01-02-2024 - 14:22

Tản văn Chợ quê ngày Tết của tác giả Đinh Thu Huế

Đi chợ quê ngày Tết, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Chợ quê ngày Tết của tác giả Đinh Thu Huế, trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

CHỢ QUÊ NGÀY TẾT

                       Đinh Thu Huế

 

Những ngày cuối năm, không khí khẩn trương, bận bịu hiện lên trong từng thanh âm, sắc màu và dáng hình phố xá. Tranh thủ những ngày nghỉ cuối cùng trong năm, tôi và gia đình đi sắm Tết. Dạo một vòng trong trung tâm mua sắm ,bỗng con tôi hỏi: “Mẹ ơi, sao lá chuối nhỏ thế kia ạ?”, cậu con trai 5 tuổi chỉ tay về phía gian hàng. “Không phải con ạ. Đó là lá dong để gói bánh chưng!” tôi trả lời. Đưa mắt về phía những gian hàng đầy màu sắc được bày biện sẵn, bỗng nhiên, một cảm giác ấm áp lạ lùng len lỏi bùng dậy trong tim. Những phiên chợ Tết tưởng đã lùi dần về quá khứ bỗng sống lại giữa cuộc sống hiện đại, gợi nhớ trong tôi về những ngày cuối năm của hơn 30 năm về trước.​

Mẹ ơi mua cho con cái này… cái kia nữa…”. Tiếng một cô bé lanh lảnh cuối góc chợ, nó níu tay mẹ len lỏi trong dòng người đông đúc của những phiên chợ cuối năm, trên tay giữ khư khư quả bóng bay hình con thỏ. Đó là tôi, đang theo sau mẹ đi khám phá một ‘thế giới’ rộng lớn - điều mà bây giờ sao nghe sao xa lạ quá giữa cuộc sống thành thị bộn bề.

Được đi chợ, mà chợ vào những ngày Tết là một niềm vui, niềm hạnh phúc của những đứa trẻ con như chúng tôi ngày ấy. Cái niềm mong mỏi ấy đã được đánh thức cả tháng trước đó. Tôi không còn nhớ nổi trong thời thơ ấu xa lắc xa lơ  mình đã bao nhiêu lần theo mẹ ra chợ vào dịp Tết. Không phải một hay hai mà số lần có khi nhiều hơn những ngón tay trên một bàn tay. Nhưng lần nào cũng ấn tượng. Có năm, độ ba bốn giờ sáng, mẹ đã lay tôi và giục: “Dậy, dậy… có đi chợ với mẹ không?”. Chỉ nghe thấy thế, tôi tung chăn chồm dậy, tay đang dụi mắt nhưng miệng nhanh nhảu: “Có, có…”. Ngoài sân, trời như pha mực, mưa lui bui rây hạt, gió bấc rên từng cơn. Từ chiều hôm trước, mẹ tôi đã xếp trên đôi quang gánh đầy hai thúng nào là chuối, nào là su hào. .. Với mẹ tôi, bà để dành phiên chợ tết cuối cùng để mua sắm, còn những phiên chợ còn lại thì buôn bán rau củ. Nguồn hàng được lấy từ vườn nhà hoặc hàng xóm đến ký gửi. Đi chợ sắm tết, nhưng tranh thủ bán những thứ nhà làm được để kiếm đồng ra đồng vào. Tôi lẽo đẽo theo mẹ. Dù khá xa nhưng trong lòng ánh lên những niềm vui khó tả. Sau gần sáu cây số cuốc bộ, chẳng mấy chốc chợ đã hiện ra trong sương mờ. Từ xa, âm thanh đủ mọi cung bậc vọng đến. Người chào nhau, người mời mua hàng. Những chú trống choai cố thò những chiếc cổ dài qua từng mắt chiếc lồng, thi nhau khoe giọng. Lác đác có tiếng pháo nổ. Dọc đường vào chợ, cơ man nào là hoa. Cúc vạn thọ, hồng nhung, thược dược, hướng dương đua sắc. Những cành đào chớm nụ, những chậu quất chi chít quả vàng tươi, những lá dong xanh. Những dãy hàng gạo từng thúng vun đầy có ngọn, gạo nếp trắng ngần thơm nức, đậu xanh, đậu đen khoe mình dưới nắng mai. Kế đến là dãy hàng rau xanh như cải bắp, su hào, cà rốt, súp lơ, xà lách, mùi tàu, hành, húng... toàn những sản phẩm vườn nhà. Đến gần, các mùi hương đặc trưng ngày tết như lôi cuốn mọi người bước nhanh vào chợ. Mùi hương trầm nghe thiêng liêng ấm cả một vùng quê. Mẹ tôi chọn chỗ, đặt gánh hàng, quay sang dặn tôi: “Ngồi đây trông hàng với mẹ, chợ đông dễ bị lạc đấy!”. Cái cảm giác được ngồi bên mẹ và được xem là một người phụ bán đắc lực, trả tiền thừa cho khách mới hãnh diện làm sao! Sau khi hết hàng, kiểu gì mẹ cũng dẫn đi tới cuối chợ, nơi hàng bánh đúc đang nghi ngút khói và gọi cho tôi một bát đầy ú ụ. Sau đó, mẹ dẫn tôi đi xem các gian hàng tết trong chợ, người đông như trẩy hội. Và tôi vô cùng ngạc nhiên bởi vẫn là cái chợ ấy vậy mà hôm nay đã khoác lên mình một chiếc áo mới từ những sạp hàng, quầy hàng, gánh hàng, với những hàng hoa trăm sắc ngàn tía của mùa xuân. Cái cảm giác vừa sung sướng vừa ngại ngùng khi đứng giữa chợ mặc thử chiếc áo mới tinh thơm lừng mùi hồ vải mà mẹ vừa chọn và hỏi cô bán hàng về giá cả làm tôi không thể nào quên được. Tôi nhớ câu nói của mẹ với cô bán hàng: “Tết đến người lớn có trăm nghìn nỗi lo toan, chỉ có trẻ con các con là vui vẻ”. Có lẽ mẹ tôi nói đúng, chỉ có trẻ con chúng tôi mới được hưởng trọn vẹn cái không khí náo nức vui tươi của một ngày Tết thực sự!

