13-04-2020 - 15:00

Tác giả PHAN THẾ TOÀN

 

 

 

Bút danh: PHAN THẾ DŨNG TOÀN

Ngày tháng năm sinh: 02 – 10 - 1971

Quê quán: Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Nơi công tác:  Trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành :Văn xuôi. Kết nạp năm 2001

Nơi thường trú hiện nay: Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Điện thoại: 0835799369                 Email: phantoannx@gmail.com

Tác phẩm tiêu biểu: Bố và mẹ, và... , Tập truyện ngắn, NXB Hội nhà văn, 2003.

Giải thưởng:

-   Giải thưởng thơ văn chào mừng kỉ niệm 170 năm thành lập tỉnh Hà Tĩnh- 2001, Giải Nhì cho truyện ngắn Bố và Mẹ, và...

-  Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ IV (2000 - 2005), Giải KK cho tập truyện ngắn Bố và Mẹ, và...

- Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Hồng Lĩnh năm 2014, giải KK cho truyện ngắn Những người bạn

 

 

Tác phẩm tự chọn:

 

SẦU ĐÔNG

                                                 Truyện ngắn

 

            1.

            tuổi thanh niên, chị không phải là một cô gái đẹp. Nước da chị ngăm đen, tóc dài, người đậm. Tính chị bộc trực. Vậy nhưng lại sớm có người dòm ngó. Cậu Hai cùng làng với chị, lớn hơn chị bốn tuổi. Cậu người tầm thước, cục mịch, ít nói, có đôi mắt ướt và buồn. Qua ánh mắt, chị biết cậu ưng chị lắm, nhưng cậu không nói. Duy có một lần, chị xõa tóc chải bên bờ thềm, cậu khen chị có mái tóc đẹp. Má chị ửng đỏ.

            Lời khen làm chị vui suốt cả những ngày dài. Chị mơ tới một ngày: có căn nhà, có ruộng vườn, có những đứa con và những chiều đợi chờ cậu về.

            Chị đã chờ suốt một mùa hạ. Sang thu mưa dầm. Đông về giá lạnh. Cuối xuân mưa bụi bay... Chị nhìn ra ngõ thấy cây sầu đông nở hoa trắng cành. Những cánh hoa trắng có nhụy tím mỏng manh rơi theo mưa bụi. Chị đứng tựa gốc sầu đông mà thở dài.

            Thời gian đó, anh thường xuyên có mặt ở nhà chị. Anh trạc tuổi chị, da trắng, người mảnh, có điệu cười rất hiền. Anh nói chuyện hấp dẫn và lễ độ. Cha chị rất thích anh, ép chị lấy. Chị yêu cậu Hai, nên chị chờ đợi cậu. Chị chờ... Cậu rụt rè, không dám nói. Đôi lúc, chị chợt nghĩ: "Hay là cậu không ưng mình? Mình như hoa sầu đông, nở rồi lại tàn!". Ý nghĩ đó làm chị đau khổ.

            Thế là chị quyết định lầy chồng. Đám cưới chị tổ chức đầu mùa hè. Nhìn lên, cây sầu đông đã có quả li ti. Trông anh vui vẻ lắm. Còn cậu Hai thì nhìn chị vẫn bằng ánh mắt ướt và buồn. Chị lãnh đạm.

 

            2.

             Sau đám cưới, o gọi vợ chồng chị ngồi bên bàn, nói: "Mợ về đây phải biết mọi việc của gia đình. Hôm nay tôi sẽ kể cho mợ nghe tất cả".

            Giọng o chậm rãi: "Cha mẹ sinh được có mình tôi và cậu. Năm cậu lên hai, mẹ đi làm cách mạng, chúng bắt được xử chém. Cha vì bảo vệ cho mẹ mà bị chúng bắn chết. Cha mẹ mất, nhà cũng bị bọn chức dịch đốt cháy luôn. Hồi đó chú đã đưa tôi và cậu về nuôi.

            "Chú không ưa gì tôi và cậu. Vì sao thì không rõ. Hai chị em như kẻ tôi đòi trong nhà chú. Lớn lên, chú càng ghét tôi thậm tệ. Có nhiều người đến hỏi tôi làm vợ, tôi muốn thoát khỏi nhà chú, nhưng sợ cậu khổ nên từ chối. Tôi nói với họ: "Tôi còn phải nuôi thằng em lớn đã. Khi mô nó cưới vợ, tôi mới lấy chồng!". Chú nghe được, mắng tôi đủ điều. Chú ép tôi lấy chồng. Thậm chí còn đưa người đến xem mặt tôi, bắt tôi theo ý chú. Tôi đã cãi chú, thế là chú đuổi tôi đi.

