13-04-2022 - 11:20

“HỘI HỌA LÀ HƠI THỞ, LÀ CUỘC SỐNG CỦA TÔI”  của Khánh Phương

Lê Quang Lĩnh - một họa sỹ sinh năm 1985 của mảnh đất Hà Tĩnh. Người ta biết đến anh không phải vì tài hoa, cũng chưa hẳn là họa sỹ có nhiều sáng tác đặc sắc, mà anh chỉ đơn giản là một họa sỹ có bản lĩnh vượt lên số phận. Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 3 xin giới thiệu bài viết của tác giả Khánh Phương về chân dung này

Họa sĩ Lê Quang Lĩnh

“HỘI HỌA LÀ HƠI THỞ,

LÀ CUỘC SỐNG CỦA TÔI”

                                                KHÁNH PHƯƠNG

 

Lê Quang Lĩnh - một họa sỹ sinh năm 1985 của mảnh đất Hà Tĩnh. Người ta biết đến anh không phải vì tài hoa, cũng chưa hẳn là họa sỹ có nhiều sáng tác đặc sắc, mà anh chỉ đơn giản là một họa sỹ có bản lĩnh vượt lên số phận.

Chân dung họa sỹ

Nếu lần đầu tiếp xúc, người ta khó có thể "đàm thoại" được với Lê Quang Lĩnh. Căn bệnh bại não năm lên 1 tuổi đã cướp đi của anh khả năng nói, bị co cơ dẫn đễn bị dị tật ở tay, một tay gần như không thể cử động theo ý muốn. Đôi chân cũng không bình thường khiến việc đi lại khó khăn, khập khiễng. Anh đam mê hội họa từ nhỏ và tìm cách học hỏi, khỏa lấp nỗi đau bằng những nét vẽ qua bàn tay trái 3 ngón.

Trong quá khứ, anh thường tự hỏi chính mình: “Tại sao lại là tôi?”. Tuy nhiên, khi chấp nhận được bản thân mình, anh chợt nhận ra nếu sinh ra với bình thường, có lẽ anh đã không thể làm được những gì mình mong muốn. Anh thích vẽ con người bởi có thể thể hiện chính mình thông qua những cảm nhận bao gồm cả ánh mắt của mỗi người. Người họa sỹ yêu những xúc cảm lẫn lộn được vẽ ra trong cái nhìn của mình.

Bao năm qua, người họa sỹ ấy vẫn luôn thức dậy trước bình minh. Anh yêu cái không gian lành lạnh, thích ngắm nhìn bóng tối tan dần và cảm nhận những âm thanh trong trẻo, bình yên lúc sương tan. Anh nghĩ, đời người cũng vậy. Có những đêm tối và cũng có cả những ngày nắng ấm. Điều quan trọng là phải biết kiên trì để đi về phía bình minh…

Chân dung tác phẩm

Tác phẩm của anh đi từ những bức tranh đơn giản đến những bức tranh lập thể, tượng trưng. Từng nghĩ “Làm sao để những con người không được trang bị kiến thức hội họa có thể hiểu được thế giới nghệ thuật đầy tư duy, xé lẻ các góc nhìn khác nhau trong các tưởng tượng về không gian”. Tuy nhiên, sau này ý nghĩ ấy đã thay đổi. Thầy Đào Công Vui có nhận xét “Lê Quang Lĩnh Cảm cầm bút là đã nhọc rồi chứ không phải là nói đến vẽ nữa. Nhưng mà qua một thời gian thì biết sửa đổi dần dần và nói chung là tiến bộ rất nhanh... Vất vả, khổ cực là thế song Lĩnh chưa từng nản chí. Bởi Lĩnh cho rằng, chỉ hội họa mới có thể giúp anh giao tiếp với thế giới. Con đường hội họa phía trước còn dài và nhiều chông gai, thầy chúc Lĩnh phải lấy lòng đam mê, lòng nhiệt huyết để kiên trì và tỏa sáng hơn nữa…” Thì ra, lời động viên ấy đã chất chứa trong đó cả tư duy về nghệ thuật, đó là sự tự do, phóng khoáng trong sáng tạo. Chính cảm hứng tự do đó là những dồn nén để người họa sĩ gửi mình vào tác phẩm. Chẳng thể vẽ một bức tranh khi người vẽ hời hợt về nó. Từ đó, người họa sỹ này đã có hàng trăm bức tranh lần lượt ra đời, hàng loạt giải thưởng mà anh được nhận làm tươi mới căn phòng chật hẹp.

