Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh tên thật là Dương Xuân Nam, sinh năm 1948 tại Xuyên Cẩm (nay là thôn Trần Phú), xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là cựu Tổng biên tập báo Tiền Phong, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vừa qua, sự ra đi đột ngột của ông khiến nhiều đồng nghiệp, bạn bè và công chúng vô cùng bàng hoàng, xót xa. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Con người Báo chí không lấn át con người thi ca của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
NHÀ THƠ DƯƠNG KỲ ANH: CON NGƯỜI BÁO CHÍ KHÔNG LẤN ÁT CON NGƯỜI THI CA
Nguyễn Việt Chiến
Tin nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh vừa qua đời gây bao niềm thương tiếc của bạn bè báo chí, văn chươngvà độc giả yêu mến ông. Ông là gương mặt báo chí khá nổi trội thời đổi mới, làm Tổng biên tập báo Tiền Phong 21 năm (1987-2008) cùng với báo Thanh Niên và Tuổi trẻ TPHCM là ba tờ báo đã làm nên sự thanh công của báo chí thời đổi mới với những bút ký, phóng sự, điều tra thu hút sự chú ý ở cả trong và ngoài nước. Trong đó, có hai chục năm, ông làm Trưởng ban tổ chức kiêm Trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vang bóng nhiều thập niên của báo Tiền Phong.
NĂNG KHIẾU THƠ PHÁT LỘ TỪ THỜI THIẾU NHI
Dương Kỳ Anh (tên thật là Dương Xuân Nam), SN1948, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh, năng khiếu thơ phát lộ từ thuở thiếu thời. Ông có thơ in chung với lớp nhà thơ thiếu nhi nổi tiếng thời ấy như: Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ… Sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Tổng hợp, ông nhập ngũ và trở thành sĩ quan điều khiển tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ. Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông chuyển về dạy đại học rồi chuyển sang làm báo, về làm phóng viên báo Tiền Phong và trở thành Tổng biên tập khi chưa tròn 40 tuổi. Dương Kỳ Anh từng tâm sự: "Cả đời tôi chật vật học cách nói thật, nói thật trong văn chương, nói thật trong báo chí…”. Ông luôn nhắc nhở rằng mình và đồng nghiệp, phải viết báo với mục đích trong sáng, chống tiêu cực để làm trong sạch xã hội, bảo vệ niềm tin của xã hội. Trong bài viết này, tôi xin nói tới một chân dung khác của Dương Kỳ Anh là chân dung văn chương, mặc dù sự nghiệp báo chí của ông nổi bật hơn thơ nhưng “Con người báo chí trong ông không hề lấn át con người thi ca”. Cho đến nay, ông đã xuất bản gần 30 tác phẩm như: Thơ, truyện ngắn, ghi chép, truyện ký, phóng sự, tiểu thuyết. Trong đó, nổi bật là các tập thơ: Và anh đợi (1987); Đi qua thời gian (1992); Miền ký ức (2001); Thơ Dương Kỳ Anh (2005); Xuyên Cẩm (tiểu thuyết 2004); Thổ địa (tiểu thuyết 2006); Cõi ta bà (2008). Ông đã được trao các giải thưởng văn học: Tặng thưởng thơ hay của Tạp chí VNQĐ năm 1988; Giải thưởng bài thơ hay do báo Nhân Dân tuyển chọn năm 1988; Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Du cho tiểu thuyết Xuyên Cẩm năm 2005.
Tôi còn nhớ cách đây hơn ba chục năm, Dương Kỳ Anh tặng tôi tập thơ có cái tựa đề Đi qua thời gian do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 1992. Tôi đọc kỹ tập thơ này, và nhận thấy đây là tập thơ rất khá, mang giọng điệu trữ tình thế sự với nhiều biểu đạt, dự cảmmới về tính thời gian. Theo tôi, thời gian là một tập hợp những khoảnh khắc Tĩnh và Động của một đời người được tính bằng năm tháng, kể từ lúc con người sinh ra và trưởng thành cho tới khi…nằm xuống. Ở một bình diện lớn hơn xét về mặt địa dư và lịch sử, đó là sự thăng trầm dâu bể, hưng vong của những thời đại. Nếu mô phỏng thời gian là một mạch chảy liên tục, thì những trạng thái vận động của nó luôn tiềm ẩn bên trong mình những biến cố đổi thay khôn lường. Nhưng rõ ràng trạng thái vận động này có những quy luật riêng nghiệt ngã của nó, mà với kinh nghiệm tích lũy được qua hàng ngàn năm, con người đã nắm bắt được và dự đoán. Có lẽ thiên nhiên, thời gian và lịch sử là người làm ra khúc hát của những “đổi thay”, mà nhà thơ là người “biên soạn” lại những xúc động ấy để mang đến cho mọi người.
