16-04-2020 - 06:39

Tác giả TRẦN THỊ TÚ NGỌC

 

 

 

 

Ngày tháng năm sinh: 07- 04- 1984

Quê quán:  Phú Phong - Hương Khê - Hà Tĩnh

Nơi công tác hoặc thường trú hiện nay: Tổ dân phố 5 - Thị trấn Hương Khê - Hà Tĩnh

Hội liên hiệp VHNT Hà tĩnh,  chuyên ngành:   Văn xuôi     Năm kết nạp: 2015

Địa chỉ liên lạc:  Trường THPT Hương Khê - Hà Tĩnh

Điện thoại: 0979938791. Email: tungoc7485@gmail.com

Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản: 

Ngụ ngôn tháng Tư (Tập truyện ngắn. NXB Dân trí. 2019)

Giải thưởng:

 

  • Giải C của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019 cho tập truyện ngắn Ngụ ngôn tháng Tư.

     -  Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới 2018 – 2019 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho truyện ngắn Tiếng rền của đá.

 

Tác phẩm tự chọn

 THẢO NGUYÊN XA THẲM

                                             Truyện ngắn

Không còn lại gì ở Selliara.

Đám cháy cuối cùng bị dập tắt trong trận mưa chiều. Nước cuốn tàn tro đọng thành từng vũng lầy sền sệt. Không khí đặc quánh mùi cỏ harea, mùi mỡ khét lẫn trong mùi thuốc súng.
          Đen mở mắt, thứ đầu tiên cô thấy là một con chim lớn.
           Đó là con kền kền trắng với sải cánh dài hơn hai mét. Nó lượn tròn giữa bầu trời xám xịt với vẻ hung hiểm của một kẻ săn mồi, chậm rãi hạ thấp các vòng lượn như siết chặt một sợi dây vô hình rồi đột ngột đậu thẳng xuống chính giữa mỏm đất. Luồng gió tạo ra từ cánh con vật bốc lên mùi tanh tưởi.
          Lần đầu tiên Đen nhìn thấy một con kền kền ở khoảng cách gần như thế. Cô đang nằm dưới chân vạt đồi lởm chởm cỏ gai, phía bên kia là ngôi làng vừa bị đốt cháy. Từ hướng này, con kền kền bất động trông như một khối đá hình thù quái dị in bóng lên nền trời đỏ máu. Hai cánh nó thu vào sát thân mình đồ sộ, cái cổ sần sùi vươn lên cao, đôi mắt đảo liên hồi.
             Trong một nỗ lực tuyệt vọng, Đen cố lật người lại để tìm cách bò dậy nhưng vô ích. Máu rỉ ra từ vết thương đã khô lại như một thứ keo đặc, dính chặt thân thể trần truồng của cô vào những mảnh đá sắc nhọn. Đen thở dốc trong đau đớn.
             Vụ tấn công của phiến quân diễn ra bất ngờ vào lúc bình minh, mấy chục tay súng ập vào làng khi mọi người đang say ngủ. Những tiếng la hét kinh hoàng đánh thức Raun dậy, không kịp tìm vũ khí, anh vội vã nắm lấy tay Đen trong bóng tối, dò dẫm luồn ra khỏi lều. Hai người khựng lại khi thấy một bóng đen sừng sững ngay trước mặt. Raun đẩy vợ lùi về sau lưng bởi tiếng súng vang lên chát chúa. Đạn cày sát chân, Đen run rẩy ngã sụp vì sợ hãi. Gã đàn ông hăm hở tiến lại khi nhìn thấy cô gái trẻ. Bằng một cú vặn tay thô bạo, hắn tống báng súng vào đầu Raun rồi hối hả tốc váy Đen, chiếc váy mà Raun đã ân cần mặc lại cho cô lúc nửa đêm. Gã đàn ông trùm lên người cô một thứ mùi hỗn độn của mồ hôi, máu người và phân gia súc.
              Đen giãy dụa, điên cuồng chống cự nhưng vô ích.
