Nằm trong chùm bài viết về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp nhân Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Thái Văn Sinh: "Nguyễn Thiếp với ba lần cầu hiền của Nguyễn Huệ"
NGUYỄN THIẾP
VỚI BA LẦN CẦU HIỀN CỦA NGUYỄN HUỆ
Thời Tam Quốc, có giai thoại về Lưu Bị ba lần tới nhà tranh mời Gia Cát Lượng “xuất núi” để cùng ông mưu tính đại sự. Giai thoại "tam cố thảo lư" này thường được người đời nhắc tới như minh chứng về sự thành tâm, thành ý đối với hiền tài của người lãnh đạo có tầm nhìn. Câu chuyện này cũng để lại nhiều bài học sâu sắc dành cho các nhà quản lý trên phương diện tuyển dụng nhân tài.
Tuy nhiên, trên 1.500 năm sau, chuyện "tam cố thảo lư" xưa lại xảy ra tương tự ở nước Việt vào đầu thế kỷ XVIII. Đó là chuyện Nguyễn Huệ ba lần viết thư cầu hiền mời danh sĩ Nguyễn Thiếp (1723-1804) ra giúp chuyện triều chính. Điều này thể hiện tầm vóc cực kỳ lớn lao của ông trong lịch sử dân tộc.
Nguyễn Thiếp sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723), tại làng Mật, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là cháu đời thứ 11 của một cự tộc ba trăm năm ở Cương Gián, Nghi Xuân xứ Nghệ, là Lưu quận công (TK XV). Nguyễn Thiếp có tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, sau vì kiêng húy vua chúa nên đổi là Thiếp.(1)
Nguyễn Thiếp thi cử, đậu đạt không cao, chỉ đậu đến Tam trường (Thi hội), nhưng nhờ tư chất thông minh, thực học lại được những người thầy giỏi như Tiến sĩ Nguyễn Hành (là chú ruột, từng làm Hiến sát Thái Nguyên), Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (cha của Đại thi hào Nguyễn Du) rèn giũa nên ông có kiến thức uyên thâm, cao rộng, được người đời ngưỡng vọng. Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm từng đánh giá: "Đạo học sâu xa thì Lạp Phong Cư Sỹ, văn phong phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ chỉ có Nguyễn Huy Tự". Nhân vật mà "đạo học sâu xa", có danh hiệu Lạp Phong Cư Sỹ chính là Nguyễn Thiếp.(2)
Chính vì vậy tuy ở ẩn nhưng tài danh phát tiết ra ngoài thiên hạ ai cũng biết, ông luôn lọt vào “mắt xanh” của các bậc đế vương. Trước Nguyễn Huệ, chúa Trịnh đã biết ông là người hiền tài. Năm 1780, chúa Trịnh Sâm mời ông ra Thăng Long phò tá. Trịnh Sâm bấy giờ có ý đồ là lật đổ nhà Lê, Nguyễn Thiếp cương quyết can ngăn nhưng chúa Trịnh không nghe. Vì thế ông chán nản cáo từ, không nhận bất cứ chức tước hay bổng lộc nào.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nhận định về sự kiện này như sau: “Có lẽ cụ bấy giờ nổi tiếng lý số tinh thông như trạng Trình xưa, cho nên chúa muốn hỏi cụ một câu vận mệnh, như trước đó hai trăm năm, ba họ Mạc, Trịnh, Nguyễn tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về thời vận. Theo gia phả, cụ trả lời chúa rằng sự ấy không nên, vậy chúa thôi và cũng không giữ cụ lại".(3)
Sau khi rời phủ Trịnh, Nguyễn Thiếp trở về trường cũ trong núi và tiếp tục dạy học, nghiên cứu học thuật. Những tưởng được yên thân ở chốn lâm tuyền, nào ngờ tinh hoa phát tiết ra ngoài, ông lại được người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ quý trọng với 3 lần viết thư mời cộng tác khi tuổi đã trên 60.
Mời lần thứ nhất vào 18 tháng Mười Hai năm 1786. Nguyễn Huệ sai hai triều quan, một quan bộ Binh, một quan bộ Hộ mang thư và lễ vật, năm nén vàng và hai tấm lụa, đến sơn trại đón Nguyễn Thiếp. Thư rằng:
“…Đã lâu nay, nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt, để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương tây, người lánh cõi bắc; chẳng phải như Sằn Dã, Nam Dương gần gụi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức ngọa long.
