27-03-2019 - 07:37

HƯƠNG TRẦM( ghi chép của Lê Văn Vỵ)

Bây giờ đang tháng 12, sau đợt mưa dầm dề, liu riu rét, Phúc Trạch bỗng hửng nắng. Nắng chan lên trên những vườn cây dó trầm. Vườn cây dó trầm vươn tay, xòe mắt lá đón nắng.

         Tôi đang đi trong vườn dó trầm hai héc ta của gia đình anh Thái Văn Hướng thôn 5 xã Phúc Trạch, mở căng lồng ngực để hít thở không khí trong lành. Trong nắng ban mai, thoang thoảng mùi hương. Không nồng nàn, không thơm gắt mà nhẹ nhàng, phải tinh tế mới có thể cảm nhận được. Anh Hướng cho biết, tháng 12 trầm chuẩn bị thay lá để ra lộc vào đầu xuân. Khi những búp lộc, xòe lá xanh nõn cùng là lúc trầm nở hoa. Thường là vào dịp lập xuân. Vườn trầm nở hoa thơm ngát là dịp ong bay về hút nhụy lấy mật dập dìu cả một vùng. Gặp nắng lên, dó trầm phơi hoa, cả một không gian ngào ngạt. Tháng 4 là lúc những trái dó trầm treo lủng lẳng trên cành. Không còn mùi hương nõn nà của hoa, nhưng lại dịu dàng của quả. Mùa xuân là thời điểm dó trầm thơm nhất. Đi giữa rừng trầm như đi giữa rừng hương.
         Nhưng trầm thơm không chỉ ở hoa, ở quả, mà dó trầm thơm bềN bỉ, thơm lâu, thơm bất cứ mùa nào, nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, tối cũng như sớm chính là dó trầm qua thời gian gian đã kết tinh thành  lõi trầm. Vườn trầm 17 năm tuổi của anh Thái Văn Hướng đã có 1/3 cho trầm và bắt đầu thu hoạch mỗi cây từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

         Hàng ngàn cây ruột trầm, ngày đêm tỏa hương thơm. Tôi đã đi giữa rừng thơm với người nông dân miền rừng chân chất mà buông xả hết những bức xúc, những ẩn ức lâu nay để thụ hưởng cho hết những phút giây thư thái và an lạc. Anh Thái Văn Hướng đưa tôi đến từng gốc trầm mà anh đã chăm bẵm gần 20 năm nay. Anh nói với tôi rằng, có phải quê anh miền núi, xa xôi, mưa thối đất, nắng cháy trời, đất cằn đá sỏi nên trời đất ban lộc cho hai thứ cây đặc sản là bưởi Phúc Trạch và dó trầm.

         Không biết có ở nơi nào trên đất nước ta, người nông dân trở thành tỷ phú nhờ dó trầm như ở Phúc Trạch không? “Thổ nhưỡng là một phần, nhưng quan trọng nhất, chỉ có ở Phúc Trạch quê em, mới có loại sâu đục thân cây dó để từ đó, qua thời gian nhựa cây chảy ra kết lại thành trầm”.