            "Tôi bàn với cậu phải ở riêng ra. Căn nhà này làm cách đây hai năm. Nó còn bề bộn lắm".

            Nghe thế chị nói: "Em không chê nhà mình. Nghèo khổ em chịu được mà!".

O bảo: "Ấy là tôi nói vậy. Mợ nghe để mợ hiểu gia cảnh nhà mình mà sống".

            Tối hôm ấy chị hỏi chồng: "Tôi có làm gì sai trái mà o không vừa lòng?". Anh nói: "Không phải chị giận đâu. Chị thật lòng mới nói thế". Anh còn nói thêm: "Chị tốt lắm, nếu không có chị chắc tôi không không được như ngày nay!".

            Cuối hè ấy o đi lấy chồng. Chồng o tên Tám, người phố huyện. Sau đám cưới, anh cứ rầu rầu, tha thẩn vào ra. Anh nói với vợ: "Chẳng biết chị có vui sướng gì không?". Nhưng làm sao mà biết được? Một tháng sau, vợ chồng o làm đơn đi công nhân ở tận xứ Bắc.

 

            3.

            Chị sinh đứa con đầu lòng, một đứa con trai. Chị nói với anh: "Tôi đặt tên nó là Hai!". Anh không hỏi vì sao chị thích tên ấy. Chị mãn nguyện lắm. Chị muốn đứa con trai đầu lòng giúp chị nhớ tới một kỉ niệm đẹp mà buồn. Tuy nhiên đó là lúc chị còn trẻ. Về sau, nhiều lần gọi tên con, chị cũng quên đi kỉ niệm đó.

            Chị lại sinh đứa con thứ hai, một đứa bé gái. Trong lúc chạy trốn máy bay Mỹ, chị đã đẻ rơi nó dưới giao thông hào. Sinh xong, chị ốm ròng rã, không đi làm nổi. Anh làm cán bộ xã, đi công tác hoài, ít giúp đỡ việc gia đình cho chị. Anh buồn, nói với chị: "Sức khỏe mình yếu quá. Thôi, từ nay không sinh con nữa!".

            Một hôm, anh từ xã về báo tin: "Tôi đi hỏa tuyến sáu tháng chỉ huy dân quân cả xã". Chị hỏi: "Sao lâu thế?". Anh không giải thích gì thêm.

            Anh đi rồi, chị ở nhà làm việc, thay cả phần anh. Chị hết ốm nhưng người vẫn gầy. Đôi mắt chị quầng thâm. Nhiều đêm chị trằn trọc không ngủ, cứ nghĩ: "Vắng chồng thì khó sống thật!". Chị nhớ anh, từ cái mùi đàn ông, đến dáng đi, câu nói. Chị cầu mong cho anh bình yên, sớm trở về.

            Sau một năm anh mới trở về, người mang đầy vết tích bom đạn của chiến tranh. Chị khóc. Anh an ủi: "Về được là mừng. Bao nhiêu đồng chí anh em mình hy sinh ngoài chiến trường!". Nhưng nào có được mừng. Trái gió trở trời, người anh lại đau nhức nhối. Vết thương cũ tái phát, anh nằm một chỗ, thuốc men đổ vào bao nhiêu cũng không khỏi. Chị tất tả ngược xuôi, thấy có phương thuốc hay là tìm đến.

Thời gian đó chị lại ở cữ và sinh đứa con thứ ba tại trạm xá. Một đứa con trai kháu khỉnh và bụ bẫm. Y sĩ bảo: "Hệt một thiên thần! Nhưng rút hết sức lực của mẹ rồi còn gì!". Chị cười: "Không sao! Chắc anh ưng lắm!". Niềm vui không được lâu. Thằng Hai đến báo tin: "Mẹ về gấp. Cha nguy lắm!".

            Chị tất tả ôm con trở về. Bế con trước mặt anh, nuốt nước mắt đắng chát, chị hỏi: "Con trai kháu khỉnh quá. Anh thấy không?". Anh nói: "Ừ, nhớ nuôi con thành người. Mình đừng bỏ các con, mình nhé!". Lời nói cuối cùng của anh, nhẹ hơn một hơi thở. Chị khóc, cạn khô nước mắt.

 

            4.

            Sau khi anh mất, thằng Hai đòi bỏ học đi bộ đội. Chị cản mãi không được. Nó nói: "Con đi trả thù cho cha!".