              Xong việc, gã túm tóc Đen lôi xềnh xệch ra phía ngoài. Từ đó cho đến trưa, dưới bóng cây keo trên đỉnh đồi, Đen bị lật ngửa ra giữa bãi cỏ cho hàng chục gã khác thay nhau xéo nát. Thoạt tiên cô còn thấy đau, nhưng rồi dần dần thân thể cô tê dại, chết hẳn, chỉ có hai mắt mở trừng trừng nhìn lên. Trời mù mịt khói.
                 Sau khi tất cả đều thỏa mãn, một tên lính xốc Đen dậy, ném thẳng xuống vạt đồi lởm chởm đá kèm theo một câu chửi thề tục tĩu. Cô lăn lông lốc tới khi dừng lại vì mắc vào một bụi cây tử quyên rậm rạp. Trước lúc ngất đi, Đen còn kịp nghe thấy tiếng súng từ các hướng rộ lên.
                                                           ***
               Ở Nam Sudan, mùa mưa bắt đầu vào tháng Năm. Những con đường đất đỏ nhanh chóng biến thành dòng sông bùn lầy thụt, có khi di chuyển vài kilômét mất đến hàng tiếng đồng hồ. Phía trước là Selliara, cuộc giao tranh diễn ra đã khiến hàng nghìn người phải chạy nạn vào rừng. Không sóng điện thoại, không tin tức.
               Lực lượng gìn giữ hòa bình mũ nồi xanh được lệnh đến đó để hỗ trợ dân thường. Nguyệt đi trên chiếc xe dẫn đầu dành cho sĩ quan liên lạc, tiếp đó là hai xe thiết giáp, hai xe chở quân, một xe cứu thương và một xe chở nhu yếu phẩm. Người sĩ quan lái xe tên là Parcia, ba mươi lăm tuổi, cao lớn và lặng lẽ. Anh là người của bộ tộc Neur, sống bên dòng sông Nin Trắng.
                   Mưa đã tạnh. Bên ngoài cửa kính, Nguyệt nhìn thấy bóng những con kền kền khổng lồ chao lượn. Bằng một thứ tiếng Anh tông giọng trầm rất dễ nghe, Parcia kể rằng tất cả những con kền kền trên thảo nguyên đều có cái cổ và đầu trọc lốc. Điều này giúp chúng dễ dàng làm sạch máu sau khi rúc đầu vào các xác chết. Từ khi nạn đói xảy ra, khúc sông chảy qua làng anh ngày nào cũng đỏ ngầu, tanh lợm bởi lũ kền kền tụ tập tắm rửa sau những bữa ăn no nê. Chiến tranh càng kéo dài, lũ kền kền càng sinh sôi nảy nở.
            - Đất nước tôi cũng từng xảy ra nạn đói. Trong những câu chuyện bà tôi vẫn kể, cả một vùng đồng bằng sông Hồng ngày ấy quạ đen kêu thê thiết như tiếng âm hồn - Nguyệt nói rất khẽ, cô phát âm hai chữ sông Hồng bằng tiếng Việt.
             - Chúng có ăn thịt người không, lũ quạ ấy? - Người sĩ quan chợt hỏi.
             - Tôi không rõ. Hình như chúng kéo đến vì mùi tử khí hơn là để kiếm ăn. Trận đói ấy có gần hai triệu người chết.
              Hai người cùng im lặng nhìn ra những cánh đồng hun hút gió. Chiếc xe gầm rú nhích từng quãng ngắn trên con đường đất đỏ chạy qua một vùng im lìm vắng rợn. Mấy năm nội chiến khốc liệt, hầu hết người dân đều phải nương náu trong các trại tị nạn để tìm kiếm cơ hội sống sót. Khi nhận nhiệm vụ tới đây, Nguyệt biết sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nguy hiểm.
            Trạm gác đầu tiên của lực lượng kiểm soát đã ở ngay trước mặt. Nguyệt bước xuống. Nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc trong các chuyến hành quân là đảm bảo kết nối thông tin giữa phái bộ với các chỉ huy quân sự địa phương.
