04-04-2020 - 11:10

Tác giả LÊ TRẦN SỬU

 

 

 

 

Bút dang: Lê Hoài Nam

Ngày tháng năm sinh: 15-10-1925 ( năm Ất Sửu)

Quê quán: Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh

Nguyên là giáo viên. Hiện đã nghỉ hưu.

Hội viên  Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành: Văn xuôi. Năm kết nạp:1959

Địa chỉ liên lạc hiện nay: tổ 7 phường Bắc Hà, Tp Hà Tĩnh

 

Tác phẩm tiêu biểu đã công bố:

- Đêm thu yên tĩnh (tập truyện ký, in chung)
- Đường ra phía trước (tập truyện ký, in chung)
- Gieo hạt (tập truyện ký)

- Lê Trần Sửu- Tác phầm chọn lọc (NXB Hội nhà văn, 2018)
 

 Giải thưởng văn học, nghệ thuật:

- Giải nhất viết về đề tài giao thông vận tải, tác phẩm Lái xe tuyến lửa năm 1968

 

Tác phẩm tự chọn

 

TRUÂN CHUYÊN NGHỀ CÁ

            Bút ký

Biển, cánh đồng không gieo hạt nhưng được gặt hái quanh năm, nghề biển là kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.

Gặp ông H, Giám đốc Sở Thủy sản, bộ dạng ông vui lắm. Đầu năm con Gà này, ông bảo với tụi tôi, cái giọng bề trên: “Gà miền biển ta gáy hay, gáy hay lắm. Chỉ tiếc thị xã ở xa nên các anh nghe không thấu…”.

Ừ, phải về thực mục sở thị xem sao?

Và giữa vụ cá Nam này, mùa cá nổi, tôi đã về Lạch Sót, vùng biển anh chị trong tỉnh.

Về Sót, tôi “rơi” ngay vào bữa nhậu chở “trăng lu” tại nhà chủ thuyền Văn Chất. Nghề biển khơi, mười bốn, rằm trăng tỏ là thời gian dân đi biển nghỉ xả hơi.

Bắt tay chủ thuyền và các tay trợ thủ của anh, tôi ngỡ đang tiếp xúc với những cầu thủ thể thao. Các anh hồng hào, trẻ trung trong những bộ áo thun, quần “soóc” thái chính hiệu. Những khối người nâu bóng đang uồm lên mấy đĩa mực nướng, ghẹ luộc đặt trên hai chiếc chiếu trải giữa sàn nhà.

- Xã giới thiệu với mình đội vó ta vừa đánh mẻ vó 15 tấn cá ngay trong cơn bão cấp 6 vừa qua?

Văn Chất đang lật trở con mực trên ngọn đèn cồn chưa kịp trả lời thì chị Lan, vợ anh bưng đĩa mồi lên tiếp, văn vẻ đáp ngay:

- Úi chào! Ngày 24 đó, em ở nhà bật đài liên tục. Nghe báo cơn bão mò ra 17 vĩ độ 2, ngực em như gió xoáy cấp 12…

- Đúng vậy trong cơn bão vừa qua, đội mình cất được mẻ cá ngót 15 tấn nhưng cũng suýt nữa là cả nôốc lẫn người xuống chầu hạ bá. Mẻ lưới đó thắng trong cái chết lơ lửng trên đầu. Thuyền đầy ắp cá mở hết tốc lực lao về đến cửa lạch đúng vào lúc cơn gió cấp 6 đang ào ào bỗng lặng ngắt để mà trở chiều quay lại tung hết sức mạnh của nó mà nuốt chửng nôốc và người xoáy xuống vực sâu. Tất cả đã đứng tim, may sao, tốc độ hai đầu máy móc 80CV mở hết số đã thắng được cái đợt sóng từ trong cửa sông đẩy ra và thuyền lao gọn vào hẻm Eo Lối, cầm chắc cái sống để về với mẹ Lan.

Tiếng cười râm ran. Căn phòng hẹp ngậy mùi thơm mực nướng, mùi hăng hắc thuốc lá như mù, như sương, và mùi rượu hăng nồng.

Bỗng Văn Chất nhón một con mực nguyên trong đĩa đặt vào tay tôi. “Anh em, con mực Sót năm nay trông có thiểu não không? Mỏng lét và bé xíu. Hết rồi, hết thời rồi con mực thước Cửa Sót nướng lên xé ra từng khúc như khúc dò lụa, tước nhỏ thì sợi mực trắng nõn như sợi bún, càng nhai, càng ngọt…”.

