29-01-2023 - 14:07

Năm Mão nói chuyện mèo

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) trân trọng giới thiệu bài viết “Năm Mão nói chuyện mèo” của Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Tôi sinh năm 1939, tuổi Mão; lí lịch nhà văn, nhà báo và công chức ghi rành rành như thế, chứ không phải năm Mão đến rồi “sửa lí lịch” để… “ăn theo ba con mèo” mô! Mà tục ngữ có câu “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”, theo ba con mèo thì ăn cái chi! Người xưa nghĩ vậy có lẽ vì nhà giàu mới hay ăn nhậu, vứt xương ra vườn nên chó thường mò đến; còn nhà nhiều chuột đục khoét thì ắt phải nghèo nên được mèo ghé “thăm!...

Tuy vậy, trải đời đến 7 “nhiệm kỳ” … mang niên hiệu Mão, lên tuổi 84 (muốn cho vui thì nói ngược là  48 tuổi!) chẳng hy vọng được “cơ cấu” vào “ghế” nào nữa, nhưng có thể “tự phong” mình có quyền bàn về… Mèo!  Ngẫm ra, trong số những con vật gần gũi với con người, con mèo không đứng vị trí thứ nhất thì cũng nhì. Chỉ riêng việc chú mèo có đặc quyền thỉnh thoảng “chung chăn” với con người lúc trời mưa rét cũng đủ để xếp chú đứng ở thứ bậc cao trong mối quan hệ với con người. Cũng vì vậy, trong thành ngữ và tục ngữ có nhiều câu nói đến con mèo khá thú vị.    

Mão (2) - Mùa hạnh Phúc. Khắc gỗ màu. Tranh: TRẦN GIANG NAM     

Người ta nuôi mèo trước hết để bắt chuột. Cặp “mèo” và “chuột” thường được ví như người canh gác, bảo vệ và bọn đục khoét của công. Người canh gác mà tinh nhanh, khéo giấu mình và kiên nhẫn “rình như mèo rình chuột”, thì lũ ăn cắp bòn rút công quỹ sớm muộn cũng bị tóm cổ. Thế nhưng lại có cảnh “chuột gặm chân mèo”! Thực ra, một câu mà 3 tình thế: 1- Lũ chuột táo tợn dám gặm chân mèo; 2- Chú mèo lười nhác hoặc “ngủ quên” mất cảnh giác, chuột tới gặm chân mà không biết; 3- Một cách nói mỉa mai : “Đồ chuột mà đòi gặm chân mèo!” Một nghịch cảnh phi lý, nhưng ở không ít vụ án tham nhũng, buôn lậu, có những chức sắc mang trọng trách canh gác tài sản của nhân dân đã thoái hóa, đồng lõa với bọn tội phạm phải ra tòa trong những năm gần đây thì bọn chúng còn tệ hơn chú mèo bị chuột gặm chân; bọn chúng khác chi đã bị “chuột” moi tim và móc cả mắt! Cũng có thể một phần vì có kẻ “mang thịt đến miệng mèo”, hoặc vì “mỡ để miệng mèo” (mà con người ta mấy ai bỏ hết được lòng tham) thấy vàng, đô-la thì “như mèo thấy mỡ”; nhưng chủ yếu vì bọn chúng là lũ “mèo già hóa cáo”, hoặc là “mèo đàng chó điếm”, “mèo mả gà đồng”. Bây giờ trong tù thì bọn chúng “tiu nghỉu như mèo bị cắt tai.”

Mèo nhỏ bắt chuột con” hoặc “mèo nhỏ bắt chuột to” thì không chỉ đề cập đến cặp “meò” và “chuột” mà là lời khuyên với tất cả mọi người rằng đừng có gánh vác công việc, chức vụ vượt quá sức lực và trình độ của mình. Có điều ở đời, đôi khi “mèo mù vớ cá rán”, có những anh chàng vô tích sự lại được giữ vị trí “ngon lành”. Quả là chưa “biết mèo nào cắn mỉu nào”! Dù hơn thua thì chúng vẫn cái tật “mèo khen mèo dài đuôi”!

