26-08-2022 - 08:02

HỮU NGHỊ VIỆT - LÀO, TÌNH SÂU HƠN NƯỚC HỒNG HÀ - CỬU LONG của TS. TRẦN MẠNH HÙNG

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5-9-1962 / 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18-7-1977 / 18-7-2022). Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 8.2022 xin giới thiệu bài viết của TS Trần Mạnh Hùng - Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh: Hữu nghị Việt -Lào, tình sâu hơn nước Hồng Hà- Cửu Long

hữu nghị việt - lào,

tình sâu hơn nước hồng hà - cửu long

                                                                        ts. trần mạnh hùng

  Quan hệ Việt Nam - Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng. Nhân dân Việt Nam và Lào luôn ghi nhớ và khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long"

Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào là lẽ tự nhiên, là tất yếu.

Việt Nam và Lào có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á do nằm kề con đường giao thương hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Dãy Trường Sơn, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào hình thành đường biên giới chung hơn 2300 km, là bức tường thành hiểm yếu, tạo điều kiện cho hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng, phát triển của mỗi nước.

Hai dân tộc Việt Nam và Lào đều nằm trong vùng ảnh hưởng mạnh của nền văn hóa hai quốc gia là Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, Phật giáo có ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần của hai dân tộc. Xuất phát từ những tương đồng, ít nhiều chịu sự chi phối ảnh hưởng lẫn nhau về phương thức sinh hoạt vật chất và sinh hoạt văn hóa tinh thần. Do có sự tương đồng về văn hóa nên Việt Nam và Lào dễ dàng tìm thấy sự thân thiết, đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ tâm hồn chung và về các giá trị cộng đồng, coi trọng luật tục, tôn kính người già,... Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, đặc biệt thông qua quan hệ hôn nhân giữa hoàng tộc và lãnh chúa địa phương ở cả hai nước.

Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển từ mối quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các nhà lãnh đạo cách mạng của hai nước xây dựng, dày công vun đắp, được các thế hệ lãnh đạo, các chiến sĩ cách mạng và Nhân dân hai nước phát triển. Các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước Lào đều viết Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tìm ra con đường cứu nước cho cả ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Đông Dương; tạo nên môi trường chính trị góp phần hình thành và rèn luyện những người cộng sản đầu tiên để trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của Cách mạng Lào.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược và đặt ách đô hộ lên Việt Nam (1883), Campuchia (1863) và Lào (1893), hình thành một thực thể “Đông Dương thuộc Pháp”. Do cùng một kẻ thù và chung một cảnh ngộ bị xâm lược áp bức, phát huy truyền thống hữu nghị sẵn có, Việt Nam, Lào dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên và tự nguyện phối hợp với nhau trong một sứ mệnh chung, đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do. Cả hai dân tộc Việt Nam và Lào đã cùng chiến đấu, cùng giành thắng lợi trong cùng thời điểm của các chặng đường lịch sử cách mạng: Năm 1945, hai nước cùng giành được chính quyền, năm 1954 cùng đánh bại thực dân Pháp, năm 1975 cùng giành chiến thắng trong kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cùng tiến hành công cuộc đổi mới trong hơn 35 năm qua. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, tôn trọng lẫn nhau, hết lòng giúp đỡ nhau vô tư, chí tình, chí nghĩa. Trải qua gian nan thử thách suốt hai phần ba thế kỷ, mối quan hệ đó không hề rạn nứt, cũng không bị phá vỡ cho dù các thế lực thù địch ra sức chống phá, mà ngược lại ngày càng son sắt, bền chặt.

Quan hệ hữu nghị Việt - Lào là mối quan hệ thủy chung, trong sáng và ngày càng đơm hoa, kết trái, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Từ năm 1930-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Nhân dân hai nước Việt - Lào đã đoàn kết đấu tranh chống chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Từ năm 1945-1975, liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam được hình thành và phát triển đã đưa đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ngày 05 tháng 9 năm 1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau năm 1975, quan hệ Lào - Việt lại bước sang trang mới: Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào chuyển sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Lào ký ngày 18/7/1977 là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước.

 Những năm qua, hai dân tộc Việt Nam - Lào luôn kề vai sát cánh để gìn giữ, bảo vệ và phát triển quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tại mỗi nước. Quan hệ giữa hai nước ngày một toàn diện và thực chất hơn: Quan hệ chính trị được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể; Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được coi là trụ cột trong quan hệ hai nước; Hợp tác kinh tế, văn hóa, y tế và khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực và là trọng tâm trong thời gian tới (Việt Nam xếp thứ 3 trong số các quốc gia đầu tư tại Lào, tạo điều kiện để Lào từ một quốc gia không có biển trở thành có biển, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phòng chống covid-19…); Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể, các địa phương ngày càng khăng khít. Nhân dân Việt Nam và Nhân dân Lào hết sức vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước tiếp tục có bước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam và Lào đều dành những ưu tiên cao nhất cho nhau trong mối quan hệ, đồng thời bảo đảm tôn trọng tính pháp lý và những thông lệ quốc tế. Điều đó càng khẳng định “mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển và là nguồn lực quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ, phát triển ở mỗi nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane - Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hà Tĩnh luôn nỗ lực, kề vai sát cánh với các địa phương của Lào, góp phần tăng cường tình hữu nghị đoàn kết, đặc biệt giữa hai quốc gia, dân tộc

