27-01-2022 - 07:28

Một nét xuân trong “Mùa xuân nho nhỏ”

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Một nét xuân trong “Mùa xuân nho nhỏ”” của Nguyễn Thanh Truyền

 “Mùa xuân nho nhỏ” là tác phẩm cuối đời và thành công xuất sắc nhất trong sự nghiệp của nhà thơ Thanh Hải (1930-1980). Thành công ấy đến rất tự nhiên khi nguồn cảm xúc thiết tha bất ngờ vụt sáng thành tứ thơ mới mẻ và hóa thân thành thi phẩm với sự phát triển các tầng nghĩa của hình ảnh “mùa xuân”. Những đặc sắc của bức tranh xuân được miêu tả (cảnh) và cảm xúc đắm say của tác giả trước bức tranh thiên nhiên ấy (tình) hòa quyện ở khổ thơ đầu tiên đã khởi nguồn cho sự thăng hoa của toàn bài: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/Ơi con chim chiền chiện/Hót chi mà vang trời/Từng giọt long lanh rơi/Tôi đưa tay tôi hứng.

Ngay hai câu đầu, ta đã gặp một cách viết khác lạ. Tác giả đã không sử dụng ngữ pháp thông thường theo kiểu “Một bông hoa tím biếc/ Mọc giữa dòng sông xanh” mà đảo lại “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc”. Một không gian mùa xuân rộng mở, tươi tắn mở ra chỉ bằng vài nét phác họa.Trên cái nền hiền hòa của dòng sông phản chiếu màu xanh mênh mang của đất trời, “bông hoa tím biếc” xuất hiện như một điểm nhấn, vừa tạo nét hài hòa vừa gợi vẻ sống động, tươi mới mang nét xuân đặc trưng của xứ Huế. Chữ “tím biếc” nhấn mạnh vẻ tươi tắn, mới mẻ, sống động của bông hoa vừa trỗi dậy trên cái nền xanh thăm thẳm của sông quê. Có thể hình dung được trên bông hoa mới mọc kia còn in váng nước! Bút pháp gợi tả tinh tế ấy phải chăng được Thanh Hải kế thừa từ truyền thống thi họa cổ điển phương Đông?!.: “Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời”. Bức tranh không chỉ có họa mà còn có nhạc bởi tiếng chim chiền chiện cất lên lảnh lót, trong trẻo như một tiếng reo vui tha thiết. Lời gọi ấy cất lên từ sâu thẳm tình yêu thiên nhiên, cất lên từ tấm lòng ngân rung trước mùa xuân tươi đẹp. Trong tiếng gọi ấy có cả sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên thích thú. Cảm nhận về tiếng chim làm sống dậy trong tâm hồn nhà thơ cả không gian cao rộng, thoáng đãng, đánh thức mơ mộng, đánh thức lòng yêu đời từ sâu thẳm. Bức tranh xuân của Thanh Hải đã vượt ra ngoài vẻ đẹp tĩnh tại bao đời, tái hiện cái linh hồn sống động, cảnh sắc diệu kì của quê hương xứ sở trong âm vang của mùa xuân thời đại mới.

 “Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng”.Có thể có nhiều cách hiểu. “Từng giọt long lanh” ở đây là từng giọt mùa xuân long lanh ánh sáng của trời xuân. Nhưng đặt trong mối quan hệ với hai câu thơ trước đó, thì đây là từng giọt tiếng chim long lanh. Một sự chuyển đổi cảm giác. Thanh Hải đồng thời cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân bằng thị giác, thính giác và cả xúc giác. Tiếng chim là âm thanh (vô hình, cảm nhận bằng thính giác) đã chuyển thành “từng giọt” (cảm nhận bằng thị giác), “từng giọt” ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, lạ có thể “hứng” (xúc giác). “Phân chất” như thế không chỉ để thấy cái huyền nhiệm của chữ nghĩa mà quan trọng hơn là thấy được niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên đất trời lúc vào xuân. “Tôi đưa tay tôi hứng”. Đọc chậm lại, sẽ nhận thấy câu thơ có cấu trúc khá đặc biệt, cho thấy thái độ và cảm xúc chân thành, tha thiết chứa đầy lòng biết ơn đất trời đã ban tặng ân huệ về cái đẹp. “Tôi hứng” là sự trân trọng đón nhận, thụ hưởng hết sức trọn vẹn. Nhà thơ như muốn ôm trọn vào lòng hay mở lòng ôm trọn tất cả sức sống của mùa xuân, của cuộc đời.

Những câu thơ này được viết vào tháng 11/1980, đó là độ mùa đông miền Trung chớm lạnh, nên hình ảnh mùa xuân thiên nhiên ở đây là mùa xuân trong tâm tưởng nhà thơ. Trong không khí chớm lạnh của đất trời và trong cảnh ngộ bệnh tật, nhà thơ vẫn hướng đến mùa xuân tươi đẹp tràn đầy sức sống, thể hiện một tâm hồn lạc quan yêu đời, một niềm khao khát cuộc sống vô bờ. Hiểu điều đó, chúng ta càng trân trọng hơn, yêu hơn một tâm hồn nghệ sĩ đã nguyện gắn bó đời mình với quê hương đất nước. Tình yêu ấy được bộc lộ qua những lời thơ giản dị gần với điệu dân ca của quê hương xứ sở. Chính cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên ở khổ thơ này sẽ khơi gợi nhà thơ bộc lộ cảm xúc trước mùa xuân đất nước. Và cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất nước, sẽ khiến cho khát vọng hòa nhập cống hiến tuôn chảy và thăng hoa ở những phần sau của bài thơ. Đây là đoạn thơ đặc sắc về mùa xuân thiên nhiên, và bức tranh xuân cụ thể sẽ được phát triển thành biểu tượng “mùa xuân nho nhỏ” kết tinh cảm xúc và tư tưởng, làm nên một trong những bài thơ xuất sắc nhất trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại!     

N.T.T

. . . . .
Loading the player...