25-04-2020 - 21:00

Tản mạn đôi điều về nhà thơ Xuân Diệu

Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi ca. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết " Tản mạn đôi điều về nhà thơ Xuân Diệu" của tác giả Diệu Chi.

Nhà tôi hai bốn Cột Cờ

Ai yêu thì tới, hững hờ thì qua

     Tôi là người yêu thơ và biết làm thơ từ thời sinh viên. Tốt nghiệp ra trường, tôi lại may mắn được về làm việc ở Bộ giao thông vận tải 80 Trần Hưng Đạo – Hà Nội.

Nhà thơ Xuân Diệu

      Đọc mấy câu thơ trên của nhà thơ Xuân Diệu, tôi vô cùng xúc động và mừng vì đã có cớ để đến gặp nhà thơ, tôi đã viết hai câu:

Nhà anh hai bốn Cột Cờ

Yêu anh em đến, chẳng bao giờ quên anh.

     Thế rồi một tối thứ 7 năm 1960, tôi mạnh dạn đến gõ cửa nhà thơ số 24 đường Cột Cờ là một biệt thự 2 tầng. Gia đình nhà thơ Huy Cận ở tầng trên, mẹ con nhà thơ Xuân Diệu ở tầng dưới, tôi được nhà thơ Xuân Diệu đón tiếp niềm nở và chân tình. Khi nghe tôi tự giới thiệu là một kỹ sư cầu đường quê ở Đức Thọ - Hà Tĩnh, đặc biệt là nghe tôi đọc hai câu thơ trên thì nhà thơ lại càng thêm vui và thân tình hơn.

     Từ đó đến những tháng năm sau (thời gian tôi còn làm việc ở Bộ giao thông vận tải), tôi thường xuyên đến gặp nhà thơ Xuân Diệu vào những  tối thứ 7 hàng tuần.

     Nhà thơ Xuân Diệu là người rất dễ gần gũi và nhiệt tình với lớp trẻ có tâm hồn thi sĩ như tôi, có lần anh Xuân Diệu hỏi tôi:

- Em đã có người yêu, có vợ chưa?

- Chưa anh ạ, em mới ra trường nên chưa dám nghĩ đến điều ấy vã lại em rất yêu thơ.

- Tốt, tốt lắm. Chớ có vội vàng nhé, em cứ yêu cho nhiều nhưng chưa nên cưới, lấy vợ sớm tã lót sẽ quấn chặt tay không viết được đâu.

     Nói nói, cười cười rất vui, rất ấm cúng. Nhà thơ Xuân Diệu còn dặn tôi câu này: là một kỹ sư thì em phải bám lấy nghề mà sống, nhuận bút không đủ nuôi  sống thi sĩ đâu em ạ.

     Vâng lời nhà thơ nên tôi vẫn bám nghề kỹ thuật cho đến lúc nghỉ hưu, và thời kỳ ấy tôi thường xuyên qua lại trong ngôi nhà 24 Cột Cờ ấy nên viết được nhiều bài thơ hay được tuần báo văn nghệ đăng thường xuyên.

     Càng gần gũi nhà thơ Xuân Diệu bao nhiêu thì tôi càng mạnh dạn bấy nhiêu. Có lần tôi mạnh dạn tâm sự với nhà thơ: Em muốn xin làm một cành nhánh nhỏ của anh có được không?

- Được, được, tốt, tốt lắm. Em có năng khiếu đấy, dân Hà Tĩnh mà lị.

     Thế là từ đó tôi lấy bút danh cho mình là Diệu Chi.

     Đã 60 năm mà tôi vẫn nhớ những hình ảnh, những lần tiếp xúc với nhà thơ Xuân Diệu nên viết mấy câu:

Ta mừng ngoài tuổi tám mươi

Vẫn chưa lên lão như người đời xưa

Vẫn quen dãi nắng dầm mưa

Đời vui viết trọn bài thơ nhịp cầu.

                                                      Diệu Chi.

. . . . .
Loading the player...