Tỉnh Hà Tĩnh có chung đường biên giới với tỉnh Bolykhămxay, tỉnh Khăm Muộn của Lào với chiều dài 164,488 km. Trong thời kỳ kháng chiến, hàng nghìn lượt chuyên gia, quân tình nguyện, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của tỉnh Hà Tĩnh đã lên đường sang giúp bạn Lào chống lại kẻ thù chung. Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Hà Tĩnh luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, không chỉ đối với hai tỉnh giáp biên giới mà còn với nhiều tỉnh khác của nước bạn Lào như Thủ đô Viêng Chăn, Sanvannakhet…

Hàng năm luân phiên tổ chức trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức các đoàn sang thăm, chúc mừng nhân dịp lễ, tết… Các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các huyện, xã biên giới của Hà Tĩnh với các tỉnh bạn Lào thường xuyên phối hợp tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm và triển khai, cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác mà lãnh đạo hai bên đã ký kết tại các Hội nghị cấp cao.

Trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học kỹ thuật, tỉnh Hà Tĩnh luôn chủ động hợp tác để đưa mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, trong đó điểm sáng là đào tạo nguồn nhân lực, là địa phương đứng đầu cả nước đào tạo học sinh, sinh viên cho nước bạn Lào, thời điểm cao nhất có trên 3.000 học sinh, sinh viên Lào đến từ 17 tỉnh, thành phố của Lào học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh; hàng năm tỉnh trích ngân sách hơn 6 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo cho bạn Lào.

Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư với các địa phương của Lào ngày càng được quan tâm, hiện có một số doanh nghiệp của Hà Tĩnh đang đầu tư hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương của Lào, như: Công ty VILACO đầu tư sản xuất các sản phẩm thạch cao, Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh, hợp tác phát triển Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt tại Khu Kinh tế Vũng Áng triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Hà Tĩnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt để hỗ trợ các tỉnh bạn Lào các hoạt động và các công trình, dự án an sinh xã hội mang ý nghĩa thiết thực để lại dấu ấn đặc biệt đối với Nhân dân các tỉnh bạn Lào, như: Trường Chính trị hành chính tỉnh, Nhà thư viện Trường THPT Sỉ Thà Na Xay, Bệnh xá Quân dân y kết hợp… tại tỉnh Bolykhămxay; Trạm xá Bản Mạc Phương, dự án xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm muộn…, trong bối cảnh dịch Covid-19, phát huy tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, Hà Tĩnh tích cực hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho các tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn, Savannakhet và Thủ đô Viêng Chăn ứng phó dịch bệnh, góp phần vào phục hồi kinh tế - xã hội của các tỉnh bạn với tổng giá trị hỗ trợ trên 6 tỷ đồng; tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn hỗ trợ 30.000 USD và 05 tấn gạo vào quỹ phòng chống Covid-19 của tỉnh Hà Tĩnh. Hà Tĩnh luôn coi trọng và tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh biên giới, phòng chống các loại tội phạm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Đặc biệt, trong năm “Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022” các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa tỉnh với các địa phương của nước bạn Lào được tăng cường. Nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của Nhân dân các bộ tộc Lào, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đã đến chúc tết lãnh đạo, nhân dân các tỉnh: Bolykhămxay, Khăm Muộn, Savannakhet và thủ đô Viêng Chăn; vào tháng 7 năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Đoàn cán bộ cấp cao do đồng chí Võ Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc với lãnh đạo cấp cao của Lào để bàn các giải pháp tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giữa tỉnh Hà Tĩnh với các tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn, Thủ đô Viêng Chăn và các địa phương của Lào trong thời gian tới. Dự kiến vào cuối tháng 8/2022, Hà Tĩnh sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào; tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam - Lào, gặp gỡ các nhân chứng và đại diện thế hệ trẻ…

Thời gian tới, trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức mới. Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, Nhân dân 2 nước nói chung, nhân dân Hà Tĩnh với nhân dân các địa phương Lào nói riêng nguyện giữ gìn, bảo vệ và vun đắp để quan hữu nghị Việt Nam - Lào không ngừng đơm hoa thơm, kết trái ngọt, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững; tình Việt - Lào mãi mãi sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

                                                                                                       T.M.H

. . . . .
Loading the player...