17-01-2023 - 08:25

Tản văn NGÀY XUÂN LẨY MỘT CÂU KIỀU của Tác giả Nguyễn Phú

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) phát hành tháng 1/2023 trân trọng giới thiệu Tản văn NGÀY XUÂN LẨY MỘT CÂU KIỀU của Nguyễn Phú

NGUYỄN phú

ngày xuân lẩy một câu kiều

                                                                                                        Tản văn

Bà tôi cũng như bao người đàn bà nước Việt thế kỷ trước, hoàn toàn không biết chữ. Cả bà đời bà chỉ viết được một chữ duy nhất, đấy là tên bà. Thế nhưng bà có trí nhớ đáng kinh ngạc. Tất cả những gì diễn ra trong suốt cuộc đời bà, từ khi còn là cô bé 5,6 tuổi cho đến năm 90 tuổi bà có thể kể rành rọt, không nhầm lẫn bao giờ. Bà là một cái kho chứa truyện cổ tích, truyện nôm, thơ nôm. Từ cái kho ấy những câu chuyện cứ luênh loang tràn từ đêm này qua đêm khác, từ ngày này sang ngày khác, bất kể đông hay hè, xuân hay thu... Bà kể say sưa, lúc ngậm ngùi, xa xót, khi vui sướng, hả hê. Trong những chuyện bà kể, có lẽ Truyện Kiều cho bà nhiều cảm xúc nhất, nhưng nhiều hơn là nỗi nghèn nghẹn, ngùi ngùi, đôi khi là những giọt nước mắt bà cố giấu vào vạt áo cánh nâu.

“Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” nhiều đêm bà vào truyện bằng cái nhịp điệu đều đều, nao buồn như thế. Thường thì bà chỉ kể được một lúc là chị em chúng tôi đã lăn ra ngủ rồi, phải qua mấy đêm liền mới đến được cái đoạn: “Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh”. Khi tôi hỏi ai dạy cho bà những câu thơ này. Bà bảo mẹ bà, tức là cụ ngoại của tôi. Và cụ ngoại tôi thì được các em trai, cháu trai của cụ là môn sinh của cụ đồ Bạng, một thầy đồ trong làng, nổi tiếng khắp vùng truyền dạy cho. Bà lại kể cụ đồ Bạng mỗi khi gặp hai cụ ngoại, thường bảo: “Hai cháu Mùi, Ngọ nhà ta là Thúy Kiều, Thúy Vân của làng Gạo” (Mùi là tên bà, Ngọ là em gái kế bên bà). Tôi không được thấy bà ở thuở xuân sắc, nhưng với những gì nghe được từ người làng và những nét hài hòa, hoa ngọc còn lưu dấu trên gương mặt trái xoan thanh tú của bà, tôi có thể hình dung ra thời thanh nữ rực rỡ của cô gái đẹp tên Mùi. Bà không bao giờ tự nhận là một người đàn bà đẹp. Bà thường kể về em gái Ngọ của bà với nỗi nhớ thương, đau hơn dao cứa. Lúc nào tôi cũng như thấy bà đang thầm gọi: “Em Ngọ của chị ơi! Em gái xinh đẹp của chị ơi! Sao em bỏ chị mà đi chứ?”. Em Ngọ của bà tuổi vừa đôi tám, da dẻ ngà ngọc như đóa huệ thơm, má thắm hoa đào, môi hường hàm tiếu, mắt phượng thăm thẳm, trong vắt như nước giếng làng. Và mái tóc, dường như không hẳn là tóc, đấy là dòng thác đêm chảy từ đỉnh đầu xuống dưới khoeo chân giai nhân chốn thảo điền. Bà thường kể, mỗi khi chải tóc em gái Ngọ của bà phải đứng trên một cái ghế, dùng chiếc lược sừng chải như múa trên dòng thác huyền, óng ả. Nghe đâu đã rất nhiều nhà hào phú đến ướm hỏi cô thôn nữ Nguyễn Thị Ngọ về làm dâu. Nhưng em gái bà lặng lẽ ra đi trong một ngày mùa thu ảm đạm, u sầu sau cả tháng trời người ta chữa bệnh thận cho cô trinh nữ bằng cách hút từng cái sừng bò chứa đầy máu tươi. Sau này, mỗi khi nhắc đến em gái, bà cứ rên rẩm sao người ta lại chữa bệnh thận bằng cách ấy cơ chứ? Hàng năm vào giữa mùa thu bà trở về nhà mẹ đẻ để ăn giỗ em gái Ngọ của bà. Lần nào lại nhà đôi mắt bà cũng đỏ hoe như đôi bấc đèn đã cạn dầu. “Lạ gì bỉ sắc, tư phong/Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” bà thường ngừng chuyện về em gái bằng câu ấy trong tiếng thở dài, nghe lạnh lẽo, hoang hoải tựa cơn gió mồ côi trên quãng sông vắng giữa buổi chiều mùa đông. Đôi khi bà bảo có khi đi sớm lại đỡ khổ đau. Hẳn là bà lại ngẫm, lại đau nỗi đau của đời bà. Nỗi đau ấy, sự oan khuất ấy tôi cứ tin rằng đã tan vào hư không, khi bà trả lại hết cho đời mọi thứ, để chuyển kiếp. Nhưng rồi, sau nhiều năm tháng đi qua, nó vẫn còn đây, nguyên vẹn, mưng tấy trong tôi, mỗi khi tôi nhớ bà. Tôi mong khi quay trở lại với thế giới này, bà sẽ là một đóa hoa rực rỡ, yên bình cho đến lúc tàn úa hay là một giọt sương thuần lành, nguyên khiết cho đến khi tan hết dưới nắng trời.

