Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn 2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Mùa xuân và chùm thơ Pác Bó của Bác Hồ” của Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Hà Quảng
Năm 1944, khi “nhà lao mở cửa” Bác thoát nhà tù Tưởng Giới Thạch về lãnh đạo cuộc kháng chiến.Tình hình nước ta lúc này “dân một cổ hai tròng áp bức”, cả Pháp và Nhật tìm mọi cách vơ vét đục khoét, bọn quan lại Nam triều càng trở thành vô dụng và đê mạt. Vận nước tưởng như đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Nhưng chính lúc này, những người cách mạng chân chính, những đầu óc sáng suốt đã dự cảm được một tương lai đầy hứa hẹn, một điều kiện chín muồi, một thời cơ cách mạng “ngàn năm có một” đang dần đến. Bác đã về nước trong thời điểm ấy và đã dự đoán: “45, cách mạng ắt thành công!”.
Mùa Xuân năm Tân Tỵ (2-1941) Bác về Pác Bó, đến tháng 5, Bác chủ tọa Hội nghị trung ương lần thứ 8, thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Những ngày tháng nóng bỏng, nhưng tâm hồn Bác ung dung tự tại, vẫn gửi gắm nỗi niềm vào những vần thơ. Chùm thơ Tức cảnh Pác Bó, Pác Bó hùng vĩ được viết trong thời gian này.
Non xa xa, nước xa xa.
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê- nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
(Pác Bó hùng vĩ)
Thi tứ của bài Pác Bó hùng vĩ được gợi ý từ một mảng đời thực nơi Người ở đầu tiên khi về nước hoạt động là núi rừng Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, với một tâm hồn lớn lao và một bút lực dồi dào, ngôn ngữ tươi mát tác giả đã để lại cho chúng ta một bài tứ tuyệt thật sáng đẹp! Bài thơ là một lời ngợi ca, là một sự khẳng định: Cách mạng, cứu nước là một sự nghiệp vĩ đại, nó sẽ thành công, sẽ thắng lợi dẫu ban đầu còn rất nhiều khó khăn.
Non xa xa, nước xa xa, bài tứ tuyệt mở đầu bằng một câu thơ miêu tả Tổ quốc thật đẹp. Câu thơ có nhạc mà cũng có hình, gợi lên một khung cảnh mênh mông bát ngát, “non” “nước” đây vừa là non nước ở Pác Bó nhưng cũng chính là “non sông đất nước”. Ở nơi địa đầu Tổ quốc, Bác ngắm nhìn thiên nhiên và xúc cảm trào dâng, xúc cảm vì cảnh đẹp Pác Bó đã đành, nhưng còn có một suy ngẫm xa vời về đất nước. Ở nơi địa đầu này chắc Bác đã “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” mà bồi hồi tấc dạ, câu thơ bởi vậy như có cái gì mờ ảo, như lâng lâng! Câu thơ lục ngôn với 4 điệp từ “xa”, nhịp cân đối 3-3 với 5 thanh bằng liên tiếp và 1 thanh trắc đã tạo ấn tượng sâu sắc nơi cảm quan người đọc!
Nào phải thênh thang mới gọi là. Câu thơ tiếp theo này từ trước đến nay chưa được hiểu một cách thống nhất. Nhiều người cho rằng câu thơ nói về khách quan, tức là về khung cảnh Pác Bó, có người lại cho câu thơ chủ yếu nói về chủ quan tức là tâm trạng của tác giả. Tuy nhiên, toát lên ở cả hai cách hiểu đều có một nét chung, đó là sự cao đẹp về cái “chỗ đứng” và “tầm nhìn” của chủ thể. Non nước muôn trùng trong tầm nhìn, trong cảm nhận, nhưng bàn chân thì mới đặt được lên một hang núi cỏn con (hang Cốc Pó). Câu thơ không nói hết ý, vì hiện thực đang có nhiều dữ kiện, tiềm ẩn. Tâm hồn phóng khoáng, tầm nhìn xa rộng của Bác không đợi có sự “thênh thang” của không gian mới bộc lộ, hang Cốc Pó tuy nhỏ hẹp nhưng Bác vẫn thấy thênh thang là vậy. Và đối với người đọc, tuy Cốc Pó bé nhỏ là vậy, đơn sơ là vậy nhưng trong tâm tưởng mọi người dân Việt vẫn cao rộng và đẹp đẽ vô cùng vì nó gắn với một mảnh đời của Lãnh tụ kính yêu. Chợt nhớ một ý trong câu nói của người xưa: Sông không cần sâu, núi không cần cao, chỉ cốt nơi ấy có rồng ở… Hai câu thơ này đã tạo được một tâm thế đầy xúc động cho người đọc.