Những ngày đầu đến với hội họa, anh cho biết các tác phẩm hội họa của mình chủ yếu vẽ bằng gam màu tối, u buồn. Thế rồi, anh quyết định thay đổi vẽ toàn những gam màu sáng, các bức tranh đa dạng màu sắc khiến anh cảm thấy thêm yêu cuộc đời hơn, bớt phiền muộn, lo lắng hơn.

Anh thích tranh dân gian. Vì thế, tranh của anh mang màu sắc dân gian hiện đại, từ chủ đề nội dung cho đến cách dùng màu sắc, dùng nét, mảng phẳng và tính trang trí ước lệ cùng những hình hài đan chéo tạo thành các bố cục lập thể ngẫu hứng...Tất cả đều rất vui nhộn, dí dỏm...

Từ mười hai tuổi đến ba mươi hai tuổi cách nhau vừa tròn hai mươi năm...Lê Quang Lĩnh của hai mươi năm trước có lẽ cũng không thể tưởng tượng được rằng, mình của hai mươi năm sau lại trở thành họa sĩ. Thế nhưng, ngay từ lúc bắt đầu, cho dù biết con đường này có bao nhiêu khó đi, Lĩnh cũng chưa từng nghĩ đến việc từ bỏ... Và mỗi ngày, Lĩnh đều chăm chỉ tập cầm cọ, pha màu, thử nghiệm các thể loại tranh khác nhau, từ chân dung, ký họa cho đến lập thể...

Nghị lực và ước mơ

Biết mình thiếu đi sự linh hoạt của đôi bàn tay, Lĩnh bù đắp bằng sự nỗ lực không ngừng... Biết mình không được đào tạo bài bản, thiếu hụt rất nhiều kiến thức chuyên ngành, Lĩnh tìm cách để tự học, tranh thủ mọi sự góp ý, chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp, của các bậc tiền bối trong nghề...

Ngay từ mới đầu có những tác phẩm khó khăn về vẽ nhưng rồi anh bắt đầu vươn lên và những tác phẩm tiếp theo thì vẽ về cuộc sống tươi mới hơn. Ở người họa sỹ này, anh có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào cái đẹp, cái tinh hoa của đời để neo nhờ vào đó mà vượt qua những khó khăn của bản thân, cố gắng hơn nữa trong sáng tác và trong cuộc sống. Anh luôn tâm niệm: “Mọi việc sẽ không có gì khó khăn nếu mình biết luôn cố gắng”. Trên bước đường đời có đôi khi vấp ngã nhưng đừng từ bỏ mà hãy chấp nhận và nở nụ cười tươi trên đôi môi thì sẽ vượt qua được tất cả. Đó là điều mà anh luôn suy nghĩ và vượt qua được để có ngày hôm nay. Anh muốn truyền cảm hứng cho mọi người “muốn mọi người biết rằng giới hạn nằm ở những cái đầu của chúng ta”. “Tôi luôn có một khát khao là sống và sáng tác như một nghệ sĩ thực thụ. Ước mơ đó luôn là nỗi ám ảnh trong mỗi bức tranh của tôi từ những năm đầu tiên mới chập chững vào nghề cho đến ngày hôm nay”. “Thèm vẽ. Khao khát vẽ. Đứng trước không gian rung động lại thôi thúc tôi cầm cọ, nghịch màu như ngày xưa thơ bé…” - Đó là họa sỹ Lê Quang Lĩnh!