              Sáu khẩu súng đen ngòm trong tháp canh đồng loạt chĩa vào cô.
           Luôn luôn là sự nghi ngờ.
           Cả quân nổi dậy và quân chính phủ đều cho rằng các hoạt động nhân đạo là nhằm dò la tin tức để giúp đỡ cho phía đối phương. Nguyệt đã quen với những cuộc đàm phán căng như dây đàn trước những khẩu súng đạn lên nòng luôn sẵn sàng khạc lửa.
             - Chúng tôi đến đây để đảm bảo an toàn cho dân thường - Nguyệt nhã nhặn nói. Không bao giờ là dễ dàng khi làm nhiệm vụ tại vùng chiến sự, giữa những người cầm súng dễ bị kích động vì căng thẳng.
              Hai tiếng đồng hồ thương thảo trôi qua, đoàn xe được phép đi sâu thêm vài trăm kilômét. Nguyệt hi vọng sẽ đến được Selliara trước khi trời tối. Parcia từng nói rằng trên thảo nguyên, bầy kền kền đói khát sau khi rỉa sạch các xác chết sẽ quay sang tấn công những người bị thương.
           Trời sắp ngả về chiều, khung cảnh tan hoang của ngôi làng hiện ra ngay trước mắt.
Toàn bộ đơn vị lập tức triển khai công việc. Nhìn thấy cờ của Liên Hợp Quốc, từ bìa rừng, mấy trăm người già phụ nữ trẻ em dắt díu nhau ùa ra. Đoàn người mỗi lúc một đông thêm, tất cả đều đói khát, rách rưới, vẻ kinh hoàng còn lộ ra trên mặt.
           Nguyệt cố kìm nỗi xót xa dội lên trong lòng. Chiến tranh ở bất kì đâu cũng mang một bộ mặt tàn khốc như nhau.
           Những nhu yếu phẩm mang theo được cấp phát cùng với việc đăng kí số lượng người bị nạn để tính toán lương thực, quần áo, chăn màn báo cáo về phái bộ. Rất muộn tình hình mới tạm ổn, đoàn trở về chuẩn bị cho việc cứu trợ vào sáng mai.
            Nguyệt sắp sửa lên xe. Bỗng nhiên một linh cảm đặc biệt khiến cô dừng lại.
           Parcia nhìn theo hướng Nguyệt chỉ. Trước họ là một con kền kền lưng trắng. Hai người tiến tới phía con chim to kềnh bẩn thỉu, con vật miễn cưỡng đi vài bước bì bạch rồi vỗ cánh bay lên.
          Dưới bụi tử quyên, họ phát hiện ra một người phụ nữ trẻ, trần trụi, rách nát, môi, núm vú và âm hộ sưng phồng, máu rỉ nhớp nháp giữa hai đùi. Nghe thấy tiếng động, người phụ nữ bỗng cất tiếng yếu ớt:
         - Parcia. Parcia.
          Parcia sững lại trong một khoảnh khắc kinh hoàng, không tin vào những gì diễn ra ngay trước mắt. Anh luống cuống cởi áo đắp lên cái thân thể trần truồng rồi bế thốc cô lên chạy về phía xe cứu thương. Nguyệt nghe thấy anh vừa khóc vừa nói bằng cả tiếng Anh lẫn thổ ngữ. Hai bác sĩ quân y người Việt Nam ngay lập tức bắt tay vào cấp cứu nạn nhân.
           Cô gái dính quá nhiều vết thương, cả trong lẫn ngoài, mất nhiệt, mất nước, suy hô hấp nghiêm trọng.
           Parcia không còn giữ được bình tĩnh, anh quỳ sụp xuống đất trong tiếng nức nở cố kìm nén. Nguyệt quay mặt đi để giấu phút yếu lòng. Thảo nguyên trống trải run lên vì những cơn gió lạnh và phía xa xa trên đồng cỏ vàng vọt dưới ánh hoàng hôn, những con kền kền chồm chỗm im lìm chờ đợi.
         Cô gái đó là Đen, vợ chưa cưới của Parcia.  

