14-10-2022 - 15:36

HOÀNG VŨ THUẬT “TRẬT KHỚP” THƠ TẠO ĐA DẠNG NGỮ ĐIỆU

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tháng 9 -2022 trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Tuệ Minh về thơ Hoàng Vũ Thuật: "Hoàng Vũ Thuật "trật khớp" thơ tạo đa dạng ngữ điệu"

 

hoàng vũ thuật “trật khớp” thơ

                                           tạo đa dạng ngữ điệu                                                           

Theo Jakobson, thơ bị chi phối bởi hai trục: trục lựa chọn và trục kết hợp. chính nguyên lý song hành đã làm cho thơ mang hai khuôn mặt, vừa tương đồng vừa đối lập. Nghĩa là, bên cạnh những cuộc “hoà phối”, thơ ca còn có những cuộc “trật khớp”. Nếu sự tương đồng đem đến cho thơ những sự lặp lại đầy tính nhạc êm dịu, nhẹ nhàng thì sự tương phản đem đến những con sóng lạ.

Hơn nữa, thơ tự do thường không chịu bất kì sự gò bó nào về vần điệu, tiết tấu… Khi xác định tiết tấu ở thơ tự do, chúng ta không nên áp đặt nó vào cách ngắt câu, dừng câu hay ở sự luân phiên bằng trắc mà cần phát hiện ra luồng tình cảm, tâm tư mà tác giả gửi gắm, dàn trải trong toàn bài thơ. Hay nói cách khác, ngắt nhịp luôn thay đổi, biến chuyển. Nhịp thơ có lúc, khớp/ không khớp với ngữ nghĩa bài thơ. Khớp với ngữ nghĩa sẽ đẩy mạnh tính nhạc. Không khớp với ngữ nghĩa, tính nhạc nằm bên trong, thơ cần sự tinh tường của người tiếp nhận.

Ngắt nhịp, ngừng nhịp theo dòng mạch cảm xúc là điểm chung của các nhà thơ. Hoàng Vũ Thuật cũng nằm trong quy luật đó. Nhưng rất riêng. Trộn mà không lẫn.

Với thể thơ lục bát, ông kết hợp nhịp lẻ và chẵn: "Rồi xuân hết/ rồi thu tàn/ Âm thầm/ chàng tạc hình nàng/ đêm qua". Với thể thơ 5 chữ, ngắt nhịp 2/3 và 3/2: "Trong cái nắng/ vàng mơ// Tôi thương sao/ cây cỏ/ Ngôi nhà/ như chấm nhỏ/ Cuối chân trời/ hạ lên". Với thể thơ 6 chữ, ngắt nhịp 2/1/3, 1/3/2, 2/4, 1/3/2: "Còn tôi/ có /một mùa đông// Từ/ trái tim mình/ lạnh giá// Người đi,/ đi khuất sau lá// Gió/ như xát tuyết/ trên đường". Với thể thơ 7 chữ, ngắt nhịp 1/2/5, 3/3/2, 3/1/4, 2/2/3: "Tôi/ ảo mộng/ một ngày kia sẽ khác// Đàn cừu non/ từ mây trắng/ hiện về// Người chăn cừu/ ngủ/ bên hồ nước mắt// Màu áo/ bồng bềnh/ xanh tán che"... Nêu ra một số ví dụ như vậy để thấy sự linh hoạt trong ngắt nhịp của nhà thơ. Sự thay đổi nhịp chẵn và lẻ trong một câu thơ, hay giữa câu thơ trên với câu thơ dưới dẫn đến sự thay đổi nhịp điệu bài thơ. Với cách ngắt nhịp như vậy, người đọc phải tuỳ vào nội dung, tâm tư, tình cảm mà nhà thơ truyền đạt trong bài thơ. Nói như Nguyễn Đình Thi: “Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm như tiếng đàn êm tai… Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh tình ý, nói chung là của tâm hồn… Đó là nhịp điệu hình thành của những cảm xúc, hình ảnh, liên tiếp hòa hợp, mà những tiếng và chữ gọi ra như những ngân vang dài, ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động”.

