Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nhà văn của những phận đời cơ nhỡ” của Nhà lý luận phê bình Hà Quảng
Dẫu nói một cách khiêm tốn thì nhà văn Đức Ban vẫn có một vị trí đáng nể trong số các nhà văn đương đại Xứ Nghệ. Anh hội tụ được một số phẩm chất của một nghệ sĩ đi đường dài, vững chãi trên lộ trình văn nghiệp đầy thử thách: có một vốn sống phong phú, một khả năng giao lưu cởi mở và một năng lực tiếp nhận cái mới của kỹ thuật nghề nghiệp. Duyên nghiệp văn chương của anh không đơn giản như cách nói của anh “thú chơi” mà là một phận người. Từ một cậu học sinh trung học theo tiếng gọi của quê hương, gia nhập TNXP lăn lộn trên nhiều cung đường với biết bao ký ức chiến tranh, sau hoà bình anh được cử về công tác tại một Hội Văn nghệ địa phương. Tốt nghiệp Đại học viết văn Nguyễn Du vào những khoá đầu tiên, về công tác ở tỉnh lẻ, trải nhiều chặng đường công tác, gắn bó đeo đẳng văn chương cho đến bây giờ. “Nghiệp Văn” đối với anh là con đường không đơn thuần chỉ có sự say mê mà còn là một thử thách, một kinh nghiệm sống.
Nhà văn Đức Ban
Quê anh nằm cạnh một con sông không lớn lắm, với cái tên ngồ ngộ Sông Nghèn, nhưng cũng khá gắn bó với tên tuổi nhiều nhà văn danh tiếng xưa nay như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ và cũng cách không xa làng quê tác giả Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), chỉ mười lăm phút xe theo con đường liên huyện. Nơi đây từng ra đời những câu ca dao tình yêu đặc trưng Xứ Nghệ, trầm buồn, dữ dội chứ không mơ màng, dịu dàng như những nơi khác: Tay em cầm bốn quả dưa/ Quả ăn quả để quả đưa cho chàng/ Tay em cầm bốn lạng vàng/ Lấy vàng thì lấy bỏ chàng thì không/ Dù rằng bỏ rọ trôi sông/ Đánh em em chịu, đánh chàng em xin… cùng những làn điệu ví dặm mộc mạc, sâu lắng và rất nhiều câu chuyện cười kiểu “trạng”. Làng có một dòng họ được nhắc đến nhiều, ngoài việc có nhiều nhà giàu, nhiều chức sắc hàng tổng, xã, dòng họ này được nhắc đến vì có nhiều người lắm mưu lược gai góc trong ứng xử đua tranh với đời, cũng là dòng họ có những người con tham gia cách mạng từ rất sớm, những ngày đầu XVNT. Đó là dòng họ Phạm của nhà văn.
Con người Đức Ban vừa nghiêm cẩn vừa hài hước, công việc thì nghiêm chỉnh nhưng giao lưu thì tếu táo, ưa nói “trạng”, cách nói đùa đặc sệt xứ Nghệ , từ những câu chuyện to tát “biến hải vi tang điền” cho đến những mẫu chuyện nhân thế nhỏ nhặt “trên bộc trong dâu” đều giòn giã trong những trận cười làm người nói và người nghe bỗng trở nên gần gũi không còn xa cách, xã giao hay gò bó. Với bạn bè anh luôn làm sống lại những kỷ niệm một thời gian khó, những tác giả đã đi xa như Quốc Anh, Xuân Hoài, Chính Tâm, Đặng Văn Ký… Cảnh cũ người xưa khiến chúng tôi bùi ngùi nhớ lại một thời kham khổ các gia đình phải làm thêm đủ nghề để sống, nhà thơ sản xuất tăm tre, nhà báo mở cửa hàng cháo lòng, nhà văn quấn thuốc sợi.., thời mà nhuận bút một bài thơ chỉ đủ mua chục cá trích đãi đằng nhau trong bữa cơm đã đùa vui rằng “kẻ nhắm vào