Hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, Nghệ thuật về chủ đề “Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và quê hương Đức Thọ”, Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bút ký “Phía trước là Tam Soa” của nhà thơ Lê Văn Vỵ
Không để bạn đọc phải chờ đợi lâu, tôi đi thẳng vào câu hỏi của nhiều người đặt ra: Nông thôn mới (NTM) xã Tùng Ảnh - Quê hương cố TBT Trần Phú có gì khác biệt?
Ông Nguyễn Văn Đức - Bí thư Đảng ủy xã Tùng Ảnh cấp cho tôi một số thông tin ngắn gọn: “Giai đoạn 2000 - 2005 Tùng Ảnh là một trong 7 xã của huyện Đức Thọ hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Giai đoạn 2006 - 2010 Tùng Ảnh là đơn vị duy nhất của huyện hoàn thành 33 tiêu chí NTM của tỉnh Hà Tĩnh; cuối năm 2018 về đích, rút ngắn kế hoạch 2 năm. Tháng 9/2019 đạt chuẩn NTM nâng cao… Hai năm sau, Tùng Ảnh là một trong hai xã của Hà Tĩnh đạt NTM kiểu mẫu nâng cao. Hiện nay đang đi đầu xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số, hướng tới NTM thông minh gắn liền với xã thương mại điện tử”. Những thông tin ngắn gọn ấy cho ta hình dung về hành trình liên tục phát triển, hướng tới những mục đích cao hơn của quê hương TBT Trần Phú. Nhưng, động lực bên trong, điều làm nên cốt lõi sức mạnh của Tùng Ảnh chính là sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữa ý Đảng, lòng dân, sức mạnh nội và ngoại lực, đặc biệt là giá trị trầm tích lịch sử, văn hóa của Tùng Ảnh đã đồng hành với NTM.
Ai đó đã than rằng cùng với việc đưa áng văn: “Cây tre” của nhà văn Thép Mới ra khỏi chương trình SGK, những cây cổ thụ, những lũy tre ở một vài làng quê đâu đó ngã xuống nhường chỗ cho sắt thép, bê tông lên ngôi. Nhưng về Tùng Ảnh, bên cạnh những con đường bê tông, vẫn còn thấp thoáng những lũy tre xanh ở thôn Sơn Lễ, Vọng Sơn, Châu Nội, Châu Trinh, để tháng ba khi lúa đỏ đuôi ngoài đồng, từ trong lũy tre lại vọng ra tiếng cu gù rất đỗi bình yên.
Tôi đã ngồi trên chõng tre dưới bóng tre xanh với ông bà Mai Xuân Bảng (thôn Châu Nội) nghe chuyện tre trúc hay chuyện quê hương đất nước, thân phận con người. “Lũy tre này do mẹ tôi (bà Phan Thị Ngụ - Mẹ Việt nam anh hùng) trồng cách đây đã 100 năm có lẻ. Những năm chiến tranh chống Mỹ, đây là nơi giấu xe. Năm 1968, đơn vị pháo cao xạ ở đồng làng bảo vệ phà Linh Cảm bị trúng bom Mỹ, nhiều chiến sĩ hi sinh, dân quân đã ngã tre, chẻ lạt, làm đòn đưa các chiến sĩ đến nghĩa trang mai táng. Cũng dưới lũy tre này, ba anh em chúng tôi lần lượt lên đường nhập ngũ. Em Mai Xuân Độ, Mai Xuân Khoa đã anh dũng hy sinh. Cho nên với tôi, lũy tre này là một phần hồn vía của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân”. Ông Bảng rơm rớm nước mắt kể.