Văn Chất không trả lời tôi chuyện con cá mà bắt sang chuyện con mực.

Bỗng Hoa, kế toán đội vó, trẻ măng, mới cưới vợ tuần trước, đưa ra câu mời:

- Sao văn nghệ các anh ít viết về biển, về nghề biển thế? Hôm nay chúc mừng buổi hạnh ngộ. Nào! Mời anh, trăm phần trăm!

- Bọn mình tên cá chưa sành, viết về con cá con mực, về nghề biển, các ông cười vào mũi cho!

Số phận con mực Cửa Sót năm nay đúng là “Sự kiện”. Năm ngoái thu hoạch 75 tấn mực khô, năm nay chỉ ngót 30 tấn. Số là, đầu tháng 3, khi mới chớm vụ, tàu Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa - Bình kéo ra… Mành dắt, mành chụp, rê, rút… áp lộng quét mực vừa đóng ổ. Lớn, bé tấm mén gì cũng “quây”. Các công ty nước ngoài ăn cả loại mực con. Qua chế biến kỹ thuật, mực cơm, mực ống “hóa thân” trên thị trường. Có gì lạ, mực con bị hốt ráo. Đến tháng 5, 6 vào chính vụ, con mực thước trong lộng sống sót lại được bao nhiêu để mà câu với kéo? Nghề mực Lạch Sót thua là vì vậy!

- Nghề khơi các anh? Tôi lái họ vào chuyện chính. Trên xã đã kể sơ qua về đội Văn Chất, trẻ trung, táo bạo, xếp vào diện 10 đội đầu bảng. Đội Văn Chất mới ra nghề hơn một năm, vốn tự có đã trên 300 triệu. Bộ tài sản thì nhất, nhì Cửa Lạch: hai thuyền lớn, 4 máy 33W Nhật mới cứng… bọn họ đang tính ăn thêm nghề vây nữa, Chủ tịch Thống nói với tôi hồi chiều.

- Được, tạm được! Thưa với anh, bọn em bây giờ làm thật và cũng được ăn thật. Anh xem đó, gió cấp 6 vẫn gan lì bám biển, vẫn lì lợm “nép gió” thả vó, rồi “tháo gió” mà lao về bất chấp bão tố! Còn khoản thu nhập ư? Đội em xếp vào loại ăn nên làm ra, em ăn “hai phần nghề”, thêm một phần thuyền trưởng kiêm kỹ thuật, cũng chỉ khoảng 3.500.000đ/tháng.

Miệng chành ra, Chắt sôi nổi….

Nhưng bỗng anh trầm giọng xuống, vẻ đăm chiêu: “Cửa Lạch này, đến loại “siêu” như bác Thể, bác Tuân cũng chưa ra cái gì so với thiên hạ. Con mực “vó” chúng em chỉ là con nhép cạnh con thu trẵn, con hồng “đóng xây”. Ra biển nhìn cá, nhìn mực ở ngư trường ta cứ chảy vào bồ thiên hạ, dằn lòng lắm, buồn lắm…”.

Chắt tróc, tróc, nhịp ngón tay trên mặt bàn như muốn hình dung lại đường đi nước bước sắp tới của đội mình, rồi buông thêm một câu: “Mà… nghề khơi độc canh của Thạch Kim cũng đang lao đao… ở lại một, hai hôm, anh rõ”.

Tôi nhận ra trước mặt tôi thế hệ ngư dân mới của hôm nay “có lẽ cha H - Giám đốc Sở cũng đã nghe nói về đội này. Tôi nghĩ những lao động biển có tri thức, những ông chủ, ông chủ thực sự… nhưng tại sao, một đội đang ăn nên làm ra như đội anh, lại hạ hồi phán một câu trĩu nặng thế?

Lạch Sót.

Tôi đã dăm ba lần về trong thời bao cấp. Ngành Hải sản Việt Nam xác định đây là ngư trường loại một của Vịnh Bắc Bộ. Địa hình, gió, sóng và dòng biển tạo cho ngư trường này “vùng bước trôi”, vụ Nam “vùng nước ấm” vụ Bắc. Để rồi từ trùng khơi, triệu, triệu cá tôm mực… tiến vào trạm trú, sinh sôi nẩy nở trước khi quay lại đại dương mênh mông.