Vậy đặc sai một hai đình thần đem vật mọn đến (vàng năm nén, lụa màu hai tấm), gọi là để tỏ lòng thành thô sơ. May chi, Phu tử không lấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng, nghĩ tới lòng tôi chân thành đau đáu, mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng lấy sự nghiệp Y, Khương. Không những riêng nước tôi may mắn, mà mười hai thừa tuyên ở Bắc cũng rất được may. Chớ làm tôi thất vọng, mong Phu tử lượng cho…” (4)
Lời thư trọng, lễ vật hậu. Tôn Nguyễn Thiếp lên bậc Y Doãn, Chu Công, lại xin lỗi và lý giải việc mình không tới được.
Tuy vậy, Nguyễn Thiếp đã khéo léo từ chối. Ông đưa ra 3 lý do để trả lời Nguyễn Huệ, tự nhận mình là một thần tử nhà Lê, tuổi cao, tài hèn, sức mọn, không thể giúp gì được. Thư viết:
“…Tôi xét ra tự thấy có nhiều chỗ thiếu, nên cảm mà thẹn thùng khôn xiết. Nhưng lấy nghĩa mà cân nhắc, thì tôi không ra có ba lẽ:
Lượng sức, dò phận, trên không giám mong dược như Y, Khương; dưới không sánh kịp Gia cát. Gặp thời tiết gió bụi, nếu ra làm việc thì tay run, chân rối. Rốt cuộc, ắt làm lầm nhà nước, nhục cha mẹ. Không ra, đó là lẽ thứ nhất.
Từ xưa, con đầu không ra làm quan. Huống chi, cha mẹ, anh em tôi đều mất. Nhà thờ, phép nhà, cốt ở một tôi. Không ra, đó là lẽ thứ hai.
Lệ xưa, làm quan bảy mươi tuổi về hưu. Bản triều trọng kẻ già, nên sáu mươi nhăm tuổi đã cho viện lệ xin nghỉ. Đáng về mà lại ra, thì sẽ mang tội rất nặng. Không ra, đó là lẽ thứ ba…” (5)
Như vậy Nguyễn Thiếp đã từ chối một cách đường hoàng, lời lẽ rất khôn khéo với ba lý do khá thuyết phục. Ngoài những việc xưng hô khiêm tốn như cho mình là tiện sĩ thì ngôn từ rất đứng đắn nhưng không hề tỏ ý gì sợ hãi cả. Dù rằng trước đó Nguyễn Huệ đã giết khá nhiều các nho sỹ trên đất Bắc.
Thực ra, bấy giờ Nguyễn Thiếp vẫn chỉ một lòng trung với vua Lê, còn ông xem Nguyễn Huệ chỉ là một anh tù trưởng ở chỗ biên thùy. Nên Nguyễn Thiếp không những trả lễ vật mà lại còn trả cả thư mời nữa, để tỏ ý ông hoàn toàn không chịu giao thiệp với Nguyễn Huệ.
Mời lần thứ hai vào 10 tháng Tám năm 1787. Tưởng mọi chuyện từ nay sẽ yên nhưng Nguyễn Thiếp không ngờ được rằng Nguyễn Huệ làm việc gì cũng theo đuổi đến kỳ cùng. Ngày mồng 10 tháng tám năm Chiêu Thống nguyên niên (1787), Nguyễn Huệ sai hai quan trọng thần mang thư và lễ vật ra mời lần nữa. Hai vị quan ấy là quan lưu thủ Danh phương hậu Nguyễn Văn Phương và quan Binh bộ Thị lang Giác lý hầu Lê Tài. Thư có đoạn viết:
“…Phu tử là danh sĩ hơn đời; vì định bụng không chịu cùng quả đức hứng khởi thiên hạ, nên mới đặt ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này mà Phu tử nhất định ấn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao?...”(6)
Dù Nguyễn Huệ đã tự xưng quả đức, nhưng so với bức thư thứ nhất, lời thư lại thống thiết hơn, ý tứ lại trân trọng hơn thư trước. Lễ vật không ghi rõ nhưng lần này chắc cũng hậu hơn trước. Người đưa thư cũng khác trước, gồm hai vị đại thần: vị lưu thủ và vị thị lang. Còn cách viết thư cũng khác. Nguyễn Huệ không hề mời Nguyễn Thiếp ra giúp mình, mà chỉ nói mời ra cứu thiên hạ, cứu dân sinh. Nghĩa là Nguyễn Huệ lấy đạo nghĩa để bắt buộc Nguyễn Thiếp phải ra giúp. Nếu không ra là không những trái với thiên mệnh bắt mình cứu dân, mà lại còn trái với đạo nghĩa nữa. Lý lẽ vậy quả là khó chối.