Nhiều đoàn khách du lịch, nhiều bạn trẻ về quê hương TBT Trần Phú hẳn rằng không quên được quãng đường thôn Châu Nội chưa đến nửa ki lô mét ken dày hàng rào cây xanh và những cổng ngõ cây duối cổ thụ rất ấn tượng. Đây là địa điểm nam thanh nữ tú, khách tham quan, du lịch lựa chọn trải nghiệm, check in. Thật nhầm lẫn khi cho rằng những cổng duối cổ thụ là kết quả của NTM Tùng Ảnh. NTM có tham dự vào chính là ở quy hoạch. Rằng, những nhà quy hoạch điện, đường, trường trạm rất nhân văn, rất văn hóa trong ứng xử với thiên nhiên mà tránh những hàng duối cổ thụ này. Con đường được quy hoạch mở rộng về phía cánh đồng, an toàn cho xe cộ và người tham gia giao thông, trong khi đó dãy cây duối vẫn xanh tốt, được cắt cúp, tạo hình làm đẹp cho NTM làng quê…
Theo ông Mai Xuân Trang (Châu Nội) những cây duối nhà ông được cố nội Mai Xuân Thế (1880-1946) trồng đã trên 120 năm. Đến thời cha ông là Mai Xuân Dụng (1902-1985) vẫn còn cả dãy cây duối và bây giờ chỉ còn hai cây duối cổ thụ ở cổng. Có lẽ đây là hai cây duối cổ thụ mà tôi chứng kiến. Gốc cây có vanh 1,0m. Cành xum xuê đan chằng chịt vào nhau. Tán vươn dài 5,0 m, rộng 3,8m, khoảng cách hai cây duối 1,8m. Từ cổng cây duối này, bao cuộc chia ly, hội ngộ, bao nhiêu kỷ niệm không thể nào quên được. “Nhất là tôi với em trai Mai Xuân Ngọc (1949-1968); Liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Thời thơ ấu, anh em tôi thường chơi trốn tìm, chú Ngọc leo lên nằm trốn trên tán cây. Nó leo trèo giỏi, mùa quả chín vàng, chú hái cho tôi ăn... Có lần từ đơn vị về nhà, chú chụp ảnh ở cổng cây duối này”. Nói rồi, ông Trang kéo tôi vào nhà, lấy bức anh chú Ngọc. “Đây là kỷ vật vô giá chúng tôi còn lưu giữ được” và xúc động: “Tôi không ngờ NTM là cuộc cách mạng mà gìn giữ cả từng cây duối, mang đến cho cây duối nhỏ mọn một sức sống mới”.
Bến Tam Soa - Ảnh: PV
Được biết, 100% các hộ dân xã Tùng Ảnh dùng nước sạch Công ty máy nước Linh Cảm. Ấy vậy nhưng hàng chục giếng nước tại 12 thôn đã được cộng đồng dân cư khôi phục. Tôi đã đặt chân đến giếng Sứ (1932, thôn Vạn Sơn), giếng Đá Hàn (1936, thôn Sơn Lễ), giếng Trung Đồng (1927, thôn Sơn Lễ) và dừng lại giếng cổ Ao Bù (Châu Nội). Giếng cổ Ao Bù có từ năm 1938 đã được cộng đồng tôn tạo lần thứ nhất vào năm 1971 và lần 2 vào năm 2015. Trải qua năm tháng, đối mặt với mưa bão, cây lộc vừng cổ thụ vẫn nẩy lộc đơm hoa. Chỉ khác chăng, giếng được kè đá, nền giếng lát gạch và dưới gốc cây lộc vừng, tổ liên gia cho đặt ghế đá để ông già, bà lão, những người xa quê có dịp trở về có chỗ ngồi thả lòng mình hồi ức về những kỷ niệm của một thời. Ra Tết, tôi đã gặp gia đình cụ Phan Tâm đến thăm giếng. “Với tôi, giếng là nguồn mạch, phong thủy của làng. Ngày xưa, nắng hạn, cả làng chỉ còn giếng này có nước, dân làng tập trung ở đây, chắt từng giọt nước mạch, san sẻ nhau. Con cháu chúng tôi ăn nước giếng Ao Bù lớn lên, học hành giỏi giang, phục vụ Nhân dân, Tổ quốc. Đi xa tôi lo cái giếng Ao Bù bị lấp. Nay được tôn tạo khang trang mà vẫn không sai lệch vị trí, hình dáng, kích thước, cảnh quan xung quanh. Đã thế, đường 15 rải thảm, có thể lên ô tô đến giếng. Thật như chuyện cổ tích”. Cụ Tâm hồ hởi.
