14-04-2023 - 07:52

LÀNH MẠNH HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG VÀ TÂM LINH HƯỚNG VÀO CÁC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC của Tác giả Võ Văn Ninh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 phát hành tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu bài viết LÀNH MẠNH HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG VÀ TÂM LINH HƯỚNG VÀO CÁC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC của Tác giả Võ Văn Ninh

võ văn ninh

lành mạnh hóa các hoạt động tín ngưỡng và tâm linh

hướng vào các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc

Tín ngưỡng và "tâm linh" là những hiện tượng xã hội có tính phổ biến, gắn liền với đời sống của con người và xã hội Việt Nam cả hàng ngàn năm nay. Thuật ngữ "tín ngưỡng" bao gồm tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng tôn giáo là niềm tin vào lực lượng siêu nhiên theo những nguyên tắc thực hành tôn giáo nhất định. Tín ngưỡng dân gian là niềm tin vào thần linh thông qua các lễ nghi mang tính đơn giản, thường gắn liền với tập tục, thói quen truyền thống; là bộ phận của văn hóa dân gian, phản ánh những ước nguyện tâm linh của con người và cộng đồng. Riêng thuật ngữ "tâm linh", giới khoa học ít sử dụng, nội hàm của thuật ngữ này hoàn toàn chưa rõ; tuy nhiên, ở nước ta thuật ngữ đó lại khá phổ biến trong dân gian. Bước đầu, có thể hiểu "tâm linh" là những trạng thái tâm thức tôn giáo; hoặc có khi được hiểu là ý tưởng của người đang sống nhớ tới người đã khuất, “uống nước nhớ nguồn”...

Từ vài chục năm nay, đời sống tôn giáo dường như sôi động hẳn lên trên khắp hành tinh. Do tác động của sự bùng nổ thông tin và của xu thế dân chủ hóa đời sống xã hội, con người không chỉ biết tín ngưỡng tôn giáo của bản thân, mà đã tiếp cận với các thể loại tín ngưỡng tôn giáo khắp năm châu, lựa chọn thứ gì thích hợp với tâm thức tôn giáo (thường được gọi là tâm linh) của mình. Trong điều kiện ấy, các tôn giáo theo kiểu truyền thống buộc phải thay đổi, phải cải cách để thích nghi, để tồn tại và phát triển. Trên thế giới có đến hàng ngàn tôn giáo mới. Có người gọi đó là "phong trào tôn giáo mới", "hiện tượng tôn giáo mới", “đạo lạ”, thậm chí dùng đến thuật ngữ “tà đạo”. Đúng như nhà triết học, nhà văn người Pháp Henri-Louis Bergson nhận định "con người đang là cỗ máy chế tạo ra các thần thánh". Cùng với đó, đã xuất hiện một số người có khả năng “khác thường”, chính họ đã lợi dụng cơ hội để tạo ra sự huyễn hoặc trong những người dân ít hiểu biết, lôi kéo họ vào một số việc nhằm mục đích trục lợi. Thế là, đan xen với những sinh hoạt tín ngưỡng, "tâm linh" và tôn giáo lành mạnh, còn có những biểu hiện phản văn hoá, phi khoa học. Những hiện tượng này thường được gán vào phạm trù mê tín, dị đoan hay “tà giáo”, “tà đạo”...

Hội thảo Khoa học Quốc gia: Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử- văn hóa Phật giáo Việt Nam (ảnh do tác giả cung cấp) 