Tuy nhiên lại một lần nữa Nguyễn Thiếp lại khiêm nhường từ chối. Thư phúc đáp có đoạn như sau:
“…Gần đây, mình mẩy lại rất suy hèn; thường nghe đau lưng, đau gối. Từ tiện sinh đến cả nhà, không có ngày nào là không thuốc thang. Bối rối thay! Tự mình cứu mình chưa xong, sao cứu nổi được dân?
Mong Vương thượng thôi dừng nghe người bàn quá, và để tiện sinh được ở yên cho trọn vẹn. May ra mới di dưỡng được tâm thần, sống thêm chút đỉnh. Để ngày khác, đứng ngoài mà làm một người cố vấn dự bị, thế mới phải hơn…” (7)
Điều đáng lưu ý là bấy giờ, tuy rằng niên hiệu trong thư mời vẫn là Thái Đức, nhưng Nguyễn Huệ nghiễm nhiên đã thành một vị quốc vương, đã tự xưng quả đức, cho nên Nguyễn Thiếp phải tỏ ra kính cẩn hơn lần trước. Tuy vậy những lời lẽ trong thư dùng để giải thích vẫn cứng cáp. Niên hiệu Chiêu Thống đề ở thư nhằm nói rằng ông vẫn làm thần tử vua Lê. Một khi đã lấy sự cứu vớt sinh dân làm căn cứ mời thì quả là khó chối. Thường chỉ có hai lẽ từ chối không ra: một là không muốn giúp, hai là đau yếu. Dù lẽ đầu là lẽ chính, nhưng Nguyễn Thiếp đã viện lẽ sau: đau yếu, xin được ở nhà nghỉ. Ông lại còn rất khôn khéo nói rằng nghỉ để sống thêm và để làm người cố vấn dự bị lúc không có ai hoặc lúc có việc gấp.
Mời lần thứ ba vào 13 tháng Chín năm 1787. Tám ngày sau khi Nguyễn Thiếp viết thư từ chối, Nguyễn Huệ lại viết thư mời lần thứ 3. Thư có đoạn viết:
“…Nay thử xét ý Phu tử, thấy có ba lẽ này mà Phu tử không thèm ra chăng:
Anh em quả đức nguyên chỉ trơ trọi là một tụi ấp trưởng, nổi lên ở phương Tây. May mà đánh được tụi yếu và dứt được kẻ hèn, gây dựng lên nghiệp bá. Chưa ắt đã phải là bực chân nhân. Ấy là một lẽ.
Từ lúc khởi binh đến nay, thân trải trăm trận, sùng chuộng võ uy. Chưa chắc đã khỏi làm việc bất nghĩa, giết kẻ vô tội để lấy được đất nước. Ấy là lẽ thứ hai.
Mời kẻ hiền, tuy là thành tâm sai sứ đến nhà, nhưng không chịu thân hành đến chào đón. Đối các bực xưa như kẻ chăm chắm ba lần tới đón, như kẻ thành cẩn ba lượt tìm mời thì khác xa. Ây là lẽ thứ ba.
Vì ba lẽ ấy mà Phu tử không thèm đến. Thật là phải vậy…” (8)
Quả là thật bụng cầu hiền nên lời lẽ thật là thống thiết, lập luận thật là chặt chẽ, khéo léo. Thư này dài hơn thư trước rất nhiều. Vì trước Nguyễn Thiếp kể ba lẽ không ra, nay Nguyễn Huệ gán cho ba lẽ khác mà Nguyễn Thiếp không thể không nhận lại. Giọng thư có lúc thành thật để mong cảm nhận, có lúc mỉa mai để phải suy ngẫm. Mặc dầu vậy lần này Nguyễn Thiếp vẫn từ chối.
Rõ ràng hậu thế ai cũng muốn biết Nguyễn Thiếp đã trả lời thế nào mà từ chối được. Tuy vậy thật đáng tiếc là cho đến nay không ai thấy thư trả lời của Nguyễn Thiếp lần này chép ở đâu cả.