đĩa cà mà gắp sang đĩa cá”, nhưng anh em không xa rời con đường văn chương nhọc nhằn để tìm mưu sinh một chốn khác. Anh là một trong số các nhà văn hiếm hoi của xứ này được bầu vào Hội đồng nhân dân Tỉnh, chọn làm giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, với vị trí của mình khi còn tại nhiệm cũng như khi đã về hưu luôn đề xuất với Tỉnh cần lưu ý đến phong trào văn nghệ địa phương, ưu tiên giúp đỡ cho các nhà văn già đã một đời cống hiến cho nền văn nghệ tỉnh nhà. Nhà nghiên cứu văn hoá Thái Kim Đỉnh, những ngày cuối đời đau ốm liên miên chính anh luôn đi lại thăm viếng lo toan bao việc, đặc biệt góp công nhiều cho việc hoàn thành Tuyển tập Thái Kim Đỉnh được Tỉnh tài trợ xuất bản 2019. Rồi việc anh giúp nhà giáo Lê Trần Sửu 90 tuổi, sưu tầm biên soạn tập sách nghiên cứu, sưu tầm của mình. Lúc cầm trên tay tập sách đầy đặn công phu, in ấn rất trang trọng, tôi thấy giọng nói rất xúc động về tập sách khi thầy nhắc tới công lao của nhà văn (tập sách sau này được giải Nguyễn Du lần7-2020).
Việc viết lách anh em thường bảo Đức Ban rất có ý thức về nghề. Có lần, đọc một truyện ngắn của anh đăng trên một tờ báo trung ương, tôi hơi lạ là tất cả các câu nói của nhân vật đều viết liền tù tì và không có dấu đối thoại (-), tôi nói chuyện với anh em xem như đó là một cách tân của tác giả về hình thức câu văn. Anh nghiêm chỉnh đính chính liền là do bản thảo anh viết sai sót và nhà xuất bản cũng không cân nhắc cái sai đó cứ vậy mà in! Viết xong các tác phẩm anh có thói quen gửi bản thảo nhờ các bạn xem góp ý, tôi cũng may mắn làm một trong số những bạn đọc đầu tiên đó, xem xong góp ý anh đều có phúc đáp về sự tiếp thu của mình và không phải không có lúc tranh luận nhẹ nhàng một vài nhận xét chưa thuận tình. Có truyện anh viết đi viết lại nhiều lần.
Các nhà văn tỉnh bạn đi ngang Hà Tĩnh thường ghé vào Hội, có khi vào nhà riêng thăm anh, đều cảm thấy thân tình, thoải mái về sự thân mật nhưng trọng thị của ông chủ tịch Hội và còn hứng khởi vì những câu nói trạng vừa tục vừa thanh rặt chất Nghệ của anh. Có lần vui chuyện nhớ lại thời bao cấp khó khăn, anh bảo: Cười thế nhưng lo toát mồ hôi khi có những đoàn khách đông vì… Hội nghèo quá mà!
Với con mắt sắc sảo của một nhà văn từng trải, anh phát hiện nhanh các tác giả có triển vọng, đề nghị Hội VHNT tỉnh có kế hoạch bồi dưỡng và bản thân chỉ bảo tận tình, nhiều tác giả với sự giúp đỡ của anh đã nhanh chóng trưởng thành có người nay đã trở thành những cây bút có uy tín. Con người cả làm văn, cả làm công tác quản lý khá thành đạt này lại là một kẻ sùng bái tâm linh, hay đi các đền chùa những dịp lễ tết, thích tham quan các thắng cảnh. Anh tâm sự, đi đền chùa không để cầu tài cầu lộc, cũng không phải đi chỉ để nắm bắt đời sống mà đi để còn thanh lọc tâm hồn, đến với những nơi ấy muốn hay không con người cũng vươn đến “tính thiện” thăng bằng được tâm hồn. Văn anh chất tâm linh, chất hư ảo trở thành một thủ pháp nghệ thuật có lẽ cũng được vun đắp từ những chuyến đi này.
