Đúng hẹn, tôi đến gặp Trung tá, bác sĩ Lê Thanh Hà, Chủ nhiệm Quân y Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh. Dẫu công việc bộn bề anh vẫn cố gắng thu xếp để gặp tôi, nhất là khi nghe tôi muốn hỏi chuyện về những ngày ở Lào, anh như vui hẳn lên. Câu chuyện cứ thế trôi đi trong không gian mát mẻ và mùi thơm cafe thấm đẫm...
Năm 1990, chàng sinh viên Lê Thanh Hà vừa tốt nghiệp Học viện Quân y liền xung phong vào Bệnh viện 211 ở Gia Lai. Anh sinh ra ở Hà Tĩnh, là con trai cả trong một gia đình nhà giáo nên cuộc sống khá chật vật. Bảy năm ở Tây Nguyên là bảy năm anh tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm và rèn luyện phấn đấu. Những kinh nghiệm đường rừng, trèo đèo vượt dốc khó khăn mà anh nghĩ rằng sẽ không gặp lại khi anh được cử đi học chuyên khoa cấp I tại Học viện Quân y và hai năm sau khi ra trường được chuyển về làm Bệnh xá trưởng tại Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh. Ấy vậy mà những kinh nghiệm đó đã trở thành bảo bối khi anh và đồng đội nhận nhiệm vụ tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào.
Những đợt lên đường của đội quy tập các anh trên đất bạn Lào đều được tiến hành vào mùa khô, bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào trung tuần tháng 5 hằng năm. Chuyến đi đầu tiên vào tháng 11-2003, đội có 75 người do Thượng tá Nguyễn Xuân Nga làm đội trưởng. Mùa khô, rừng Lào chìm trong nắng gắt và bụi đỏ. Những cơn gió mang hơi nóng hầm hập chạy trên những tán rừng chết cháy. Dọc tuyến đường từ cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đến Pạc San-thủ phủ tỉnh Bolykhămxay - nơi đặt đại bản doanh của đội quy tập, đất đai bạc màu xám xịt. Những con suối chạy uốn lượn từ đỉnh Trường Sơn đổ ra dòng Mê-kông hùng vĩ, mùa mưa tựa như những con thú dữ gầm rú liên hồi như có thể nuốt chửng tất cả những gì trước mắt, ấy vậy mà mùa khô, khi những chiến sĩ Việt Nam đặt chân sang thì không còn những con suối ấy nữa, có chăng chỉ là những lạch nước nhỏ chảy quanh những khu rừng nứt nẻ. Dưới cái nắng đến cháy da thịt suốt mùa khô, họ không quản ngại trèo đèo, lội suối, băng rừng, quyết tìm cho được mộ của đồng đội đang còn nằm rải rác đâu đó bên bờ sông, bên khe suối hay trong um tùm những trảng cây bụi mịt mù.
Nụ cười lạc quan của các chiến sĩ
Địa bàn hoạt động của đội quy tập thuộc vùng Trung Lào, là vùng núi hiểm yếu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là căn cứ chiến lược của mặt trận Nam Lào và Thượng Lào. Các lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam sau khi vượt Trường Sơn đi làm nhiệm vụ quốc tế đều tập kết tại đây, vì thế khu này trở thành điểm đánh phá ác liệt của địch. Anh em ta hy sinh rất nhiều nhưng lại rải rác nên việc tìm kiếm hài cốt gặp rất nhiều cản trở.
Trong những chuyến đi ấy, không ít những đồng đội của anh đã gặp phải những chấn thương, bệnh tật và những tai nạn không tránh khỏi. Lúc đó, công việc của một bác sĩ quân y càng nặng nề thêm. Người bác sĩ phải vừa là y sĩ, vừa là hộ lý lẫn y tá tận tình chăm sóc sức khoẻ để đồng đội của mình có thể vượt qua những cơn đau do chấn thương, bệnh tật để tiếp tục công việc đang còn dang dở phía trước…
Hồi tưởng của anh dắt tôi đi hết những con đường, những cánh rừng, những bản làng heo hút mà anh đã qua. Những địa danh lạ lẫm phút chốc trở nên quen thuộc, gần gũi: xậm Xoọc, Na Bon, Thiêng Voong, Pạc Xăn, Pù Ngu, Khăm Cớt, Xay chăm phon, Bolykhămxay… Anh kể tên không biết bao nhiêu là địa danh của đất bạn Lào một cách thuần thục, không ấp úng như hẳn những làng đó, bản đó đã in đậm trong tâm trí anh tự bao giờ.
Tháng 3 hàng năm là thời điểm bắt đầu khô nắng ở đất nước Lào. Khi mực nước sông Mê-kông đang khô cạn thì tình trạng khô hạn trên đất nước này càng diễn ra nghiêm trọng. Cả nước Lào là một bình nguyên khô cháy với những nhánh sông cạn khốc. Khi vừa qua cửa khẩu Cầu Treo, những nhánh sông ở huyện Khăm Xớt, tỉnh Bolykhămxay đã hiện ra trơ lòng bên cạnh những cánh đồng thiếu nước canh tác trơ khấc, đất rắn như đá tảng đến nỗi xe ô tô có thể đậu ngay dưới lòng sông và trẻ con bản xứ có thể lội từ bờ bên này qua bờ bên kia như đi trên một con đường lổn nhổn đá cuội. Đường các anh đi mịt mù, đỏ au bụi đất, hai bên đường thấp thoáng những bản người Lào thưa thớt ở. Khung cảnh trầm mặc buồn tẻ và oi bức đến rợn người. Hàng cây lặng im, rũ bóng. Không một cơn gió nào đi qua, mặc dù gió ở Lào cũng chỉ làm kết tinh những hạt mồ hôi trắng như vãi muối trên lưng áo bạc màu của người chiến sĩ. Hành trình gian khổ của anh và đồng đội được bắt đầu từ những chuyến đi. Do điều kiện chiến tranh nên khi các chiến sĩ hy sinh, thi hài thường được đồng đội mai táng ngay tại chiến trường. Theo thời gian, cỏ lau, cây cối mọc lên um tùm, việc tìm kiếm vô cùng khó khăn. Mồ hôi thấm đẫm vai áo mọi người mà hài cốt liệt sĩ vẫn bặt vô âm tín. Việc tìm mộ chủ yếu dựa vào tin báo của những người dân bản xứ, những người nhớ rõ nhất, nhiều nhất lại là những tàn quân phỉ. Sau khi được giác ngộ, họ trở thành những “người dẫn đường” đưa các anh trở lại những vùng núi non hiểm trở để tìm cho được mộ của những người do chính đồng bọn của họ giết hại cách đây vài chục năm...