Hai vùng nước trời cho này nằm ngay ngoài khơi Lạch Sót, hơi chếch về Đông Nam. Theo tuần trăng, con nước lên cường, xuống rợp. Mỗi con nước ăn theo một loài. Nước sinh thì con trích, con nục. Nước tôm rảo, nước tép moi! Sương mù buông đặc ấy báo hiệu tôm vang, tôm sú xuất hiện. Nồm hây hẩy sóng, là chim, thu về trẩy hội. Trời cho, biển tặng bao giờ hết được.

Chả thế, trong Nam, ngoài Bắc, ai cũng biết cá Lạch Sót, mực Lạch Sót. “Thuyền bè bát ngát nghênh ngang” (Vè hốc đáy) “Vũng rồng, đèn rực cầu tàu” (Nam giới hải môn - Lê Thánh Tôn).

Thời đại bao cấp đã kìm hãm, trói chặt nghề biển ở đây. Tập thể hóa triệt để đến mức hợp tác xã đánh cá cũng là đơn vị hành chính thôn, đơn vị an ninh, đơn vị dân quân. Việc lớn như công trình phúc lợi, xây dựng trường học, trạm xá, nhỏ như liên hoan, hội họp, quà cáp lễ tết cấp trên, tất tật đều bắt con cá con mực chịu cả. Cán bộ hàng xã, hợp tác ngồi bờ chỉ đạo trên giấy tờ cũng được ăn phần nghề to hơn lao động đi biển. Mà quan chức xã, xóm, hợp tác xã đâu phải là ít!

Nhà nước bán máy thủy, dầu nhờn, lưới cụ… theo giá bao cấp rồi mua lại cá, mực moi cũng giá bao cấp. Sinh ra cái việc cá ngon, cá to, lén lút bán cho con buôn trên biển, hoặc bán công khai theo các “tờ rơi” ưu tiên cho ông này, bà nọ.

Không có gì khó hiểu, dù xã viên “thiện chiến” đến mấy, hợp tác xã vẫn nợ nần chồng chất, tài sản hư nát, người lao động thì “khô mái chèo đứt bữa”. Thạch Kim đất chật, người đông, ngót vạn dân chen nhau chỉ trên hơn 1km. Dân cần cù, nhanh nhạy “đâm ba xáo mạng”, ngoài nghề vó đã mở thêm nhiều nghề khác rê mực, lưới bắt ốc, thả dàn câu cá mú đặc sản... nhưng, nhiều năm cả làng đói đứt bữa, trên phải thực tế… Cho đến nay, số nợ của “các hợp” đã giải thể vẫn cứ treo lên. Biết đòi ai?...

Xóm Long Hải

Xóm nghề lộng: Xăm, te, lái 10, câu mực… Xóm đông dân nhất Lạch Sót, đa số dân theo đạo kitô giáo. Doi đất dài và rộng chạy dọc xóm, sát mép biển, năm 1989 bị sóng thần đánh sập và nhấn chìm xuống biển. Đôi đoạn còn sót lại, nham nhở và mỏng như sợi lạt, chênh vênh. Dân lùi vào khá xa, ngoảnh lưng sát với nghĩa địa xã. Ở đó, lúp xúp những dãy nấm mồ ngư dân đi biển gặp bão tố, xác ngâm nước trương phềnh lên dạt vào bờ.

Cái sứ điệp khoán 10 về đến cơ sở cuối 1991 không cứu rỗi được linh hồn ai nhưng đã đổi thay đời sống cơm áo hàng ngày trong xóm chài này. Nghề lộng, vốn không lớn lắm. Mươi lăm triệu đã ăn được nghề. Thuyền nhỏ, máy nhỏ 12 CV, 16CV… đi được 10, 15 sải nước trở lại. Ba bốn hộ chung nhau một thuyển nghề. Mỗi chiều lộng, mỗi bữa câu, ăn tiêu tiện tặn, góp lại rồi cũng thành “chỉ” thành “cây” v.v. rồi hai hộ chung nhau một thuyền. Và rốt cuộc đến năm 1992, đầu  năm 1993, hầu hết mỗi hộ đều có riêng một “nốc”, một “máy”. Các ông chuyên môn trên huyện cuối 1993, điều tra, thống kê, ghi chép theo cách nào đó, cuối cùng đã công bố gọn “năm 1993 tăng 102 thuyền so với năm 1991 và tăng 86 máy. Sản lượng mực khô đạt 75 tấn tăng 44 tấn, tổng giá trị tiền mặt 1 tỷ 850 triệu đồng.