Nhìn tổng thể, chúng ta thấy Hoàng Vũ Thuật thiên về thơ tự do hơn. Do đó, cách ngắt nhịp thơ ông linh hoạt, không gò bó bởi vần điệu. Với những bài thơ tự do, thơ ông còn hướng đến một chủ âm khác. Chuyển từ chủ âm sâu lắng với quê hương sang vùng đất "suy tưởng tâm linh... nặng về linh giác-tâm thức" của "một cái tôi nhọc nhằn thế sự". Thơ mở ra những suy ngẫm về con người, về cõi thế, về sự sống và cái chết... Đó cũng là cách để Hoàng Vũ Thuật biến tấu nhịp và đòi hỏi ở người đọc sự thẩm thấu cao. Trong bài viết "Điều gì làm cho anh đau khổ nhất", nhà thơ tâm sự: "Nếu ai đó hỏi: Cái gì làm cho anh đau khổ nhất. Tôi trả lời, đó là thơ. Với tôi, hầu như tất cả những bài thơ viết ra đều xuất phát từ một chuyện buồn, một sự cô đơn, vật vã. Ngay những bài thơ gọi là có tính xã hội hoành tráng, nó cũng được gọi lên sau bao nỗi dâu bể, trầm cảm. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt. Hình như tôi chưa làm làm được bài thơ nào trong trạng thái hả hê, thoả mãn".

Bài thơ “Bóng”, ngắt nhịp rất lạ: "Hãy để/ bóng/ đi theo người thực// Con người này/ chỉ có/ bóng này thôi// Khi/ hai người yêu nhau// Họ/ chỉ còn/ một bóng// Đừng/ giận dỗi// Xem chừng/ bóng vỡ làm đôi// Nỗi đau buồn của người này// Là/ cái bóng của người kia// Tuổi già/ bóng/ mãi trẻ// Người chết/ bóng/ sẽ là/ cánh chim". Ở câu 1, nhịp 2/1/4 tách từ bóng thành một nhịp độc lập là một cách để miêu tả và khẳng định cái bóng của mỗi người. Khi để cho nhịp 3 bao trùm đầu và cuối câu thơ thứ hai, nhịp 2 ở giữa cùng với cụm từ nhấn mạnh chỉ có, Hoàng Vũ Thuật vừa nêu khái quát vừa cụ thể cái bóng của mỗi người. Mỗi người đều có cái bóng của riêng mình. Khổ 2, có nhịp lẻ ở đầu câu thơ nhưng sau đó lại toàn nhịp chẵn để thể hiện sự gắn bó của hai người yêu nhau. Sự gắn bó, của hai người được ví như sự gắn bó của bóng. Để hai người như hình với bóng, để bóng không vỡ làm đôi, tác giả triết lý đừng giận dỗi bằng cách lặp lại nhịp lẻ ở đầu câu thơ. Nhưng sang khổ 4, khi nói đến cái buồn của người này và người kia thì nhà thơ không ngắt nhịp mà để nhịp chảy theo dòng tâm trạng “nỗi đau buồn của người này”“cái bóng của người kia”. Hoàng Vũ Thuật thật tinh tế khi thể hiện cái bóng của mỗi người. Nhịp thơ không phân tách để thể hiện sự gắn bó trong cái bóng của chính mình. Khổ 5, từ bóng được tách ra thành một vị trí riêng nhằm nhấn mạnh. Hai nhịp ở đây tuy cùng nhịp lẻ nhưng ý nghĩa đã khác nhau. Câu thơ thứ nhất để nhấn mạnh sự trẻ mãi của bóng dù con người có già đi. Câu thơ thứ hai lại là cách thăng hoa bóng khi định nghĩa nó là cánh chim. Cánh chim bay đến cõi hư vô, thanh bạch. Cõi Thiền.

Với nhịp gãy đổ, nhịp "phản đề", cấu trúc bên ngoài và bên trong thường đối lập nhau. Sự tương phản ở bề mặt và bề sâu của nhịp tạo nên những đường gấp khúc cho nhạc thơ. Trong bài "Những đứa trẻ không quê" có khổ thơ tiêu biểu cho dạng nhịp gãy đổ: “Tôi hỏi gió,/ gió/ lặng thầm/ bay đi/ Tôi hỏi sương,/ sương/ rơi/ ngoài cửa sổ/ Tôi hỏi sao đêm,/ sao đêm/ ngấn lệ/ Tôi hỏi ánh chiều,/ chiều/ xế/ bên sông”. Vế đầu của các câu thơ đều được sử dụng nhịp liền mạch, không ngắt. Vế sau, các đối tượng được hỏi đều tách thành một nhịp riêng, đứng độc lập nhằm mục đích nhấn mạnh chính bản thân đối tượng. Câu trả lời của vạn vật như lặng thầm, rơi, ngấn lệ, xế cũng có một nhịp riêng. Với cách ngắt nhịp như vậy, Hoàng Vũ Thuật thể hiện được sự vô tình của thế giới xung quanh với những đứa trẻ "Ngửa lòng tay thay tiếng nói của mình". Đến đây, chúng ta tự hỏi, tại sao tác giả không hỏi con người về những số phận ấy? Trong bài thơ, tác giả không hỏi nhưng đã có câu trả lời: "Hương nếp thơm chiều ba mươi tết/ Chợt nở bừng bông mai vàng rực.../ Tôi nhìn ra bốn phía mênh mông/ Đồng trĩu phù sa, nhà cao mái phố". Chính sự vô tình ấy của con người, của vạn vật lại mở ra một cấu trúc nhịp bên trong ở trong khổ thơ này. Nếu cấu trúc nhịp bên ngoài là sự vô tâm, vô tình thì nhịp bên trong là sự lo lắng, quan tâm của tác giả trước những đứa trẻ không quê. Một lần hỏi là một lời giải đáp. Một lần hỏi, một lần thương cảm. Sự thương cảm cộng lại tạo nên nỗi đau. Nỗi đau nhân tình khi nhà thơ bộc bạch: "Và tôi bỗng thấy mình xấu hổ".