Đức Ban có hai sở thích lái xe và rượu. Có lần hỏi đùa, mấy năm làm chủ tịch hội, rồi giám đốc sở về anh được cái gì? Anh nhỏ nhẹ đáp: “Được cái xe và nghề lái xe. Lái xe thuận lợi đi đây đó lại còn rèn luyện được tai mắt, tay chân và cái tính điềm tĩnh, nhường nhịn!”. Lần dẫn chúng tôi đi vãn cảnh Chùa Hương (Hà Tĩnh) anh đã chứng tỏ được tay lái “lụa” của mình. Đường dốc quanh co, lồi lõm, trơn tuột, chiếc xe vẫn bò đi nhẹ nhàng, anh tay lái đánh qua lại liên tục vẫn chuyện trò thoáng đạt như không có gì, còn chúng tôi có chỗ thót tim. Rượu, Đức Ban có cái thích theo kiểu riêng: Chè ngon uống đến nước hai, Rượu ngon chỉ uống vừa say mỗi ngày. Anh cho rằng sau nước hai uống mất vị trà. Rượu ngon cũng vậy, một lần say say để hương vị rượu ngà ngà thơm lâu, đó là lúc tâm hồn lâng lâng, quá đi chỉ còn cái say trần tục. Có lần một người bạn nửa thật nửa đùa bảo anh là “nhà văn sâu róm” không nhằm nói đến những nhân vật cộm cán, những cốt truyện giằng xé trong văn anh mà như có ý nhắc lại cuộc hành trình khó nhọc có khi cay đắng và những phản ứng sắc sảo của anh trong cuộc sống mà nhân thân anh đã trải qua, từ một cán bộ TNXP với những khó khăn về thành phần xuất thân, đi học Trường viết văn Nguyễn Du trưởng thành nhiều năm đứng vững trên cương vị Chủ tịch Hội LHVHNT, rồi Giám đốc Sở văn hoá Tỉnh khá uy tín trong giới văn nghệ, anh bình thản đáp: “không sâu róm thì dễ bị kẻ xấu dẫm đạp lắm!”
*
Bao nhiêu năm làm quản lý, công việc sự vụ rất bận rộn, ngòi bút văn chương của anh vẫn tuôn chảy đều đặn trên nhiều thể loại, đến nay anh đã cho ra đời trên vài chục đầu sách với nhiều thể loại truyện, bút ký, kịch, chân dung văn học..., nhưng thành công nhất có lẽ là truyện ngắn. Với một “thi pháp tự sự” đổi mới có chọn lọc, nhiều tác phẩm đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc trong cũng như ngoài nước.
Trong guồng quay của sự tìm tòi một lối viết Đức Ban có những trăn trở về một khuynh hướng trong dòng chảy của văn xuôi đương đại. Với cách nhìn cuộc sống dưới một góc độ mới, tác phẩm Đức Ban đã tiếp cận một lối viết khác trước, không đơn giản hoá đời sống vốn đa chiều, đa phương, nhiều nghịch lý. Nông thôn là mảng đề tài được thể hiện khá đầy đặn trong tác phẩm Đức Ban. Là một thử thách vì đây cũng là mảng đề tài đã được thể hiện khá phong phú, sinh động trong nhiều trang viết của các nhà văn đàn anh trước Cách mạng cũng như trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ xây dựng XHCN. Anh chọn một lối đi riêng đề cập đến mảng khuất khó nhìn thấy trong đời sống những người nông dân sau chiến tranh với một bút pháp hiện thực mới, tạo được hiệu ứng thẩm mỹ ở nhiều tầng lớp độc giả không theo lối mòn cũ.