                                             ***                                                                      

         Mùa khô bắt đầu trên thảo nguyên bằng những cơn bão bụi, những người Dinka dẫn đàn gia súc xuôi theo vùng đất thấp gần sông Nin Trắng để tìm kiếm nước uống và thức ăn. Đến tháng Năm, gió mùa Tây Nam mang mưa quay trở lại, họ ngược về thảo nguyên trồng ngũ cốc. Trong chặng hành trình đó, thỉnh thoảng họ ngang qua khu vực chăn thả của người Nuer, bộ tộc sống định cư hàng trăm năm nay trên đầm lầy Sudd.
         Năm ấy Đen mới mười tám tuổi, làn da nâu mịn màng, bờ môi dày mọng, bầu ngực vun cao dưới tấm khăn choàng mỏng. Cô lớn lên trong những chuyến du cư.
         Parcia sống trong ngôi làng nhỏ gần nơi những người Dinka đóng trại. Anh đánh cá trên đầm lầy, trời bắt đầu mưa và hoa súng nở. Parcia cất tiếng hát. Bài ca của anh ngân lên dịu dàng như con sóng lan xa trên mặt nước, buồn bã như tiếng lau sậy xạc xào dưới ánh tà dương, ấm áp như ngọn lửa gọi bước người lữ hành sau một chặng đường dài miên viễn.         Tiếng hát làm tim Đen xao xuyến, cô vẫn thường lẻn thật xa bãi chăn ồn ã, tìm một góc yên tĩnh bên bờ hồ ngắm những bông súng tím để lắng nghe tiếng hát của chàng trai lạ.
           Parcia nhận ra sự xuất hiện của cô gái trẻ mỗi buổi chiều. Anh chèo chiếc thuyền mảnh làm bằng thân cây Puk, len lỏi qua những bụi cói và lau sậy um tùm, hái hoa súng tặng cho cô gái.
        Cô gái trẻ bối rối nhận hoa, nhận cả cái cầm tay đầu tiên rụt rè mà nóng bỏng. Họ bắt đầu hò hẹn với nhau.
          Chỉ có người chăn gia súc thuê cho gia đình Đen biết rõ những cuộc gặp gỡ giữa hai người. Raun ngồi lặng lẽ giữa bầy bò, buồn bã nhìn theo bóng Đen mỗi buổi chiều cô đội chiếc vò trên đầu xuống sông lấy nước.
            Gia đình Đen không nán lại lâu. Khi những bãi cỏ trổ mầm xanh dưới trận mưa thứ hai, Đen tìm đến Parcia để nói lời từ biệt. Dưới ánh chiều chạng vạng, đôi mắt cô nhìn anh nồng nàn như lửa.
           - Tôi sẽ đến xin cưới em - Parcia quả quyết nói.
          Ông Tônggo ngạc nhiên khi chàng trai trẻ người Neur mang năm con bò tìm đến lều trại của mình cầu hôn con gái. Raun cúi mặt xuống giấu một tiếng thở dài.
           Theo tục lệ từ xa xưa của người Dinka, bò được lấy làm thước đo sự giàu có và thịnh vượng. Người ta uống sữa trực tiếp từ những bầu vú bò căng mọng, dùng nước tiểu bò để gội đầu và phân bò khô đốt lên bôi khắp cơ thể là thứ thuốc chống ruồi muỗi hiệu quả nhất. Ông Tônggo có một đàn bò được thừa kế lại từ gia đình lúc còn thanh niên, ông đã mất năm con trong số đó để cưới được mẹ Đen về làm vợ.
         Bây giờ ông muốn bù lại nhiều hơn thế. Vì Parcia là người Nuer, anh phải đưa đến đây mười con bò.
            Đen thấy tim đau nhói khi nhận thấy một chút lo âu thoáng qua trong đôi mắt Parcia khi anh nghe được lời thách cưới. Rất nhanh, ánh mắt ấy điềm tĩnh lại. Parcia là một người đàn ông rắn rỏi và mạnh mẽ, anh tin rằng mình có thể kiếm đủ lễ vật trước mùa khô. Anh sẽ đến Toroka, một đồn điền khai thác gỗ teak, nơi những công việc nặng nhọc và nguy hiểm nhất có thể được trả công hàng trăm bảng mỗi ngày. Ở xứ sở này các đồn điền hay mỏ quặng là cơ hội đổi đời duy nhất cho người nghèo dẫu rằng những nấm mồ vô danh mọc lên xung quanh đó nhiều như cỏ dại.
           Ngày Parcia quyết định ra đi, trời đổ mưa dữ dội. Nước sông Nin bắt đầu tràn bờ. Những bông súng tả tơi vì mưa gió. Trong căn lều lợp lá ngấm nước bốc lên mùi ẩm mục, Parcia cất tiếng hát một lần nữa để giã biệt đầm lầy. Đen nghe thấy tiếng hát vấn vít qua màn mưa nặng hạt khi mọi người đang hối hả thu dọn đồ đạc để nhổ trại về thảo nguyên. Cuộc hành trình của họ chậm hơn so với thường lệ nửa tháng vì tiếng súng rền vang đâu đó phía xa, báo hiệu một thời kì mới đầy bất trắc.
                                                      ***
             - Tôi đã lỡ hẹn với cô ấy để sau đó mỏi mòn tìm kiếm mà không gặp - Parcia siết chặt tay trên vô lăng, hướng mắt nhìn ra con đường gập ghềnh dưới ánh đèn pha nhòe nhoẹt. Đêm đã xuống rất khuya khi họ quay trở về trụ sở của phái bộ, chiếc xe cứu thương chạy cách đó một quãng gần.