Hai câu thơ tiếp theo là lời bộc lộ đầy khẳng định về điều kiện và sự thắng lợi của cách mạng. Ở đây tác giả khéo sử dụng cái lối nói xen kẽ nghĩa đen (nghĩa cụ thể) và nghĩa bóng (nghĩa tượng trưng) trong văn học dân gian quen dùng Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà. Suối Lê-nin, núi Các Mác là ngọn núi và con suối có thực ở địa phương, trước hang Cốc Pó đã được Bác đặt tên khi đến ở. Đây là một câu thơ tả thực, nhưng kết hợp với câu thơ sau, nó có thêm một ý nghĩa tượng trưng: sự đề cao một học thuyết cách mạng về giải phóng giai cấp, dân tộc.
Hai tay xây dựng một sơn hà: Đã có học thuyết Mác - Lê-nin soi đường, có lực lượng nhân dân hậu thuẫn, con người chỉ cần có ý chí, có nghị lực hành động là có thể đưa cách mạng đến thành công. Câu thơ có một cấu trúc đăng đối và một so sánh có tính tượng trưng Hai tay - xây dựng - một sơn hà. Sự so le giữa con số hai (hai tay) và con số một (một sơn hà) cho ta thấy tất cả sự to lớn của nhiệm vụ cách mạng, sức nặng của một sơn hà đối với ý chí, sức mạnh, sự cố gắng tầm vóc của hai bàn tay con người. Nhưng sức nặng ấy người cách mạng vẫn có thể làm nên khi có ý chí để hành động và một học thuyết khoa học sáng suốt dẫn đường! Câu thơ đề cao một chân lý triết học quan trọng của Cách mạng, của Chủ nghĩa yêu nước. Bài thơ không chỉ là một bộc bạch tâm tư, mà còn là một lời tiên tri cách mạng. Cái kỳ diệu của tâm hồn, của trí tuệ, của nghị lực Bác đã tỏa ánh sáng cho các câu chữ, giúp ta hiểu thêm tính chất “sáng nghiệp”, ý nghĩa “tiên tri” của bài thơ.
Rồi bao mùa xuân đi qua với bao gian khổ Người đã trải qua trên mảnh đất đầu nguồn đó mà Bác ghi lại Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng (Tức cảnh Pác Bó). Hai mươi năm sau cũng vào một mùa xuân, năm Tân Sửu (20-2-1961), trở lại Cốc Bó, nơi Bác ở ngày xưa bên nguồn suối Lê-nin và núi Mác Bác viết tiếp bài thơ sau:
Hai mươi năm trước ở nơi này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay…
(Không đề)
Có đọc những dòng hồi ký, chiêm nghiệm những ngày tháng “cháo bẹ rau măng”, “sớm ra bờ suối tối vào hang” với bao gian khổ “vẫn sẵn sàng” để tiếp nhận bài thơ 20 năm sau Bác viết này, ta mới thật thấm thía với những dự cảm lớn lao của Người ở bài thơ trước.
Năm 1911, Bác xuống tàu rời nước với hai bàn tay trắng, một nghị lực, một ý chí lớn lao; 1941 (ba mươi năm sau), Bác trở về Tổ quốc ngoài ý chí, nghị lực còn có thêm học thuyết Mác - Lênin soi đường làm cách mạng đánh Nhật - Tây; 1961 (hai mươi năm nữa), có được “giang sơn gấm vóc”. Năm mươi năm, một ý chí, nửa thế kỷ mới hoàn thành một sự nghiệp. Đằng sau những dòng thơ là một cuộc đời, một cuộc đời quá ư lớn lao, những áng văn thơ như vậy thật sâu nặng, mỗi lần đọc lại, lại thấy lấp lành thêm nhiều ý nghĩa!.
H.Q