Chợ quê ngày Tết (Tranh: Trần Nguyên)

 

Đi chợ quê trong những ngày Tết mới thấy thân thương vô cùng! Thương từ những khuôn mặt lấm lem, chằng chịt dòng thời gian hằn vết chân chim khắc khổ. Thương những bộ quần nâu, áo gụ và thương cả giọng nói quê nặng trịch. Nhiều khi mua hàng, gặp người quen còn được tặng thêm, dù đó chỉ là mớ rau thơm, củ hành củ tỏi cũng thấy ấm lòng biết bao nhiêu. Chợ không đơn thuần là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi con người gặp gỡ, giãi bày, gửi gắm với nhau. Nhiều người nhờ phiên chợ Tết mà bỗng nhiên được gặp lại người quen nhau sau một khoảng thời gian dài. Họ hồ hởi, tay bắt mặt mừng chia nhau miếng trầu, miếng cau ăn rồi hỏi thăm nhau về một năm làm ăn vất vả, về những đận tháng tám, ngày ba giáp hạt, chia sẻ với nhau niềm vui con cái trưởng thành, sụt sịt về chuyện nhà cơm không lành, canh không ngọt... Người đi xa về thăm mồ mả tổ tiên cũng ghé qua chợ tìm mua vài nải chuối xanh, quả bưởi vàng hay tìm cho được quả phật thủ nghìn tay cầu tài lộc. Người có điều kiện hơn, sành ăn hơn tìm mua cho được con gà trống quê, loại gà giò, mào cờ, lông đỏ vừa tập gáy để về cúng lễ giao thừa. Những người túng thiếu thì đôn đáo đem ra chợ bán con lợn, thúng thóc lấy chút tiền lo sắm tết. Miền quê nghèo khó đói kém quanh năm hằn sâu trên nét mặt những người đi chợ Tết. Đã thế cái khổ lại chồng lên cái khổ và nỗi bất hạnh. Tôi còn nhớ như in một phiên chợ Tết tôi gặp một người đàn bà áo vá vai cùng đứa con gái nhỏ đứng khóc lóc ở cổng chợ. Chị bán mấy bao sắn khô được vài đồng mong có vài cân gạo nếp gói vài cái bánh chưng cho con, nhưng số tiền ít ỏi ấy lại bị kẻ gian móc trộm mất. Dường như bao buồn vui, bao tính toán được mất của mười hai tháng đều được người ta gói ghém và mang theo ra chợ. Cha ông ta nói quả không sai: “Đến làng ngó chợ, vào nhà ngó nồi”. Văn hóa chợ tuy được hình thành với sự phát triển của xã hội, song nó luôn chiếm một vị trí quan trọng, không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa trong dịp tết ở khắp mọi nẻo quê mà chợ còn là dịp để người ta đến để làm giàu, làm đẹp thêm các giá trị tinh thần.

Theo thời gian, bây giờ các đại lý, dịch vụ, các cửa hàng phục vụ cũng mọc lên khắp mọi nơi. Người ta cũng chẳng cần đợi đến Tết mới đi chợ mua sắm nữa. Chỉ cần nhấc điện thoại lên là người giao hàng đã mang đến tận nhà. Nhưng với nhiều người vẫn thích đi chợ trong những ngày này. Nhiều khi đi chợ cũng có mua bán gì nhiều cho cam, chỉ mua cân thịt, bó rau. Thế mà cứ luẩn quẩn mãi ở chợ đến mấy tiếng đồng hồ, cứ lượn đi, lượn lại, đi vào, đi ra, ra đến cổng chợ lại quay trở lại như tìm đồ rơi, đồ bị quên vậy? Rõ ràng là không quên, không rơi gì. Vậy mà cứ không chịu rời cổng chợ? Phải chăng là tiếng nói của quê mình, là hương vị, màu sắc, là không gian gần gũi của chợ quê ngày Tết đã níu giữ chân biết bao người? Và đến với những phiên chợ ngày Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức, tìm lại niềm vui thuở ấu thơ mỗi khi tết đến xuân về?

Chợ quê ngày Tết như một mảnh ghép còn thiếu, một nốt trầm xao xuyến trong bản nhạc rộn ràng của cuộc sống hiện đại. Sự hào nhoáng của những ngày Tết hiện đại đã nhường chỗ cho những ký ức sống lại. Và tự nhiên thấy vui khi đi qua gian hàng ở trung tâm thương mại vẫn ánh lên những sắc màu của những phiên chợ Tết xưa với đèn lồng, câu đối, lá dong xanh mướt và lũ trẻ cũng níu áo mẹ đòi mua một món đồ ăn nhẹ thơm lừng…

 

 

Đ.T.H

. . . . .
Loading the player...