13-11-2022 - 05:33

Nơi đàn chim cất cánh

Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Huệ - Kỳ Anh (1972 - 2022). Tạp chí Hồng Lĩnh số 195 tháng 11/2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Nơi đàn chim cất cánh” của nguyên giáo viên Văn, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ Trần Nam Phong.

       Bên cạnh lộ đạo thiên lý bắc nam một thời, kênh Nhà Lê tạo một trục hoành liên thông các dòng chảy tự nhiên nối dài từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đến Hà Tĩnh, đoạn cuối đi qua Xứ Voi, vòng dưới chân núi Bàn Độ rồi đổ ra Hải Khẩu, nơi tọa lạc đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu với Kê minh thập sách nổi tiếng cổ kim. Xã Kỳ Tiến, nơi được chọn dựng bia về con kênh đào lịch sử này cũng là nơi khai sinh ngôi trường THPT Nguyễn Huệ, vào ngày 31 tháng 7 năm 1972.

       Mảnh đất nơi trường ra đời là một ngôi làng lần lượt có những tên gọi khác nhau. Các cụ cao niên kể lại, tên cổ xa xưa của làng là Kẻ Thá, sau đổi thành Thạch Mỹ và Hoàng Diệu cho đến tận bây giờ. Làng tựa một hòn đảo nổi lên giữa bốn bề ngút ngát lúa xanh. Và gió, cơ man gió ruổi suốt bốn mùa xuân, hạ. thu, đông với vẻ đẹp hoang sơ, thuần Việt tưởng không nơi nào có được. Hai phía đông, tây của làng có hai dòng mương lớn quanh năm lưu thủy, đổ về từ khe Đá Vàng và Đập Lòi Đổng. Phía trước làng, đỉnh Đầu Rồng hướng về nam. Sau lưng, núi giăng thành từ Kỳ Xuân qua Kỳ Giang với nhiều địa danh đã trở nên thân thuộc với bao thế hệ như Khe Chày, Nương Hào, Cửa Gió, Đá Chồng, Đá Ông Cày Mụ Dắc…Người gốc quê ở đây có nước da ngăm đen, tính tình thuần phác, đôn hậu, quanh năm cần cù, lam lũ với việc đồng áng. Nét đặc biệt làm nên hồn cốt làng mà tạo hóa ban tặng biểu hiện ngay trong một tên gọi của làng: Thạch Mỹ. Làng nằm trên khối địa chất được cấu tạo bằng đá garanit. Từ đầu làng đến giữa rồi kéo tận cuối làng đột khởi dựng lên tại những vị trí được luật phong thủy tự nhiên sắp đặt, những tảng đá, gò đá, bãi đá tưởng chừng còn đâu đó bàn tay của người thầy Tạo Hóa vĩ đại. Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh quê làng Xuyên Cẩm kể lại thủa còn đi học thường qua đây, ngả lưng trên những hòn đá ngắm trời mây non nước rồi ngủ quên lúc nào không hay. Hồi xưa, phía tây của làng còn tọa lạc ngôi Tam tòa lớn giữa bạt ngàn rừng nen nở hoa trắng xóa và cây mai vàng đến nay một số hộ gia đình còn giữ được giống mai bản địa quý giá này. Cách bìa làng độ năm mươi mét có Cồn Nghiên, một di tích văn hóa xưa là địa chỉ cần được chính quyền quan tâm và các nhà chuyên môn nghiên cứu, bảo tồn. PGS.TS, nhà thơ Lê Quốc Hán thủa sơ tán trọ học gần nhà cố Tao. Khi người viết bài này chia sẻ lên Trang Fb cá nhân bài thơ Hoàng Diệu thôn, ngay lập tức ông đã cầm bút viết lời bình với bao hồi ức, kỷ niệm cảm động về đất và người nơi đây. Có chi tiết này cần kể lại để nhà thơ và mọi người biết thêm. Cố Tao, lúc về già nước da đỏ au, râu tóc bạc phơ. Tuổi đã ngoài tám mươi, không rõ vì lý do gì, cứ sáng ra, cố lại đào xúc quang gánh đắp cao mấy ngôi mộ gần nhà. Một sự thôi thúc tâm linh sâu xa, mãnh liệt không ai hiểu nổi. Nhạc sĩ Đào Quốc Việt, người con Hoàng Diệu thôn, tác giả nhiều ca khúc hay như Núi Hồng, sông La, Huyền thoại núi Hồng còn nhớ chuyện này. Nơi ngày đầu thành lập trường còn bao điều để nói, để kể. Trong bài viết của thầy Phan Túy, nguyên hiệu phó nhà trường, người có mặt ngay từ những ngày đầu đã ghi lại.