Bạn hãy cùng tôi thử hỏi lòng mình: Nếu NTM Tùng Ảnh thiếu đi lũy tre xanh, hàng rào xanh, cổng cây duối thì sẽ ra sao?
Tôi đã cùng nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tâm linh Nguyễn Thế Phiệt vài ba lần đến Tùng Ảnh điền dã và mỗi lần đến lại phát hiện ra những trầm tích văn hóa bí ẩn. Trải qua bể dâu, thăng trầm, mưa nắng cuộc đời, ấy vậy mà những đình chùa, miếu mạo quần tụ khắp 12 thôn với kiến trúc cổ xưa cho chúng ta hình dung và nhận diện lịch sử, tầm vóc văn hóa qua mỗi thời kỳ. Những nét chạm trổ tinh xảo về long, ly, quy, phượng ở đuôi kẻ đình Trung hay trên cánh cửa đền “Linh Cảm Đại Vương”, hay ở nhà thờ tiểu chi họ Trần (Châu Tùng) cho chúng ta nhận diện nghệ thuật chạm trổ trên gỗ thời Lê, thời Nguyễn. Am tháp cổ tại chùa Đá làm bằng đất nung mang dấu ấn đặc trưng kiến trúc Phật giáo cuối đời Hậu Lê. Những hoành phi, câu đối, cách bài trí thượng điện hạ điện ở chùa Phật hay nhà thờ các dòng họ cùng với chữ Hán, chữ Nôm khắc trên bia đá; các linh vật, nghê đá, sư tử, voi chầu, hổ phục…vẫn đồng hành cùng con cháu trong thời đại mới.
NTM Tùng Ảnh không lấn át, lu mờ những công trình lịch sử văn hóa vật thể. Một xã đồng bằng có đến 13 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp Quốc gia và cấp tỉnh thật hiếm có. Không phải ngẫu nhiên mà có nhận xét: “Về Tùng Ảnh nhà thờ nhiều hơn nhà ở”. Nhưng điều đáng nói là bên cạnh những tòa ngang dãy dọc mái bằng, hình hộp, hiện đại là những nhà thờ mái cong cổ điển nương tựa, tôn vinh nhau lên.
Năm 1950, nỗi lo bom đạn giặc Pháp an nguy đến nhà thờ Phan Đình Phùng, cháu chắt cụ Phan đã “cõng” nhà thờ di dời lên xã Sơn Long. Bảy mươi năm trôi qua, nhà thờ để hoang trở thành nhà ở, qua tay bốn chủ và mảnh đất hương hỏa ở làng Đông Thái đã có chủ khác dựng nhà, nhưng khi dòng tộc họ Phan và chính quyền xã có nguyện vọng đưa nhà thờ về chỗ cũ thì những người dân sẵn lòng nhường lại đất và nhà để có nơi thờ tự người anh hùng mà dân làng tự hào, kính trọng.
