15-04-2022 - 09:53

NGƯỜI BÁC HỌ KỲ LẠ

Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Lê Quốc Hán về nhà văn Xuân Đài "Người bác họ kỳ lạ"

 

 

Người bác họ kỳ lạ

                                                                                                  

                                     

Những con hạc sinh ra đã chết

Những con chưa chết thì chưa sinh ra

                                                                                        Nguyễn Lương Ngọc

 

Mười chín giờ năm phút ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần (16.2.2022), khi màn đêm vừa buông, nhà văn lãng tử Xuân Đài đã cưỡi hạc trắng bay về trời, để lại tiếc thương cho bao bạn bè và người thân.

Sinh cùng một gốc. Cành nhánh khác nhau

Trong giả phả “Họ Lê Xa Lang”, cụ Lê Ngọc Tương thuộc đời thứ 14. Cụ có bốn người con trai: Lê Hòa, Lê Văn Hạp, Lê Chí Trung và Lê Hương. Ông Lê Chí Trung - ít tuổi nhất - là bố của nhà văn Xuân Đài, ông Lê Hương là bố của cha tôi. Ông nội tôi sinh trước nhất, nhưng con bà hai nên phải gọi ba người kia là anh.                                                                                                        

Cha tôi sinh trước nhà văn Xuân Đài gần ba chục năm (1910 & 1938), lại ở xa nhau nên tôi chưa bao giờ nghe Người nhắc đến tên Xuân Đài cũng như các người con khác của ông Lê Chí Trung - mà cha tôi thường gọi là “Bác Cửu Trung”. Những năm ba mươi Thế kỷ trước, khi nội tôi làm việc ở Vinh, cố Tương giao cho ông đưa ông Lê Chí Trung ra Vinh học. Lúc ấy cha tôi cũng đang học Quốc học Vinh. Người kể rằng Bác Cửu Trung hay làm thơ, nhưng thơ nỏ hay (con cháu bà hai không ưa con cháu bà cả là lẽ thường). Người thường đọc đi đọc lại câu thơ của Bác mình: “Ngồi buồn thong thả vuốt hàm râu/ Rày đã ba mươi sáu tuổi đầu” và thẩm bình: “ba mươi sáu tuổi lấy râu đâu ra mà vuốt!”. 

Tôi sinh ở Kỳ Anh, cách Sơn Tân - Hương Sơn hơn trăm cây số. Chiến tranh, giao thông đi lại khó khăn, mãi hai mươi tuổi (1969) mới về “quê cha đất tổ”. Vì ông Lê Hòa mất sớm, không có con trai nối dõi nên ông Lê Văn Hạp làm tộc trưởng nhánh chúng tôi. Ông Hạp có ba người con trai: Lê Ngọc Chất, Lê Ngọc Phác và Lê Ngọc Hoàn. Cả ba rất hiền, sống một cuộc đời hết sức “mô phạm, mẫu mực”. Khi tôi về chỉ gặp bác Chất (bác Phác vừa mất, bác Hoàn đang dạy Đại học Sư phạm Hà Nội). Bác Chất chỉ cho tôi ngôi nhà thờ nhỏ trước nhà bác, nói rằng đó là nhà thờ ông Cửu Trung. Bác cho biết thêm, ông Cửu Trung có ba người con trai: Lê Chí Hiếu, Lê Trọng Đàn, Lê Xuân Đài và một người con gái là Lê Thị Hạnh. Tất cả đều đi “kiếm ăn” xa, chỉ có bác Đàn làm bác sĩ ở Đức Thọ, mỗi năm đến ngày giỗ đại tôn mới về. Sau khi tôi lấy vợ quê Đức Lâm, thi thoảng lên nhà bác Đàn chơi. Ông Cửu Trung còn có người con nuôi là “cây ca dao” Trần Lê Đệ (từng đạt giả Khuyến khích trong cuộc thi của báo “Nhân dân” cùng với nhà thơ Ngô Văn Phú đoạt giải nhất với bài: Trên trời mây trắng như bông... ). Mỗi lần tôi về Xa Lang, bác cháu lại hàn huyên với nhau rất tâm đắc.