            Nguyệt không biết bằng cách nào viên sĩ quan lấy lại được bình tĩnh sau cuộc gặp bất ngờ giữa ngôi làng tan tác vì chiến tranh ấy. Chỉ một lát sau khi cô gái bị thương được tìm thấy, dân làng kéo đến rất đông. Một người trung niên khắc khổ lết thân thể đẫm máu vì trúng đạn được buộc tạm bằng mảnh vải bẩn thỉu đến. Anh ta xưng tên là Raun, chồng của người bị nạn.

Hai người đàn ông nhìn nhau trong một tích tắc.

Ngay lập tức Parcia nén nỗi đau xót để gượng dậy. Bộ quân phục đang mặc trên người nhắc anh nhớ về trách nhiệm của một người lính.

Nguyệt đề nghị đưa cô gái lên xe cứu thương chở về trạm quân y dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đóng tại Bentiu. Chồng cô ta xin phép đi cùng để được kiểm tra các vết thương và chăm sóc vợ.

Parcia mở cửa cho Nguyệt bước vào rồi bình tĩnh lái xe đi cùng đoàn, gương mặt anh rắn đanh lại như chưa từng trải qua những xáo động dữ dội trước đó.

- Tôi mất vài năm mắc kẹt ở Toroka trong tuyệt vọng. Sốt rét, dịch tả và thương hàn ẩn nấp trong những vũng lầy. Lũ kền kền đói khát chầu chực khắp nơi. Sẽ chẳng ai có đủ can đảm để cất tiếng hát một khi đã trông thấy cái bóng lởn vởn của kền kền. Cái đầu trụi lủi của chúng khiến người ta rùng mình khi nghĩ đến cảnh những xác chết vô thừa nhận bị rỉa từng mảng thịt.

Parcia nhớ lại những ngày đen tối ấy. Mỗi kì lĩnh lương, anh dùng than củi vạch một vạch đen trên cột lều để đánh dấu số tiền mình gom góp được đủ mua một con bò. Khi mới đến, chỉ cần một vệt than củi mới cũng làm cho Parcia thấy lòng hân hoan. Anh vui vẻ cất tiếng hát nho nhỏ trong khi ngồi trên tảng đá trước cửa lều sau một ngày lao động nặng nhọc.

Lúc đó là tháng Hai, mặt trời đỏ rực từ từ lặn xuống sau rặng núi, cơn gió thổi từ thảo nguyên mang theo mùi cỏ cháy. Những người đàn ông lặng đi khi nghe tiếng hát của Parcia. Tiếng hát nhắc họ nhớ về một điều gì đó xa xôi êm đềm trong kí ức.

Cứ hát đi. Lũ kền kền đang nghe đấy. Motar ném về phía Parcia một cái nhìn cay độc.

Motar là người quản lí toàn bộ cánh thợ làm việc ở bờ Tây. Một người đàn ông không vợ, không con, mũi khoằm và da thâm như trâu ngâm nước. Hai mươi năm sống ở đồn điền đã nghiền nát gã như gió bóp vụn những tảng đá trên sa mạc. Motar có sở thích nhấm nháp nỗi thất vọng của những người xung quanh như linh cẩu mút mát bộ xương con mồi đã bị lóc thịt sạch sẽ. Chính vì vậy vẻ sôi nổi của Parcia làm gã khó chịu. Gã ngấm ngầm giao cho anh những công việc nặng nề ở khu vực bẩn thỉu nhất để khoan khoái ngắm anh dần kiệt sức.