NHỮNG DỰ CẢM VÀ CHÂN DUNG THỜI GIAN TRONG THƠ
Dự cảm thời gian trong thơ Dương Kỳ Anh chính là sự “biên soạn” để ghi lại những khoảnh khắc đó, mà bài thơ “Trước lăng Khải Định” của ông đã phác thảo được chân dung thời gian ấy: Ở đây bùn đất lên ngôi/ Mảnh sành, mảnh chĩnh cùng ngồi với vua/ Dẫu hồn thơ của người xưa/ Tài hoa một nét, bây giờ còn đây/ Nghe trong hương khói vơi đầy/ Thời gian hưng phế, tháng ngày phôi pha/ Đời người như ngọn gió qua/ Bao triều vua cũng chỉ là hư không. Tôi cho rằng đây là một bài thơ hay của Dương Kỳ Anh. Không phải vô tình mà khá nhiều bài thơ trong tập thơ này như mạch chảy lặng lẽ đến vô tình của thời gian đã lay động cảm xúc trong tâm hồn người thơ: Thời gian rũ áo không quay lại/ Bảng lảng thời gian sương khói ơi/ Đất trời như thực, như mơ ấy/ Xin một cành non hái với đời. Nhưng giây lát ấy, ở câu cuối của khổ thơ giữa cái thực và cái ảo của cuộc đời, nhà thơ bỗng thấy khao khát cái hồn nhiên, non xanh của thiên nhiên và tình người, có thể là bước đi của thời gian theo mùa: Hình như năm đã hết/ Lá vàng rụng ngoài hiên/ Hình như xuân đã tới/ Mưa bụi bay trước thềm.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Qua những dự cảm thời gian này ta thấy con người thi sĩ trong Dương Kỳ Anh khá nhạy cảm và trữ tình. Ở bài thơ “Ngọn gió” viết tặng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tứ thơ của ông cũng bắt đầu khơi mạch từ ngọn gió thời gian đã đi qua: Những em Cu tai giờ đã lớn khôn/ Câu hát một thời vẫn còn xao xuyến/ Chiến tranh đi qua cuộc đời còn hiển hiện/ Ngọn gió hoang sơ sẽ thổi đến bao giờ. Cũng chính vì sự phát hiện về tính thời gian mà cái nhìn có tính nhân bản của bản ngã thơ ông trăn trở hơn, sâu lắng hơn: Mẹ thắp một nén nhang. Trước hương hồn những người lính tình nguyện. Cho các anh thanh thản. Đi qua thù hận thế gian này. Dương Kỳ Anh làm thơ từ đã lâu, từ phần thơ học trò in chung với Trần Đăng Khoa và Cẩm Thơ đến nay đã qua mấy chục năm sáng tạo. Rất may con người “báo chí” không lấn át được con người thơ của ông. Phải chăng, cái còn lại sau thời gian, cái có thể vượt qua thời gian còn gì khác nếu không phải là những câu thơ ngay cả trong khoảnh khắc bất lực trước thời gian của nhà thơ: Tháng giêng, mắt ướt, tóc dài/ Cỏ non xanh rợn, chân trời hư không/ Ngõ buông, một sợi tơ hồng/ Anh buông chiều biếc vẫn không gặp mình. Dương Kỳ Anh hình như có duyên với thơ lục bát với những câu thơ tài hoa ít, nhiều đọng lại trong lòng người đọc. Ở mảng thơ tự do, dự cảm về thời gian của ông được vỡ vạc với những chi tiết khá bất ngờ ngay mỗi khổ thơ trong một bài thơ tạo nên những cảm xúc khác nhau: Tôi đứng lặng đi/ Trước hạt bụi của bức tường Berlin đổ vỡ/ Bám trên quần mình một đồng đô-la Mỹ. Rồi khổ thơ dưới: Một chiều mưa Hà Nộ/i Tôi chợt thấy một cân tem gạo/ Bỏ quên dưới đáy ba lô/ Hai khoảnh khắc ở hai miền đất khác nhau, phải chăng như những dấu tích thời gian còn lại bởi “Thế giới trường tồn giữa bao nhiêu nghịch lý”. Suy nghĩ về nghề văn, Dương Kỳ Anh vẫn trăn trở: “Tôi thường nghĩ rằng, nhà văn lớn phải là nhà văn hóa lớn. Phải sống thế nào trong cuộc đời mới có thể sáng tạo ra một cuộc đời khác trong văn chương, và nghệ thuật suy cho cùng cũng chính là sự thăng hoa của hồn Người để an ủi con Người và dâng lên Thượng đế”.
Với ba mươi khoảnh khắc thời gian trong tập thơ mỏng Đi qua thời gian, nhà thơ Dương Kỳ Anh đã mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc tinh tế, được khắc họa khá ấn tượng bởi các ý tưởng, giọng thơ không ồn ào, cũng không nhẹ nhõm, hời hợt, và phải chăng đây là cái còn lại của một tập thơ, một người thơ. Lên chùa cởi áo cà sa/ Về làng ngủ dưới gốc đa mặc đời. Đọc câu thơ này của Dương Kỳ Anh khi ông mới ra đi được ít ngày, mới thấy thấm thía những khoảnh khắc mong manh của thời gian mà con người phải trải nghiệm qua trên thế gian này với những buồn, vui và hy vọng.
N.V.C