13-02-2023 - 08:02

Nguyễn Khắc Viện – bậc sĩ phu suốt đời vì đất nước, dân tộc

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) trân trọng giới thiệu bài viết “Nguyễn Khắc Viện – bậc sĩ phu suốt đời vì đất nước, dân tộc” của tác giả Phạm Quang Ái

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997), là một tên tuổi đã được nhiều người biết đến và kính nể. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gọi ông là “Người đảng viên cộng sản giàu nghị lực, một nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng”; ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng đã viết về Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện rằng: “Di sản của ông đồ sộ như một thư viện… Người đời quý trọng Nguyễn Khắc Viện về một trí tuệ, một tài năng, một con người và một tâm hồn lớn” ... Tiến sĩ sử học Charles Fourniau, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt đã viết: “…Ngay từ những phút đầu tiên, tôi đã nhận ra ngay đây sẽ là bực thầy của tôi. Và ông mãi vẫn là thầy của tôi…”. Khi ông còn sống đã có nhiều người viết về ông, đặc biệt, sau khi ông mất, có lẽ do một cảm giác trống vắng nào đó, người ta lại càng viết về ông nhiều hơn. Các học giả, nhà báo, nhà chính trị trong và ngoài nước đã trân trọng  gọi ông bằng những danh xưng đẹp nhất, ý nghĩa nhất như: “Ông đồ Nghệ”, “Gừng đất Nghệ”, “Nhà bác học lỗi lạc”, “Sĩ phu thời đại”, “Kẻ sĩ hiện đại”, “Nhà văn hóa lớn, tài năng lớn”, “Sứ giả giữa các nền văn hóa”,... Thậm chí có người, như GS.TS Mai Quốc Liên, đề nghị xếp ông “vào hàng nhà văn hóa công huân”(1).

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một trí thức lớn, một bậc “Đại sĩ phu” thời đại Hồ Chí Minh, một Nhà văn hóa lớn với những hoạt động ở trong nước và ngoài nước, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế trên nhiều lĩnh vực, phương diện. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến nay, sự nghiệp, trước tác của ông vẫn còn nhiều sự kiện chưa được cập nhật đầy đủ, nhiều vấn đề chưa được đánh giá thấu đáo. Không tham vọng giải quyết được những vấn đề trên, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, chúng tôi xin giới thiệu một số nét căn bản về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, với những đóng góp phong phú, đa dạng, đa lĩnh vực và có giá trị lâu dài của ông.

Nguyễn Khắc Viện là người con thứ ba và là con trai cả của gia đình Nhà nho  Nguyễn Khắc Niêm, một gia đình có 15 người con do hai bà mẹ sinh ra. Phần lớn số con cái đó đều học hành thành đạt và ít nhiều đều có đóng góp cho quê hương, đất nước. Ông sinh ngày 05 tháng 2 năm 1913 tại làng Gôi Mỹ, nay thuộc xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh  Hà Tĩnh trong một gia đình nhà Nho; thân phụ là Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), đậu Hoàng giáp năm 1907, thân mẫu là Nguyễn Thị Cán (?– 1922), chị ruột của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đản (đậu Tiến sĩ khoa Bính Thìn, 1916). Năm 1913 là năm sinh ghi theo giấy khai sinh, thực ra, năm sinh của ông là 1915, nhưng do đi học sớm, phải khai tăng thêm tuổi mới đủ điều kiện vào lớp.        

