09-10-2023 - 03:54

SÁNG TÁC TRẺ

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu chuyên mục Sáng tác trẻ của hai tác giả Nguyễn Huy Linh (sinh năm 1989) và Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002)

TRANG SÁNG TÁC TRẺ

Tác giả Nguyễn Huy Linh

 

Nguyễn Huy Linh, sinh năm 1989 ở Cẩm Quang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Mỗi người trong chúng ta có một góc nhìn, một cách quan niệm về thơ, riêng tôi khi đọc thơ của tác giả trẻ Nguyễn Huy Linh, tôi nhận thấy vị quê trong anh. Chính những  bài thơ thấm đẫm hồn làng, hồn quê ấy đã kết tinh nên một vị quê đầy giá trị truyền thống, hướng con người đến với những điều tốt đẹp qua nhiều cung bậc mĩ cảm.

 

MẸ ƠI

 

Mẹ ơi!

quê hương mình đang mùa bão lũ

ngấn đỏ phù sa theo nước chảy xuôi dòng

thương con cá rô lóc mình lên luống cải

lụi cánh hoa vàng rũ rượi đứng trong mưa

 

Mẹ ơi!

con có về được đâu khi gió trở mùa

chiếc giường nan mọt kêu chẳng dỗ vừa giấc ngủ

bì bõm áo tơi quần cao bó gối

chân chụn gân xanh buộc tạm tấm phên hè

 

Mẹ ơi!

nước bạc phận đời trắng xóa bờ đê

xót dạ nón mê che đàn gà chái bếp

hõm má mắt sâu rưng rưng tóc bết

chắn lại đụn rơm khô ủ dột mái hiên nhà

 

Mẹ ơi!

giá mà con đủ vững chãi như cha thì bát cơm mùa mưa chẳng chát mặn vị cà muối đậm

con là cơn sóng nhỏ

mẹ một đời mênh mông!

 

 

CẢM THỨC QUẢNG BÌNH

 

Tôi đến Quảng Bình

về Lèn Chùa thử rượu

thơm nồng bằng hữu tri giao

 

bài thơ cất lên

dạ tiệc lặng trầm

tưởng nhớ

những linh hồn bất tử

cành cây ngọn cỏ rưng rưng

 

người nghệ sĩ

cất cao bài ca đồng vọng

đá núi ngân vang

sông Son đằm thắm

như tình em Phong Nha

 

Chúng tôi

những người trẻ

khoác lên mình tấm áo tha nhân

theo chân già làng

đi tìm chính mình

 

người phác thảo đôi mắt

ẩn trong vô lượng đất trời

người tạc phù điêu

hào quang đức Phật hiện sinh

người dạo phím đàn

âm âm non nước trùng trùng...

 

tôi lặng lẽ

nghe tầng tầng thổn thức

khói bay lên từ phía hoang vu

tảng đá

như người lính sa trường

uy vĩ

ứng linh

ý thơ nở ra sóng sánh

ngân nga!

 

Tác giả Trần Việt Hoàng

 

TRẦN VIỆT HOÀNG

 Sinh năm 2002 Tại Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh là một người rất yêu thích văn chương. Hoàng sáng tác đều tay cả thơ và văn xuôi. Những tác phẩm đã được in trên các báo trung ương va địa phương.

Trần Việt Hoàng mồ côi cha từ bé. Chính vì hoàn cảnh đặc biệt đó đã làm nên tính cách độc lập và khát vọng, nghị lực trong con người em. “Em yêu thích văn chương, bởi văn chương dạy cho em biết được rất nhiều điều. Khi học văn tâm hồn và phong cách của con người mình được thanh lọc qua những trang sách, văn chương cho em biết yêu quý gia đình, bạn bè và quê hương đất nước”. 

 

TRÒ CHUYỆN VỚI MÙA THU

                              Tản văn

 

"Hôm nào còn ra hoa, hôm nay chùm quả nặng/ Rồi chiếc lá xanh đã nhuốm sắc thu tàn/ Cái cây trước sân nhà bình lặng sống/ Qua mấy mùa luân chuyển: Thời gian". Đọc lại những vần thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong bài thơ "Thời gian" lòng tôi lại bâng khuâng, rồi ngẩn ngơ nhìn thời gian qua ô cửa. Thu lại về, nửa cuối của một năm đã bắt đầu chạm tay.

 

Sáng nay thức dậy, tôi sửa sang, dọn dẹp lại căn phòng rồi đi xuống phố thưởng cho mình một ly cà phê đầu thu. Hơi nóng cà phê bốc lên nghi ngút, làm sống mũi sống động. Tôi nhẩn nha thừng giọt đắng rồi nhìn về phía bờ hồ. Mặt hồ long lanh nước, nước hồ xanh thẳm hơn bao ngày thường, những loang sương mỏng manh giăng kín. Phía xa xa là mấy chị lao công đang bảng lảng mình trong hơi phố đầu thu để quét dọn cung đường. Lá vàng đã rơi nhiều hơn thường khi...