Các anh thường phải hành quân bộ hàng mấy chục cây số trong rừng, trên vai mang hàng chục cân lương thực, thực phẩm, tăng võng, ni-lông, cuốc xẻng, rượu cồn, nến, hương... khi về lại còn mang thêm vài ba bộ hài cốt. Lên các đỉnh núi cao chìm trong mây, dốc dựng đứng, chênh vênh bên mép vực sâu thăm thẳm, chỉ cần sơ sảy một chút là... Anh em lợi dụng dây rừng làm thang bám nối nhau leo lên, nhích từng bước một. Gót chân người trước chạm mặt người sau. Trời mùa đông rét cắt da cắt thịt, vậy mà lưng áo mọi người cứ ướt đẫm mồ hôi. Bàn chân, bàn tay tứa máu rát rạt…
Tình đồng đội giữa mưa bom bão đạn ( Ảnh: Tư liệu)
Tôi lặng nhìn anh. Trong suốt quá trình của đời sống, chúng ta có nhiều cuộc gặp gỡ với mọi người. Hầu hết những cuộc gặp gỡ này đều ít có ý nghĩa, và chẳng bao lâu, bị quên lãng. Nhưng có những cuộc gặp gỡ khác mang ý nghĩa, chúng phong phú hóa, và đôi khi, còn dứt khoát làm thay đổi cuộc sống, ý nghĩ của chúng ta nữa. Tôi cố hình dung những gương mặt đồng đội của anh đã bao lần ôm hài cốt ngủ giữa rừng. Che mưa, che nắng, bảo vệ cẩn trọng hài cốt đồng đội, sợ thú dữ tha đi. Những cơn mưa rừng bất chợt, thác lũ dâng cao, chảy ào ào, quần áo tăng võng trôi hết nhưng hài cốt liệt sĩ vẫn được anh em bảo trọng. Bao nhiêu khó khăn, vất vả vẫn không làm chùn bước chân các anh, bởi hơn ai hết, các anh biết rằng hằng ngày có bao nhiêu gia đình, người thân ở quê hương đang mòn mỏi chờ đợi. Mỗi lần tìm được hài cốt đồng đội là như quên hết mệt nhọc, nhiều đêm về không ngủ được.
- Công việc tiếp nối công việc, vậy có bao giờ các anh cảm thấy chùn bước trước những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua? - Tôi chợt cắt ngang dòng suy nghĩ của anh.
- Có thể đã có lúc tâm tư mỗi người trong đội cũng có những suy nghĩ đó, nhất là những chuyến đi dài ngày vào những làng bản heo hút nằm giữa rừng sâu. Đường đi thì quá khó khăn mà thông tin lại mịt mù. Anh em có lúc phải đi bộ mất nhiều ngày trời, men theo những tảng đá tai mèo lởm chởm, nếu bất cẩn có thể rơi ngay xuống vực. Cũng có khi phải chia thành từng tốp lên thuyền vượt qua một con thác tung bụi mịt mù đang cuồn cuộn đổ ra dòng Mê-kông hùng vĩ. Nhiều chỗ nước chảy xiết, sóng vồ lên từng đợt…
- Và cũng đã có lúc gặp nạn?
- Đúng, thật không may, đợt quy tập mùa khô trước chúng tôi đã gặp một tai nạn kinh hoàng. Hôm đó, nghe tin có một số chuyên gia Việt Nam được mai táng tại bản Xậm Xoọc, huyện Viêng Thoong, cả đoàn rất mừng. Một nhóm hơn hai chục người lên chiếc xe Zin 2 cầu hành quân vào bản Xậm Xoọc. Dịp ấy đã áp Tết, không nói ra nhưng trong lòng mỗi người đều mang nặng nỗi nhớ nhà. Xe đang rù rì leo lên đèo Pu-pha-man huyện Hin-Bun của tỉnh Khăm Muộn thì bỗng đột ngột thấy tiếng rầm rầm, rồi đá lở ào ạt xuống mặt đường. Xe mất thắng, từ trên đỉnh nó lật nhào hai vòng xuống vực. Phút giây kinh hoàng không ai ngờ đã xảy ra. Chiếc xe hỏng nặng. Một chiến sĩ đã hy sinh. Những người còn lại may mắn thoát nạn. Nhiều người mãi về sau vẫn không hiểu tại sao mình sống sót. Sau chuyến đi ấy, các anh em bị thương nặng hơn được chuyển ra điều trị ở Bệnh viện 103, số còn lại được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân khu 4 ở Nghệ An, sau đó chuyển tiếp về điều trị tại Hà Tĩnh…
Câu chuyện anh kể tưởng chừng như không dứt. Trời đang mưa. Anh thoáng trầm ngâm. Hình như anh đang nhớ lại những cơn mưa rừng Lào…
Lâm Khôi