Làng Gôi Mỹ quê ông thuộc vùng đất bán sơn địa, có các dãy núi Thiên Nhẫn, núi Giăng Màn, núi Mào Gà, động Chuối, động Vạc bao quanh, lại có sông Ngàn Phố chảy bên cạnh. Đây thực là một chốn “địa linh” để hội tụ và nuôi dưỡng, hun đúc nhân tài. Bởi thế, một cái làng nhỏ như làng Gôi Mỹ lại có nhiều dòng họ nổi tiếng như: họ Đinh Nho, họ Nguyễn Khắc, họ Tống Trần, họ Hà Học, họ Lê Hữu,.. Các dòng họ đó đã đóng góp vào trang sử quê hương những tên tuổi đáng tự hào như Tiến sĩ Đinh Nho Công; Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn; Tiến sĩ, Thượng thư, Nghĩa quận công Tống Tất Thắng; Tổng binh đồng tri Đinh Nho Côn; Tiến sĩ Đinh Nho Điển; Cử nhân Hà Học Hải, Hà Học Văn; Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm,...  

Thân sinh Nguyễn Khắc Viện, cụ Nguyễn Khắc Niêm (dân làng quen gọi là cụ Hoàng Niêm hoặc là cụ Hiệp Niêm), cũng là một người sớm hiển đạt, đậu Hoàng giáp từ lúc mới 18 tuổi. Cụ Nguyễn Khắc Niêm là một đại thần triều Nguyễn -  nguyên Tham tri bộ Hình, Phủ doãn Thừa Thiên, Quyền Tổng đốc Thanh Hóa, lúc về hưu được tặng hàm Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ – từng ôm chí lớn nhưng sinh không gặp thời nên cái tài “kinh bang tế thế” bị mai một trong xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến đương thời. Tuy không thỏa chí tang bồng lại ngậm đắng nuốt cay với nhiều oan ức nhưng cụ Hoàng đất Gôi Mỹ vẫn “sống đàng hoàng”, thanh cao trong điều kiện kinh tế đạm bạc của một ông quan thanh liêm với một đàn con đông đúc.

Sinh trưởng trong một vùng quê văn hiến, một gia đình có truyền thống Nho giáo như thế nên từ tấm bé, Nguyễn Khắc Viện đã thấm vào máu thịt những tình cảm, đạo lý tốt đẹp của cha ông, của cộng đồng làng xóm.

Từ năm 1923, ông theo học tại các trường ở những nơi cụ Hoàng Niêm trị nhậm. Thừa hưởng được trí thông minh của cha mẹ và truyền thống gia đình nên đến đâu, học trường nào, bậc học nào, Nguyễn Khắc Viện cũng làm thiên hạ khâm phục bởi thành tích học tập và tác phong sống giản dị, khiêm tốn của ông. Nhớ về hình ảnh Nguyễn Khắc Viện, người học trò trường Bưởi nổi tiếng thời ấy, GS Hoàng Như Mai đã hồi tưởng lại như sau: “Tôi được biết anh Nguyễn Khắc Viện từ gần 70 năm trở về trước, tôi mới vào học năm thứ nhất Trường Bưởi (...) thì anh Viện đã là học sinh ban tú tài bản xứ....Anh Viện nổi tiếng là học giỏi, nên chúng tôi ai cũng mến phục, muốn biết mặt. Đấy là một học sinh người mảnh khảnh, đúng ra là hơi gầy gò, đầu tóc hớt kiểu ca-rê. Cái đầu ấy khiến tôi ngạc nhiên trước hết. Hồi ấy, học sinh, kể cả lớp nhỏ tuổi như tôi, đều để tóc dài, rẽ ngôi, có những anh còn để tóc kiểu “nhà triết học” chải lật ra sau gáy để trưng cái trán cao cho có vẻ thông thái, có ai như anh Viện, để tóc kiểu trẻ con như thế”(2) .        

Năm 1935, tốt nghiệp tú tài xuất sắc, Nguyễn Khắc Viện vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Do thành tích học tập vượt trội, năm 1937, ông được học bổng sang Pháp tiếp tục học y khoa, khoa Nhi. Từ năm 1939-1940, ông được chỉ định đào tạo nội trú ở bệnh viện Trousseau, một bệnh viện trẻ em lớn ở Paris.

