực sáng ánh điện bên hàng phi lao vi vút gió!

Quê Cát của tôi! Ơi ngôi nhà của mẹ, của bao người như mẹ, thấm đẫm tình người. Ngôi nhà nhỏ xinh, trăm ước, ngàn ao của mẹ, của biết mấy kiếp người Quê Cát. Những ngôi nhà nghĩa tình được người dân Quê Cát xây lên từ sắt thép, bê tông của lòng người Hà Tĩnh vững vàng trước bão giông, cho yên lòng bạn nơi nắng gió phương Nam; cho yên lòng mẹ, yên lòng bao người con Quê Cát đi xa đang bổi hổi ngày dài, đêm thâu tin yêu thao thiết nhớ về…!

                                                                                         Tháng 4 - 2022

                                                                                                   N.X.D

Ảnh nguồn ITN

. . . . .
Loading the player...