03-06-2022 - 09:35

PHAN ĐÌNH PHÙNG CHÍ SĨ - TẤM GƯƠNG SỐNG của Lê Văn Tùng

Nhân Kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng (6/6/1847 - 6/6/2022) ban biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết PHAN ĐÌNH PHÙNG CHÍ SĨ - TẤM GƯƠNG SỐNG của Nhà nghiên cứu Lê Văn Tùng

LÊ VĂN TÙNG

PHAN ĐÌNH PHÙNG CHÍ SĨ - TẤM GƯƠNG SỐNG

                                                 

Phan Đình Phùng sinh năm Đinh Mùi (1847), trong một gia đình khoa bảng có tiếng tăm ở làng Đông Thái, xã Việt Yên Hạ, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.

Năm nay (2022), kỷ niệm 175 năm sinh chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng (1847 – 2022), chúng ta kính trọng, bồi hồi nhớ về một vị lãnh tụ tiêu biểu của phong trào yêu nước chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX, người khởi xướng, cầm đầu một cuộc kháng chiến dù đơn lẻ, thiếu thốn trăm bề, vẫn làm khuynh đảo kẻ thù và tồn tại trong hơn thập kỷ.

Tên tuổi Phan Đình Phùng được lưu danh sử sách, được người đời ngưỡng mộ, ngoài việc là một lãnh tụ nổi tiếng của phong trào Cần Vương chống Pháp, cụ còn là một nhân cách lớn, để lại cho đời những tấm gương sống, càng ngày càng sáng mãi với thời gian:

1.Quyết tâm khổ học thành tài: Không như nhiều vị đại khoa khác, có người được gọi là thần đồng từ thuở nhỏ, có người nổi tiếng thông tuệ, học một biết mười, Phan Đình Phùng được thầy xếp vào loại “tối dạ”, học trước quên sau, thua kém hẳn bạn bầu cùng trang lứa. Tuy nhiên, bù lại, ông là người luôn nuôi chí lớn, quyết vượt lên chính mình, không chịu thua bầu  kém bạn. Với quyết tâm “chiếm bảng vàng khôi nguyên”, tuổi trẻ ông đã từng kiên trì “đóng cửa đọc sách”, nghiền ngẫm suốt năm này qua năm khác, và quả nhiên khoa thi hương năm Bính Tý (1876), ở tuổi 30 ông đã trúng Cử nhân trường Nghệ, rồi tiếp đến khoa thi hội Đinh Sửu (1877) ông đậu Đình nguyên Tiến sĩ.

 Quyết chí “mài sắt nên kim” đã đưa một cậu học trò “tối dạ” trở thành Đình nguyên Tiến sĩ. Và cũng từ đây người trong vùng gọi Phan Đình Phùng là “Cụ Đình” - Đình nguyên Tiến sĩ.

2. Sống cương trực, thẳng thắn và can đảm:

- Khi giữ chức tri phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thấy một giáo sĩ người La Mã ỷ có thế lực, ức hiếp lương dân, cụ liền gọi đến hỏi tội và giám đánh roi trừng phạt tên giáo sĩ. Sau sự việc đó cụ đã bị triệu về kinh.

- Khi về viện đô sát giữ chức Ngự sử, Phan Đình Phùng dâng sớ đàn hặc các văn võ đại thần đã tâu láo kết quả bắn súng ở cửa Thuận An, vạch tội kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Chánh làm cho y bị bãi chức. Cụ còn tố cáo nhiều vụ khuất tất khác và đã từng được vua Tự Đức khen là:“Thử sự cựu bất phát, phùng Phùng nãi phát” (Việc này đã lâu không ai phát giác ra, nay gặp Phùng mới phát hiện được).

- Năm 1883, vua Tự Đức mất, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, dựa vào câu trong di chiếu “Ông Dục Đức còn trẻ tuổi mà phóng đãng, vô đạo” để họp triều đình tuyên bố phế truất Dục Đức mới lên ngôi được ba ngày. Phan Đình Phùng bất chấp uy thế lớn của Thuyết, liền tỏ thái độ bất bình phản đối. Mấy người bạn đồng liêu lo cho cụ đã níu kéo cụ ngồi xuống. Nhưng Phan Đình Phùng đã kiên quyết đứng phắt dậy, giật đứt cả thân áo, khảng khái phản đối. Lập tức Tôn Thất Thuyết hô quân bắt đem chém, nhưng liền đó lại ra lệnh cho giam vào ngục Cẩm Y, rồi mười ngày sau cách chức đuổi về làng. (Lúc này Phan Đình Phùng chưa hiểu rằng Tôn Thất Thuyết phế truất Dục Đức vì vua này “chủ hòa” muốn đầu hàng Pháp).