Năm 1941, bảo vệ thành công luận án bác sĩ, muốn về nước, nhưng vì chiến tranh, không có tàu thủy về. Tiếp tục làm việc ở bệnh viện  Trousseau. Tháng 1/1942, bị lao phổi nặng. Lúc đó chưa có thuốc chữa, nên chủ yếu phải can thiệp bằng phẫu thuật. Trải quan 15 năm điều trị, sau 7 lần phẫu thuật lớn nhỏ, cắt đi 6 xương sườn và chỉ còn 2/3 lá phổi trái với kết luận như đinh đóng cột của các bác sĩ người Pháp rằng: tuổi thọ của ông chỉ còn tính bằng năm. Không đầu hàng số phận, trong quá trình vật lộn lâu dài với tử thần đó, Nguyễn Khắc Viện đã hết sức lạc quan, tranh thủ mọi thời cơ để sống có ích như: học tập, nghiên cứu để mở rộng, nâng cao trình độ hiểu biết; tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội như gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, vận động Việt kiều ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc, tuyên truyền nhân dân Pháp và phương Tây chống chiến tranh xâm lược Việt Nam,.. Cũng trong quá trình vừa chữa bệnh vừa làm việc đó, ông đã tìm ra một phương pháp cứu mạng kỳ diệu: phương pháp dưỡng sinh bằng cách luyện thở bụng kết hợp với một số động tác thể dục. Phương pháp dưỡng sinh đó không chỉ đưa lại sự sống mà còn bảo đảm sức khỏe cho ông sống và làm việc hăng say đến 83 tuổi với một hiệu suất khiến thiên hạ kinh ngạc.                             

Trong khoảng thời gian từ 1948-1950, Nguyễn Khắc Viện bắt đầu nghiên cứu tâm lý trẻ con và giáo dục và viết 2 tập sách nhỏ Lòng con trẻ và Giáo dục hoạt động (tổ chức Việt kiều in rô-nê; sau chuyển về in ở chiến khu Nam Bộ). Từ năm 1949, tham gia sinh hoạt chi bộ Đảng Cộng sản Pháp trong bệnh viện.

Năm 1951, không thể nằm yên khi cuộc kháng chiến trong nước diễn ra quyết liệt, xin trở về thành phố Annecy để hoạt động, mặc dù bác sĩ bảo phải nghỉ ngơi. Năm 1952, nhờ kiên trì tập thở, kết hợp Yoga với khí công, tự thấy đủ sức làm việc, trở về Paris tham gia hoạt động trong tổ chức Việt kiều. Hoạt động yêu nước của Việt kiều bị chính quyền thực dân cấm đoán và đàn áp, cuối năm 1952, trốn thoát được một cuộc vậy ráp, lùng bắt gắt gao của cảnh sát, và sau đó, ông được cử thay ông Phạm Huy Thông (lúc đó đã bị bắt và bị trục xuất về Sài Gòn) phụ trách tổ chức Việt kiều hoạt động bí mật. 1953-1954, Nguyễn Khắc Viện đi lại giữa nhiều thành phố nước Pháp, xây dựng tổ chức Việt kiều, tập hợp tin tức nước Pháp gửi về trong nước và ra đều đặn tờ “Quyết thắng” cung cấp thông tin cho bà con Việt kiều.          

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, bí mật vượt biên giới Pháp-Thụy Sĩ để gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Genève báo cáo nội tình nước Pháp. Tháng 11/1954, bị bắt, sau 1 đêm hỏi cung, cảnh sát phải thả ra vì bắt là trái Hiệp định Genève; hơn nữa, thấy cái “hang” (vết mổ hở) sau lưng còn chảy mủ, bọn chúng sợ trách nhiệm. Để kịp thời hưởng ứng sự kiện lịch sử Điện Biên phú, Nguyễn Khắc Viện đã hợp tác với đồng chí Jean Chesneau, GS.TS sử học, viết sách Lịch sử Việt Nam; sách được xuất bản tại Pháp năm 1954.  

