11-12-2023 - 00:39

Tản văn NGƯỜI HAI QUÊ của Tác giả ĐINH NGÂN

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2023 trân trọng giới thiệu Tản văn NGƯỜI HAI QUÊ của Tác giả ĐINH NGÂN

ĐINH NGÂN

NGƯỜI HAI QUÊ

                                                                                                    Tản văn

Trận mưa ồ ạt vào một chiều thu báo hiệu những ngày dịu dàng của bốn mùa chấm dứt. Mưa! Mùa đông chạm ngõ đất Kinh kỳ. Mưa xối xả, mưa hối hả. Bốn giờ chiều, bóng tối như muốn gọi mời cả đất trời bước vào cơn ngủ mê. Những quán cà phê gần chỗ làm của tôi dập dìu khúc nhạc “Chiều nay mưa trên phố Huế. Kiếp giang hồ không bến đợi. Mà sao mưa vẫn rơi hoài. Cho lòng nhớ ai…” não nề ruột gan.

Ai cũng bảo mưa ở Huế đẹp lắm, nhưng có cơn mưa nào đẹp hơn ngày nắng rạng, có bóng tối nào đẹp hơn ánh sáng của bình minh. Mưa tới, Cố đô thêm phần cổ kính, du khách bỗng tìm thấy những mảng màu trầm, lặng yên, an tĩnh tới nức lòng. Nhưng ở lâu rồi mới thấy, một Huế thu mình lại giữa mùa mưa, những ánh buồn hiu hắt len qua các gian hàng ế ẩm, những tấm lưng gầy của o mệ bán hàng rong còng thêm trên từng con phố. Hẳn vậy, mà mưa Huế thường kéo theo một chút nỗi cô đơn. Huế vốn yên bình nay bỗng trở nên trầm lặng hơn. Mưa gợi lên trong lòng ta mọi ngõ ngách của kí ức. Cơn mưa chiều nay đủ dài để nỗi nhớ của người xa quê thêm phần xao động.

Quê tôi có sông Ngàn Phố, có thác Vũ Môn cá chép hóa rồng, có hồ Bình Sơn nước bốn mùa xanh ngắt, có bưởi Phúc Trạch ngọt lịm đầu môi và ở đó còn có những hàng tre xanh rì rào bóng mát, những con đường rơm thơm mùi ký ức tuổi thơ. Tôi nhớ bóng dáng những bà mẹ nông dân chất phác thật thà, tôi nhớ cả con Duyên, thằng Tí, thằng Bờm và những người bạn thuở bé chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng.

Mỗi lần hồi tưởng, người xa xứ như tôi lại ứa nước mắt. Mảnh đất nghèo muôn đời tôi mắc nợ, nợ ơn sinh thành công dưỡng dục, nợ ân tình bao la như biển rộng. Kí ức du hành ngược thời gian trở về chuyến tàu năm 2012, năm ấy cha đưa tôi vào Huế nhập học. Ngồi gõ những dòng chữ này, cảm xúc ngày ấy trong tôi vẫn vẹn nguyên. Gia đình tôi là nông dân chính hiệu, cha mẹ cả một đời chân chất ruộng vườn. Ngày nhận giấy báo nhập học, niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt rám nắng của đấng sinh thành là động lực cho những cố gắng của đứa sinh viên tỉnh lẻ nơi đất khách quê người.

“Chuyến tàu TN1 đưa quý khách rời ga Hương Phố, quý khách vui lòng kiểm tra lại hành lí tư trang để đoàn tàu được rời ga an toàn…”

Tiếng vọng từ loa phát thanh vang lên, đoàn tàu lăn bánh chở cha con tôi, chở niềm tin hi vọng về một cuộc sống không lấm lem bùn đất vào tận phương trời xa. Chuyến tàu hôm ấy là chuyến tàu đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Chuyến tàu của yêu thương, của khát vọng lí tưởng. Mãi tới bây giờ, cha tôi vẫn chưa có dịp trở lại Huế, nhưng cha vẫn nhớ như in con sông An Cựu, nhớ Ga Huế, nhớ món bún Hến mang hương vị xứ sở kinh kỳ, nhớ con đường Điện Biên Phủ có vị ân nhân của cha. Mỗi kỉ niệm là một mảnh ký ức tâm hồn. Tựa như chiều nay, cơn mưa về bất chợt, nỗi nhớ nhà nhớ quê giấu kín tận đáy lòng thoáng chốc bùng lên.

Huế vào mùa mưa là Huế của nỗi buồn, và của những suy tư trầm lặng. Từ góc ngồi này, nhìn ra đường lớn, tôi có thể thấy những bước chân hối hả chiều mưa. Họ trở về với gia đình nhỏ, nơi những tiếng cười vui rả rích át đi tiếng mưa ngoài hiên nhà. Nhưng với người xa xứ, bình yên đâu giản đơn như thế, chốn quê nhà còn có mẹ cha già. Mùa bão lũ tới rồi, liệu đường trơn cha có trượt chân lỡ té, mẹ có kịp chuyến chợ chiều mua thêm vài con cá mắm dưa chua hay không? Lòng lại ước về nhà…

Tôi có con nhỏ, công việc cũng có đôi phần bận rộn nên lần về quê gần đây nhất là dịp Tết vừa rồi, vẫn con đường đất nho nhỏ dẫn lối vào nhà, vẫn hàng rào râm bụt đỏ, vẫn hàng tre xanh rì rào, vẫn làng xóm nghĩa tình xưa cũ đó. Nhưng có điều nhà tôi vắng vẻ hơn xưa, các anh chị em đều đi làm xa, lưng của mẹ còng hơn một chút, tóc của cha bạc thêm ít sợi. Nghe mẹ kể người này còn người kia mất. Ôm mẹ ngủ đêm cuối trước lúc lên tàu vào lại Huế, cảm nhận rõ rệt tấm lưng gầy guộc của mẹ, những cái trở mình liên tục vì mất ngủ tuổi già, tiếng rên nhè nhẹ vì cái chân đau lúc trở trời. Tuổi già xập xệ là điều không tránh khỏi của tạo hóa, nhưng nghe sao vẫn nhói cõi lòng.

Chiều tàn, mưa chẳng có dấu hiệu ngừng nghỉ, dòng người vẫn hối hả bon chen. Gấp vội quyển sách, cắt đứt dòng suy nghĩ, hòa mình vào cơn mưa trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng. Có một gia đình nhỏ đang đợi chờ mình. Hẹn quê hương vào một ngày cuối năm. Về để được đắm mình trong dòng nước sông La, ngắm Thiên Cầm buổi chiều lộng gió, ăn cơm rau muống dưa cà và theo cha mẹ ra đồng từ lúc hừng đông!

                                                                                                       Đ.N

Yên ả làng quê (Ảnh: Huyền Trang)

. . . . .
Loading the player...