            Chồng mất, con trai đi xa, chị cảm thấy bơ vơ. Chị điện gọi o về. Gặp nhau, hai chị em chụm đầu bên nhau khóc tấm tức. O nói: "Đằng nào việc cũng đã rồi. Giờ mợ phải nuôi các con thành người, đừng để chúng phải chịu thua thiệt. Cuộc sống ở phía trước còn gian nan vất vả lắm!".

            Chị nói: "Chị cứ tin ở em". Ngừng một lúc, chị tiếp: "Em lo cho thằng Hai. Nó còn trẻ con lắm. Các thầy dạy nó bảo: sức học cháu khá, nếu học tiếp sẽ được vào đại học. Nó thì một mực đòi ra trận. Chiến tranh khủng khiếp quá! Em mong sao hết chiến tranh".

            Ngày chiến thắng cũng đã tới như mong ước của chị. Thằng Hai trở về: cao, gầy, nhưng cứng cáp. Chị ôm chầm lấy con, sờ nắn khắp người. Nó cười: "Con vẫn lành lặn đấy chứ". Chị mắng: "Cái thằng! Còn đùa được!".

            Chị muốn giữ thằng Hai lại, nhưng nó nói: "Con phải vào đơn vị gấp. Con không ở lại được". Thằng Hai khoác ba lô, lại lên đường. Chị nhìn theo dáng con đi, lẩm bẩm: "Y hệt cha mày thời còn trẻ".

 

            5.

            Sau giải phóng.

            Một người đàn ông bận quân phục đến nhà chị. Đó là một sĩ quan. Con gái chị từ nhà lên, nói: "Ông đợi mẹ đấy!". Chị hỏi: "Ông ấy thế nào?". Con gái chị bảo: "Người manh mảnh, da tai tái, có vết sẹo lớn trên môi". Chị băn khoăn: "Ai nhỉ?". Con gái chị kể: "Ông ấy ở cùng đơn vị với anh Hai". Chị lo: "Thằng Hai có việc gì sao?". Chao ôi, đầu óc chị quay cuồng. Chị hớt hải chạy về. Bước vào nhà, chị chợt sững lại: "Ai mà trông vừa lạ, vừa quen. Có phải... ". Người đàn ông quay lại. "Ồ, cậu Hai" - Chị thở phào nhẹ nhõm.

            Chị thấy mình lúng túng. Chị hỏi vụng về: "Làm sao ông biết nhà mà đến đây?". Ông nói: "Ở đơn vị thằng Hai vẽ đường cho". Chị vui vẻ: "Ông có gặp cháu? Nó thế nào?". Ông nói: "Đẹp trai, khỏe mạnh, hiền lành như bố". Chị buồn: "Ông đừng nói thế!". Ông lặng lẽ: "Xin lỗi, tôi ở lính quen đùa. Không lạc quan thì làm sao sống nổi đến bây giờ". Chị nói: "Thôi, đừng chấp tôi làm gì".

            Chị rót nước mời ông, rồi hỏi: "Ông sống thế nào?". Ông trầm lặng: "Buồn lắm!". Ông kể rằng sau khi lấy vợ, ông nhập ngũ. Ở nhà, vợ ông chết vì bom. Họ không có con cái. Ông đi biền biệt, mãi cho đến bây giờ.

            Im lặng một lúc, ông hỏi: "Bà còn nhớ ngày xưa không?". Chị nhìn ra ngoài trời. Sầu đông nở hoa từ bao giờ mà tím biếc cả lá cành. Chị nhớ ngày xưa, đứng tựa gốc sầu đông chờ đợi, giận quá mà khóc. Hồi ấy, sao mà ông rụt rè thế. Còn bây giờ... Chị nhìn ông, bảo: "Đầu ông hai thứ tóc rồi còn gì?". Ông vuốt tóc, tay dính đầy hoa sầu đông. Ông nói: "Ngõ nhà bà trồng nhiều sầu đông. Hoa vương đầy cả tóc tôi". Cả hai cùng cười vì câu nói hóm hỉnh.

            Hôm sau, ông lại sang. Thằng Út quấn quýt bên ông, thích ông lắm. Nó kể với ông: "Bố cháu từng đi đánh trận đấy". Ông hỏi: "Thật à! Thế cháu có thích bố không?". Nó nói: "Cháu không biết bố!". Ông làm bộ ưỡn ngực, dơ hai tay trước mặt nó, bảo: "Nhìn đây, y hệt cậu". Chị trách: "Đừng nói dối trẻ thơ!". Ông cúi đầu lặng lẽ. Út thắc mắc: "Cậu không mang súng lúc lắc bên hông cho oai? Bố của bạn cháu có súng bên hông đấy!". Ông cười: "Có chứ. Cậu đang để ở nhà". Út ôm cổ ông: "Cho cháu một khẩu". Ông cười: "Định làm ông lính con ư?". Nhưng vẫn hứa: "Vào Sài Gòn cậu mang về cho". Chị nghe, bất chợt quay sang: "Anh đi nữa à!?". Ông đứng dậy, nói nhỏ vừa đủ cho chị nghe: "Nếu em muốn, tôi đi rồi lại về!". Chị đỏ mặt, y hệt ngày xưa, lúc cậu khen chị có mái tóc đẹp.