Cô đơn nhưng không cô độc

Những người thân thường đặt ra câu hỏi khi nhìn thấy những bức tranh đầu tiên của anh là “Tại sao con vẽ tranh?”. Anh trả lời “Tại con buồn”

Sau này, khi đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, anh khắc khoải “Tôi tưởng vẽ là sẽ không cô đơn nữa. Nhưng thực tế, cô đơn là sự tối cần của người cầm cọ, nó là một điều kiện hàng đầu của họa sĩ. Không một người họa sỹ giỏi nào tôi biết mà không cô đơn, không một thần tượng hội họa nào của tôi mà không bị cô đơn giày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc vẽ tranh đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một bàn tay chạm”. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì với họa sỹ Lê Quang Lĩnh và với hầu hết những đồng nghiệp của anh lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo hội họa. Với lý do đó, anh bắt đầu một ngộ nhận khác, rằng hội họa là công việc đơn độc, đó là công việc thuần túy cá nhân, ít ảnh hưởng đến những người chung quanh. Nhưng khả năng tác động của vẽ đã dạy anh rằng, một khi tác phẩm đến với người xem, nó không còn là của riêng họa sỹ và tư duy theo cách của anh nữa. “Mỗi người xem tranh có một cách nghĩ khác nhau. Họa sĩ luôn ở trong tâm thế của một người mẹ phải đưa đứa con ra đường, và để cho nó tự sống, được nâng niu hay ruồng rẫy, được chăm sóc hay chà đạp, bà mẹ không thể làm gì, bởi đứa con đã vượt ra khỏi tầm tay bà. Một người vẽ dấn thân luôn gặp phải va chạm giữa những tư tưởng, những kiểu hiểu và hành xử khác nhau” – Anh thích cách ví von này bởi tìm được một lý do để tiếp tục với những tác phẩm riêng của mình. Hội họa đã ở bên anh vào những lúc mệt mỏi và kiệt sức nhất, những lúc anh hạnh phúc, thăng hoa nhất.

Trong chuyện tình cảm, anh cho biết “Tôi không muốn nhận được sự thương hại của người con gái nào và cũng không muốn họ phải gắn cuộc đời với một người như tôi. Tôi yêu theo cách của mình “Anh tìm em mà chẳng thấy/ Đâu rồi em buồn rầu/ Hình như hoa vừa nở đấy/ Giấc mơ ngàn lá hôn nhau...”.

Họa sỹ Lê Quang Lĩnh rất tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Mong muốn của anh là có được sức khỏe tốt để sống có ích cho gia đình và xã hội. Cô đơn nhưng không cô độc bởi anh luôn bận rộn với những sáng tác mới và ấp ủ mong muốn mở triển lãm cá nhân với nguyện vọng đóng góp nhiều hơn nữa cho các hoạt động từ thiện. Cuộc sống hiện tại đã ổn hơn trước rất nhiều và gia đình, bạn bè giờ đã hiểu và công nhận đam mê, nỗ lực của anh: “Tôi mong muốn với đôi tay và trái tim của mình, tôi sẽ sáng tác thêm nhiều tác phẩm. Hội họa là hơi thở, là cuộc sống của tôi”.

                                                                                                       K.P

 

Một số giải thưởng của họa sỹ Lê Quang Lĩnh

 

Tháng 12 năm 2006, đạt Giải Nhất Cuộc thi tranh vẽ “Alaxan  - Chiến Thắng Nỗi Đau”

Tháng 11 năm 2011, Giải đặc biệt Cuộc thi tranh, ảnh về người khuyết tật của Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD).

Tháng 9 năm 2015, Giải Nhì vẽ tranh trừu tượng với đề tài "Mở cửa bước ra thế giới" của Tổ chức Education First (EF), Thụy Điển.

Năm 2011, được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

 

. . . . .
Loading the player...