Bà mê Kiều, thuộc Kiều, hay lẩy Kiều, vận Kiều vào lối thưa thốt, nết cư xử với người, với đời. Tôi đã ngấm Kiều từ bà tự nhiên như sóng nước trên sông vẫn ngày đêm miên mải chạy qua làng. Tôi mê Kiều đến độ vẽ tất cả những gì mình có thể tưởng tượng ra. Này là chị em Thúy Kiều, Kiều gặp Kim Trọng, Kiều viếng mộ Đạm Tiên, này là Mã Giám Sinh mua Kiều, Kiều ở Ngưng Bích, Kiều gặp Từ Hải... Những nét chữ vụng dại, ngây thơ mà đầy mê lực với một cậu bé con. Một ngày kia tôi tập tành làm thơ, bắt đầu là bài thơ lục bát viết lên bờ tường nhà hàng xóm, rồi hàng trăm câu lục bát khác trong một bài thi tìm hiểu lịch sử của nhà trường. Bây giờ tôi không coi đó là thơ, nhưng nó đã cho tôi những ngày say mê, cho tôi một khởi đầu như thế. Sau này, tôi không làm thơ nữa, nhưng trên mỗi trang viết tôi vẫn mải miết đi tìm Kiều trong kí ức về bà, về em gái Ngọ của bà, những người đàn bà làng Gạo, trong rung cảm, mến thương những người đàn bà miền núi ­- nơi tôi có nhiều năm gắn bó. Thế nên truyện ngắn nào cũng là một đàn bà hoặc nhiều đàn bà mà cuộc đời buồn hơn vui, khóe mi ướt thường thấy hơn một nét cười. Chưa thỏa, tôi còn muốn viết lại Truyện Kiều bằng những Sóng Tiền Đường, Nước mắt Thúy Vân, Đuối trăng, Gai sắc, Nối duyên,... để một ngày nào đó có một Kiều của riêng mình. Có thể người ta sẽ cười tôi lắm chứ? Tôi không ngại điều ấy, tôi chỉ sợ khi trái tim một người không còn biết yêu, nhớ và đau.

Ngày bà tôi còn, trong tất cả các loài cây giữa vườn nhà, bà quý cây lê nhất. Ở một làng quê ven sông Hồng mà lại có cây lê, khó tin nhỉ? Sự thực nhiều năm trước nó đã đứng vừa khép mình vừa đầy kiêu sa trong vườn nhà tôi. Nó khép mình vì lạ lẫm giữa những xoan, tre, chuối, bưởi trùng trùng. Nhưng nó kiêu sa bởi nó là cây lê độc nhất vô nhị trong vùng. Bà từng kể cây lê đã mọc lên từ cái hạt lê cụ nội tôi mang về sau một chuyến lên đồng rừng. Nhưng cây lê này khó chiều lắm, chăm đến mấy cũng chẳng ra hoa, kết trái. Vài ba xuân nó mới chịu cho hoa, bừng nở một lần, những bông hoa căng mãn, tinh khiết, lấp lánh như ai vãi ngọc trai lên trời. Bà từng bảo người đẹp như người nhà giời, thường khó ở, nếu ở được cũng ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh. Cây lê nhà ta là người đẹp nên bà phải yêu chiều. Một mùa xuân đã lâu, gặp được bông lê đầu mùa, bà ngước lên thầm thì, hình như tôi đã nghe được câu này: “Em Ngọ ơi. Em gái của chị ơi. Em về đấy à?”.

Từ lâu cây lê đã không còn trong vườn nhà tôi nữa. Cây cũng như người, có sinh có diệt. Tôi dặn lòng nhất định sẽ trồng lại cây lê trong vườn cũ.

Những ngày này, xuân đang đến rất gần. Tôi nhớ bà tôi da diết, học bà,  tôi lẩy câu Kiều:

Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người

Cỏ non xanh dợn chân trời... cành lê...

Và tôi như nhìn thấy bà tôi, em gái Ngọ của bà tôi, hai bông lê trắng muốt, nở giữa trời xuân, ở một miền xa ngái.

                                                                                                               N.P

 

. . . . .
Loading the player...