Năm 1956, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được cử làm Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Việt kiều, công khai hoạt động. Năm 1955 -1957, ông gửi các bản vẽ Quenu sắp lớp (Planches Quenu) về chiến khu Nam Bộ giúp ngành y trong điều kiện thiếu máy móc có thể mổ khâu ruột cứu các chiến sĩ bị địch bắn thủng bụng. Năm 1957-1958, lên bàn mổ 2 lần trong 2 năm để bịt cái “hang” sau lưng và cứu phổi đang bị tổn thương nặng. Mổ xong, tưởng chết, Hội Việt kiều chuẩn bị tiễn đưa, nhưng nhờ phép “thở bụng”, sau 2 tháng, ông trở lại làm việc như thường. Năm 1959, Chính phủ Pháp ra lệnh giải thể Hội Liên hiệp Việt kiều. Trụ sở tại số 4 Git Le Coeur phải đóng cửa, nhưng ông mở tại đó “quán cơm” để duy trì hoạt động. Năm 1960, ông tham dự Hội thảo “Con đường tiến lên của các nước đang phát triển” tại Paris. Năm 1961, tham luận tại Hội thảo nói trên được bổ sung và đăng ở Tạp chí “La Pensée” (Tư tưởng) với nhan đề: “Là’expérience Vietnamienne et les voies du progrès dans les pays sous-développés”. Cùng năm, Nhà xuất bản “Sự thật” đã dịch in bài nói trên với nhan đề Kinh nghiệm Việt Nam và con đường của các nước chậm tiến”.

Năm 1962, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã có buổi tranh luận sôi nổi, thú vị với văn hào Albert Camus chung quanh vấn đề phát triển văn hoá xã hội các nước nghèo, viết bài “Confucianisme et Marxisme au Vietnam” (“Đạo Khổng và chủ nghĩa Mác ở Việt Nam”)  đăng trên Tạp chí “La Pensée” (Tư tưởng) số 10/1962, được dịch ra nhiều thứ tiếng (lúc đó, NXB Sự Thật dịch, nhưng chưa in. Năm 1993, NXB Ngoại văn in với tên “Bàn về Đạo Nho”, có bổ sung).          Tuy Chính phủ Pháp có lệnh trục xuất, nhưng ông vẫn cố tìm cách ở lại để hoạt động, viết báo, họp hành và chuẩn bị bàn giao công việc cho ông Mai Văn Bộ, đại diện đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp. Năm 1963, viết và in cuốn sách bằng tiếng Pháp với bút danh Nguyễn Kiên “Le Sud – Vietnam depuis dien-bien-phu” (Miền Nam Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ) (NXB Francois Maspero); cũng năm này, NXB “Xã hội” Pháp (Editions Sociales) in cuốn “Essais sur la révolution  Vietnamienne” (Khảo cứu về cách mạng Việt Nam).                   

Ngày 27/4/1963, Nguyễn Khắc Viện lên máy bay về nước qua đường Mạc-tư-khoa, Bắc Kinh, sau 26 năm ở Pháp. Đến tháng 6/1963, ông công bố bài báo đầu tiên viết tại quê hương: bút ký “Pari – Hà Nội” đăng nhiều kỳ trên báo “Văn học”, đồng thời, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Liên lạc Văn hoá với nước ngoài. Năm 1964, ông được cử làm Chủ nhiệm Tạp chí “Etudes Vietnamiennes” (Nghiên cứu Việt Nam), mỗi số tập trung một chuyên đề. Số đầu về tình hình Miền Nam. Về sau, bộ “Etudes Vietnamiennes” trở thành tài liệu nghiên cứu rất giá trị về Việt Nam đối với với người nước ngoài. Thay mặt Việt kiều, ông được mời tham gia Chủ tịch đoàn Hội nghị “Chính trị  đặc biệt” do Hồ Chủ tịch triệu tập, được xuất bản tập bút ký “Paris-Hà Nội” (NXB Văn học).                        