       Để chuẩn bị cho năm học mới 1973, trường chuyển về địa điểm thứ hai là Lòi Hạ cũng thuộc xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh và đứng chân suốt 20 năm. Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình. Năm 1973, hiệp định Pari được kí kết. Một nủa đất nước vẫn trong tình trạng chiến tranh. Cả nước tiếp tục lên đường vì tuyền tuyến lớn trong đó có những thanh niên học sinh nhà trường. Hòa bình lập lại, hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết quê hương đất nước, tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam, biên giới phía bắc và biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Sau thời kỳ duy trì quá dài cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, bị đế quốc Mỹ và các nước phương tây cấm vận gắt gao, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng. Lứa học trò chúng tôi vào trường mùa thu năm 1983 và tốt nghiệp niên khóa 1985-1986. Nằm trong bối cảnh chung, đời sống, công tác giảng dạy và học tập của thầy trò vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Hồi ức của thầy cô và một số bạn bè đã ôn lại khá tỉ mỉ và cảm động. Cần lưu ý khoảng thời gian này, giáo dục Kỳ Anh có những nỗ lực bứt phá phát huy truyền thống đất nghèo hiếu học. “Năm 1976, hoàn thành bổ túc văn hóa cấp I cho cán bộ và nhân dân trong độ tuổi 40. Năm 1980, hoàn thành phổ cập cấp II BTVH cho cán bộ đảng viên dưới 40 tuổi và đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh. Năm 1986, hoàn thành phổ cập cấp I cho trẻ em độ tuổi 11-14 ” (Bài viết trong cuốn Kỳ Anh 170 năm (1836-2006), Nguyễn Quốc Anh – PGĐ Sở GDĐT Hà Tĩnh, nguyên Trưởng phòng GDĐT Kỳ Anh ). Ôn lại vài nét như thế để hình dung về hoàn cảnh và vị thế của một địa chỉ tiên phong vun đắp đạo học ở một vùng đất xa trung tâm huyện và tỉnh thời ấy vẻ vang, gian khó biết chừng nào.