Ở Việt Nam, hầu hết các tín ngưỡng, tôn giáo đều hướng con người tới cái thiện, tránh cái ác. Khi Phật giáo vào Việt Nam, những nội dung triết lý cao siêu được biểu hiện thông qua một hệ thống quan niệm về cuộc sống và các chuẩn mực đạo đức giúp con người hướng đến Chân, Thiện, Mỹ. Các vị cao tăng Phật giáo cho rằng, đi tu niệm phật, thực hành "ngũ giới", cứu nhân độ thế là con đường giác ngộ chân chính. Cũng như Phật giáo, Thiên Chúa giáo chủ trương con người sống công bằng, bác ái, “kính Chúa, yêu Nước”. Dù rất khác nhau, nhưng các tôn giáo, tín ngưỡng chân chính ở Việt Nam, về căn bản, đều hướng con người theo các giá trị nhân văn. Tuy nhiên, sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo và "tâm linh" vào những mục đích không chính đáng, bất hợp pháp có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; làm cản trở sự phát triển xã hội và đi ngược lại quyền mưu câu hạnh phúc của chính bản thân con người. Cũng cần lưu ý rằng tín ngưỡng thường chứa đựng những yếu tố dễ dẫn đến mê tín, là mảnh đất để mê tín phát triển.

Mê tín là niềm tin mù quáng vào các lực lượng siêu nhiên như: thần, thánh, ma quỷ... không dựa trên cơ sở thế giới quan khoa học. Dị đoan là mê tín ở mức độ cuồng tín, mất lý trí. Ở nước ta mấy năm gần đây, sự phục hồi của các hủ tục và hoạt động tín ngưỡng, tâm linh bùng nổ một cách thái quá. Những hiện tượng đó dội vào xã hội, tạo nên những hiện tượng không lành mạnh trong đời sống, gây dư luận khác nhau trong nhân dân. Chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc để kịp thời uốn nắn và tạo ra đời sống tinh thần lành mạnh trong quần chúng Nhân dân.

Trong suốt những năm đất nước chìm trong chiến tranh, mọi hoạt động đều hướng vào mục đích tối thượng "Không gì quý hơn Độc lập Tự do", những hoạt động mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo tạm thời lắng xuống. Sau khi nước nhà thống nhất, các nhu cầu đời thường và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng trở nên sôi động hơn. Một bộ phận khá lớn người dân Việt Nam có điều kiện trở lại với những sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, xây dựng lại nhà thờ họ, tu sửa các phần mộ của những người thân đã khuất, lập lại bàn thờ tổ tiên trong từng gia đình. Xóm làng góp sức tu bổ đình chùa, tổ chức lễ hội, sửa sang các đền thờ những bậc danh nhân có công với nước, với làng, trùng tu các thánh thất. Giỗ tổ Vua Hùng được Nhà nước coi là ngày Quốc lễ. Các tôn giáo được tự do hành lễ, các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau cũng như những người không tín ngưỡng, tôn giáo cùng sống với nhau chan hòa trong dòng họ, trong làng, xã, trong cộng đồng xã hội. Đời sống tâm linh dường như được đánh thức dậy. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đáp ứng được nguyện vọng của người dân khi khẳng định tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Việc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã góp phần tạo nên nền tảng quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bên cạnh những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo kể trên, trong tình hình hiện nay đã xuất hiện khá phổ biến những hoạt động mang tính tín ngưỡng tôn giáo mà các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ điều kiện để tìm hiểu cặn kẽ. Đã có những hoạt động bộc lộ mục tiêu gieo rắc mê tín, dị đoan, mang tính “tà giáo”, “tà đạo” ở nhiều địa phương, từ miền núi đên miền xuôi, từ nông thôn ra thành thị, từ đời sống thực cho đến trên mạng xã hội. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, đã xuất hiện những người lợi dụng nó để tự cho mình "có phép lạ, khác với người thường, tự coi là hóa thân của một đấng siêu linh" nhằm kích thích sự tò mò của người xem, từ đó lôi kéo họ vào những trò mê tín, dị đoan cực kỳ phản cảm. Thật ra, những người như thế xa nay đã từng có, nhưng bây giờ thì nhiều “như lá mùa thu”. Do nhu cầu rất phức tạp về đời sống tâm linh của số đông quần chúng Nhân dân mà những người này được "trọng vọng". Có điều đáng suy nghĩ là, những nhu cầu đó lại được lý giải theo phương pháp siêu thực! Cũng từ đó, đã xuất hiện một số hình thức tín ngưỡng lạ, đi ngược lại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Một số người còn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân: dựng chùa, dựng am, dựng cốc để kiếm lợi cá nhân, xem bói, làm lễ cầu an, giải hạn, giả danh người tu hành. Thậm chí, có thời điểm những năm trước đây, trong dân chúng nổi lên nhiều dư luận về hiện tượng một số người "có khả năng ngoại cảm đặc biệt" mà chưa lý giải được, nhất là về "khả năng tìm mộ bằng ngoại cảm, khả năng nói chuyện với người âm", "hiện tượng đầu thai”… quả thật, những hiện tượng đó rõ ràng gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