Năm 1965, với một nghị lực phi thường, Nguyễn Khắc Viện đã hoàn thành bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp trong 3 tháng tại nhà nghỉ Đồ Sơn. Sách được xuất bản nhiều lần và một số dịch giả đã căn cứ bản dịch này để chuyển ngữ sang các ngôn ngữ khác.

Ngày 25 tháng 12 năm 1967, Nguyễn Khắc Viện lần đầu tiên xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Nhất, nguyên là phu nhân nhà triết học Trần Đức Thảo. Năm 1969, sau khi Ủy ban liên lạc văn hoá với nước ngoài giải thể, ông nhận phụ trách (vừa làm Giám đốc, vừa là Tổng biên tập) cả 3 đơn vị xuất bản, báo chí đối ngoại là NXB Ngoại văn, Tạp chí “Etudes Vietnamiennes”  và báo “Courrier du Vietnam”.  Từ  năm 1970,  đến năm 1979, ông liên tục tham gia viết sách, làm phim có nội dung tuyên truyền về Việt Nam cho kiều bào và cộng đồng quốc tế; sách truyền bá văn hóa, khoa học cho đồng bào trong nước. Tiêu biểu có thể kể: Tuyển tập các bài viết bằng tiếng Pháp “Expériences Vietnamiennes(Editions Sociales – NXb Xã hội, Paris, 1970), viết kịch bản cho phim “Tuổi thơ trong lòng hợp tác” (phim được giải thưởng Liên  hoan phim Quốc tế tại Vác-xa-va, 1971), viết kịch bản phim “Thể dục dưỡng sinh”(1971); phối hợp với đoàn làm phim của Đảng Cộng sản Pháp làm phim truyền hình dài tập về Việt Nam và chuẩn bị sang Pháp cùng dựng phim thì B.52 đánh Hà Nội (1972), xuất bản tuyển tập các bài báo với tên “Vietnam: Bilan d’une victoire ou Pour comprendre le Vietnam” (Việt Nam - Tổng kết một chiến thắng hay Để hiểu Việt Nam - 1973); xuất bản sách “Ngây thơ” (trong đó có “Giáo dục hoạt động” viết ở Pháp vào khoảng năm 1948-1950 - NXB Phụ nữ”), viết kịch bản phim Chớ coi thường về đề tài giao thông, được giải Bông sen Bạc trong Đại hội Liên hoan phim Quốc gia (1976), tái bản lần thứ ba “Kiều” song ngữ Việt-Pháp (NXB Ngoại Văn, 1974); cùng với ông Hữu Ngọc, rút gọn bộ “Anthologie de la Littérature Vietnamienne”, bộ Tổng tập văn học Việt Nam 4 cuốn hơn 2000 trang, thành cuốn “Littérature Vietnamienne” (NXB Ngoại văn, 1979), xuất bản sách “Từ sinh lý đến dưỡng sinh” (NXB Y học).

    Ngoài hoạt động báo chí, tuyên truyền và các hoạt động xã hội khác, bắt đầu từ năm 1976 đến năm 1993, Nguyễn Khắc Viện đã kiên trì và kiên cường viết hàng chục bức thư, bài báo gửi lên Trung ương Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Chính phủ; gửi tới tay các đồng chí lãnh đạo cao cấp Đảng, Quốc Hội, Nhà nước và Chính phủ những kiến nghị mạnh dạn, sâu sắc, hợp lý, hợp tình về những vấn đề dân sinh quốc kế trọng đại của đất nước. Điều đặc biệt, là rất nhiều ý kiến, kiến giải của học giả Nguyễn Khắc Viện, sau gần nửa thế kỷ nghiệm lại, chúng ta thực sự ngạc nhiên về tính dự báo dài hạn và tính chính xác của nó.       