 

            6.

            Ông đi rồi, thằng Út cứ nhắc mãi. Chị cũng thấy trong lòng xôn xao. Chị thấy nhớ nhớ, thương thương, thơ thẩn như chờ đợi. Nó vừa giống thủa chị đợi anh đi dân công về, lại có sự bồi hồi thủa còn ở với cha, chờ cậu đến ngỏ lời yêu thương. Bây giờ gương mặt câu rắn rỏi hơn, dáng đi bệ vệ hơn, lời nói chắc chắn hơn. Đôi mắt cậu vẫn buồn nhưng không ướt như ngày xưa nữa. Cậu từng trải nhiều. "Có lỗi với anh không nhỉ?". Chị tự hỏi nhưng không trả lời được.

            Nhớ tới o, chị điện gọi o về. Việc hệ trọng thế này không thể không báo cho o được. Chị kể hết mọi việc, cả ước muốn của cậu cho o nghe. Nghe xong o khóc. Khó khăn lắm o mới kìm lòng bảo: "Tôi tưởng mợ gọi tôi về vì việc gì khác. Tôi chỉ thương cậu, thương bọn trẻ. Còn mợ thì tùy". Chị ôm đầu gối o: "Chị, em biết làm sao bây giờ? Cuộc đời còn dài. Một mình em cáng đáng việc nhà không nổi". O giận lắm: "Thì mợ theo người ta, để bọn trẻ tôi nuôi!". Nói rồi, o nhất quyết ra đi. Chị giữ mãi không nổi.

            Chị nghĩ nhiều lắm. Nghĩ tới cả lời hứa với o ngày xưa, nhớ cả lời anh dặn trước khi mất. Tối hôm ấy chị nằm mơ gặp anh, thấy anh áo quần tơi tả, mặt mày hốc hác, đôi mắt trũng sâu. Anh nhìn chị, lạ lắm. Sáng dậy, mắt chị đỏ ngầu.

 

            7.

            Ông từ Sài Gòn về, đến tặng thằng Út cái súng nhựa, bắn nghe roạt roạt. Thằng Út thích lắm, cười híp cả mắt. Ông bế nó, công kênh nó chạy khắp nhà. Chị nhìn, nước mắt tự nhiên chảy ra. Chị đang buồn ngơ ngẩn.

            Chị nói với ông: "Lần sau anh đừng đến dây nữa". Ông nhìn chị, ngạc nhiên lắm. Nhưng chị đã quay mặt đi.

            Chị tiễn ông ra tận ngõ. Ông đi chậm lại, hỏi: "Em dứt khoát rồi ư? Em không thương tôi ư? Thế mà cả cuộc đời tôi cứ hy vọng". Chị khóc. Ông lay vai chị: "Tôi thương em thật lòng mà. Giờ cũng như hồi còn trẻ. Có gì ràng buộc em nữa đâu?!". Nước mắt chị càng chảy đầm đìa. Chị không thể làm khác được.

 

            8.

            Sáng hôm sau, thấy dấu giày hằn lên những cánh hoa sầu đông rơi. Chị nhờ người đến bổ những cây sầu đông trước ngõ. Người ta hỏi: "Tại sao chặt?". Chị bảo: "Cứ chặt đi!".

            Về sau, vườn nhà chị trống vắng. Chị cứ ngơ ngẩn như vừa đánh mất một cái gì. Rồi chị được tin: "Ông đã lấy vợ. Vợ ông là cô giáo. Chồng cô ấy hy sinh trong chiến trường".

            Không lừa dối mình được nữa, chị khóc. Khóc vì những sắp đặt của cuộc đời. Khóc vì những ràng buộc đáng ra cần được giải phóng. Còn khóc cả vì sự yếu đuối của mình.

            Thằng Út đi học về, thấy mẹ khóc, nó hỏi: "Mẹ buồn hả me?". Chị nói: "Hơn cả buồn, con ạ!". Út hỏi: "Mẹ tiếc cây sầu đông ư? Mẹ có thể trồng lại kia mà!".

 

                                                                                                                       

 

. . . . .
Loading the player...