27-12-2017 - 06:59

Nghệ nhân Trần Minh Chính

Nghệ nhân Trần Minh Chính, sinh ngày 19/5/1953. Ông vào Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật năm 1995, là hội viên chuyên ngành sân khấu – biểu diễn, có nhiều vở kịch ngắn, hoạt cảnh dân ca được in và phát sóng trên các báo, tạp chí, Đài PTTH trung ương và địa phương: Những chặng đường bình yên (2009), Lời cảnh báo (2010), Nét đẹp người thầy (2012)…….

       Hơn 40 năm hoạt động văn nghệ quần chúng, gắn bó với những giai điệu bản sắc của quê hương, với tài ca hát, soạn lời và đạo diễn kịch dân ca, năm 2012, ông Trần Minh Chính (xóm Thắng Hòa, Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)  đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian trên lĩnh vực thực hành và truyền dạy dân ca ví, giặm.
         Những sáng tác của ông gắn bó với đời sống nhân dân lao động nên có sức hấp dẫn đặc biệt với bà con. Nhiều lần ông được UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong hoạt động văn hóa cơ sở. Năm 1995, ông được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng…

         Khi còn là một chàng trai trẻ tràn đầy nhiệt huyết, Minh Chính sinh hoạt tại Chi đoàn hợp tác xã Đồng Tiến ( Thạch Tân). Đây chính là một dấu mốc quan trọng để Minh Chính tham gia hoạt động văn nghệ được nhiều hơn. Thời điểm những năm chiến tranh ác liệt, các cơ quan văn hóa văn nghệ của tỉnh ta sơ tán về Thạch Tân, Trần Minh Chính có cơ hội được học hỏi từ các bậc tiền bối có tiếng trong giới văn nghệ tỉnh. Những bài học, kinh nghiệm mà những người thầy như NSƯT Ba Duy, nghệ sĩ Trương Quang Bốn…. đã giúp cho ông rất nhiều trên con đường sáng tác và trình diễn dân ca. 
        Thời kỳ ấy, người dân Thạch Tân hầu như biết về dân ca ví, giặm, đội văn nghệ quần chúng xã có nhiều giọng ca tốt thể hiện được nhiều làn điệu nên các sáng tác của ông được đem đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. 

          Sau thời kỳ bom đạn chiến tranh ấy,trong phong trào văn nghệ quần chúng không còn xuất hiện nhiều những khúc hát dân ca nhưng nghệ nhân Trần Minh Chính vẫn không từ bỏ mà càng quyết tâm hơn trên con đường thực hành và truyền dạy dân ca ví, giặm. 5 thể hát ví: phường cấy, phường vải, phường nón, đò đưa, giao duyên; 4 thể hát giặm Xứ Nghệ: giặm ru, cửa quyền, giặm nói, giặm kể; 3 thể hát vè, xẩm Xứ Nghệ: vè, xẩm Thuốc Bắc, xẩm Thuốc Nam và nhiều làn điệu khác đã được ông tìm tòi, nghiên cứu để sáng tác và biểu diễn. Tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng toàn quốc tại Hà Nội năm 1977, tiết mục đối ca “ Chung nhau câu hát ân tình” của ông đã đạt Huy chương Vàng.

          Ngày 27/11/2014, trong kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Pháp, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Hà Tĩnh. Vậy nên, sau sự kiện trọng đại ấy,nghệ nhân Trần Minh Chính đã truyền dạy cho rất nhiều thế hệ con cháu trong làng, trong xã cách hát các thể ví, giặm, vè, xẩm trong dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.  Ông luôn cố gắng để phát triển CLB dân ca xã Thạch Tân đồng thời thu hút được nhiều hơn nữa thanh thiếu niên đến với dân ca Nghệ -Tĩnh. 

        Liên tục trong nhiều năm, các tác phẩm của ông đã đoạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ quần chúng như tác phẩm "Bình yên trên mọi chặng đường", "Lời cảnh báo" đạt giải A tuyên truyền về ATGT khu vực Bắc miền Trung – Tây Nguyên các năm 2009, 2010; Nét đẹp người thầy giải A liên hoan văn nghệ quần chúng ngành Y tế năm 2012…Năm 2012, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Với ông, sự ghi nhận của nhân dân là phần thưởng xứng đáng nhất cho những nỗ lực, cố gắng của ông trong suốt những năm vừa qua.

          Với ông, gia đình là điểm tựa vững chắc nhất khi mọi người luôn ủng hộ, động viên ông trên con đường làm văn nghệ. Cậu con trai Trần Văn Lam của nghệ nhân Trần Minh Chính cũng được thừa hưởng giọng hát đầy mộc mạc, sâu lắng của cha; những bài hát dân ca anh thể hiện được rất nhiều lời khen ngợi từ các thính giả. 

      Góc làm việc nhỏ được nghệ nhân Minh Chính đặt cho cái tên “phòng truyền thống” . Đây không chỉ không gian sáng tác mà còn là nơi treo tranh ảnh tư liệu, Bằng khen, Giấy khen của ông.  

        Hiện giờ, ông chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục sáng tạo, làm việc, hoàn thành được những tác phẩm kịch dân ca đang còn dở dang để phục vụ cho các độc giả yêu dân ca ví giặm trong và ngoài tỉnh.

Linh Châu

. . . . .
Loading the player...