Motar chẳng phải chờ đợi lâu, khi số tiền Parcia gom góp được đủ mua năm con bò thì anh thình lình bị một cơn sốt rét quật ngã. Ba tháng nằm trong trạm xá của đồn điền đã tiêu sạch của anh đến đồng xu cuối cùng. Parcia run rẩy trở lại căn lều với cơn sốt còn váng vất trong đầu, anh thảng thốt nhìn thấy tất cả vạch đen trên chiếc cột lều bị xóa sạch.

Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như thế.

Motar nhìn anh đắc thắng. Ở xứ sở này đầy rẫy kiểu người như hắn, một con kền kền đội lốt người chờ rỉa thịt những kẻ làm thuê nghèo khó.

           - Làm cách nào anh thoát ra khỏi đó - Nguyệt tò mò hỏi. Cô sinh ra khi đất nước đã thanh bình và những câu chuyện về cuộc đời bi thảm của các phu mỏ hay phu đồn điền chỉ được nghe kể qua sách vở.

           -  Có lẽ tình yêu của Đen đã cho tôi sức mạnh. Tôi nghĩ đến ánh mắt dịu dàng cô ấy nhìn tôi trước lúc chia tay. Nếu cô đã từng yêu một ai đó, chắc cô sẽ hiểu.

           Nguyệt nhìn ra bên ngoài, những đống lửa của người di cư đã cháy tàn trong đêm sâu thẳm. Cái lạnh trên thảo nguyên len vào theo cơn gió trở chiều.

Cô bỗng thấy tha thiết nhớ anh.

Nguyệt mới hai mươi ba tuổi khi bắt đầu tham gia khóa huấn luyện khắc nghiệt dành cho lính mũ nồi xanh. Trung tá Đặng Hùng Quân phụ trách phần kỹ năng sinh tồn và chiến đấu trên thực địa. Người sĩ quan ấy thuộc thế hệ đầu tiên của quân đội Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại châu Phi, cao lớn, rắn rỏi, lạnh lùng và nghiêm khắc. Lần hành quân bộ năm mươi kilomet dưới cái nắng thiêu đốt trên cát trắng Phan Rang với ba lô nặng trĩu, chặng đường cuối Nguyệt tụt dần lại phía sau vì kiệt sức. Cô gần như bật khóc. Anh quay lại đi bên cạnh cô, khẽ nói:

          - Cố gắng lên.

          Cái nhìn ấm áp yêu thương từ người chỉ huy giúp cô vững vàng trở lại. Những ngày  gian khổ trôi qua với biết bao kỉ niệm đong đầy.

Cô gặp lại anh trong buổi lễ chia tay các chiến sĩ lên đường làm nghĩa vụ quốc tế, sáng hôm ấy mùa thu bâng khâng đến lạ lùng.

            - Thiếu úy Sa Minh Nguyệt.

            - Báo cáo, có.

            - Chúc đồng chí lên đường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tổ quốc và nhân dân giao phó. Hãy vững tin vì bên cạnh các đồng chí luôn có chúng tôi.

            - Báo cáo, rõ.

             Chỉ thế thôi rồi anh bước đi, cô giữ nguyên tư thế đứng nghiêm cho đến lúc bóng anh khuất sau hàng quân và tiếng động cơ máy bay bắt đầu vang lên ồn ã. Trung tá Đặng Hùng Quân vẫn luôn như thế, vầng trán rộng với đôi chân mày nhíu lại vì những trọng trách nặng nề đang gánh trên vai, rất nhiều năm tháng trôi qua mà vẫn còn lẻ bóng. 

Tình yêu đơn phương cô dành cho anh mãi mãi như một nốt lặng dịu dàng của tuổi thanh xuân, để hôm nay trên chiến trường xa xôi này cô chưa bao giờ thấy mình đơn độc.

                                                                 ***

Đen hồi phục dần trong bệnh viện dã chiến, những người bác sĩ chăm sóc cô đến từ một đất nước xa lạ, tóc đen, mắt đen, làn da sáng màu và tiếng nói du dương như hát. Họ làm dịu lại những đau đớn trên thân thể và trong cõi lòng sâu thẳm của cô.

