Chiến dịch Điện Biên Phủ là cột mốc bằng vàng trong lịch sử quân sự Việt Nam. Với hai ngành điện ảnh và nhiếp ảnh, chiến trường Điện Biên Phủ là nơi để lại nhiều kỷ niệm cho đến hôm nay vẫn còn sống động như thuở ban đầu. Tạp chí Hồng Lĩnh số 213 tháng 5/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Nhiếp ảnh ở chiến trường Điện Biên Phủ” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đức Tân
Các nhiếp ảnh gia ra trận
Năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Tuyên Quang về ở đồi Cọ, bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Phần lớn các nhà quay phim, đạo diễn cũng xuất thân từ nhiếp ảnh. Việc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là thử thách lớn nhất của hai ngành nhiếp ảnh và điện ảnh lúc đó còn non trẻ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm nhưng việc chuẩn bị từ hai bên rất sớm. Quân đội Pháp muốn xây dựng tập đoàn cứ điểm này thật sự vững chắc, dự kiến bằng một trận đánh tiêu diệt hết quân đội Việt Nam. Bởi vậy, quân đội Pháp cũng hết sức chú trọng việc chụp ảnh tuyên truyền. Nhiều nhà nhiếp ảnh Pháp cũng có mặt và chụp ảnh tại chiến trường Điện Biên Phủ trong những giai đoạn khác nhau.
Nhà nhiếp ảnh Raymond Cauchetier, sinh năm 1920, là người phụ trách nhiếp ảnh của không quân Pháp tại Đông Dương có rất nhiều bức ảnh có giá trị chụp từ trên cao mô tả chiến trường Điện Biên Phủ. Ông đã chụp ảnh những dây kẽm gai chuyển lên Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm; những bao tải đồ thả dù để tiếp tế, cảnh ném bom xuống chiến trường, …
Quân đội Pháp đã tổ chức cầu hàng không từ Hải Phòng, Hà Nội đến Điện Biên Phủ chở vũ khí hạng nặng, quân trang, quân dụng, sắt thép xây dựng tập đoàn cứ điểm này. Quân đội Pháp đã quá tin tưởng vào sức mạnh của mình. Nhà nhiếp ảnh H. Mauchamp cũng chụp được nhiều bức ảnh cảnh lính Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ với hàng nghìn chiếc dù phủ trắng bầu trời. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ, Cơ quan truyền thông và sản xuất nghe nhìn Bộ Quốc phòng Pháp (ECPAD) cũng xuất bản cuốn sách ảnh “Chiến dịch Điện Biện Phủ từ 13-3 đến 7-5-1954” của các tác giả ảnh Jean Péraud, Daniel Camus, André Lebon, Pierre Schoendoerffer. Những bức ảnh chụp về giai đoạn đầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hiện nay tại cơ quan này lưu trữ 2.500 bức ảnh về Điện Biên Phủ. Pierre Schoendoeffer là phóng viên chiến trường có mặt ở Điện Biên Phủ. Ông bị bắt làm tù binh và sau này trở lại Pháp ông trở thành nhà nghiên cứu nổi tiếng về chiến tranh Đông Dương.
Những khoảnh khắc đi vào lịch sử
Nghề nhiếp ảnh cần phải có sự tiếp cận trực tiếp với đối tượng. Phóng viên ảnh ở chiến trường là một nghề nguy hiểm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được ông Lê Quang Đạo, lúc đó là Phó chủ nhiệm chính trị, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ trực tiếp giao nhiệm vụ phải chụp được những bức ảnh xứng đáng với tầm vóc của chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). NSNA Triệu Đại cùng với NSNA Đinh Ngọc Thông ở thê đội một, còn Bùi Duy Ly và Nguyễn Đình Ưu ở thê đội hai. Họ sau này đều là những NSNA hàng đầu của nhiếp ảnh Việt Nam.
Kéo pháo vào trận địa - Tác giả: Triệu Đại
NSNA Đinh Ngọc Thông ra chiến trường với máy ảnh chỉ có ống kính trung bình. Ông xuống các đơn vị ở chiến hào vây lấn. Những ngày ở chiến trường đã giúp ông có được phẩm chất cao quý của một người lính và tâm hồn của một nghệ sĩ. Bức ảnh “Các chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ đọc thư nhà dưới chiến hào” được giải thưởng của báo Thế giới tự do Berlin (CHDC Đức) và cũng là bức ảnh đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh năm 2007. NSNA Nguyễn Đình Ưu chụp cảnh bộ đội đóng chốt, thương binh lau súng, quân y chăm sóc cho thương binh Pháp. Điều đáng chú ý là các nhà nhiếp ảnh chuyển sang làm công tác điện ảnh cũng có mặt ở Điện Biên Phủ vào ngày 8-5-1954, ngay sau khi chiến trường vừa im tiếng súng.
Các ông Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Phan Trọng Quỳ, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Đăng Bảy, Nguyễn Thụ, Nguyễn Như Ái, Nguyễn Phụ Cần cùng tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi lại những thước phim lịch sử, làm bộ phim “Điện Biên Phủ” (1964), đồng thời hỗ trợ đạo diễn Liên Xô Roman Carmen lúc đó đang có mặt tại Việt Nam, làm bộ phim tài liệu thời sự chính luận màu “Việt Nam” (ra đời năm 1955). Họ cũng là những người đặt nền móng cho ngành điện ảnh Việt Nam.
Bộ ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Triệu Đại đã được phóng ngay gửi sang Hội nghị Geneva trưng bày, kịp phục vụ cho Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu đang họp bàn về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, chấm dứt một giai đoạn quan trọng của lịch sử.
Vũ Đức Tân