Với một kinh nghiệm già dặn, một am hiểu sâu sắc và nhạy bén về cảm quan chính trị viết về nông thôn Đức Ban không kể nhiều về chuyện làm ăn kinh tế, chuyện mùa màng được mất, mà anh trình bày miêu tả những thân phận, những kiếp người. Những nhân vật của Đức Ban đa phần tội nghiệp, bé nhỏ, sống với những ước vọng cũng bé nhỏ, nhưng trải nhiều nghịch cảnh như là định mệnh luôn rình rập đẩy họ vào những sự không may. Không may về duyên số, không may về thân phận, luôn chịu những hàm oan. Tuy nhiên cuộc đời khốn khó chỉ làm sáng lên những khát vọng sống, những phẩm chất người dẫu có khi lay lắt như một mầm cây trước giông bão. Đó là những ông lão bị vùi dập sống trong tủi hờn: ông Trìu, lão Dụt, lão Đa (Ngôi sao hôm leo lét, Đền thờ Đức Thánh mẫu, Hoa bần), những nạn nhân không tự giác của những định kiến, của thói vụ lợi, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, những ký sinh sống bám vào thành quả Cách mạng, phát triển nhan nhản trong thời kỳ đầu xây dựng khi xã hội chưa định hình được các chuẩn tắc. Là những “hồng nhan phận bạc” như chị Nghĩa, chị Len, chị Thảo, cô gái điên (Đêm thức, Sóng bến Duềnh, Hoa bần, Tiếng đêm), nạn nhân của thói hám danh, sự lừa gạt, phụ bạc cũng như bao tập tục khác còn nặng nề ở nông thôn đọng lại nơi tiếng hát mẹ con người đàn bà điên về “con lươn” cồm cộm trong đêm, hay tiếng than của mẹ con cô Lài nơi bến Duềnh, dư âm khốn khó một kiếp người. Những người phụ nữ yếu đuối không may mắn (chị Nhàn, chị Thảo, em Nợi, cô Tề, người đàn bà điên) nhưng cũng chính ở họ tiềm tàng những mầm sống.
Viết về mặt trái của cơ chế thị trường ở nông thôn, với nhiều nghịch cảnh nhưng tác giả không đem đến cho người đọc những bi quan tuyệt vọng, nó như những “âm án” mà trong đông y các thầy thuốc giàu kinh nghiệm thường nói đến về những bài học thất bại “chết người”, là những liệu pháp tinh thần giúp con nguời cảnh tỉnh, giữ vững ý chí đấu tranh trong những hoàn cảnh cam go. Vì trong bối cảnh tuy nghịch lý, nơi ấy đã có những tiền đề hiện thực mới, nông thôn nơi ấy trong vật vã vẫn loé sáng bởi những con người, những tấm lòng nhân nghĩa. Đó là những chị Nhàn, anh Thắng, cô Tề, những người đã thẳng thắn đấu tranh, dám hy sinh vì người khác không phải vì giàu có, danh lợi mà chỉ với cái nghĩa lý giản đơn là để cho “"lương tâm thanh thản”.
Hiện thực trong mắt nhìn Đức Ban phong phú đa dạng, nghệ thuật bởi vậy cũng có nhiều thay đổi. Đó là lối kể chuyện pha màu sắc “cổ tích thời hiện đại” (Khúc hát ngày xưa, Miếu làng, Chuyện cổ tích ...” Không gian: nơi ấy, thời gian: năm ấy, ngày xưa, được lấy làm bối cảnh cho nhiều câu chuyện. Tính hiện đại ở tác phẩm Đức Ban được thể hiện ở sự kết hợp các yếu tố hữu thức với vô thức. Tính chất kỳ ảo, hư tưởng xuất hiện trong tác phẩm như một thành phần không thể thiếu cuả cấu trúc hình tượng (Đêm thức, Hoa đại). Khi là ánh lửa mờ ảo, khi là tán cây nhập nhoàng, cái lò gạch hoang tàn, khi thì người đàn bà hát ca điên dại, khi là tiếng vọng bên sông... không khí huyền hoặc, đượm màu liêu trai tạo một bối cảnh mờ sương ở nhiều tác phẩm. Chi tiết trong truyện Đức Ban gợi nhiều liên tưởng, từ một cái đầm làng, một gốc bồ đề, hay một ngôi đền đều ẩn chứa nhiều giai thoại, huyền thoại, dắt dẫn trí tưởng tượng người đọc vượt không gian, thời gian đến những miền xa xôi của ký ức.