Có nhiều đêm mất ngủ, Đen thảng thốt nhớ về khoảnh khắc cô mơ thấy Parcia khi nằm dưới bụi tử quyên chờ cái chết lạnh lùng kéo tới. Raun đã kể cho cô nghe về những chuyện xảy ra chiều hôm ấy. Mọi thứ đâu phải là ảo ảnh.

Sao lòng Đen day dứt đến thế này ?

Năm đó, mùa mưa nhanh chóng qua đi, cây keo trên đỉnh đồi xạc xào trút lá mà gia đình Đen vẫn chưa trở về được làng quê cũ. Nội chiến đột ngột nổ ra đã cắt đứt hành trình ngược về thảo nguyên của người Dinka. Họ buộc phải dẫn đàn gia súc loanh quanh trên vùng đất cằn cỗi, cố gắng cầm cự trước những cuộc cướp bóc bất ngờ từ vô số nhóm nổi loạn có vũ trang. 

Chuyến đi càng kéo dài số gia súc càng hao hụt. Một nửa số bò của gia đình Đen bị cướp mất dọc đường, số còn lại lần lượt quỵ ngã vì đói khát. Đen xót xa thấy dạ dày những con vật còm cõi mổ ra chỉ chứa toàn là cát.

Cha Đen gần như suy sụp khi mẹ cô nằm liệt giường vì trúng đạn từ một vụ tấn công. Tất cả mọi việc đổ dồn trên vai Raun. Mỗi ngày anh đều dậy sớm để lùa bò đi tìm bãi chăn, vắt sữa cho lũ bò cái, mang sữa đi đổi lấy lương thực. Đêm đến anh phải thức đốt phân bò để sưởi ấm và canh chừng những kẻ lang thang hung dữ.

Bà Tônggo trút hơi thở cuối cùng vào một buổi trưa hầm hập nắng. Đen bọc mẹ trong tấm vải duy nhất còn lại sau những lần chạy loạn. Raun bế các xác mỏng dính của bà lên tay, đi vòng quanh căn lều ba vòng rồi xuôi xuống phía cuối đồng cỏ úa. Đen cố xua đuổi những con kền kền đói khát chỉ chực lao đến cướp cái xác trong khi Raun đang đào huyệt. Cô không còn nước mắt để khóc.

Khi hai người trở lại, bãi chăn của họ trống không. Ông Tônggo đã quyết định đổi những con bò còn lại để kiếm đủ tiền cho một chỗ trên chuyến xe chở người vượt biên giới đi tị nạn. Rất nhiều người làng quyết định làm như vậy. Họ không còn hy vọng gì trong đất nước bị xéo nát bởi chiến tranh.     

              - Cha ơi, cha, cha cho con đi cùng - Đen gào lên tuyệt vọng. Tiếng khóc của cô bị chìm lấp đi trong tiếng ồn ào chen lấn của dòng người chạy loạn xô đẩy nhau trước những chiếc xe tải  bít bùng đậu ngay dưới rìa làng. Những kẻ buôn người lạnh lùng đếm tiền và thô bạo nhét người lên xe như nhét lợn.     

Chiếc xe nặng nề lăn bánh. Đó là lần cuối cùng Đen trông thấy cha mình. Hai ngày sau có tin đoàn xe bị trúng bom khi di chuyển tới gần biên giới Êtiopia.

Đen hoảng sợ thấy mình chỉ còn lại một mình trên cõi đời này. Những vụ cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp phụ nữ diễn ra thường xuyên cùng với nạn đói ngày càng lan rộng. Đêm đêm lũ linh cẩu mắt đỏ ngầu chầu chực quanh những túp lều tạm bợ còn ban ngày kền kền bay rợp trên trời.

           - Nếu em đồng ý, tôi sẽ đi cùng em - Raun tha thiết nhìn cô, yêu thương và nhẫn nại.

            Hai người lang thang kiếm sống trên thảo nguyên bằng cách đi làm thuê cho các chủ trại. Tối về Raun tựa vào một góc lều ngồi ngủ với khẩu súng sẵn sàng trên tay.

Đen âm thầm đợi Parcia dẫu cuộc chiến đã xô dạt họ về hai phía.

Raun lặng lẽ đi bên cuộc đời cô, mặc cho mùa nối mùa qua đi trên thảo nguyên hoang vắng.