Câu chuyện về một gia đình sinh ra ba cô gái và nhà thờ ba họ do ông Phan Văn Thân (đời 22 họ Phan Tùng Mai) kể thật lôi cuốn. Rằng: Đất của 3 nhà thờ là của hồi môn cha mẹ chia cho ba cô con gái. Cô Cả làm dâu nhà họ Mai, cô Thứ làm dâu nhà họ Bùi và cô Út làm dâu nhà họ Võ. Đó là lý do, ba nhà thờ xây dựng thành một dãy. Mặc dầu thời gian xây dựng khác nhau, nhưng bờ rào, cổng ba nhà thờ không so le mà thẳng tắp với hàng rào thôn; kiến trúc nhà thờ không lấn át nhau mà tạo thành một tổng thể hài hòa. Khi ở huyện bên, con đường quốc lộ phải “uốn lượn đường cong mỹ học” tránh nhà thờ của một dòng họ uy thế, thì ở Tùng Ảnh này, cả ba nhà thờ không “nống” ra mà nép lại dành cho con đường NTM Châu Tùng đủ hai làn xe, thoáng đãng đảm bảo cho xe cộ và người tham gia giao thông an toàn. Những ngôi nhà thờ ở đây lặng lẽ khiêm nhường không phô ra mà nép dưới rặng cây, nhưng trong lòng lại chất chứa những điều kì vĩ. Nhà thờ các dòng họ ở Tùng Ảnh đều có gia phả được biên soạn công phu lưu lại cho hậu duệ. Thậm chí gia phả họ Mai La Sơn như công trình khoa học với 535 trang sách in. Rất nhiều nhà thờ còn lưu giữ được các đạo sắc và được phiên dịch ra tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ con cháu dễ dàng tiếp cận. Phục dựng 5/8 văn bia Tiến sĩ Phan tộc, có thể nói họ Phan Tùng Mai đã mang một phần Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội và Văn Thánh Huế * về nhà thờ Phan Tùng Mai, Châu Tùng và làm vẻ vang cho đất học Tùng Ảnh. Có phải đóng góp xây dựng NTM của các dòng họ Tùng Ảnh đã hiện thực hóa Nghị quyết 18-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh?
Hai dòng chảy yêu nước, cách mạng và truyền thống học hành khoa cử gặp nhau ở Tam Soa để làm nên dải lụa La Giang hòa nhập vào biển cả đất nước, nhân dân và nhân loại. Tam Soa đâu chỉ là ngã ba sông, đâu chỉ là dòng chảy lịch sử mà còn là dòng chảy văn hóa. Phía bên phải là núi Linh Cảm, nơi những cây tùng soi bóng xuống mặt nước. Bên trái là núi Quần Hội; nơi Đinh Liệt - Tướng quân Lê Lợi đã hội quân chống giặc Minh xâm lược và nay là nơi đặt Khu lăng mộ TBT Trần Phú. Thế đất đẹp tự nhiên, chẩm sơn đạp thủy. Phía trên là phần mộ của hai cụ thân sinh Trần Văn Phổ và Hoàng Thị Cát. Phía bên phải là phần mộ của ông Trần Ngọc Danh, em ruột của cố Tổng Bí thư. Phía trước là Tam Soa, xa xa điệp trùng Thiên Nhẫn. Cùng với Khu mộ, nhà thờ tiểu chi họ Trần, nhà lưu niệm TBT Trần Phú ở Tùng Châu đã làm nên quần thể di tích Lịch sử, văn hóa tâm linh thu hút khách đến chiêm bái, đặc biệt là các em học sinh. Chí khí, tinh thần, ánh sáng từ tấm gương yêu nước, cách mạng của đồng chí Trần Phú lan tỏa năng lượng tích cực tốt đẹp cho mọi tầng lớp nhất là thế hệ trẻ.
Đã hàng chục lần đến viếng thăm quần thể di tích Đồng chí Trần Phú - TBT đầu tiên của Đảng nhưng chưa lần nào tôi rưng rưng xúc động như sáng đầu Xuân này! Có thể, tinh thần, chí khí Trần Phú trong cao điểm 120 ngày lập thành tích Kỷ niệm 120 năm ngày sinh TBT Trần Phú đã làm khởi sắc thêm bộ mặt NTM quê hương? Cũng có thể Tùng Ảnh “địa linh” sinh “nhân kiệt” và “nhân kiệt” làm rạng danh “địa linh”? Có phải “hồn vía” NTM trên quê hương Trần Phú chính là “chất” Trần Phú đang lan tỏa đến từng dòng họ, ngõ xóm, đường quê, cành cây, ngọn cỏ?