       Trường đóng chỗ nào, cờ đào phất lên chỗ ấy. Ngôi trường với chúng tôi năm tháng ấy như một ngôi đền thiêng. Cái khó, khổ, của nghiệp giáo thời bao cấp, lũ học trò non nớt chưa ra khỏi lũy tre làng không thể cảm nhận hết được. Lòi Hạ, nơi được khai phá mở trường tựa một pháo đài trong các cuộc khởi nghĩa nông dân đầu thế kỷ trước. Chỉ khi vượt qua  hàng rào đắp cao, dày đặc lớp lớp tre gai, dứa dại mới hiện ra những dãy nhà lợp bằng tranh hay ngói đỏ cùng với sân trường tỏa rợp bóng xà cừ, phượng vĩ. Với chúng tôi thủa ấy, mọi ngả đường đều dẫn đến ngôi trường thân yêu với thầy cô và bao bè bạn. Nếu bấy giờ có Flycam có thể quay bao quát lộ trình chúng tôi đến lớp. Lối từ Đập Đông khi nhiệt độ xuống thấp, màu nước đen như mực, gió mùa đông bắc tê buốt. Lối từ cổng chính với hai dãy bạch đàn hàng lối chỉnh tề như học trò sắp hàng vào lớp. Và nhiều lối tắt, ngõ ngách mà lũ bạn có thể nghĩ ra trong lúc sợ chậm giờ. Học sinh thời ấy chủ yếu con em 7 xã vùng ngoài (Phong, Bắc, Tiến, Xuân, Giang, Khang, Phú, Đồng) và một số thuộc vùng trên Kỳ Anh. Nhiều bạn ở phía nam Cẩm Xuyên như Cẩm Minh, Cẩm Lạc, Cẩm Trung cũng chọn trường cấp 3 Nguyễn Huệ theo học. Thầy cô giáo trong điều kiện khó khăn chung, nhiều người ngoại huyện, phải ở tập thể nhưng hết mực vì nghề, yêu thương học trò như con. Những năm tháng ấy như thước phim quay chậm hiện lên những ký ức không dễ phôi pha. Hình ảnh thầy hiệu trưởng Dương Ngô dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, khuôn mặt quắc thước. Khi hay tin tôi đạt giải Nhất trong kỳ thi môn văn, thầy gọi vào phòng động viên và ăn cơm với thầy. Tôi khép nép ngồi bên mâm cơm, chỉ thưa, dạ và lí nhí trả lời những câu hỏi của thầy. Suốt ba năm liền đậu học sinh giỏi tỉnh Nghệ Tĩnh trong đó có một giải Nhất, một giải Nhì trước hết là do công dạy dỗ của các thầy cô nhà trường, trong đó có công ơn bồi dưỡng giúp đỡ trực tiếp của các thầy giáo Nguyễn Tiến Bính, Vũ Xuân Hoàn, Nguyễn Tiến Chưởng. Thầy Bính có đến mấy tủ sách đông, tây, kim, cổ đưa về từ trường Nông nghiệp Nghệ Tĩnh. Đọc sách, thầy ra đề làm bài, thầy hướng dẫn bổ sung là công việc lặp đi lặp lại vào mỗi buổi chiều suốt 3 năm học. Thầy Hoàn quê Kỳ thư, nhà ở gần trường THPT Kỳ Anh, trước có thời gian trong quân ngũ lại có lối giảng bài logic chặt chẽ. Hệ thống luận điểm, luận cứ bao giờ cũng sáng sủa, thuyết phục…Bởi vậy dù trong điều kiện học sinh trường xa trung tâm nhưng khi gặp những đề thi mở, đòi hỏi sự độc lập sáng tạo thì cảm thấy không bất ngờ. Đề thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ Tĩnh năm học 1983-1984: Tình yêu quê hương, đất nước là nét nổi bật trong tình cảm dân ta. Hãy bình giảng một đoạn thơ hay một bài ca dao có nội dung trên mà em cho là hay nhất. Đề thi năm 1984-1985: Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của Ông già Bến Ngự “lịch sử tôi là lịch sử của trăm điều thất bại mà không có lấy một điều thành công”. Tốt nghiệp môn văn cuối khóa học tôi được điểm 10. Chia tay mái trường yêu dấu, quăng quật một thời gian rồi tôi vinh dự được trở lại trường xưa với tư cách là giáo viên trẻ của nhà trường vào mùa thu năm 1993.