Đó là chuyện năm ngoái. Còn bây giờ tôi đang ngồi trò chuyện với một bác ngư dân ngồi vá lưới trên bãi cát vàng, bộ quần áo cháo lòng nhàu nát như tấm lưới đang vá. Đôi bàn tay xù xì, sứt sẹo vì dây cước ăn hằn vào thịt, luồn mũi nước vào mắt lưới rách, bác buồn rầu tiếp chuyện. Một con trai hi sinh năm 1979. Một đứa đi “te” ném mìn đánh cá, cụt một bàn tay. Năm ngoái trúng mực, dựng được nếp nhà gỗ xoan, vay mượn thêm chút đỉnh, ăn riêng được nghề câu. Nhưng năm nay nghề không lắm. Mà mùa mất không phải do con mực không áp lộng “đóng ổ” mà vì sao các ông đã rõ v.v.

- Sao bác không ăn nghề câu khơi?

- Ông ơi! Đi câu khơi phải có thuyền lớn, máy 45 CV, 65 CV chạy suốt 3 chục tiếng ra ngoài 70, 80 sải nước v.v. “Nốc” chúng tôi thì có mà… Bão, tố, rài… trở tay sao kịp?

- Thì vay ngân hàng, góp cổ phần lại mà ăn nghề chứ bác?

- Vay ngân hàng phải thế chấp. Mà chúng tôi thì chỉ có con cá, con mực đang lội trong biển. Còn cổ phần góp tay? Câu khơi to vốn hơn cả vó khơi ít ra cũng phải trên 350 triệu. Dân nghèo xóm tôi mới gượng dậy hơn một năm. Còn năm nay, lộc thánh, ơn trên… tàu các nơi đến xâm canh hốt ráo. Tàu họ lớn, máy lớn, ra khơi vào lộng, mỗi tàu 2,3 nghề, nơi mô cũng cày, cũng xới. Ngoài khơi thì họ cho tàu áp sát gần đến “rạo” của ta, bật đèn cao áp lên, ánh sáng xanh rờn chiếu tia hồ quang quần đảo trên mặt nước, ánh sáng hồ quang quần đảo dưới đáy biển. Đến con ghẹ, con cua biển bám trong các hang san hô đáy biển cũng “nổ” mắt mà nổi lên từng vạt, huống gì con cá. Trong lộng thì tàu họ dùng lưới rùng quây trọn tất cả các sinh vật biển nhỏ như que diêm trở lên. Cho đến khi tàu họ rút đi lạch khác, các “nốc, thuyền” của mình mới đi ra kiếm “xái” của họ v.v.

- Nhà bác năm nay đói?

- Nói đói đứt bữa thì cũng không phải. Con cái đứa đi “rỗi”, đứa đi “bạn”. Năm nay nghề “Vó” ăn riêng nhiều. Tôi cũng đi “Thép” bác Tuân Liên.

Bác ta tiếp luôn: Nghề vó cũng đang “đau trốc”. Tức nhau tiếng gáy nhiều đôi ăn vó riêng, ra Lạch Hội, Lạch Cờn mua lại thuyền cũ, máy cũ trục trặc, về không vài chuyến lỗ dầu là vàng mắt. Lãi ngân hàng 2,3%, 2,5%, 2,7% mới nghe cho là nhẹ nhàng, gộp lại vay 100 triệu mất 30 triệu đồng lãi/năm. Còn trăm thứ đóng đậu nữa. Thuyền lớn, máy lớn bảo hiểm cũng phải lớn. Ông cán bộ tín dụng nào hám lễ “lại quả” cứ rót mạnh cho các đội vó “dậy non” thì như đang gà mắc tóc.

Một đoàn Min-khơ nữa rời khỏi bãi xe, người và người, xe máy, xe đạp thồ, quang gánh, chen nhau quanh 5, 6 chiếc xe tải thùng, xe cao ngất nghểu. Các xe tải này đều mang biển số các tỉnh phía nam 54, 58, 72 v.v. Trong thùng xe tải chất đầy các khay cá ướp đá, những khay cá thu, cá ngừ, cá trẵn núc nác bóng loáng hạ xuống, xếp vào giỏ các anh Min-khơ quay đít vào thành xe ăn cá.

Bác ngư dân ngưng câu chuyện nhìn đau đáu đoàn xe tải, thừ người một lát rồi lặng lẽ buông câu nói:

- Đấy ông xem cá miền Nam đè sấp cá vớ Thạch Kim đó… Không biết họ còn ướp thêm thuốc gì ngoài đá cây mà không con ruồi nào bén mảng. Dễ có đến hàng trăm khay cá đá mà mùi tanh cũng chỉ thi thoảng.