Năm 2000, bác Đàn gọi điện cho tôi bảo về Đức Thọ “ăn giỗ” Ông Cửu Trung, vì có bác Lê Chí Hiếu ở ngoài Bắc và bác Lê Xuân Đài ở trong Nam cùng về. Hai bác ấy ngỏ ý muốn gặp “thằng cháu” đang lăm le vào làng văn xem có xứng không? Bác Hiếu (bút danh Lê Vân) từng làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Yên Bái, cuối đời vẫn chưa được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Sau này, khi nghe tin tôi được kết nạp vào Hội (2002), Bác có gọi điện vào chúc mừng và tâm sự rằng: năm nào sắp đến kỳ xét kết nạp Hội, ông Chủ tịch Hội cũng nói một câu xanh rờn: Anh là cây đa cây đề của làng văn, không kết nạp anh thì kết nạp ai. Đến khi công bố danh sách “trượt vỏ chuối”. Bác Xuân Đài chỉ say sưa kể về số phận chìm nổi những tác phẩm của mình (đã và sẽ xuất bản). Ngay cả khi ra Vinh lưu lại nhà tôi chơi vài ngày, hai bác cháu cũng chỉ hỏi thăm nhau về chuyện gia đình, chuyện cuộc đời, không đề cập gì đến chuyện văn chương. Bác tâm sự, chuyến đi tiếp theo Bác sẽ ra Bắc (hình như Vĩnh Phúc?) “tìm” vợ con, vì hơn chục năm rồi chưa gặp lại. Không biết Bác có đạt được ước nguyện không, bởi sau đó đọc trên blog Xuandai hay fb Xuandai, không thấy Bác nhắc đến chuyện này.

Đời người gập ghềnh như thể đời văn

Trong “Tin buồn” của ban lễ tang khi ông mất, Nhà văn Xuân Đài sinh ngày 19 tháng 10 năm 1938 tại Thành phố Vinh, nhưng trên bìa sách cuốn “Phùng Quán và tôi” lại ghi ông sinh năm 1934, cũng có tài liệu ghi ông sinh năm 1936. Quê cha mẹ ông đều là làng Xa Lang, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau một thời gian bôn ba khắp Bắc Nam, cuối năm 2021, ông về lại quê nhà. Vào lúc 19 giờ 05 phút ngày 16 tháng 2 năm 2022, ông nhẹ nhàng từ giã cõi trần, mặc dù trước đó một ngày, ông còn “ăn rằm tháng giêng” với mấy bà con thân thuộc. Ông được an táng trên núi Thiên Nhân, nơi nghĩa trang của “Dòng tộc họ Lê Xa Lang”, thỏa ước vọng cuối đời của ông.

Tuổi thơ ông không mấy bằng phẳng, như ông đã kể lại trong cuốn tự truyện “Tuổi thơ kiếm sống”: Cậu bé Đài sinh ra ở Vinh, là em út nên được cưng nhất nhà. Cậu sướng đến mức muốn ăn gì, đòi ăn gì là có ngay. Giày dép có trên mười đôi, áo len các màu, có hai áo len dài tay cổ lọ, ba cái cộc tay. Trong nhà có hai người giúp việc. Rồi mẹ đột ngột ngột qua đời khi Đài chưa đến 5 tuổi. Người lớn cứ gặp cậu là xoa đầu. “Mới chừng ni tuổi đã mất mẹ, tội nghiệp quá”. Cậu vặc lại: “Lần sau ông (bà) đừng làm rứa, tôi không thích ai thương hại tôi cả”. Mỗi lần như vậy, cậu lại ngồi vào góc nhà, tủi thân khóc.

Cuộc sống ở Vinh sau “tiêu thổ kháng chiến” khó khăn, thiếu thốn. Đài được cha đưa về Hương Sơn ở nhà bác.