Để làm tốt công việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng và tâm linh, hướng các hoạt động này theo những giá trị đạo đức truyền thống và hướng thiện, chúng ta nên thống nhất:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng đó là "Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường trên cơ sở tôn trọng pháp luật, nghiêm cấm xâm phạm tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng" theo tinh thần của Nghị quyết số 25 (Hội nghị Trung ương V, Khóa VIII) của Đảng; đề cao cảnh giác chống những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng để tuyền truyền mê tín dị đoan chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lôi kéo quần chúng chống phá cách mạng; đồng thời kiên quyết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đạo đức truyền thống, tích cực ngăn ngừa và đẩy lùi những tệ nạn trong xã hội.

2. Phải xác định rõ những hiện tượng tâm linh (như cách hiểu ban đầu là các trạng thái tâm thức) đã tồn tại hàng nghìn năm nay, là những hiện tượng xảy ra trong đời sống hàng ngày và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Cần có thái độ nhìn nhận những hiện tượng này một cách nghiêm túc, khách quan và khoa học. Những vấn đề chưa biết thì phải nghiên cứu và tìm hiểu, dứt khoát không thừa nhận khi chưa có các kết luận khoa học; đồng thời không vội vã phản bác hoặc quy chụp. Đối với những hiện tượng xuất hiện về "khả năng ngoại cảm" của một số người cũng cần phải có thái độ khách quan, nghiên cứu thực nghiệm tìm hiểu sâu bản chất của chúng. Đề phòng việc lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để lan truyền những tư tưởng chống đối cách mạng; mê hoặc quần chúng bằng mê tín dị đoan, phủ nhận thế giới quan duy vật.

3. Tăng cường giáo dục cộng đồng, nâng cao tri thức cho nhân dân bỏ dần các sinh hoạt có tính chất mê tín, làm cho những kẻ cố tình lợi dụng đức tin của người khác không còn đất hoạt động, hành nghề mê tín dị đoan. Đối với những tập quán có từ trong xã hội cũ (như bói toán, sóc thẻ, bấm độn, tử vi, phong thủy, hầu đồng,...) cần kiên trì vận động, giáo dục, làm rõ điều sai bằng nhiều biện pháp cụ thể, giúp cho nhân dân nhận thức đúng để từ bỏ.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Sự lỏng lẻo trong quản lý nhà nước là một trong những nguyên nhân khiến tệ nạn mê tín dị đoan tăng lên trong thời gian vừa qua. Các cấp ủy Đảng, các chính quyền địa phương có những cách nhìn nhận khách quan về những hiện tượng lạ xảy ra ở địa phương mình, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm chống mê tín dị đoan, bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội. Chủ động ngăn ngừa từ sớm và khắc phục triệt để tận gốc mọi hình thức "buôn thần, bán thánh", nhất là những việc lợi dụng tín ngưỡng gây ra chết chóc, làm hại sức khỏe, phá hoại sản xuất, gây chia rẽ gia đình và xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng  đã xác định: “tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Tâm linh và văn hóa tâm linh là những nội dung gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân, chính vì vậy, quán triệt quan điểm chỉ đạo đó, trên cơ sở thế giới quan khoa học đối với các vấn đề tín ngưỡng và tâm linh, chúng ta nhất thiết phải làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, chấn chỉnh, đẩy lùi những lệch lạc tiêu cực, để làm cho đời sống tinh thần của người dân được lành mạnh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy hơn nữa nội lực của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam “dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

                            V.V.N

Một góc chùa Thanh Lương ngày nay (Nghi Xuân)

 

. . . . .
Loading the player...