Phải thế chăng, nên lần này, đến Khu nhà thờ tiểu chi họ Trần tôi lặng lẽ, âm thầm đi tìm dấu chân của Trần Phú mà đất quê hương phong bao, gìn giữ. Dưới lớp lá khô, sau hay trước khu nhà đâu đâu tôi cũng hình dung những dấu chân Người. Tôi lặng lẽ ra ngõ, lần theo con đường ra bờ đê sông La. Phía trước là bãi Soi. Bờ bãi này, ngày xưa là bãi dâu xanh mướt. Nhân dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Lụa Hạ nức tiếng từ đây. Ông Trần Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần vừa kể vừa giơ tay chỉ về phía trước: “Đây là bến ông đồ Cầu**. Khi còn học ở trường Quốc học Huế và sau này về dạy học tại trường tiểu học Cao Xuân Dục, TP. Vinh, ngày nghỉ Trần Phú về nhà và thường ra bến sông này câu cá và tắm sông cùng bạn bè”.
Tôi nhìn theo hướng tay ông Hải, rồi đau đáu nhìn xuống bãi cỏ chỉ, cỏ gừng tìm nơi nào còn lưu dấu chân người con ưu tú quê hương? Xuống bến, tôi không dấu được băn khoăn: “Sao không có tấm bia khắc ghi: Bến sông này, Trần Phú đã từng câu cá, từng tắm trong những ngày về thăm quê?”. Cũng từ bến sông này, con đường này, cổng làng này, Trần Phú đã bí mật sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào Cộng sản Đoàn, được Người cử sang học tại trường ĐH Phương Đông, Mátxcơva của Quốc tế Cộng sản. Mãn khóa, Trần Phú sang châu Âu, về Sài Gòn, ra Bắc gây dựng phong trào, giác ngộ cách mạng, xây dựng tổ chức Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lê nin… Đi khắp Á Âu, bước chân đặt trên nhiều con đường, đại lộ để rồi Đồng chí Trần Phú được giao nhiệm vụ dự thảo bản: “Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương” mà sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đường lối cách mạng Việt Nam. Đồng chí Trần Phú đã có đóng góp quan trọng xây dựng Đảng trên cả ba mặt trận: Chính trị, tư tưởng và tổ chức…
Hành trình của một tri thức giác ngộ lý tưởng, dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đồng chí Trần Phú có ý nghĩa phổ quát cho hành trình của bao thế hệ người con Tùng Ảnh nói riêng, Đức Thọ, Hà Tĩnh nói chung…
Tam Soa hợp lưu của dòng chảy tri thức và cách mạng, xưa và nay, lịch sử và văn hóa, truyền thống và hiện đại, ý Đảng lòng dân… động lực cho sự phát triển bền vững
Hà Tĩnh tháng 3/2024
L.V.V
_____________________
* (1. Phan Phúc Cấn (1456 - 1520); Bia số 5 VMQTG; triều Lê Thánh Tông, khoa thi Ất Mùi, Hồng Đức năm thứ 6 (1475). 2. Phan Như Khuê (1693 - 1755); Bia số 66VMQTG; Tiến sĩ khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức (1733). 3. Phan Kính (1715 - 1761); Bia số 69 VMQTG; Tiến sĩ khoa Quý Hợi Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743). 4. Phan Khiêm Thụ (1726 - 1759); Tiến sĩ khoa Đinh Sửu Cảnh Hưng thứ 18 (1757) và Văn bia được đặt Văn Thánh Huế. Tiến sĩ: Phan Bá Đạt
** Ông Đồ Cầu; Chú ruột của Trần Phú