Anh khá thành công với những mẫu nhân vật giàu chất “Nghệ”, đa phần có một hoàn cảnh sống không may mắn nhưng lại có một nghị lực sống rất đáng trọng. Những lão Trìu, ông Dụt, con Hệ, con Nợi...ngay cái tên cũng gợi nhiều uẩn khúc. Họ đều là sản phẩm của một nông thôn đang trên đường thay đổi, cái cũ cái mới lẫn lộn. Thành kiến, hủ tục, gia trưởng chi phối bao số phận, đặc biệt là phụ nữ, họ là hiện thân những mẫu người quanh quẩn con sông Nghèn quê anh. Có một cái gì gần gũi giữa họ với Lão Khúng của Nguyễn Minh Châu, những con người Xứ Nghệ nghèo khổ, chân thật gan góc nhưng rất độ lượng và giàu tình thương, luôn vượt lên trên những bất hạnh để sống.
Ảnh nguồn: Báo Hà Tĩnh
Giọt nước mắt màu đất gồm 9 truyện ngắn được viết chủ yếu ba năm trở lại đây. Trong bối cảnh sáng tạo có nhiều đổi mới của nền văn nghệ quốc gia, anh có tiếp thu và trong chừng mực nhất định cá tính sáng tạo của anh có nhiều đổi thay so với trước. Từ cây bút chuyên sâu về đề tài nông thôn thời hậu chiến anh mở rộng sang viết về đời sống cộng đồng trong một môi trường rộng lớn hơn cả thành thị lẫn nông thôn, đời sống người dân thời đổi mới trong mối liên quan phức hợp từ văn hóa đến kinh tế, đạo lý đến phong tục, hiện tại trở về quá khứ… tất cả được soi chiếu bằng một cái nhìn cấp tiến và thể hiện bằng một bút pháp nhiều sáng tạo hòa vào vòng quay của nền văn xuôi đương đại. Như nhận xét của Tạp chí NV& TP: Văn chân phương vô chiêu thức, nhưng các truyện của Đức Ban đều có độ văng do phép nén bút qua dẫn chuyện qua lời thoại, qua câu chuyện có vẻ như gói ghém một cách sơ sài. Nhưng cái đóng góp đáng kể về mặt thể tài còn ở chỗ, dù kể về báu vật vu vơ đã mất, về văn hóa khi kinh tế bị xâm lăng… còn thoảng nỗi buồn tỉnh lẻ như một dư vị không hết (Nhà văn và Tác phẩm - số 7- 2014)
Ở mảng truyện thứ hai này Đức Ban xử dụng nhiều thủ pháp mới không nệ thực và kết cấu tuyến tính như trước. Kết cấu truyện “vô chiêu thức”, khi kết thúc đột ngột, lúc song hành hai tuyến xưa và nay, khi nhảy vào trung tâm, lúc thắt mở nút như kịch…Đặc biệt chất huyễn hoặc được xử dụng đắt trong những bước chuyển từ hiện tại sang quá khứ, từ hiện thực sang tâm linh, tạo một không khí liêu trai khá hấp dẫn người đọc.
Tập truyện chủ yếu vẫn xoay quanh cuộc đấu tranh Thiện - Ác, Xấu - Tốt, tuy nhiên đề tài mở rộng ra nhiều bình diện trong đời sống cộng đồng. Một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ, con người cần phải cảnh giác trước cái xấu, cảnh giác ngay trong chính bản thân mình. Tập truyện không nối tiếp nhưng nhân vật của tòa án hình sự đầy rẫy trên báo chí mà bằng con đường nghệ thuật tái tạo cái xấu như một phạm trù thẩm mỹ thức tỉnh lương tri con người thời nay.
Đức Ban là một nhà văn có nghề, luôn trăn trở với nghề, với những tìm tòi, mạnh dạn, một số tác phẩm của Đức Ban gây được ấn tượng trong độc giả, nhiều yếu tố trở thành phương thức nghệ thuật được phát triển thường xuyên, tạo hiệu ứng thẩm mỹ cao góp phần khẳng định một phong cách riêng của tác giả. Anh được bạn bè đùa gọi “nhà văn ưu tú” và chính phủ tặng Giải thưởng nhà nước (2016) là vậy/.
H.Q