Dó trầm 17 năm tuổi

         Tôi đã theo anh Hướng đi khắp vườm trầm để nghe, nhìn, ngắm và mỗi bước đi càng lạ lẫm bao điều. Hình như chỉ ở Phúc Trạch này mới có loại sâu đục thân này. Ôi, loại sâu đục vào ruột cây là chảy máu, mủ, phá hoại cây mà không có nó phá hoại thì không ra được thứ dược liệu kỳ diệu. Và trong rừng cây của anh Hướng không phải nơi nào cũng có loại sâu này. Những vạt trầm dưới chân núi phổng phao, xanh tốt như mũi tên lao thẳng lên trời, lại không bằng những cây trầm ở “mảnh đất vàng” sườn núi. Anh chỉ cho chúng tôi xem, những lỗ trên thân cây trầm đang chảy nhựa. Có những cây hàng chục lỗ, có lỗ sâu đang tuồn ra những bọt gỗ trắng xóa rơi xuống dưới gốc. Có lỗ nhựa chảy ra vón lại thành cục, như keo, thơm nức. Có lỗ sâu hoăm hoắn, đen thui. Đoạn anh Hướng lấy đục khoét vào lỗ rồi chỉ cho chúng tôi thấy những ruột trầm đen nhánh. Những cây dó trầm này được gọi là trầm tự nhiên. Trầm tự nhiên không phải do tác động của con người, mà do thời tiết khí hậu, đất đai, đặc biệt do một loài sâu đục thân tác động mà thành. Dân “ăn” trầm, nhìn vào cây trầm là biết. Trầm tự nhiên cao giá có khi gấp hai, gấp ba trầm nhân tạo.

         Trầm nhân tạo là những cây dó không có sâu đục thân, người làm vườn phải đục, tạo vết thương và bơm thuốc. Một thời gian sau, từ vết thương, những sợi thẩm đen gọi là trầm tốc. Từ trầm tốc đến trầm chỉ đợi ở thời gian. Điều kỳ lạ là thiên nhiên vốn bí ẩn. Dưới biển, cách hình thành ngọc của con trai cũng giống cách hình thành trầm của cây dó. Hạt cát xót lòng trai, chảy máu, qua thời gian thành ngọc. Cũng nhự dó trầm sâu đục thân, xót lòng cây, qua thời gian hóa trầm.

Vườm dó trầm 6000 cây của anh Hướng cho thu hoạch hàng chục tỷ đồng

         Thái Văn Hướng cũng đã nếm trải những năm tháng “ngậm ngải tìm trầm” . “Ngậm ngải tìm trầm” là câu lưu truyền trong giới đi cội. Ngải là bùa ngải phu trầm ngậm miệng khi vào rừng nhằm chống lại sơn lam chướng khí, tà ma, rắn độc tấn công. Đối với đồng bào dân tộc, ngải là miếng thuốc do thầy Mo bán. “Nhưng gần 10 năm đi cội, em không biết ngải là gì mà thay vÌ ngậm ngải, trong hành trang đi rừng chúng em đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc chống sốt rét, thuốc phòng rắn, rết , thuốc xoa chống vắt, muỗi tấn công”- Hướng nói.
         Ôm khát vọng đổi đời, nuôi giấc mơ làm giàu, Hướng đã liều mình ba lô, khăn gói, nhằm rừng xanh thẳng tiến. Đợt đi nhiều nhất hơn tháng, đợt ít nhất cũng 15 ngày.  Ban ngày,chân trèo đèo lội suối, mặt ngửa lên cây, săn lùng kỳ nam. Chân sưng vù, tứa máu. Đêm nằm trong lán dựng tạm. Đốt lửa lên thì muỗi và côn trùng như trấu bay đến.  Không đốt  lửa thì lạnh. Thời tiết nắng còn đỡ, mùa mưa,ẩm ướt, vắt nghe hơi máu đo đến. Có lúc mưa rừng, nước khe  tống như ma đuổi, lại bò, trườn lên trên núi. Mưa chan ướt lán tạm, khoác áo ni lông, đánh bạc với trời. Côn trùng đinh tai nhức óc. Thảng hoặc, khuya khoắt  giật mình  nai tác. Nỗi sợ vô cớ sởn gai ốc.