Những câu thơ, khổ thơ, bài thơ xây dựng theo kết cấu nhịp này, Hoàng Vũ Thuật tạo được những cung trầm day dứt, khó quên. Người đọc không chỉ nắm bắt nhịp trên bề mặt mà còn phải tìm được nhịp lòng, nhịp bên trong. Kiểu nhịp "phản đề" này, chúng ta còn gặp trong khổ thơ: "Em bé/ ngả mũ/ xin/ một đồng rơi// Bàn tay non/ xoè/ ngôi sao sáng rực". Động từ xinxoè được tách thành một nhịp riêng khắc hoạ hoạt động thường ngày của những em bé đi xin ăn. Một cử chỉ tối thiểu. Nhưng chi tiết xoè ngôi sao rực sáng đặt ở cuối câu thứ hai là một chi tiết rất đắt. Nó hoán đổi và cơ cấu một nhịp bên trong. Đó là nhịp tâm hồn của nhà thơ. Ngỡ như nhà thơ không có sự đồng cảm nào, song chính ý tưởng "Bàn tay non xoè ngôi sao sáng rực" lại cho thấy một tấm lòng yêu thương của nhà thơ đối với những số phận lang thang không nhà không chốn, mà lẽ ra họ phải là chủ nhân mai sau của đất nước. Nhịp bên ngoài là nhịp của cuộc sống hàng ngày. Nhịp bên trong là cả một tấm lòng đau buốt: "Ta cầm tù giữa vòng nhật thực".

Như vậy, cách ngắt nhịp như thế nào, đạt được hiệu quả thẩm mĩ ra sao đều tuỳ thuộc vào tài năng của nhà thơ. Người đọc thông qua cách ngắt nhịp, điểm ngừng mà tìm sự va chạm của các mạch ngầm gây nên hiệu ứng mới cho ý nghĩa thơ.

Các kiểu song hành khác nhau hòa lẫn làm nên một vẻ đẹp hoàn mỹ. Nghĩa là, nhạc thơ không chỉ đưa đến cho người đọc những giai điệu thuận, êm dịu, nhẹ nhàng mà còn đưa đến những giai điệu nghịch, day dứt, réo rắt… Chính các kiểu đối, tương phản cũng tạo nên một cung bậc riêng trong thơ.

Đối là một biện pháp, một phương tiện tu từ, "lối đối với hai vế đối âm, đối nhịp, đối nghĩa hoặc là tương phản nhau, hoặc bổ sung, khuếch đại, tung hứng lẫn nhau, được sử dụng rất rộng rãi... Đối ngẫu nhân lên nhiều lần hiệu suất diễn tả, tính sinh động biến hoá của lời văn, câu thơ. Đối ngẫu cũng làm cho câu thơ cân đối, hài hoà, xuôi tai, thuận miệng". Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... đến Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương... rất sáng tạo trong việc sử dụng đối ngẫu. Bây giờ, ngay cả những nhà thơ đương đại đều ít nhiều sử dụng phép đối trong thơ. Như vậy, phép đối không xa lạ gì với thơ ca từ xưa đến nay.

Hoàng Vũ Thuật sử dụng đa dạng cấu trúc đối để tăng thêm tính nhạc. Cấu trúc đối diễn ra từ một câu thơ đến hai câu thơ, đến cả khổ thơ và đến cả toàn bài. Đây là những cuộc “trật khớp” để gây nên hiệu ứng nhạc. Thủ pháp này giúp Hoàng Vũ Thuật dễ dàng phân thân trong trò chơi lấp lửng để hướng đến chân trời thơ siêu thực.