 

Những ngày đầu thu này có lẽ tôi đã chầm chậm và lững thững hơn so với thường ngày. Tôi hay giành thời gian cho chính mình hơn một điều gì khác hay một ai khác. Nhiều người nghĩ rằng đó là sự cô đơn, sự gói rào chính mình nhưng hoàn toàn không phải. Những lúc ấy, tôi mê mải hơn khi nghĩ ngợi về những điều đã qua, những thái cực đối lập như được- mất, vui- buồn, rộng lòng- ích kỉ,... và cả những con người đi qua cuộc đời mình nữa. Để rồi tôi biết rằng dù có ra sao thì tất thảy đều là những kỉ niệm, chúng đan vào nhau để làm thành tầng vỉa của cái sống, của bề dài trải nghiệm.

 

Tôi nhớ nhiều hơn về những tháng ngày bình yên của mình bên vùng quê chiêm trũng ngày còn ấu thơ. Nhớ biết bao những buổi chiều mẹ thổi cơm nghi ngút khói, rồi tiếng gọi âu yếm đầy yêu thương gọi tôi trở về ăn tối. Tôi nhớ đến sực mũi những món ăn thôn quê vào mùa này dẫu đạm bạc nhưng chân chất nghĩa tình. Nhất là cái soong nhút kho cá mặn mòi mà mẹ hẩm đi hẩm lại cả tuần. Những đứa trẻ cùng tôi lớn lên bên ruộng đồng, giờ này chúng cũng như tôi đã đi xa, thật xa vùng quê ấy. Biết bao đầy vơi của một thời trên cánh đồng mùa thu rong ruổi cùng đàn bò thung thăng, cả những đêm trăng đuổi nhau nô đùa nơi những con đường đồng thanh mát, ngai ngái thơm hương đồng nội. Cái triền sông chằng chịt cỏ từ bao đời đã đón lấy những bờ lưng đen nhem nhẻm vì nắng và gió của lũ trẻ chúng tôi. Tôi đâm mình ra nuối tiếc.  Nuối tiếc không phải vì tôi là một đứa trẻ hững hờ, cũng chẳng phải tôi rời đi quá sớm nơi quê kiểng ấy. Tôi nuối tiếc bởi thời gian quá mau lẹ, bởi khi cứ bao mùa thu đến chúng lại càng kéo lùi xa tôi với tất cả.

 

Nhưng trong ý nghĩ của mình, tôi sẽ gìn giữ trái tim để nó luôn ấm chảy hồn cốt quê cũ, dẫu cho bao ngày mở mắt ra ra đấy tôi vẫn sống, vẫn nương vào những điều phồn hoa, hiện đại của phố thị. Mùa thu vì thế như là một sợi dây để nối kết chặt hơn bản thân tôi với tất cả. Tôi ở nơi xa, nhưng sâu thẳm bóng dáng xưa cũ vẫn luôn thường trực. Âu không phải vì thế mà tôi là kẻ chỉ biết bám víu vào quá khứ để lẩn tránh phù dung. Tôi vẫn cứ đi về phía trước bằng tất cả trái tim và trí óc của mình với những dấu chân rõ ràng nhất và đường hoàng nhất để kiếm tìm những điều tốt đẹp của cuộc đời...

 

Không phải ngẫu nhiên mà những giấc mơ vẫn thường hay tìm đến với tôi trong những đêm thu. Có lẽ bởi những lúc này đây tôi hay ngẫm ngợi nhiều điều. Những suy nghĩ về quá khứ, về hiện tại, về tương lai và xa hơn nữa là miền biên viễn vời vợi. Tôi không dám khẳng định nhưng vẫn thường giữ niềm tin về những giấc mơ chạm mình trong những đêm thu rằng chúng là ngọn đèn báo hiệu về một điều gì đó sẽ xẩy ra trong tương lai có thể với tôi, người thân, hoặc những người xung quanh cuộc sống của tôi, đành rằng cũng không phải lúc nào những giấc mơ ấy cũng tịnh lành. Có lẽ, phải một nhẽ nào đó mà giấc mơ mới tìm đến ta, hẳn là khi thường ngày ta va đập hoặc mường tượng, rồi suy nghĩ quá nhiều về nó. Tôi cứ nhạy cảm với những giấc mơ thu ấy, để rồi đêm cứ ngắn dài, say tỉnh nối lấy tôi làm cho tôi mênh mang, thảng thốt, và đượm những âu lo.

 

Những cảm xúc, những ý nghĩ bên mùa thu ấy cứ làm tôi ngân mãi lòng mình ra để chầm chậm. Dẫu thời gian luôn đoái gọi người ta "Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ" ( Xuân Diệu), nhưng hẳn cũng phải có những khoảng thời gian nhất định để cho tôi, cho mọi người chậm lại để sâu lắng hơn với chính mình.  Khi đó mọi xúc cảm kể cả nỗi buồn, sự nuối tiếc, sự sợ hãi cũng ánh lên vẻ sáng soi đường cho phía trước. Tôi yêu mùa thu vì những lẽ đó.

 

                                                                  T.V.H

 

 

. . . . .
Loading the player...