Ba lần viết thư cầu hiền mà vẫn chưa mời được Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ vẫn không dứt cầu hiền, ông có 3 lần trực tiếp gặp Nguyễn Thiếp khi công cán ra Bắc qua Nghệ An. Ba lần đó là:
Lần 1: Tháng ba năm 1788, trên đường ra Thăng Long, Nguyễn Huệ lại tiếp tục viết thư sai Cần tín hầu Nguyễn Quang Đại mời Nguyễn Thiếp ra đại doanh đóng ở núi Nghĩa Liệt, gần bến Phù Thạch, để được gặp mặt. Thư mời gặp mặt rất ngắn gọn. Lời thư vẫn khiêm tốn, trịnh trọng. Tuy vắn tắt nhưng thư có câu cực kỳ quan trọng:“Không cùng Phu tử mà cứu gỡ thì biết cùng ai?” (9) Điều này thể hiện lòng tin phục, tôn trọng của Nguyễn Huệ đối với Nguyễn Thiếp là rất to lớn. Cuộc hội kiến này ra sao? Gia phả chép rằng Nguyễn Huệ “Tiếp đãi rất trọng. Cụ ngồi nói chuyện hồi lâu mới về” (10)
Lần 2: Cuối năm 1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (Huế), vua Quang Trung kéo quân ra Bắc, đến Nghệ An nghỉ binh, nhà vua lại triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi kế sách đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Trong hội kiến lần này, khi vua Quang Trung hỏi chiến thuật đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp trả lời: "Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được".(11)
Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh quả đúng như dự kiến thiên tài của vua Quang Trung cũng như nhận định chính xác của Nguyễn Thiếp.
Lần 3: Sau đại thắng vào đầu xuân Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung về đến Nghệ An lại mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: "Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật".(12)
Sau khi Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất. Vua biết ông không thích tham gia chính sự nên chỉ nhờ giải quyết những việc có tính chất học thuật. Tuy nhiên sau khi giúp vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp lại về núi Thiên Nhẫn mà không chịu ở Phú Xuân.
Sau 3 lần viết thư mời, tặng lễ vật; 3 lần trực tiếp gặp mặt đàm đạo tại Nghệ An, đến năm 1791, khi vua Quang Trung cho mời vào Phú Xuân để bàn việc nước, Nguyễn Thiếp mới chính thức nhận lời vì cảm thái độ chân tình, thực bụng cầu hiền của Nguyễn Huệ.
Đến gặp, ông đã dâng lên vua Quang Trung một bản tấu bàn về 3 vấn đề: Một là "Quân đức" (đại ý khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền để trị nước); hai là "Dân tâm" (đại ý khuyên vua nên dùng nhân chính để thu phục lòng người), và ba là "Học pháp" (đại ý khuyên vua chăm lo việc giáo dục). Tuy là ba, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau và đều lấy quan niệm "dân là gốc nước" làm cơ sở. Nguyễn Thiếp viết: "Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên".
Những lời tấu ấy được nhà vua nghe theo. Ngày 20/8/1791, nhà vua ban chiếu lập "Sùng chính Thư viện" ở nơi ông ở ẩn và mời ông làm Viện trưởng. Kể từ đó, ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học và phổ biến trong dân. Chỉ trong hai năm, ông đã tổ chức dịch xong các sách: Tiểu học, Tứ thư, Kinh Thi và chủ trì biên soạn xong hai bộ sách là Thi kinh giải âm và Ngũ kinh toát yếu diễn nghĩa. (13)
Tháng 9 năm Nhâm Tý 1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp đành dở dang. Tuy nhiên những cống hiến của ông với sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ thật không đáng hổ danh với lời khen ngợi của Đại tư đồ, Xuân quận công Nguyễn Nghiễm: “Đạo học sâu xa thì Lạp Phong Cư Sỹ”./.
Hà Tĩnh, nhân kỷ niệm 300 năm sinh La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp
8/2023
Thái Văn Sinh
_____________________
(1) Danh nhân Hà Tĩnh, NXB Dân trí, 2021, Tr 308,309.
(2) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 109.
(3) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 91.
(4) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 98.
(5) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr100.
(6) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 103.
(7) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 104.
(8) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 107.
(9) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 111.
(10) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 111.
(11) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 130.
(12) Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952, tr 131
(13) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Thi%E1%BA%BFp
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Xuân Hãn, La Sơ Phu Tử, Nhà xuất bản Minh Tân, Paris, 1952.
2. Danh nhân Hà Tĩnh, NXB Dân trí, 2021, Tr 308,309.
3. Khảo sát văn bản Hạnh Am di văn, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119) 2013.
4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Thi%E1%BA%BFp.