Hoàng Vũ Thuật đối ngay cả toàn bài thơ trong trạng thái lửng lơ để thể hiện các phương diện của con người:"...Giữa đất liềnbiển biếc/ Khoảnh khắc ngày vàngđêm thâu.../ Không số một, mà số sau cùng/ Giữa yêu cuồng mêchán chường mỏi mệt/ Giữa im lặngbão bùng/ Giữa anhem/ Giữa quênnhớ/ Đụctrong, nông cạnxa vời/ Một cái gì như không...". Có lúc lại đối ngay trong từng khổ thơ: "Một như đã, một chưa từng/ Một lênh lang chảy, một dừng rồi tan/ Một gần, gần đến đa mang/ Một xa, xa đến phũ phàng còn xa", "Sao lòng em đôi ngả cách chia/ Vừa trẻ dại lại vừa rắn rỏi/ Nửa ngọt ngào nửa thì nông nổi/ Nửa mơ hồ, nửa thực đến chua cay"...; trong từng câu thơ: "Gốc khế đầu mùa hoa tím không hay/ Và mong đợi những điều không mong đợi", "Em sôi nổi đến triệu lần, triệu lần anh thầm lặng"...

Để tránh sự đơn điệu, nhàm chán cho giai điệu chênh vênh này, Hoàng Vũ Thuật còn đan xen giữa hai vế đối là những liên từ, động từ, tính từ... Với liên từ ở giữa câu thơ, tạo sự đối ngẫu tiếp nối không dứt: "Hạnh phúc nước mắt/ Hai nhịp thuỷ triều khôn nguôi", "Thanh bạch tái tê/ Trắng lòng tay ngày về", "khúc thanh thứ mười ba/ con số lấp lửng loài người từng nghiệm chứng đớn đau hạnh phúc", "Cao thượng rồi thấp hèn/ Trong rồi đục/ Khó lòng phân biệt"... Có khi giữa liên từ là hai cặp đối nghịch nhau: "Đất mở rộng vòng tay ôm vầng mặt trời/ Mọc từ biển lên rồi lặn về lòng biển". Mọc đối với lặn, lên đối với về, giữa hai vế là kết tử rồi nhằm thể hiện quy luật vận hành muôn đời của thiên nhiên. Lúc lại đưa động từ hoặc tính từ chen giữa hai vế tạo âm điệu tiếc nuối lẫn ngỡ ngàng: "Con đường nhỏ lặn vào con đường lớn/ Nếp nhà xưa ngơ ngác nếp nhà nay", "Không quay lại mẹ ra đi mãi/ Mặt đất xưa trơ trọi mái nhà xưa"; tạo sự luân chuyển mùa nhưng cùng một cung nhạc: "365 ngày, ngày nào anh cũng nhớ/ Mùa mưa nhớ qua mùa nắng/ Mùa sáng nhớ mùa mù đen"... Ngoài ra, trật tự các từ ngữ đối nhau cũng rất linh hoạt. Lúc đi kèm nhau đầu câu, lúc đi kèm nhau ở cuối câu, lúc lại cách xa nhau, lúc lại có hai cặp đối nhau trong một câu, lúc lại đảo đối: "Trong bàn tay em những quân cờ vô tri bỗng thành cơn lốc/ Sấpngửa, rủimay, tất cả bày đặt trớ trêu/ Số phận chảy từng dòng, từng dòng/ Tan hợp, hợp tan vô chung vô thuỷ", "Cuộc sống nảy sinh từ bùn - những con vọp thở/ Con cá dứa bơi dọc, con tôm sú bơi lùi", "Trước bàn cờ đen trắng/ Có có không không", "Giữa khoảng cách buồn vui, yêu ghét", "Nắng vội vàng lên, chiều về chầm chậm", "Cuộc cờ âm thầm hết về nam lên bắc, lên bắc lại về nam"... Các vị trí đặt tiểu đối đa dạng góp phần làm nên tính nhạc riêng cho mỗi câu thơ.

Không chỉ sử dụng tiểu đối, Hoàng Vũ Thuật còn sử dụng lối đối song song. Vị trí đối câu thơ trên với câu thơ dưới cũng rất sáng tạo: "Anh đứng yên/ Khi em quay gót", "Cát vẫn nghìn năm về trước/ Cọng rơm vàng óng mượt với muôn sau", "nếu biển vô tình băng giá/ trái tim tôi sẽ sưởi ấm cho em", "Đời người bao nhiêu khổ hạnh/ Niềm vui một kiếp bèo trôi", "Như giấc ngủ nghìn năm/ Sáng nay ngỡ ngàng thức dậy"... Câu trên đối với câu dưới tạo nên hai luồng nhạc trong một bè, vừa đối chọi vừa tương thích trong tổng thể của một giai điệu.