Ngay từ tháng 5 năm 1976, khi cả nước đang say mê trong chiến thắng và hào hứng với những chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa táo bạo, đột phá, đầy tính chất chủ quan, nóng vội (mà sau này các Đại hội Đảng toàn quốc từ lần thứ VI trở đi đã tiến hành phê phán), khi chứng kiến chủ trương “một mo cơm, một quả cà với tấm lòng cộng sản sẵn sàng dời non lấp biển, sắp xếp lại giang sơn” của lãnh đạo Đảng và Chính quyền tỉnh Nghệ Tĩnh (tất nhiên là rất được Trung ương ủng hộ), ông đã gửi kiến nghị lên Trung ương đề nghị dừng chủ trương phá vườn ồ ạt xứ Nghệ. Nhiều kiến nghị, nhiều bài báo của ông khi mới công bố, một mặt được những trí thức, cán bộ cấp tiến rất thích; mặt khác, khiến cho nhiều người thiếu hiểu biết rất “choáng”, thậm chí, có lúc người ta đã đồn là ông bị bắt. Những kiến nghị của ông tập trung vào những vấn đề cấp thiết như: vấn đề phát huy dân chủ, tinh thần độc lập suy nghĩ, chính sách tiền lương; vấn đề phát triển sản xuất, chống quan liêu, thực hiện dân chủ,... Thậm chí có những kiến nghị động chạm mạnh đến quyền lợi của không ít người có quyền lực lớn như việc đề nghị bỏ chế độ đặc quyền đặc lợi; cải tổ, đổi mới chính sách cán bộ. Lúc bấy giờ, phải là người đại nghĩa, đại trí, đại dũng và có uy tín lớn trong và ngoài nước, mới dám công khai kiến nghị lên các cơ quan quyền lực cao nhất nước và phổ biến những ý kiến đó trên phương tiện thông tin đại chúng như vậy.

Song hành với việc quan tâm sát sao đến thời cuộc, cũng trong thời gian này, Nguyễn Khắc Viện đã hoàn thành những công trình quan trọng sau đây: xuất bản sách Vietnam patrie retrouvée (tạm dịch thoát là “Việt Nam, Tổ quốc vẫn còn đây”, 1977); viết kịch bản phim Học văn - Học vần (cùng Nguyễn Thị Nhất), được giải Bông sen Bạc trong Đại hội Liên hoan phim Quốc gia (1981); làm cố vấn cho Đoàn làm phim của UNESCO thực hiện phim Hué toujours recommencé (Huế luôn luôn mới, 1983); xuất bản sách Sud-Vietnam au  fil des années 1975-1985 (Miền Nam Việt Nam từ những năm 1975-1985 - Tuyển tập 19 bài viết về tình hình Miền Nam 10 năm sau giải phóng, NXB Ngoại Văn, Hà Nội, 1984); viết kịch bản phim Học và làm (1984); kịch bản phim Sơn mài Việt Nam, giải thưởng Bông sen Bạc (1984); kịch bản phim Đất tổ nghìn xưa, được giải kịch bản xuất sắc (1985 ); xuất bản sách Vietnam une longue Histoire (Việt Nam một thiên lịch sử, NXB Ngoại văn, 1987, được tái bản nhiều lần và được dịch ra tiếng Anh, Nga, Đức, Tây Ban Nha),... Và hàng loạt sách, giáo trình, từ điển, kịch bản phim giá trị khác.                     

Năm 1984, sau khi được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, ông nhận quyết định nghỉ hưu. Nhưng, cũng như những bậc trí thức lớn khác, ông vẫn tiếp tục làm việc cho đến hơi thở cuối cũng, tiếp tục viết sách báo giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu những tri thức cần thiết cho mọi người dân cập nhật trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục,...; kiên trì truyền bá môn dưỡng sinh “thở bụng”, môn đá cầu, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em (N-T) tại Hà Nội và triển khai rộng ra các địa phương khác,...                 

