23-07-2018 - 14:59

Ngã ba huyền thoại

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc. Văn nghệ Hà Tĩnh điện tử giới thiệu bài viết "Ngã ba huyền thoại" của nhà văn Phan Trung Hiếu được rút từ tuyển sách "Đồng Lộc - Ngã ba bất tử".

Một thời đạn bom

“Bố ơi! Cái gì gọi là bom?”. Nhà thơ Trần Ninh Hồ mở đầu bài thơ “Ghi ở Đồng Lộc” bằng câu hỏi của đứa con thơ dại khi được theo bố về thăm lại Ngã ba xưa. Chẳng cứ gì trẻ nhỏ, thế hệ sinh sau khi đất nước đã ngưng tiếng súng nay đã trên dưới bốn mươi chắc cũng có nhiều câu hỏi có khi còn ngây ngô hơn thế. Bây giờ, đến với Đồng Lộc, bạn sẽ được thấy rất nhiều bom được sưu tầm để trong kho, xếp thành hình máy bay đặt trước cụm tượng đài trong khuôn viên dưới chân đền thờ mới đang được xây dựng. Đó là những vỏ bom chưa nổ đã được tháo ruột rút ngòi, chỉ còn lại hình dạng vật lý như khi nó vừa được chế tạo xong ở đâu đó xa xôi bên kia Tây bán cầu. Những quả bom chồng xếp lên nhau, lặng lẽ hiền từ như một thứ đồ chơi, một vật trang trí lạ mắt cho khách tham quan chụp ảnh.

Trưa hè Đồng Lộc - Ảnh: Đình Thông

Từ những năm 1965, khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang ra miền Bắc, cùng với các vùng miền khác trong tỉnh, Can Lộc đã hứng chịu những trận bom ác liệt của kẻ thù. Hệ thống cầu cống, bến phà, đường sá trên đoạn quốc lộ 1A, 15A và tỉnh lộ 2 bị bom địch tập trung đánh đi phá lại nhiều lần. Địch muốn kiểm soát chặt chẽ và tiêu diệt các phương tiện vận chuyển chở khí tài, lương thực, thực phẩm trên đường chi viện cho tiền tuyến. Khẩu hiệu “Địch phá một ta làm mười”; “Xe chưa qua, nhà không tiếc” đã trở thành quyết tâm, hành động của mọi lực lượng đảm bảo giao thông vận tải.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở miền Nam, ngày 3/3/1968, Tổng thống Mỹ tuyên bố xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Chúng tập trung bom đạn đánh mạnh vào vùng Liên Khu Bốn nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam, cứu nguy cho quân Mỹ, ngụy đang sa lầy trên chiến trường. Trong khoảng từ ngày 4/3/1968 đến cuối tháng 10/1968, Mỹ đã trút xuống Liên Khu Bốn số đạn bom gấp 6 lần so với những năm trước đó. Cùng với cả tỉnh và nhiều vùng đất khác trong Liên Khu Bốn, Can Lộc đã phải gồng mình gánh chịu những đợt oanh tạc tàn bạo, thâm độc của kẻ thù. Ở đây, địch tập trung đánh phá quốc lộ 1A, từ cầu Treo đến cầu Già. Từ 20/4/1968, đường 1A bị chặt đứt, việc vận chuyển theo tuyến Bắc - Nam chỉ có thể đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Đây là giao điểm của tuyến tỉnh lộ 15A từ Nghệ An, qua Lạc Thiện thẳng lên vùng rừng núi Hương Khê, một tuyến là tỉnh lộ 2 nối vào quốc lộ 1A ở Ngã ba Giang. Ngã ba Đồng Lộc nằm chênh vênh giữa một bên là khu đồi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy trở thành trọng điểm huyết mạch giao thông và chứng kiến cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch.

Từ tháng 7 đến tháng 10/1968, máy bay địch đã đánh vào Đồng Lộc 1.863 lần, ném xuống gần 50 ngàn quả bom các loại. Bình quân mỗi tháng, chúng đánh tới 28 ngày đêm, có ngày tới 103 lần/chiếc với trên 800 quả bom các loại. Bầu trời Đồng Lộc chẳng mấy khi được yên tĩnh, luôn ầm ào tiếng rú rít của các loại máy bay và tiếng pháo súng của bộ đội phòng không ta bắn trả. Một vùng đất hẹp chưa đầy 0,6km2 bị cày đi xới lại bởi các loại bom đào, bom phá, bom khoan, bom nổ chậm. Đánh ngày chán, ban đêm chúng thả pháo sáng, rải bom bi, bắn rốc két, đạn 20 ly nhằm tiêu diệt lực lượng ứng cứu đường và uy hiếp, ngăn chặn các đoàn xe đang tranh thủ màn đêm vượt qua “toạ độ chết” hành tiến vào Nam. Cả Đồng Lộc bời bời khói lửa với những tiếng nổ chát chúa váng trời chuyển đất. Và trong từng cột khói đen ngòm ấy túa ra những mảnh sắt đen sì sẵn sàng gây thương vong, cướp đi sinh mạng của những con người bé nhỏ đang dũng cảm bám trụ tại mảnh đất này “cho những chuyến xe đi chở những chiến công về” mà không hề hay biết mình đang cùng đồng đội làm nên huyền thoại cho một Ngã ba bất tử.

Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc

Nhận biết được mức độ tàn khốc và âm mưu thủ đoạn thâm hiểm của kẻ thù, lãnh đạo Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương dồn sức cho Đồng Lộc để giữ vững huyết mạch giao thông, hạn chế mất mát hi sinh. Lực lượng trực tiếp chiến đấu có Trung đoàn pháo cao xạ 210 mới được điều từ Bắc vào, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của Tỉnh đội, một bộ phận của Tiểu đoàn 30 công binh Quân Khu Bốn và lực lượng dân quân du kích các xã quanh vùng. Ban đảm bảo giao thông tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải toả điểm chốt Đồng Lộc, hình thành các tổ quan sát đếm bom, cắm tiêu và phá bom, ứng cứu đường, thông tin liên lạc, điều hành giao thông và giữ gìn trật tự an ninh trong khu vực.

Tổng đội TNXP P18 do Tỉnh đoàn điều động và ngành Giao thông - Vận tải phụ trách đã điều động về đây 7 đại đội rải đều trên tuyến đường từ cầu Cơn Bạng đến Khe Giao. Ngành Giao thông - Vận tải cũng điều động về Đồng Lộc 1 tổ cơ giới giao thông do Uông Xuân Lý làm Tổ trưởng, 1 đại đội chủ lực cầu, 1 đại đội chủ lực giao thông, 3 đội công trình và 1 tổ máy gạt. Trong quá trình chiến đấu, đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc, những người dân và lực lượng dân quân du kích xã Đồng Lộc và các xã dọc kề cận theo tuyến đường 15 A đã tích cực tham gia giải toả giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn để các đơn vị đóng quân làm chỗ sinh hoạt nghỉ ngơi, làm nơi cứu thương, làm kho, mở đường xế, đường tránh.

Chỉ trong 7 tháng của năm 1968, 14 máy bay Mỹ bị bắn cháy trên bầu trời Đồng Lộc. Các lực lượng đã phối hợp phá được 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến đường mới từ Khiêm Ích qua truông Kén, Bãi Dịa dài 6km. Quân và dân các xã đã đóng góp 185.450 ngày công với 42.620 lượt người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Tổng quân số cao điểm nhất trên mặt trận có lúc lên tới 16 ngàn người.

Trong cuộc chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu cho ý chí kiên cường, không ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Đó là hình ảnh nữ anh hùng La Thị Tám - người con gái sông La ngày ngày đứng trên đỉnh đồi cao, tay cầm ống nhòm, vai khoác áo nguỵ trang, bình tĩnh quan sát đếm bom và chỉ chờ máy bay địch vừa đi là lao xuống trận địa cắm tiêu vào vị trí bom nổ chậm cho đồng đội đến rà phá. Suốt 200 ngày đêm, mình chị đã đánh dấu 1.205 quả bom nổ chậm. Anh hùng Nguyễn Tri Ân - Đại đội trưởng TNXP đối mặt với hiểm nguy, dũng cảm bám trận địa, cùng đồng đội rà phá 545 quả bom các loại. Anh hùng cảnh sát giao thông Nguyễn Tiến Tuẩn dũng cảm chỉ huy thông tuyến, cứu xe, cứu hàng, cứu người và giữ gìn trật tự an ninh vùng trọng điểm. “Vua” phá bom - dũng sĩ Vương Đình Nhỏ chỉ huy cả tiểu đội phá được 529 quả bom các loại, trong đó tự mình rà phá được 198 quả, lấy được 620 kg thuốc nổ. Ngã ba Đồng Lộc cũng đã chứng kiến cuộc chiến đấu ngoan cường của Trung đoàn pháo cao xạ 210, Tiểu đoàn pháo cao xạ 8 đã đánh trên cả ngàn trận, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, buộc lũ Thần sấm, Con ma phải ném bom ở tầm cao, hạn chế tổn thất, hư hại về người và đường sá. 122 đồng chí đã hi sinh, 259 đồng chí bị thương trong chiến đấu… Và những chiến công của tổ máy gạt Uông Xuân Lý, tổ máy gạt 1 - Cục công trình I với nhiệm vụ san ủi đất, sửa đường cho xe qua. Họ đã trợ giúp khi xe tải bị lật úp xuống hố bom, xuống ruộng nước, đối mặt với tử thần dùng xe xúc bom gạt xuống hố sâu để công binh đến phá nổ. Đó còn là các chiến sĩ TNXP 551, 552 gan dạ kiên cường mà tiêu biểu là tập thể mười cô gái đã anh dũng hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Mười nấm mộ - mười phím đàn dưới cỏ