Mùa mưa năm ấy, Đen nhận lời lấy Raun làm chồng. Đêm trước khi có cuộc tấn công của phiến quân vào ngôi làng là đêm đầu tiên hai người ngủ cùng nhau.

                                                        ***

Parcia cẩn trọng lái xe trên quãng đường lầy lội. Đây là lần thứ ba trong tháng họ nhận nhiệm vụ áp tải hàng cứu trợ đến cho người dân đang bị mắc kẹt trong vùng chiến sự.

Nguyệt đã quen với những chuyến đi gian khổ, những đêm dài không ngủ và những lần thương thảo với các phe nhóm khác nhau trong tiếng súng để bảo đảm hàng được vận chuyển thông suốt. Công việc của người sĩ quan liên lạc tại đây không cho phép cô có một phút thảnh thơi. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn chăng, để trái tim cô đỡ nhớ về Hà Nội, nhớ về anh, người chỉ huy có giọng nói trầm ấm và cái nhìn rất đỗi xa xăm ấy.

  Đoàn xe vẫn rù rì lăn bánh qua dải đồng hoang, mặt trời ban trưa làm những con đường nhão nhoét dần se lại. Parcia quay sang người nữ đồng đội đến từ Việt Nam giờ đã thân quen như một người bạn, không thể giấu nổi những băn khoăn day dứt trong tim:

 - Nghe nói Đen sắp rời bệnh viện dã chiến số 2 để về nơi tị nạn cùng chồng. Tôi biết phải làm gì lúc này đây, Sa Minh Nguyệt?

Nguyệt kể cho Parcia nghe cô vừa đến thăm Đen chiều hôm trước. Gương mặt cô gái ấy dịu dàng thanh thản ngắm bông hoa súng tím Parcia gửi tặng. Chiến tranh, phụ nữ là những người tổn thương nhiều nhất nhưng cũng chính họ sẽ gượng dậy đầu tiên.

- Tôi nghĩ Đen chỉ cần biết anh vẫn còn yêu cô ấy là đủ. Những chuyện đã qua thôi đành để gió cuốn đi.

           Người đàn ông thấy lòng mình yên tĩnh lại. Trước mặt họ thảo nguyên trải dài mênh mông trong nắng vàng rực rỡ. Nếu không có nội chiến, đây sẽ là nơi những ngôi nhà bình yên nép dưới bóng cây keo với đàn gia súc ung dung gặm cỏ. Một chiều nào đó trong chặng hành trình khám phá vùng đất lạ, có người lữ khách bâng khuâng lắng nghe bài hát ai cất lên dịu dàng trong ánh tà dương.

Nguyệt trở về trụ sở phái bộ khi trời đã xế chiều, văn phòng làm việc của cô là chiếc container sơn trắng phía trên có lá cờ tổ quốc đang tung bay trong gió.

Qua ô cửa sổ mở rộng, cô bất ngờ nhìn thấy vợ chồng Đen đứng đợi Parcia bên cạnh bãi đỗ xe. Họ nói chuyện gì đó với nhau khá lâu. Trước lúc từ biệt, hai người đàn ông bắt tay nhau rất chặt, một người đến từ bộ lạc Dinka và một người đến từ bộ lạc Neur, hai bộ lạc đang đứng ở hai bờ chiến tuyến.

Nguyệt mỉm cười nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Chuông điện thoại đường dài bỗng vang lên. Cuộc gọi định kì từ Trung tá Đặng Hùng Quân để nắm tin tức về tình hình công tác của các chiến sĩ Việt Nam tại phái bộ Liên Hợp Quốc. Cuối cuộc nói chuyện, cô nhận thấy đầu dây bên kia có một thoáng ngập ngừng:

            - Em đã quen với cuộc sống ở đó rồi chứ?

           Nguyệt bỗng nghe tim mình xao xuyến, đây là lần đầu tiên anh gọi cô dịu dàng như thế. Cô khẽ đáp:

           - Dạ. Em quen rồi.

            Nguyệt đã quen rồi, Nam Sudan với những dặm dài hành quân trong thương nhớ, khi cô mang trên mình bộ quân phục có ghi hai chữ Việt Nam./.

                                                                                                     T.T.TN

 

. . . . .
Loading the player...