3. Hy sinh tình riêng vì nghĩa nước:

Sau khi Phan Đình Phùng truyền hịch khởi nghĩa tại quê nhà, làng Đông Thái, được sĩ phu và nhân dân Nghệ Tĩnh hưởng ứng sôi nổi. Nhưng ngay trong những trận đánh đầu tiên, nghĩa quân đã thua liên tiếp, phải rút quân lên Phụng Công để củng cố lực lượng.

Lúc này tổng đốc Nghệ An Nguyễn Chánh - người từng bị cụ Phan đàn hặc - bắt được anh ruột Phan Đình Phùng là Phan Đình Thông, Chánh liền giao cho tiểu phủ sứ Hà Tĩnh Lê Kinh Hạp, người Hương Sơn, lấy tình bạn cũ, viết thư khuyên cụ ra hàng. Trong thư Hạp có ý khuyên bạn nên hàng để cứu lấy người anh và để mồ mả cha ông khỏi bị khai quật. Phan Đình Phùng không thèm trả lời. Cụ nói với chư tướng:

“Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to là đất nước Việt Nam, tôi chỉ có một ông anh rất to là cả mấy chục triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang phần mộ của nhà mình thì ngôi mộ của nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi”.

Một câu chuyện khác cũng đầy cảm động. Đó là vào khoảng năm 1892 - 1895, ở nhà lao Hà Tĩnh có một người tù phụ nữ mang án tử hình với tội danh "ám thông với giặc chống triều đình", mặc dầu bà không hề tham dự quốc sự. Người tù ấy là bà Phan Thị Đại (1841 - 1915), chị ruột Đình nguyên Phan Đình Phùng, vợ Cử nhân Lê Văn Thống, mẹ Giải nguyên Lê Văn Huân, ở Trung Lễ, Đức Thọ.

Sau khi Phan Đình Phùng khởi nghĩa, bà Cử Thống phải đưa con đi trốn tránh nhiều nơi, từ Đức Thọ sang Hương Sơn, rồi Nam Đàn, Thanh Chương... cuối cùng bà vẫn bị bắt đưa về tỉnh Nghệ, rồi giải về giam ở lao Hà Tĩnh và bị kết án tử hình.

Tháng 12 - 1894, bà Phan Thị Đại bị giải vào Huế để thụ hình. Bà giắt gói thuốc độc trong áo và tự nhủ: "Ta là chị cụ Đình, ta quyết vô đến Huế, nhìn kinh đô một chút rồi chết cho thỏa". Nhưng mới đến Quảng Bình bà lại được đưa trở lại Hà Tĩnh. Thì ra, Viện Cơ mật không y án của tỉnh vì "em làm giặc, chị gái đã xuất giá không có tội, nếu đã bắt thì cũng chỉ giam một thời gian thôi".

Vừa về lại nhà ngục hôm trước thì hôm sau bà được vợ Tuần phủ Tôn Thất Hân mời vào tư thất tiếp đãi cơm nước, chuyện trò thân mật. Đang ngạc nhiên vì sự "thay bậc đổi ngôi", thì ông Tuần đưa cho bà ba phong thư và nói:

- Phiền bà lên trao tận tay cho cụ Đình. Nếu việc có kết quả sẽ xin trọng thưởng. (Ba bức thư đó là: thư của Toàn quyền Pháp, thư của Hoàng Cao Khải và thư Tôn Thất Hân, đều là thư dụ hàng).

Được dịp gặp ông em lâu ngày xa cách, bà vui vẻ nhận lời.

Một toán lính cơ đưa võng cáng, cờ trống, đến nhà lao đón bà Đại, rước lên Hương Khê. Cụ Đình được tin cũng cho một toán Nghĩa quân xuống đón tận Cửa Rào, rước bà chị về đại đồn. Hai chị em gặp nhau trong nỗi niềm tủi mừng khôn xiết. Bà Đại ở lại Vụ Quang ba ngày, rồi từ giã ông em:

- Cậu ra hay không là chuyện hệ trọng của nước nhà, chị không giám bàn. Còn chị thì chị về kẻo họ lại nghĩ là chị hãi (sợ) không giám trở lại nữa.