       Điểm dừng chân thứ ba của trường nằm ngay trung tâm thị tứ, bên đường QL1A, cách Núi voi không xa. Bước chân vào trường tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khuôn viên bề bộn những vật liệu xây dựng. Hai dãy phòng học cấp bốn vừa xây xong và một dãy phòng học tạm đối diện ra phía cổng trường. Trong trường hãy còn một vài hộ dân và trạm vật tư nông nghiệp chưa di dời. Cơ sở vật chất trường lớp cứ thế được nâng cấp, tu sửa từng năm cho đến tận bây giờ. Nhưng câu chuyện xây dựng là kế hoạch lâu dài của cấp ủy chính quyền, cán bộ quản lý. Tôi muốn suy ngẫm thêm về cách mà một ngôi trường có thể đi lên trong những ngày đầu trên miền đất mới. Em Lê Anh Đạt được công nhận học sinh giỏi tỉnh đầu tiên của trường ngay năm học mới tại trường mới là niềm khích lệ cho các bạn học sinh. Đi lên bằng con đường giáo dục toàn diện, chú trọng phong trào bề nổi để thúc đẩy môi trường giáo dục và phong trào thi đua dạy học là cách đi đúng của nhà trường trong giai đoạn này. Tập thể giáo viên người nào được phân công  là nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi may mắn có hai vị lãnh đạo, quản lý khá dày dạn kinh nghiêm. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chưởng vừa lo việc chung vừa bám sát các tổ chức như Chi bộ, Công đoàn, Đoàn trường…Thầy hiệu phó Phan Túy chuyên chú vào chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn. Lớp trẻ xông xáo đã có các thầy cô có thâm niên tay nghề hỗ trợ. Các bậc phụ huynh hay các bác có chút vốn liếng nghề nghiệp chuyên ngành cũng được nhà trường huy động như Nghệ nhân Nhân dân Khánh Cẩm truyền dạy văn nghệ dân gian; bác Thọ, bác Hậu hỗ trợ thầy Minh huấn luyện bóng đá nữ; bác Nghiệp trình bày viết vẽ. Từ đó tên tuổi nhà trường từng bước tiếp tục được khẳng định, thành tích và các giải thưởng đem lại cho chúng tôi sự khích lệ như giải nhất báo tường do công đoàn ngành giáo dục Hà Tĩnh phát động (tờ báo được trình bày trên vải, đóng khung dài mấy mét); giải nhất Cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh; tham gia và lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Bảy sắc cầu vồng khu vực Hà Tĩnh, phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam. Một số giáo viên chúng tôi được công nhận danh hiệu “Viên phấn hồng ” của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh như thầy Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Thanh Mỹ, Trần Nam Phong…

       Đến giờ tôi còn nhớ một câu thơ tự sáng tác của bác Tiến. Bác có vóc dáng thấp đậm, quê mùa, được nhà trường hợp đồng làm nhiệm vụ bảo vệ. Thỉnh thoảng lại thấy bác ngâm nga: “Nguyễn Huệ lên Voi, Voi to khỏe ”. Phải chăng ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tự hào, tự tôn về mái trường mang tên người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ đã được nhen nhóm, hun đúc, lan tỏa trong lòng bao thế hệ để được tiếp sức thêm khi đứng chân trên mảnh đất trầm tích bao truyền thống lịch sử và cội nguồn văn hóa này.

Trường THPT Nguyễn Huệ - Kỳ Anh. Ảnh: Nhật Linh

       Cho đến bây giờ, dù trường vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, về khuôn viên nhưng vẫn luôn là một biểu tượng văn hóa, địa chỉ tin cậy của giáo dục vùng ngoài Kỳ Anh, rộng ra là của tỉnh Hà Tĩnh. Núi Tượng Lĩnh uy nghi với Đá Voi chầu về phía Hoành Sơn - Vũng Áng, tương truyền là điểm nhìn đầu tiên của dải đất phát tích Quận công. Xứ Voi có giống nếp Thơm nức tiếng, hợp với những lũng đất bùn sâu quá gối, nơi kín gió, lúc lúa bắt đầu chín đã dậy mùi hương ngan ngát. Bây giờ vẻ đẹp làm nên hồn cốt Thạch Mỹ - Hoàng Diệu thôn nơi chào đời trưòng xưa  không còn vì miền đá đẹp ấy đã bị khai thác gần cạn kiệt để làm vật liệu xây dựng. Giống nếp Thơm xưa (Em gánh lúa về đi qua mùa hương - TNP) chỉ còn trong quá vãng. Nhưng như ai đó đã từng nói: Văn hóa là cái còn lại sau những gì đã mất. Một nửa thế kỷ trôi qua, nhiều thầy cô giáo đã ra đi hoặc nghỉ hưu. Các thế hệ học sinh lần lượt lùi lại phía sau hay tiếp nối dưới sự dìu dắt của các thầy cô sau này. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Qúa  khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời”. Chúng ta cũng tâm niệm như thế và tin tưởng vào tương lai phía trước.

T.N.P

. . . . .
Loading the player...