16-02-2024 - 15:03

Nhà cũ của bà ngoại

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn 2024 hân hạnh giới thiệu tản văn “Nhà cũ của bà ngoại” (Tác phẩm tham dự Cuộc thi Viết, Vẽ tuổi học trò lần thứ XIV) của em Nguyễn Hạnh Chi - Lớp 8A, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ

Tôi từng nghĩ, nơi nào có những người thật lòng thương mình, có gia đình mình thì nơi đó là nhà. Bây giờ tôi biết chắc chắn rằng tôi đúng.

Tôi cũng từng nghĩ, có một ngôi nhà thì tốt, nhưng không có cũng không sao, vì tôi còn người thân ruột thịt để yêu thương. Tôi nghĩ rằng tôi đã không sai.

Tôi biết, để xây được ngôi nhà cho gia đình tôi sinh sống, bố mẹ đã phải cố gắng thật nhiều. Tôi biết ngôi nhà này của gia đình tôi rất quan trọng, nhưng tôi của trước đây không thể hiểu nó quan trọng nhường nào. Tôi chỉ biết rằng nó chiếm một góc trong trái tim tôi.

Thế rồi chỗ bà ngoại tôi ở có lệnh giải tỏa. Bà là người biết đầu tiên, rồi cậu mự, rồi bố mẹ. Tôi và em tôi biết sau cùng, thật hoang mang. Giải tỏa thì bình thường thôi, dù sao nhà nước cũng đã có một khoản tiền đền bù đủ để bà ngoại mua một miếng đất ở nơi khác rồi xây nhà. Nhưng mà, đó là ngôi nhà của ông bà ngoại, mẹ và các cậu tôi.

Ngôi nhà do ông bà ngoại xây, lúc đó mẹ tôi chắc cũng khoảng 6 tuổi. Ngôi nhà che nắng che mưa cho gia đình. Nó đã qua bao nhiêu lần sửa chữa, chứng kiến hết mọi niềm vui, nỗi buồn của ông bà ngoại, mẹ và các cậu tôi, lúc ông ngoại còn mạnh khỏe đến lúc già yếu, lúc bà ngoại suy sụp rồi lại đứng dậy, chứng kiến mẹ và hai cậu lớn lên, trưởng thành, tự lo được cho bản thân rồi lo được cho bà ngoại, cho gia đình nhỏ của mình.

Ngôi nhà của bà ngoại cũng là nhà của tôi và em trai những ngày chưa biết nhớ. Cưới xong, bố mẹ tiếp tục đi học, gửi tôi và em trai cho bà ngoại chăm. Chúng tôi ăn, ngủ, và chơi ở đó. Sân nhà bà rộng, hoặc do tôi nhỏ, ngày nào tôi cũng chạy loanh quanh trong sân. Hôm nào hai cậu rảnh, tôi lại được chơi cùng hai cậu. Tôi không nhớ được nhiều, nhưng kỉ niệm của tôi đủ để tôi nhớ rằng ngôi nhà đấy thân thương và quan trọng đến thế nào.

Tranh: Trần Nguyên

Tôi từng hét toáng lên, làm cậu út phải chạy ra, nhảy lên kéo bóng bay xuống cho tôi vì tôi vô tình để bóng bay lên trời. Lần một cậu bắt được, lần hai cũng thế, nhưng lần thứ ba thì không. Cậu không được cao lắm, nhưng mà chắc chắn là cậu cũng đã gắng hết sức để lấy bóng cho tôi. Vẫn lần đó, tôi bật khóc cầm điện thoại của bà gọi cho bố. Tôi bảo bố là, bố đi làm, bao giờ về nhớ mua bóng bay màu hồng cho Bông.

Tôi cũng từng háo hức chạy nhanh vào nhà, nơi có bà và mẹ đứng đó. Mẹ đưa tôi chiếc vòng mã não nhỏ nhỏ vừa tay. Mẹ bảo, quà của bà tặng tôi. Khỏi nói tôi vui đến nhường nào. Tôi đeo vòng, chạy ra sân, lát sau lại chạy vào. Tôi vấp ngã nơi bậc thềm nhà, chiếc vòng màu cam trên cổ tay vỡ tan, may mà tay tôi không bị làm sao. Giờ nhớ lại, tôi chỉ tiếc vòng tay bà tặng. Tôi chẳng rõ bà có buồn hay không.

Tôi từng ngủ trưa bên cạnh bà ngoại, mong chờ vào những câu chuyện bà kể. Những câu chuyện của bà, đôi khi là về khoảng thời gian đi bộ đội, đôi khi cũng là về chuyện của bà lúc còn thơ ấu hay lúc thành niên. “Ngày xửa ngày xưa, vật dửa vật dưa..”. Giọng bà đều đều… Hai đứa cháu nằm nghe bà kể chuyện thiu thiu ngủ từ lúc nào. Sau này tôi mới biết rằng, mẹ và các cậu cũng từng như thế, từng vòi vĩnh bà kể chuyện cho nghe…

Thế mà, ngôi nhà gắn bó lâu như thế, chứa đựng ngần ấy kỉ niệm, ngần ấy yêu thương cuối cùng cũng phải phá đi. Tôi biết bà buồn nhiều lắm.

Nhà dọn xong, bố mẹ đưa chúng tôi về chơi, đưa bà đi ăn trưa. Ngồi trên xe, bố mẹ hỏi bà rằng nhà dọn đến đâu rồi. Bà ngoại khóc, họ dọn nhà rồi, còn chi nữa con ơi. Bố mẹ cười, an ủi bà rằng là nhờ Nhà nước bà mới chuyển ra chỗ rộng rãi, thoáng đãng hơn, chứ nhà cũ trong kia thì buồn quá. Bà gật gật, vẫn buồn.

Tối hôm đó, về nhà, tôi hỏi mẹ có buồn không. Mẹ nhìn tôi, nơi mẹ sống từ nhỏ đến lớn, mất đi sao lại không buồn. Mẹ đã buồn thế, bà ngoại phải buồn tới mức nào. Gọi zalo cho bà ngoại, tôi bảo:

- Cháu biết là bà buồn vì ngôi nhà đó chứa đựng vô vàn kỉ niệm. Nhưng mà nó vẫn chỉ giữ giúp bà thôi, kỉ niệm đẹp thì bà vẫn còn ghi nhớ ở trong đầu trong tim mà!

Bà cười, tôi cười, nhưng buồn thì vẫn buồn, chắc chắn thế.

Suy cho cùng, ngôi nhà ấy đã chứng kiến tình yêu của ông bà, đã nhìn mẹ và các cậu trưởng thành từng ngày, đã thấy chị em tôi và hai đứa em họ nô đùa cùng nhau. Giờ đây, chính ngôi nhà ấy đã trở thành kỉ niệm: chỉ có thể nhớ về và cảm nhận theo một cách nào đó dù chẳng còn có thể chạm vào.

N.H.C

. . . . .
Loading the player...