- Tôi không ra, nhưng nếu phúc đáp ngay thì họ sẽ giết mất chị, cứ để thư thư. Nay tôi tạm viết mấy dòng chị mang về trước.

Hai chị em lưu luyến từ biệt nhau. Về lao Hà Tĩnh bà Phan Thị Đại tiếp tục bị giam giữ cho đến năm 1895 mới được tha. Năm ấy bà đã 54 tuổi.

Ngay câu chuyện Tôn Thất Thuyết đòi xử tử ông, rồi cách hết mọi chức vụ, đuổi ông ra khỏi triều đình, với ông, bây giờ cũng không còn là chuyện hiềm khích cá nhân nữa. Bởi việc lớn của bậc trượng phu khi đất nước lâm nguy là phải cộng tác với nhau để giữ lấy nước nhà. 

Tháng 9 -1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra đến sơn phòng Hà Tĩnh ở Phú Gia, Hương Khê. Phan Đình Phùng cầm đầu một số sĩ phu La Sơn lên bái mệnh. Cụ Phan được phong làm Tán lý quân vụ đại thần, thống lĩnh các đạo quân Cần Vương. Lúc lui ra cụ nói với Tôn Thất Thuyết:

- Không nói chắc tướng quân cũng biết, thời cuộc bây giờ khó khăn lắm rồi. Muốn làm một việc lớn như thế này, phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời thì tôi không dám nói đến. Đất Hà Tĩnh tuy có non cao, rừng sâu, nhưng không có địa lợi. Duy được có nhân hòa là quý hơn cả. Tôi dám làm đại sự, chỉ trông cậy vào đó mà thôi.

Gặp lại Tôn Thất Thuyết trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt này, Phan Đình Phùng đề cao hai chữ “nhân hòa”, rồi nhấn mạnh “là quý hơn cả” chắc đã làm cho hai kẻ sĩ, hai vị đại thần ngầm hiểu thấu lòng nhau.

Sau mười năm chinh chiến, vào sinh ra tử, cho đến phút từ biệt cõi trần vị thủ lĩnh Cần Vương còn kịp trút bầu tâm sự vào “Lâm chung tác” (làm lúc sắp mất), một bài thơ chữ Hán được nhà sử học Trần Huy Liệu dịch:

Trướng nhung vâng mệnh đã mười đông,

Vũ lược còn chưa lập được công.

Dân đói kêu trời xao xác nhạn,

Quân gian chật đất rộn đàn ong.

Chín lần xa giá non sông cách,

Bốn bể nhân dân nước lửa nồng.

Trách nhiệm càng cao càng nặng gánh,

Tướng môn riêng thẹn mặt anh hùng.

Bài thơ là một lời tự bạch về tâm trạng u hoài của một vị tướng, một lãnh tụ nghĩa quân trước khi chết chưa làm tròn được sứ mệnh nhà vua giao phó, đau đớn phải nhìn cảnh lương dân sống trong nước sôi lửa bỏng, xót xa phải ra đi khi sự nghiệp còn dang dở.

Văn thân Nghệ Tĩnh với tấm lòng kính mến và tiếc thương sâu sắc đã có những dòng tâm huyết điếu viếng cụ Phan. Hoàng Tạo dịch:

Anh hùng thành bại kể chi, tấc dạ cô trung, tấm gương nghĩa cả, thề cùng các bạn chu tuyền; Son mực thánh thần, đọc sách lấy cương thường làm trọng; Giận vì lẽ nhà to sắp đổ, một cây chẳng chống được nào, cung lạnh khói tàn, cảnh non thẳm ai không xót nổi? Gặp vận rồng bay mây tối; Ngậm ngùi cuộc thế đổi thay, thương ôi La thành non sông, văn hiến trăm năm binh mã loạn;

Trời đất cổ kim còn mãi, một dòng nước chảy, muôn trượng núi xa, ấy chốn nam nhi ngang dọc; Lam Hồng gió tuyết, ngạo đông cho tùng bách càng gầy; Tính sao đây sóng cả đang dâng, cột đá giửa dòng khó vững, sao dời vật đổi, tình cố hương ai chẳng chạnh lòng? Nguồn cơn nhạn lạc gió gầm, ngao ngán lòng trời cay nghiệt, thấy chứa tùng mai khí tiết, tinh thần một thác Đẩu Ngưu cao.

                                                                                                 L.V.T

. . . . .
Loading the player...