         Gần mười năm đi cội trầm mô nỏ thấy chỉ thấy ốm đau. Tuổi thanh niên cường tráng mà sốt rét xanh xao vàng vọt. Thỉnh thoảng lại nghe tin ông này, anh nọ bị trúng đạn phỉ, bác kia ở xã bên lạc đường, suýt chết, hay anh bạn lũ quét cuốn trôi. Toàn là những tin kinh hoàng, nhưng chỉ  khi Hướng đối mặt với ốm đau, anh mới nản  nghề đi cội.
        Ở đời, không chỉ có chuyện vợ chồng mà làm ăn cũng cần có cơ duyên. Cơ duyên mà Hướng gặp chính là năm 2001, Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Phúc Trạch ra đời. Đây là Dự án của Trung ương Đoàn giúp đỡ các hộ thanh niên xây dựng, phát triển vùng kinh tế mới Phúc Trạch. Bước đầu các hộ thanh niên được chia đất. Những hộ chọn đất  gần tuyền đường Hồ Chí Minh được một héc ta. Vợ chồng Thái Văn Hướng lại nhận đất ở đồi Chả Cam xa đường, xa trung tâm nhưng diện tích lại được được hai héc ta. “Có lẽ, những năm đi cội dó trầm đã ám ảnh em. Thức cũng như ngủ, em đều  mơ về những khúc trầm đen nhánh, thơm lừng,  đã khiến em không ngần ngại quyết định triển khai trồng dó trầm ngay. Trồng đồng loạt, một lúc hàng ngàn cây”.
         Vợ của Hướng, chị Phan Thị Hoa, đang làm ngoài vườn, thỉnh thoảng cũng góp chuyện . “Nói thế, chứ khi vào, cũng tay tam, tay tứ lắm. Chúng em cũng trồng xen khoai sắn, cam, chanh, chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò.  Năm đầu, nhờ chăn nuôi mà sinh sống. Đàn trâu bò hàng chục con. Cho nên nói lợn gà, trâu bò, và cây cỏ nuôi lớn dậy giấc mơ dó trầm là không ngoa tí nào”. Chị Hoa bổ sung.
Bây giờ 6000 cây dó trầm của vợ chồng đội viên Làng lập nghiệp TNXP đã 17 năm tuổi,  trong số đó 1/3 đã cho trầm và có thể khai thác thu hoạch, trung bình mỗi cây từ 4 đến 6 triệu đồng. Năm 2016, vợ chồng anh Hướng khai thác mấy chục cây, xây dựng nhà cửa khang trang. Còn lại, mỗi năm bán vài chục cây là đủ chi tiêu, đủ nuôi con ăn học. “Vừa rồi, em bán 20 cây hơn trăm triệu. Mua sắm hết nửa. Còn nửa số tiền, em mua bà con 20 cây gửi ở vườn, chứ để tiền cũng không biết làm chi”. Anh Hướng bộc bạch.
        Còn theo chị Hoa, ăn uống của cả nhà đều tự túc. Gà, vịt sẵn. Cá đầy ao. Rau trong vườn toàn rau sạch. Lúa gạo nhà tự sản xuất, nên không cần đến tiền. Nhà làm  một lần. Ti vi, tủ lạnh sắm cả rồi. Nên dó trầm không có nhu cầu bán. Thành thử vườn dó trầm; vườn vàng bạc cứ xanh tốt, thơm lừng cả một vùng đồi. Hai vợ chồng đội viên TNXP giờ nhàn nhã, ung dung, không phải “ho ra bạc., khạc ra tiền”, nhưng cần tiêu thì ngã cây trầm đã có bạc triệu. Khách ăn trầm thường xuyên, nên bán trầm còn dễ hơn bán bưởi Phúc Trạch. “Bù lại, những năm tháng lặn lội tìm trầm trong rừng, bây giờ ngồi nhà, ăn thịt gà, cụng ly, bước ra vườn là trầm trước ngõ, trầm sau vườn, cây nào cũng hứa hẹn cho lộc. Mà chẳng riêng gì nhà tôi. Ở Phúc Trạch, hàng chục hộ như vậy!”. Anh Hướng mộc mạc nói.
        Năm nay, vợ chồng anh Hướng lại tính toán có thể sử dụng phần giác dó trầm khi bóc lõi để làm nguyên liệu sản xuất hương trầm trong dịp tết đến, xuân về.

Lê Văn Vỵ

 

. . . . .
Loading the player...