Mặt khác, ông còn sử dụng đối ý, đối hình ảnh... bổ sung và nhấn mạnh hơn điều cần thể hiện. Hình ảnh người đàn bà tương phản với thế giới bên ngoài, với chính thế giới nội tâm của chính mình: "Ngày giờ nối nhau bền bĩ/ Người đàn bà ngồi bên cửa sổ lâu rồi/ Đóng khung thành bức tranh thế kỷ/ Đôi mắt chừng ngóng đợi một người". Những người bạn của nhà thơ cũng không mang theo gì khi sóng biển mãi chơi trò vô tăm tích: "Những thân xác trống không như chiếc bình tháo đáy/ Biển còn một ngôi sao cạnh vầng trăng đầy". Thể hiện sự xa cách, chia ly, ông đối ý sự trống rỗng: "trong bài hát có một quãng trống/ chẳng thể nào lấp nổi mà đi". Chỉ có một khoảng trống nhưng chẳng có gì lấp được bởi đó là khoảng trống của tâm trạng, khoảng trống không thể lấp bằng những thứ hiện hữu. Vì thế, nỗi buồn của nhà thơ cũng khó mà nguôi ngoai: "Chỉ mình tôi lúc này/ Nỗi buồn sâu hơn biển/ Ngàn con sóng khoả đầy/ Không thể nào lấp kín".

Song song đối ngẫu trong thơ Hoàng Vũ Thuật là những song song như hai mặt của bàn tay. Ông xây dựng nó bằng tư duy triết học nhị nguyên: đối cực giữa âm - dương, giữa không - có, giữa còn và mất… Điều này, tạo nên phong cách riêng của nhà thơ. Những cuộc đối ngẫu ấy làm nên một thực tại đa chiều kích: Về không gian: "Em rất gần lại rất xa xôi". Về thời gian: "Trắng từ xưa tới mai sau". Về mùa: "Mưa bên nàybên ấy nắng se". Về ngày: “Một ngày vui, một ngày thương tổn. Về tiến thoái lưỡng nan: “Một bước lên, lại một bước lùi về”. Về nỗi đau và niềm vui: "Nỗi đau đi vào, niềm vui đi ra/ Như ngọn nến xoay tròn ngõ chính". Về niềm vui và bi kịch: “Không giải nổi niềm vuibi kịch”. Về tan hợp của số phận: Tan hợp, hợp tan vô chung vô thuỷ”. Về thành và bại: "Thànhbại sau một đời lao lực". Về sấp và ngửa, rủi và may: Sấp ngửa, rủi may, tất cả bày đặt trớ trêu”. Về không và có: "Bức tranh siêu ngã/ Giữa vô cùng có không". Về con người: người tính nóng, người đãng trí quên cả tên người yêu / người cẩn thận, người luộm thuộm, người hay cười / người mặc cảm, chán chường, người đa tình số một / người lạc quan, phóng khoáng, người lặng im / người thông minh, người nhẹ dạ, người hay buồn”. Về sự sống và cái chết: "vũ trụ không ngừng quay, va đập, sinh diệt Những cuộc đối ngẫu này như những làn sóng, khi mạnh mẽ vỗ vào bờ, khi nhẹ nhàng trở lại hoà mình vào biển khơi. Chúng tạo nên những trọng lượng riêng, giữ câu thơ trong thế thăng bằng. Chính cái thế thăng bằng làm lộ ra tư duy triết học của Hoàng Vũ Thuật.

Như vậy, sự lặp lại, sự đồng nhất hay sự sai khác, sự dị biệt về mặt ngữ âm và từ vựng đều tạo nên một toàn thể phong phú, thẩm mỹ. Hàn Mặc Tử khi viết lời tựa cho tập Đau thương có nói: "Tôi làm thơ? Nghĩa là đã nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng". Hoàng Vũ Thuật cũng dành một cung nhạc rất riêng cho mình. Thơ ông là những bài ca với những cung bậc đa dạng. Nhạc thơ và nhạc lòng khúc xạ, đồng hoá làm nên sự ngập ngừng ẩn trắc, kín đáo: “mấy vạn hơi thở đến được cõi ấy / khoảng cách yêu và giận / đủ nhận biết mình” (nghiệm).

            Tuệ Minh

 

. . . . .
Loading the player...