Phận con cá, con mực của nghề biển Lạch Sót hôm nay là vậy! Mực thì câu mực “xái” cá thì đánh cá “chê”! Thị trường đầy ắp cá xe đè cá “vó” thiên hạ “chê” duỗi ra, ta phải vơ vào.

Tôi chào bác ngư dân xóm Long Hải, thong thả tiến lại gần đoàn xe tải, lân la hỏi chuyện với một bác xế Nam bộ chính cống.

- Sao anh không bán cá trong đó mà phải chở ra ngoài này? Lời lãi ra sao hả anh?

- Cá ngoài này đắt, trừ xăng xe, đá ướp, mỗi chuyến cũng được vài triệu và bia bọt lai rai. Trong kia chỉ chờ ngoài này “phôn” vào là xe ta Bắc tiến tắp lự!

Hỏi kỹ tôi biết thêm thứ cá xe này đánh bắt hầu hết ở hải phận Thái Lan, cũng áp dụng chiến thuật đánh nhanh, rút nhanh, thọc sâu chớp nhoáng không lẹ làng mà bị bắt thì bị phạt thuế rất nặng. Thế mới biết ở các nước quanh ta, luật biển đánh bắt cá rất nghiêm. Họ bảo vệ khá tốt ngư trường của ngư dân họ, còn ở ta thì sao nhỉ?

Dẫu sao, sinh nghề phải hành cái nghề đó.Lộng thua, cậy nhờ anh vó. Có đội lao đao thua lỗ, những cũng nhiều anh tài vó Thạch Kim mỗi chuyến 2, 3 tấn nục núc nác có chuyến mươi mười hai tấn. Dân Thạch Kim xoay tròn xung quanh con cá vó. Tổ dịch vụ dầu, lưới, củi, muối, bia, rượu, rau, cỏ, gạo, thịt, v.v. hàng trăm lò nướng cá đặt khắp hè nhà, lối xóm, mùi cá nướng ngầy ngậy, thơm lừng tỏa khắp không gian. Dân buôn mực tứ xứ đổ về, kể cả mấy anh “lầu phản” ở Phong Thành, Kỳ Xá (Trung Quốc) cũng tìm đến. Thạch Kim tất bật, hối hả. Đêm đêm điện sáng rực, đài tưởng niệm liệt sĩ hoàn thành, các câu lạc bộ văn hóa mọc khắp cá xóm. Quán, ốt, cửa hàng, cửa hiệu mọc. Dọc con lộ chính từ cầu bà Thụ xuống mép biển, dân buôn xây nhà bằng san sát, cần ăng ten ti vi mọc nhiều hơn, xe máy nhiều hơn.

Nhưng ai học được chữ ngờ, giữa vụ Nam, vụ chính nghề biển Cửa Lạch, Thạch Kim nhận được công văn của trên. Nội dung có hai điểm: Một là theo thỏa thuận của Tổng cục dầu khí Việt Nam, tàu của công ty nước ngoài X được đến thăm dò địa chất, địa chấn vùng biển, vùng thềm lục địa tỉnh ta. Thăm dò khảo sát từ điểm A đến điểm Z. Hai là ngư dân không được đưa tàu thuyền đánh cá trong vùng biển đang khảo sát, thăm dò. Vùng tàu đến đó dò, xăm, khảo đó là ngư trường khơi Lạch Sót và Nam Nghệ Tĩnh. Có hai tàu Việt Nam hợp đồng đi hộ tống, bảo vệ: Tàu Trường Sa 03 và tàu Biển Đông 3 - 06. Thuyền dân chài bén mảng tới là bắn pháo hiệu ra lệnh lùi xa, súng AK trên tàu bảo vệ  đạn lên nòng răng rắc. Ôi thôi! Bao nhiêu “cây rạo” trên ngư trường bị quét sạch. Chủ tịch xã tính với tôi: mỗi “cây rạo” tre pheo, dây, chạc, cáp, ni lông, chì, đá, dừa, muồng kết lá dụ cá đến tụ đẻ, tính cả lễ lạt xin keo, khấn thánh, mời thần v.v… tất tật không dưới 4 triệu đồng. Mỗi cây “rạo khơi” là một cánh đồng để thâm canh, năm 2 vụ cá. Cây “rạo hay” gặt được khoảng 120 - 150 tấn cá nục. Rạo “độ cá” như lúa trên ruộng đã chín. Cứ ra đó buông lưới, một thuyền chở cá về, một ở lại canh rạo để ra đánh tiếp. Hơn bù kém, mỗi cây rạo được  60 tấn, 80 cây rạo bị càn, kéo, mất đứt đi  80 x 60 = 4.800 tấn cá trong năm.