Trong khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, bên cạnh dấu tích hố bom thù là khu nghĩa trang liệt sĩ dành riêng cho mười cô gái thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55. Trên từng nấm mộ nhỏ trắng toát phủ đầy hương hoa là những bức chân dung được khắc chạm vào đá cùng với những dòng chú thích về năm sinh, quê quán: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Võ Thị Hà. Ở thời điểm 1968, họ còn là những thiếu nữ mười chín, đôi mươi, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ 24, trẻ nhất như Võ Thị Hà mới sang tuổi 17. Giờ đây, qua nhiều lần dời chuyển, những ngôi mộ được xếp thành hàng như khi còn sống các cô vẫn thường đứng tập hợp điểm danh trước khi vác cuốc xẻng ra đường làm nhiệm vụ. Trong cái nắng oi ả của một chiều đầu hạ, tôi hoà vào đoàn khách cựu chiến binh của một tỉnh nào đó đang làm lễ dâng hương nơi khu mộ. Đoàn người đông thế mà vẫn trật tự, trang nghiêm. Trong lặng lẽ, chợt âm âm từ đâu đó vọng lên câu chuyện bi tráng của một thời…

Trước khi được điều về Đồng Lộc, Tiểu đội Võ Thị Tần làm nhiệm vụ ứng cứu đường 15A, hết phà Địa Lợi, cầu Cháy, Phú Lễ đến đoạn cầu Tùng Cốc sang Đức Thọ. Tháng 4 năm 1967, Tiểu đội được tăng cường về cho Đồng Lộc và được bổ sung thêm quân số. Đại đội 552 đóng quân tại xã Thanh Lộc, cách Ngã ba Đồng Lộc chừng 2 km. Tiểu đội 4 do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng ở trong các nhà dân trong làng. Ngày 24/7/1968, suốt buổi sáng, máy bay địch kéo tới, bắn phá các đoạn đường quanh Ngã ba Đồng Lộc. Hai quả bom thả trúng đích làm con đường bị hư hỏng nặng. Lệnh đột xuất của Đại đội cần phải xuất quân để san lấp mặt bằng cho đêm xe thông tuyến. Tiểu đội 4 không ngần ngại ra quân, cuốc xẻng trên tay, hối hả xúc đào giữa ánh nắng chói chang của chiều hè. Sau mấy lần cho máy bay trinh sát điện tử A35 thám sát, một tốp máy bay phản lực ào tới dội bom. Cả tiểu đội nhanh chóng kéo nhau nép mình vào sườn đồi trú ẩn. Sau mù mịt khói bom, mười cô rũ đất bụi đứng lên tiếp tục công việc còn dang dở. Tiếng hát hò, cười đùa lại vang lên. Bỗng máy bay địch bay vòng trở lại. Một quả bom rơi trúng ngách hào trú ẩn đã vùi kín họ. Khói bom, bụi đất tan dần nhưng không thấy một ai trong số mười cô đứng dậy. Không còn tiếng ca hát cười đùa. Cả trận địa lặng đi, chỉ oà vỡ nghẹn ngào tiếng khóc. Cả một tiểu đội nữ trẻ trung bị xoá sạch phiên hiệu là một tổn thất quá lớn. Suốt chiều, đêm hôm đó, ngày hôm sau và cả ngày sau đó nữa, đồng đội mới bới tìm đủ các thi hài của mười cô đem về chôn cất nơi Bãi Dịa thuộc xã Xuân Lộc. Sau ngày đất nước thống nhất, phần mộ các cô chuyển về nghĩa trang liệt sĩ đặt tại xã Thiên Lộc - quê hương của cô Võ Thị Tần. Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 27/7/1990, huyện Can Lộc đã cất bốc phần mộ các cô đưa lại về nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc ngay bên cạnh hố bom - dấu tích tội ác của kẻ thù.

