Tạp chí Hồng Lĩnh số 217 tháng 9/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Hội Khai trí Tiến Đức (1919 - 1945 với Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều” của Nguyễn Khắc Thuần
Hội Khai Trí Tiến Đức còn được gọi là Hội AFIMA (viết tắt nguyên tên tiếng Pháp Fumation Intetletuelle et Morale des Annamltes) được thành lập ngày 5/2/1919 tại Hà Nội trong bối cảnh biến động của xã hội Việt Nam đang chuyển mình trong khuôn khổ xã hội tam giáo sang xã hội tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Tây phương. Hội chủ trương xóa dần thành kiến lúc bấy giờ với Tây học, chủ động thâu nhận tinh hoa văn hóa phương Tây và kén chọn, duy trì, cổ xúy những điểm hay, nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Những cố gắng của Hội tập trung đề cao Tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, danh nhân văn hóa nước nhà, trọng tâm là Truyện Kiều, Nguyễn Du.
Do đức độ và tài năng của những người sáng lập nên Hội đã quy tụ được nhiều nhân tài, có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội đương thời nhất là trong giới trí thức cả cựu học và tân học. Cử nhân học giả Hoàng Huân Trung được bầu làm Hội trưởng, học giả Phạm Quỳnh làm Tổng thư ký, học giả Phạm Duy Tốn làm Phó Tổng thư ký. Hội thu nhận nhiều nhân vật là quan chức nhưng cũng là văn nhân có tên tuổi lớn đương thời như Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, Thượng thư bộ Binh kiêm bộ Học Thân Trọng Huê, nguyên Tổng đốc Bắc Ninh, Nam Định, Đoàn Triển, nhà thơ Trần Tuấn Khải, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Trạc, nhà văn Nguyễn Bá Học, nhà nghiên cứu Đài Kỷ, Hoàng Xuân Hãn…
Trú sở của Hội (16 Lê Thái Tổ - nay là phố Hàng Trống) là nơi tổ chức các hội thảo, diễn thuyết, các cuộc triển lãm nỹ thuật hấp dẫn. Các vở thoại kịch của Nguyễn Văn Vĩnh như vở “Trưởng giả học làm sang” đã được hội bảo trợ lưu diễn. Nhiều hoạt động của hội đã gây dấu ấn văn hóa như trao “Giải thưởng văn chương 1925”, Truy điệu danh nhân Bạch Thái Bưởi (1932), sâu nặng và ấn tượng nhất là lễ truy niệm thi hào Nguyễn Du, diễn thuyết các đề tài về truyện Kiều, quốc học. Đặc biệt nơi đây đã diễn ra những cuộc trao đổi không kém phần gây cấn về chính trị giữa giới trí thức Việt và chính quyền Bảo hộ Pháp mặc dù chủ ý của Hội là văn hóa chứ không phải chính trị.
Đóng góp lớn nhất của Hội là truyền bá chữ Quốc Ngữ một cách bài bản, hiệu quả từ đó để xây dựng nền quốc học, quốc văn, một nền văn hóa, văn học, học thuật mới độc lập, thuần việt. Bản thân “Nam Phong Tạp Chí” được đánh giá là một công trình lớn, một kho tàng tri thức, văn hóa, khoa học đồ sộ được viết bằng quốc ngữ bởi các trí thức Việt, hòa trộn khoa học phương Tây với những giá trị triết học phương Đông, tổng hòa những nét đặc sắc hai nền văn hóa. Trứ tác lớn nhất của Hội là bộ Việt Nam Tự Điển. Đây là một trong bộ ba Pháp – Việt, Hán - Việt từ điển mà Hội dự kiến biên soạn và xem đây là con đường bảo tồn Tiếng Việt, đưa Tiếng Việt trở thành công cụ khai mở dân trí.
Cuốn “Từ điển Tiếng Việt” mang tựa “Việt Nam Tự Điển” do Phạm Quỳnh (chủ biên), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Hữu Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đôn Phục, Đổ Thận những học giả sáng giá lúc bây giờ làm thành viên biên soạn, nhà in Trung – Nam – Bắc – Tân Văn xuất bản năm 1931. Đây là công trình đầu tiên mở đường cho ngành từ điển học ở Việt Nam, được biên soạn công phu dày 663 trang 18x24, tra cứu được cả chữ Nho, tiếng Pháp và quốc ngữ, hầu tạo chữ để diễn tả những tư tưởng mới du nhập vào Việt Nam, nhất là những danh từ khoa học kỷ thuật, thâu nhận những danh từ thổ ngữ của các địa phương cả 3 miền. Sang thế kỷ 21 cuốn từ điển này vẫn được lấy làm mẫu mực về chính tả và từ mục, phương pháp luận biên soạn.