“Sáng hôm sau, ba cha con, vượt núi Thiên Nhẫn, từ Vinh về huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, quê nội tôi (bố mẹ tôi đều là người cùng làng Xa Lang). Chúng tôi về nhà bác ruột, bác Lê Văn Hạp. Ăn cơm trưa xong, tôi đi rong quanh xóm, chơi với bọn con nít. Khi quay về nhà bác không thấy cậu và chị Hạnh đâu cả. Bác tôi cho biết, hai người đã quay về Vinh, từ nay con ở lại với bác, bác nuôi ăn học. Tôi vùng vằng chạy đi. Tôi mặc nguyên quần áo, bơi qua dòng sông Phố, nhất định đuổi theo hai người, về Vinh sống chứ không chịu ăn độ ở nhờ nhà bác. Tôi chưa bơi được đến bên kia bờ, thì thấy một đoàn người lớn có, trẻ con có, đã nhô lên đằng sau lưng. Họ kéo tôi lên một chiếc đò rồi chở trở lại bờ bên kia”. Từ đó Đài trở thành một đứa trẻ nhà quê, làm đủ mọi việc. Ít lâu sau chị Hạnh, anh Đàn cũng về quê, ba chị em sống với nhau, chạy vạy kiếm sống.

Rồi chị Hạnh xin được đi làm công nhân ở Đức Thọ, anh Đàn đi bán thuốc ngoài Nghệ An, Đài lại sống một mình, tự lực cánh sinh.

Lớn lên, ông tham gia Thanh niên xung phong ở Tây Bắc. Năm 1961-1962, ông về học lớp Báo chí khóa 1 rồi làm ở báo Việt Nam Độc lập, khu Tự trị Việt Bắc; Tạp chí Dân tộc của Ủy ban dân tộc Trung ương. Sau đó, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau chuyển vào sống tại TP Hồ Chí Minh, rồi nghỉ hưu.. Cuối năm 2021, ông về quê Xa Lang, làm một ngôi nhà cấp bốn, tính chuyện định cư lâu dài. Nhà vừa xây xong, ông đã ra đi. Đưa tiễn ông, may mắn ngoài bà con và láng giềng gần, vợ và con trai của ông từ Vĩnh Phục cũng kịp “tìm về”.

Sau khi nghe tin ông mất, không ít bạn bè - đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ vô cùng thương tiếc. Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm đưa tin buồn này trên trang Web của mình. Năm ngày sau, trên trang “Văn hóa” (Tuổi trẻ online, 21/2/2022), nhà văn Nguyễn Khắc Phê có bài “Nhà văn Xuân Đài đã “đi theo” nhà văn Phùng Quán”. Sau khi tóm lược “nghiệp văn -  nghiệp đời ” của Xuân Đài và tình bạn keo sơn chung thủy của đôi bạn Xuân Đài - Phùng Quán, đoạn cuối kết: “Và đêm 16.2, Xuân Đài đã đột ngột chia tay trong căn nhà nhỏ vừa xây ở quê nhà mấy tháng trước, không có vợ con, người thân bên cạnh. Một ngày sau đó, bà con làng xóm xã Sơn Tân đã tiễn nhà văn ra chân dãy núi Thiên Nhẫn. Kể ra, chạm tuổi cửu tuần và ốm yếu như Xuân Đài, dễ có mấy ai chọn được cách rời bỏ tuổi già phiền muộn một cách có thể nói nhẹ nhàng tại quê nhà như vậy”. Trên Face book của các bạn văn, con cháu, học trò ông (Trần Nguyên Vấn - Trần Phương Trà, Phạm Ngọc Quỳnh, Phan Thúy Hà…) cũng xuất hiện các bài viết về ông khá cảm động: “Hôm qua, người bạn cuối cùng của nhà văn Phùng Quán đã lên xe đi rồi. Lặng lẽ như vậy thôi, như ông từng còm trong fb mình một lần. Khi nào sắp chết, Ông sẽ về quê, lên núi Thiên Nhẫn nằm bên cái hố, rồi bọn con nít chăn bò ở đó sẽ hất xuống. Nhìn chiếc xe tang chở ông lên núi Thiên Nhẫn trong đầu hiện ra câu hát: Triệu người quen có mấy người thân/ Khi lìa trần có mấy người đưa. Bạn ông còn ai đâu nữa mà đưa.” (Phan Thúy Hà, 17.2.2022).