Vậy là đã 28 năm kể từ ngày các cô về lại nơi đây, xếp hàng thành đội ngũ. Những ngày này về thăm lại Ngã ba xưa, du khách khó lòng hình dung ra quang cảnh ác liệt của một thời máu lửa. Nhiều năm qua, bao hạng mục công trình đã mọc lên: Tượng đài chiến thắng, biểu tượng cho sức mạnh, ý chí quyết thắng của quân và dân đã làm nên chiến công Đồng Lộc; biểu tượng của ngành Giao thông - Vận tải; cụm điêu khắc hoành tráng, Nhà bia tưởng niệm TNXP có khắc tên 1950 anh hùng liệt sĩ trong toàn quốc trong đó có nhiều người đóng góp máu xương cho Ngã ba Đồng Lộc. Trên dấu tích của những hố bom chi chít, nham nhở ngày nào, mảnh đất Đồng Lộc đang được hồi sinh. Con đường 15A, tỉnh lộ 2 đã được lát đá, rải nhựa như lớp da non mịn màng, tươi mới.

Gần đây, nhân đợt đưa đoàn văn nghệ sĩ lên thực tế sáng tác tại Đồng Lộc, tôi được các đồng chí trong Ban Quản lý Khu di tích cho hay, nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đang gấp rút triển khai nhiều công trình, hoạt động có quy mô lớn. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nội dung chương trình nghệ thuật, dự định sẽ thêm nhiều công trình mới: Đền thờ Đồng Lộc, tôn tạo lại biểu tượng của ngành Giao thông - Vận tải tại Ngã ba; chỉnh sửa lại phòng sa bàn điện tử; mở rộng bãi đỗ xe; xây dựng hồ sinh thái và nhiều công trình liên quan đến việc chuẩn bị cho sự kiện thành lập thị trấn Đồng Lộc.

Trong gian phòng trưng bày truyền thống, tôi đã dừng lại rất lâu ở một ngách phòng nhờ nhờ tối, phải treo kính lên để nhìn cho thật kỹ những gì của mười cô còn để lại: đôi dép cao su, bộ quần áo giản dị, niêu kho cá móp méo, chiếc lược sắt chải đầu, sổ ghi bài hát… Đặc biệt, tôi đọc kỹ từng con chữ trong lá thư cuối cùng đề ngày 19/7/1968 mà chị Võ Thị Tần gửi về cho mẹ: “…Ở  đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim của chúng con…”. Một bằng chứng sống động về tinh thần lạc quan, yêu đời, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Bức thư này gần đây đã được khắc lên tấm bia đá to dưới vòm cây xanh mát đối diện với cửa phòng truyền thống, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Gần trưa, đoàn chúng tôi kéo nhau ra hồ Trại Tiểu. Anh Tứ, Phó Ban Quản lý Khu di tích cho chúng tôi hay những năm gần đây, lượng khách đến thăm Ngã ba Đồng Lộc ngày một tăng. Năm 2017, Đồng Lộc đón gần 300 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Chỉ riêng chưa đầy 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách kéo về đây đã hơn 150 ngàn người. Mấy chục năm qua, rất nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng đã về đây. Và đông hơn cả vẫn là các đoàn khách cựu chiến binh, cựu TNXP, thanh thiếu niên trong và ngoài tỉnh. Vậy nhưng cơ sở hạ tầng để đón khách ở đây vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sự gắn kết giữa những gạch nối của một địa chỉ du lịch lịch sử - văn hoá - tâm linh.

Đồng Lộc vẫn bát ngát một màu xanh, điểm thêm màu tím thuỷ chung của những bông sim mua nở rộ đầu hè. Giờ đây, cái khao khát có bóng cây che của những linh hồn đã khuất chắc đã dịu đi nhiều. “Lời thỉnh cầu ở Ngã ba Đồng Lộc” mà nhà thơ Vương Trọng mượn lời các cô đã vọng tới cõi dương. Với tấm lòng tri ân lịch sử, những người còn sống đã làm những gì có thể. Những gốc thông, tràm, xoài, na, nhãn… đã làm khu đồi trọc xưa kia không còn chói chang, rát bỏng. Cây bồ kết mà anh  hùng Nguyễn Tiến Tuẩn trồng cách đây hơn 20 năm nay đã cao lớn xanh um. Trong khu nghĩa trang phủ đầy bóng mát, khói hương vẫn nghi ngút cháy, vẽ vào nắng, vào màu xanh của lá những hình thù bí ẩn. Nép mình bên triền núi Trọ Voi, mười ngôi mộ bé nhỏ phủ đầy hoa xếp hàng trang nghiêm lặng lẽ. Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng khi về thăm Đồng Lộc đã tưởng tượng ra đấy là “Mười phím đàn dưới cỏ” để giờ đây tôi bỗng thấy ở đó đang vọng lên khúc bi tráng của một thời mà sự dâng hiến tuổi xuân xanh là những viên đá lát để làm nên con đường chiến thắng.

 Tháng 6/2006 - 2018

Đêm Đồng Lộc - Ảnh: Đậu Bình

. . . . .
Loading the player...