Viếng mộ Nguyễn Du. Ảnh: PV
Ngày 25/4/1924, Hội tổ chức lễ Truy niệm Nguyễn Du - đây là hoạt động tri ân, tưởng nhớ, kỷ niệm Nguyễn Du đầu tiên ở Việt Nam nhân ngày giỗ Nguyễn Du. Hội đã gửi hơn 1000 giấy mời đến các hội viên, học giả, thông báo rộng rãi cho nhân dân biết. Tối hôm ấy, 8 giờ, cửa Hội mới mở được vài phút đã có hơn 2000 người vào chật khắp trong sân, ngoài vườn, dưới nhà, trên gác. Hội viên ở các tỉnh đã về dự đủ, các quý ông, quý bà trong thành phố Hà Nội đến cũng nhiều. Hội viên là người Pháp và các bà vợ ước chừng ba bốn chục người. Có cả mấy bà giáo mới ở Pháp sang cứ khẩn khoản xin được dự để tận mắt thấy người An Nam tôn trọng một bậc danh sỹ trong nước” (Nam Phong – 26/4/2024). Trên bệ cao cuối vườn có đặt một cái kỷ bày lư đồng lớn, bên trên là chiếc đèn giấy kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” tựa dáng bức hoành phi, trong có đề mấy chữ Nho “Tiêu Điền Nguyễn Tiên sinh kỷ niệm nhật”. Hai bên là hai đèn giấy hình đôi câu đối trúc đề hai câu bằng chữ nôm “Trăm năm để tấm lòng, còn nước, còn non, còn truyền cổ lục./. Tấc thành dâng một lễ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay”. Trong buổi lễ Phạm Quỳnh đọc hai bài diễn văn (một tiếng ta, một tiếng Pháp) rồi mời học giả Trần Trọng Kim diễn thuyết về “Lịch sử cụ Tiên Điền và văn chương truyện Kiều”. Bài diễn văn của học giả Phạm Quỳnh có đoạn: “… Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái, cảnh mộ cụ Nguyễn Tiên Điền nhưng còn có ý nghĩa nữa là nhân ngày giỗ này đốt lò hương, so phím đàn chiêu hồn quốc sỹ. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Ánh tính trung thấp thoáng dưới bóng đèn, trập trùng trên ngọn khói xin chứng nhận cho lời thề: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn, còn non còn nước còn dài”. Kế đó là phần kể truyện Kiều của kép Thịnh và đào Tuất của rạp Sán Nhiên (hàng đầu bấy giờ). Kết thúc buổi lễ một cô đào danh tiếng đã hát bài “Bài ca kỷ niệm” do học giả Nguyễn Đôn Phục soạn. Âm vang buổi lễ lan xa, các báo Trung, Nam, Bắc ngày ấy đều có bài tường thuật Pari, nhất báo viết bài hết lời ngợi khen.
Đầu năm 1929, Hội quyết định tạc bia đá để ghi công Nguyễn Du. Đây là tấm bia đá duy nhất cả nước lưu danh Nguyễn Du Học giả Bùi Kỷ (1888-1960) phụng soạn nội dung. Bia được đặt trong khuôn viên trụ sở Hội. Trán bia được ghi: “Bài bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh”. Bia cao 2,2m, rộng 1,2m được tạo tác với 3 tầng mái. Các góc mái được vuốt tròn ở đầu đao. Mái trên 2 đầu được kết bởi vân xoắn chữ triện. Riềm bia khắc chìm các đề tài hoa cúc, hoa dây. Đế bia chia làm 3 phần to, nhỏ khác nhau trên đó chạm hổ phù cánh sen cách điệu, các hạt tròn nhỏ trong khung chữ nhật. Thân bia hai mặt khắc bài minh chữ nôm và chữ quốc ngữ. Toàn văn:
“Tiếng nào làm được văn không phải tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường.
Tiếng ta phần nhiều căn cứ vào chữ Tàu, tư tưởng cũng hấp thu từ văn Tàu song vẫn tự có một thể tài riêng, một tinh thần riêng, xem những ca dao, ngạn ngữ truyền đến ngày nay nhiều câu thật mộc mạc mà ý vị sâu xa, chắc rằng cái mầm sống văn ta đã nảy nở từ thời kỳ tối cổ. Đến đời Trần ông Nguyễn Thuyên, ông Nguyễn Sĩ Cố đem lối thi phú làm bằng tiếng Nôm, văn ta ngày một thịnh, dù học hiệu chưa giảng, khoa cử chưa dung song Hán học thịnh lên bao nhiêu thì cái kho văn liệu của tiếng ta càng giàu thêm bấy nhiêu. Cho nên các bậc tiền bối và Hán học như ông Tiền Ấn, ông Ức Trai, ông Bạch Vân Am, ông La Sơn… đều nổi tiếng về quốc văn cả. Nay thử kể qua những tập văn nôm cũ chất phác như Trê Cóc, nghiêm chỉnh như Trịnh Thử, lâm ly như Cung Oán, diễm lệ như Hoa Tiên… đều là cái lịch sử vẻ vang của văn chương tiếng Việt. Ai bảo rằng một giải đất con con ở dưới ánh sáng lập lòe của sao Dực Chấn lại không đủ tinh hoa, linh tú để chung đúc được bao nhiêu Lý, Đỗ, Hàn, Tô hay sao?