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Xuân Đài khá đồ sộ. Từ năm 1967, Ông đã trình làng tập truyện dài đầu tay “Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ”(NXB Kim Đồng), được tái bản nhiều lần. Mãi đến năm 1991, ông mới trình làng thi tập đầu tay “Tạ tội”. Mặc dù từng in thơ trong các tuyển tập cùng với các thi tài Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tố Hữu,… nhưng công bằng mà nói, thơ ông thường thường bậc trung, đáng quý là chúng mang tính chất “phản biện” mạnh mẽ. Ông dám nói thẳng, nói thật về những bất công trong xã hội đương thời, những nghịch cảnh ông đang chứng kiến, mà bài thơ “Đói” tặng nhà văn Phùng Quán năm 1957 là một ví dụ điển hình. Sự nghiệp chính của ông là ở mảng văn xuôi, với  các tập truyện kể Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ, Tuổi thơ kiếm sống, Chuyện cà kê, Phùng Quán & tôi và hai tập truyện ngắn Ba người trong hẻm đuôi voi, Hai người đàn ông và người đàn bà ở phố Hàng Đào. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê, hiện trong “di cảo” của ông, còn bản thảo hai tiểu thuyết: Tuổi già phiền muộnNgõ nhỏ tình người.  

“Trong các tác phẩm đã xuất bản, Xuân Đài được người đọc chú ý nhiều hơn cả là tập chuyện Phùng Quán & tôi (NXB Phụ Nữ, 2020). Ở tác phẩm này của Xuân Đài, người đọc và đồng nghiệp thấy được cả một không khí văn chương và chấm phá về không gian văn hóa từ những kỷ niệm buồn vui của hai người bạn cố tri” (Bích Ngân, 19.2.2022). Xuân Đài đã viết cuốn sách bằng tất cả ký ức yêu thương, trân trọng và chia sẻ. Và chính điều đó khiến Phùng Quán & tôi lưu lại trong lòng bạn đọc thật sâu và nặng.

Trên trang “Văn hóa” (Tuổi trẻ online, 26/11/2020), nhà văn Phạm Vũ viết: “Phùng Quán & tôi chưa đầy hai trăm trang sách nhỏ, kể về tình bạn mấy mươi năm, lại là tình bạn giữa những người đàn ông “đầu đội trời, chân đạp đất” bên nhau những ngày cuộc sống gian khó hơn cái chết, lại là những nhà văn, nhà thơ chuyên nghề kể chuyện - dựng nhân vật - dựng tính cách, lại chính là Phùng Quán lẫm liệt vang danh trên văn đàn với nửa đời “cá trộm, rượu chịu, văn chui”… Ngắn có ngắn, nhưng mà vẫn đầy ăm ắp. Lời kể giản dị kiệm lời của người đàn ông không chú ý tiểu tiết vẫn đủ vẽ lên những năm tháng lầm than, lầm than từ đời sống vật chất đến tinh thần mà họ đã phải trải qua. Lại cũng đủ để phác nên được những lấp lánh yêu thương giữa con người với con người đã phóng chiếu nên được giữa đêm đen ấy.Và trên hết là tình bạn của họ… Đất nước của chúng ta có những năm tháng khó khăn như thế, và có những con người trong sáng như thế.”

Nhà văn Xuân Đài là Hội viên Hội Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh. Theo nhà văn Bích Ngân, trước khi về quê, ông còn đến Văn phòng Hội nhận tài trợ cho cuốn Phùng Quán & tôi vừa được tái bản. Không hiểu sao, một người với khối lượng tác phẩm đồ sộ và có giá trị như ông, không tìm thấy tên trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” của Hội in năm 2007 và tái bản sau đó hai lần (2010 & 2020).

           Lê Quốc Hán

. . . . .
Loading the player...