Ngư dân Lạch Sót đối phó bằng cách băm khúc cây rạo dài ra từng đoạn ngắn để nó chìm lẫn trong sóng gió. Nhưng chẳng ăn thua. Tàu thăm dò, tàu hộ tống, bảo vệ, cày nát ngư trường. Rạo bị kéo tuột, đá chì xuống biển, tre nhợ nổi vật vờ dạt khắp. Ngậm ngùi vớt về, khúc rạo vác trên vai, thất thểu, đầu chúi xuống, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như “gái không có tiền đi dạo chợ” Tiếng kêu lên xã như ri, xã chạy lên huyện. Nhớn nhác như chim mất tổ.

Dân Sót vốn giàu nghĩa khí. Truyền thống đã được Nhà nước công nhận phong tặng danh hiệu “Xã anh hùng”. Nhưng cũng là dân “Thạch Nhọn” đáo để chẳng kém cạnh ai. Trong dịp này ở Cửa Sót, đến xóm nào tôi cũng nghe dân luận bàn, chất vấn. Cứ lời dân tôi tổng hợp lại mấy điểm chính gạch đầu dòng như sau:

+ Công ty Dầu khí nước ngoài thăm dò “lô” này “lô” nọ đều qua đấu thầu chuẩn bị hàng năm. Tại sao thông báo cho dân chậm thế, nước đến chân rồi mới bắt đầu nhảy.

+ Dân đóng đủ thuế tài nguyên, sản xuất kinh doanh v.v… thuế cho Nhà nước, phí cho làng thì nghề nghiệp của dân, tài sản của dân ai vi phạm phải đền bù tử tế. Ngư trường là nguồn sống của dân. Cây rạo là “cần câu cơm” của dân bỗng dưng đến tàn phá. Sao các công ty đấu thầu kiếm được lợi lại không bồi lại cái hại cho dân.

+ Bộ, Sở Thủy sản biết được việc thăm dò này. Không biết hay là quan liêu, thiếu kết hợp, không nghĩ đến dân. Biết trước mà không về bàn với dân, giúp dân tháo gỡ là bỏ rơi dân trong cơn hoạn nạn.

Của đau, con xót dân xin kêu lên. “Mô, tê, răng rứa” tôi cũng chưa thật tường tỏ. Nhưng nhìn đống rạo “vó khơi” vác về vứt đống lỏng chỏng đầu làng, cuối thôn, ngẫm ra dân Thạch Kim cũng đang dồn vào bước cuối rồi “lộng” “thua” “vó mất”, dân biển, nghề biển tỉnh nhà ra sao? Trung ương có cái lợi của cả nước, tỉnh hưởng đến cái lợi của địa phương thì thời buổi kinh tế thị trường này người dân cũng phải cho họ tính cái lẽ thiệt hơn của họ chứ?

Lạch Sót. Chiều… Gió hiu hiu, rì rầm sóng biển. Một ngày nhóc báo hiệu nghề hôm nay không hay lắm. Những chiếc thuyền thúng, thuyền câu bé xíu vẫn bám lộng, chòng chành lắc lư trên sóng…

Mấy đội vó nghĩ đà trên tuần nay, ra khơi từ hôm kia, đến nay vẫn chưa về, không biết các “anh tài vó Thạch Kim đi” “đột kích” ở nẻo nào phương nào? Giữa trùng dương 50 sải nước, mênh mông trời, mênh mông sóng, mênh mông gió táp, mưa sa, nắng xả, anh tài vó Thạch Kim vẫn sinh ư nghệ thì tử i nghệ, cứ lì lợm vật lộn trong cạnh tranh quyết liệt gian khổ và đầy bất ngờ.

Bất giác trước mắt tôi hiện ra Giám đốc H Sở Thủy sản, dáng thâm thấp, chân lủn củn, ngồi dán chặt trong chiếc ghế bành gỗ mun khăm xà cừ bóng loáng, cốc bia lạnh luôn trước mặt, vung tay phán hết thành tích này đến thắng lợi nọ của nghề biển. “Ông H ơi! Gà miền biển tỉnh ta gáy vui ít, buồn nhiều, giọng gáy bức xúc, tức tưởi lắm, ngài có thấu chăng?”.

Tháng 4 năm 1994

L.T.S

 

. . . . .
Loading the player...