Con mèo cũng hay được “cặp đôi” với con chó. Chắc là vì chúng đều gần gũi với con người. Các bà mẹ nhắc con trẻ cất giữ đồ ăn hàng ngày, muốn an toàn thì phải nhớ “chó treo mèo đậy”. Tạo hóa sắp đặt mèo và chó thường ở bên nhau và đều gắn bó với con người, nhưng lại thường ở thế đối lập hoặc loại trừ nhau. Có lẽ vì ghen ăn và có khi vì ganh tị do tình cảm thiên lệch của chủ, chúng thường gây sự cắn nhau. Con người ta cũng vậy. Anh em một nhà, người cùng một cơ quan, cùng một ngõ xóm mà hay ganh ghét, không biết nhường nhịn nhau thì bị thiên hạ coi khinh là ”ăn ở như chó với mèo”. Còn loại người không thấy khuyết tật của mình, chỉ nhằm chỉ trích nhược điểm của người khác thì chẳng khác gì “chó chê mèo lắm lông”. Những kẻ tính nết khó chịu, khi bực bội với bà con bạn bè mà không tiện nói thẳng trước mặt nhau thì có cách bóng gió “chửi chó mắng mèo”, “chửi mèo quèo chó”. Còn ai đó do bị “gửi gắm”, vớ phải các “quý tử” vô tích sự, lười nhác thì chỉ biết than thầm: Không có chó bắt mèo ăn cứt!”. Chuyện thậm vô lý, bực quá, mèo không may bị kéo vô cuộc  “ăn bẩn”, chứ “tiểu hổ” đâu phải là giống tạp ăn. Tôi đã nhiều lần chứng kiến bọn chuột bị mèo tiêu diệt rồi bỏ đó, chứ không thèm ăn. Vậy nên các cô gái khảnh ăn, hay ăn uống nhỏ nhẹ thường được mắng yêu là “ăn như mèo”! Có lẽ cũng vì vậy mà một số gia chủ “quên” cho mèo ăn cũng không mấy bận tâm. Trong nhà “cơm treo mèo phải nhịn”, “cá treo mèo nhịn đói”. Đã đói, đầu gối phải bò, thế là đôi khi mèo ta phạm tội ăn vụng. Con người có lòng tự trọng thì khác, “đói cho sạch, rách cho thơm”, nhưng sự đời cái gì cũng có “ngưỡng” của nó, những hiện tượng bất ổn trong xã hội, phần nhiều do “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Dù không thể bào chữa hay bênh vực cho tội ăn vụng và trộm cắp, nhưng nếu chịu nhìn xa và suy ngẫm thì cũng nên biết trên hành tinh xanh này đã có những vùng đất hầu như không còn nạn chôm chỉa, chụp giật! Đã đành, nhờ con người được giáo dục tử tế từ thuở ấu thơ, nhưng quan trọng hơn, có khi do thể chế đề cao sự công bằng và nhân ái. Ở những nơi đó, làm gì còn tình trạng “mèo tha miếng thịt xôn xao - Hùm tha con lợn thì nào thấy chi!”

Thế đó!.Nói con mèo mà đâu phải chuyện mèo. Cứ lắng nghe dân chúng xôn xao sau không ít phiên tòa xử bọn tham nhũng thì rõ. Nhiều khi người thợ túng thiếu nhỡ lấy lon xi măng hay mẩu sắt vụn thì bị kỷ luật gắt gao, rồi vụ án trộm 3 con vịt chịu mấy năm tù; trong khi các “sếp” đục khoét rỗng cả nhà máy, mua bán hàng dỏm gây tổn hại sức khỏe và sinh mạng cả ngàn vạn con người lại được hưởng án treo hoặc vẫn “hạ cánh an toàn”!

Năm Mão đến khi con mèo đang dần ít đi vì các quán nhậu “tiểu hổ” và dịch vụ “xuất khẩu”, đành phải cậy đến những “con mèo” trong ngôn từ tổ tiên để lại, may chi dọa được bọn “chuột” đang lộng hành chăng? Cũng may là gần đây tôi bỗng… phát hiện mấy nữ sĩ xinh đẹp, viết văn hay lại thích nuôi mèo và vẽ mèo rất đẹp, nên thỉnh thoảng ông lão tuổi Mão này lại “liếc” xem cho thêm nhuệ khí để góp chút sức già vào cuộc chống bon “chuột” đục khoét công quỹ đang lên cao trào ở khắp nơi!

N.K.P

. . . . .
Loading the player...