Ngày 26/11/1992, một vinh dự lớn lao đến với ông là Viện Hàn lâm Pháp công bố tặng giải thưởng “Grand Prix de la Francophonie” với giá trị 400.000francs. Một “Giải thưởng Lớn của Cộng đồng Pháp ngữ” chỉ xét tặng cho những người có công lớn trong việc truyền bá Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp. Từ lúc thành lập cho đến lúc bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được trao giải mới chỉ có 7 người được hưởng vinh dự đó. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã dành gần như toàn bộ số tiền lớn đó tặng cho Trung tâm N-T để có kinh phí nghiên cứu và dành một phần giúp xây dựng Trạm Y tế xã Sơn Hòa, quê ông.              Năm 1997, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ngày 10 tháng 5 năm 1997, sau một thời gian đau ốm nhưng lại từ chối sự can thiệp của y học, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã thanh thản từ trần tại nhà riêng ở Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp, bạn bè, thân nhân trong và ngoài nước. Trong Tự truyện, được xuất bản sau khi ông đã qua đời 10 năm (NXB KHXH, 2007), ông có viết đại ý rằng, trong rất nhiều việc làm trong đời, có lẽ, việc có giá trị lâu dài nhất là nghiên cứu, truyền bá môn dưỡng sinh “thở bụng” và môn đá cầu. Sau khi ông qua đời, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Nha Trang, Thành phố Hà Tĩnh đã có những con đường mang tên ông. Tại quê nhà, Đảng bộ và Chính quyền địa phương còn lấy tên ông đặt tên cho một trường THPT dân lập và một trường THCS công lập.    

Khi Nguyễn Khắc Viện “chuyển cõi” về nơi vĩnh hằng, ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, đã khái quát cuộc đời Nguyễn Khắc Viện bằng những vần thơ đầy cảm xúc như sau:

Vĩnh biệt anh một tấm lòng trung thực,

Nghĩ - Nói - Làm nhất quán với lương tâm.                         

Vĩnh biệt anh một trí thức uyên thâm,                       

Không vỗ ngực, tự xưng mình ít học.

Vĩnh biệt anh, một ý chí kiên cường,                                  

Suốt cuộc đời vượt qua bao thử thách.                               

Vĩnh biệt anh, một con người trí thức,                                

Sống đàng hoàng và chết rất ung dung.(3)                         

Tôi thích nhất là câu “Sống đàng hoàng và chết rất ung dung”. Phải rất tự chủ, gần như hoàn toàn làm chủ được cuộc đời mình, con người ta mới Sống và Chết được như vậy! Có nghiên cứu kỹ cuộc đời, sự ngiệp Nguyễn Khắc Viện cũng như những ghi nhận, đánh giá của giới trí thức trong và ngoài nước, chúng ta mới thấy câu thơ trên của nhà báo Phạm Khắc Lãm thực đã bắt trúng được cái thần của chân dung nhà văn hóa!              

Cổ kim, Đông Tây, người Sống và Chết được như vậy, nói theo cách của các tôn giáo chân chính, phải là người đắc đạo. Cái Đạo mà Nguyễn Khắc Viện tu thành chính quả, trước hết là Đạo Làm Người của cha ông ta, Đạo của những nhà nho cao minh, yêu nước, thương dân và đầy tiết tháo ở xứ Nghệ mà thân sinh ông, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm - đã tỏa sáng trong gia tộc và xứ sở, lúc đương thời cũng như sau này - kết hợp với tinh hoa tư tưởng, đạo lý của nhân loại mà ông đã suốt đời học hỏi, rèn luyện.

P.Q.A

______________

(1). Nguyễn Khắc Viện, chân dung và kỷ niệm, NXB Khoa học xã hội, 2007

(2). Nguyễn Khắc Viện, chân dung và kỷ niệm, NXB Khoa học xã hội, 2007, tr.11                     

(3). TLĐD, tr.                                                                          

                                   

. . . . .
Loading the player...