Song xét cho kỹ, quốc văn từ Lê về trước thì chất thắng, từ Lê về sau thì văn thắng. Tìm một nhà tiêu biểu cho Hán học thì Tiên Điền, Nguyễn Tiên Sinh là bậc đệ nhất vậy!
Tiên sinh húy là Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp hộ. Sinh năm Ất Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (1765) mất ngày mồng mười tháng tám năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820) con thứ 8 Hoàng giáp Xuân Quận công Nguyễn Nghiệm người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân trấn Nghệ An. Tiên sinh vốn thiên bẩm cao hậu về tình, hào về khí, hùng về tài lại bác thâm về học vấn, ma chiết về cảnh ngộ nên văn chương dung hóa, thấu lý nhập thuần không kể những tập viết bằng chữ Hán như “Bắc hành tạp lục”, “Nam Trung tạp ngâm”, “Thanh Hiên tiền hậu tập” còn ngâm vịnh trước thuật bằng quốc âm cũng nhiều mà thứ nhất là “Đoạn trường tân thanh” (tức là truyện Kiều) thật là một cuộc văn kiệt tác trước sau chưa có bao giờ!
Hội ta ghi rằng: Hán văn đã một ngày một lụi để nhường các đặc vị chính đáng cho quốc văn thì quốc văn tất có tương lai, rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta mà một bậc sở trường về quốc văn không ai bằng Nguyễn Tiên Sinh. Giá trị quốc văn nay tận lên cũng nhờ ngọn bút Tiên Sinh. Nay quốc dân đang cổ vũ về quốc văn há lại quên một bậc đã có công với quốc văn hay sao? Đã hay những bậc huấn nghiệp đời trước không phải một mình Tiên Sinh song Hội ta sùng bái Tiên Sinh, chủ ý chuyên trọng về quốc văn mong sau này quốc văn có một ngày hưng thịnh, mà cả tư tưởng học thuật đều bởi đó đăng tiến lên mãi. Vậy thì một bậc có công to với quốc văn tức là có công to với nước vậy.
Tiên Sinh lúc lâm chung có khẩu chiếm một câu rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Dẫu danh nhân tâm sự giải bày với giang sơn với đống khốc để đợi người thứ giả song nay vì tiếng vì đất mà nhớ đến người thì bài bia này dù không đảm đương được chữ “khấp” cũng gọi là chữ “truyện” hay chữ “ký” để thay một nén hương chung của quốc dân vậy!
Minh rằng:
Đất đục, trời trong, hoà tan làm mực
Nước biếc, non xanh, tả nên đầy bức
Đã sẵn tài tình, quản gì phong sắc?
Hồn vẫn đi về, cảo thơm sực nức
Kiếm gác bên đền, gió mưa vẫn sắc
Bút tựa mặt hồ, trăng sao vằng vặc
Cảnh ấy bia này, nghìn thu dằng dặc.
Ngày rằm tháng hai năm Kỷ Tỵ (15/2/1930). Hội Khai Trí Tiến Đức”.
Tấm bia hiện còn đang nằm trong khuôn vên trú sở xưa của Hội (nay thuộc Bộ Văn hóa quản lý).
Năm1940, Hội xúc tiến việc tu tạo nhà thờ Nguyễn Du ở gần Văn thánh huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mở đầu cho nguyện lập quần thể kiến trúc lưu niệm nhà đại thi hào nước Việt. Khi dựng đền, Hội cho khắc đôi câu đối hai bên cửa ra vào: “Khúc đâu lưu thuỷ hành văn để tiếng tài tình chung cả nước/ Chốn ấy san hồ cổ thụ nhớ Người thanh khí nặng non sông”.
Vào ngày rằm tháng 2 Kỷ Tỵ (1940) Hội còn cho dựng văn bia với bài Minh của Phó bảng Ưu Thiên Bùi Kỷ phụng soạn.
Rất tiếc những công trình này trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thiên tai đã tàn phá không còn.
Chỉ tồn tại từ 2/1919 đến 8/1945 nhưng Hội Khai Trí Tiến Đức đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ về hội nhập văn hoá và chấn hưng phát triển văn hoá dân tộc. Những việc làm tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du và truyện Kiều của Hội đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều trong thời kỳ mới của đất nước
Vinh, 31/7/2024
N.K.T