22-04-2022 - 07:28

HỒ XUÂN HƯƠNG BÀ CHÚA THƠ NÔM VIỆT NAM - DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Lê Trần Sửu: "Hồ Xuân Hương bà Chúa thơ Nôm Việt Nam - danh nhân văn hóa thế giới" nhân dịp bà được vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới.

HỒ XUÂN HƯƠNG

BÀ CHÚA THƠ NÔM VIỆT NAM - DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI

 

 

16 giờ 35p (giờ Việt Nam, ngày 23 tháng 11 năm 2021, tại Paris, chủ tịch Đại hội đồng cổ đông Unesco (Liên hiệp Quốc) đã gõ bia vinh danh hai nhà thơ Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa thế giới và thế giới sẽ cùng Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh và ngày mất.

Hồ Xuân Hương, quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Gia phả tiểu chi họ Hồ Phi do cử nhân Hồ Phi Huyền, thầy học và là nhạc phụ của giáo sư Đặng Thai Mai biên soạn và con cụ là ông Hồ Phi Tường dịch ra Quốc ngữ. Gia phả này ghi rõ Hồ Xuân Hương là con gái tú tài Hồ Phi Diễn. Hồ Xuân Hương sinh hạ tại phường Khán Xuân, Tây Hồ, Hà Nội. Hồ Xuân Hương sống chủ yếu ở đất Bắc, dòng máu xứ Nghệ, dòng máu họ Hồ Quỳnh Đôi kết hợp những tinh hoa đất Bắc. Với một tuyệt đỉnh thông minh trời ban tặng lúc sinh thành, từ 5 tuổi Hồ Xuân Hương đã được cha kèm cặp, rèn dũa, Hồ Xuân Hương đã sớm trưởng thành, vừa để lại cho đời những tập thơ chữ Hán (Lưu Hương ký, Hương Đình cổ nguyệt, Tập Đồ sơn bát cảnh và Đề Vịnh Hạ Long). Chính những tập thơ Nôm truyền thống này, ngôn ngữ dân gian bình dị nhưng hết sức sáng tạo, làm nên những câu thơ vừa tục và thanh nhiều ý nghĩa, những tiếng cười dân giã sảng khoái lại vừa châm biếm chua cay, những thao tác nghệ thuật tài tình phá cách, biến cải bản thể thơ Đường luật trang nghiêm, đăng đối, làm nảy sinh một thế giới thơ mới lạ, một thế giới mỹ học gây thích thú thẩm mỹ trên thế giới, một tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh giải phóng phụ nữ Việt Nam, tự hào chính đáng của bản sắc văn hóa Việt.

Xã hội Việt Nam vào thời điểm đó là một xã hội trọng nam khinh nữ, các giá trị đạo đức và chuẩn mực văn hóa được đặt ra đều để phục vụ cho nam giới, khống chế và khuyến dụ người đàn bà phải chấp nhận vai trò phụ thuộc vào đàn ông vì trời đã định ra như vậy.

Rồi Gia huấn ca, rồi luật lệ tam cương, tam tòng, tứ đức… Tất thảy đều dạy cho đàn bà, con gái biết an phận với vai trò thứ yếu trong gia đình và vai trò phụ thuộc trong xã hội.

Trước một xã hội bị bóp méo hoàn toàn, người nữ tất nhiên bắt buộc suy nghĩ và có hành động. Và Hồ Xuân Hương đã khôn khéo dùng văn chương như một thứ vũ khí để chống lại những trật tự áp chế đó.

Trước hết, bà dùng tài thơ một cách thông minh để chế diễu giai cấp thống trị nam giới đạo đức giả, vạch trần cho mọi người thấy rõ tham lam thối nát của những nam giới cầm quyền.

Những kẻ này “trên đòi ăn uống thiếu mùi chi”  hai thứ “trâu non” và “bò con” bị chết do bệnh dịch và phải gió chết, thì cái thủ là cái thứ phải vứt bỏ đầu tiên trong đống thịt chết đó, vậy mà giới cầm quyền vẫn nhắm nhí với rượu đàng hoàng để điểm tô cho các món thịt chết này! Bài thơ “nhai thủ nghé chết” “nhắm đầu bê kềnh”, chữ “ăn” ở đây bao hàm cả một phạm trù vật chất rộng lớn, các vị quan đã hay mọi miếng trên đời rồi, vậy mà các vị ấy cứ vơ vào, vơ vào như cái thùng không đáy. Bài thơ phác họa tất cả mọi thứ bẩn thỉu kiểu gì của dân gian cũng không chê!

Tại phương Tây, giữa thế kỷ 20, Virginia Wolft, một nhà tranh đấu nữ quyền của Mỹ bắt đầu cổ vũ phụ nữ hãy lên tiếng nói chống sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Và tại Pháp, một tác giả nữ quyền khác là Helenne Cixous cũng cổ vũ hãy viết thật nhiều về phụ nữ bị xa cách, bị lãng quên, bị đứng ngoài rìa văn học trở lại với văn chương. Trong một tiểu luận “Lerive de la Me’duse, Cixous tha thiết mời gọi phụ nữ phải “viết để đặt người phụ nữ vào lịch sử. Hơn một trăm năm trước, Hồ Xuân Hương của Việt Nam đã biết dùng văn chương để làm vũ khí để đả phá xã hội phu quyền đương thời. Tình dục là một khía cạnh hiện thực, thân thiết của con người và cuộc đời từ lâu đã bị bỏ quên trong văn chương. Hồ Xuân Hương bằng những bước táo bạo đã đem phô bày giữa ánh nắng khiến cho các bộ phận có nhiệm vụ truyền giống của nam và nữ giúp cho nhân loại trường tồn.

Hồ Xuân Hương đã khéo léo dùng sự tục/thanh như một bức màn thưa để che mắt các nhà nho thủ cựu. Cái tục của Hồ Xuân Hương không phải là cái dung tục hạ cấp mà là cái tục rất thanh, rất mỹ học, tuy nôm na nhưng không mách qué.  Tất cả các thủ tục đó đều được bà hướng đến một mục tiêu rõ rệt là tôn vinh vai trò và vị trí của người nữ trong xã hội để chống lại địa vị độc tôn của người nam đã được xã hội phong kiến thừa nhận một cách bất công.

Ta có thể cảm nhận rõ qua bức họa bán khỏa thân của Hồ Xuân Hương “Thiếu nữ ngủ ngày”

….

Lược trúc biếng cài trên mái tóc

Yếm đào trễ xuống dưới nương long

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch đào nguyên suối chữa thông

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở, ở không xong”

Xét thời điểm lịch sử của chế độ phong kiến hà khắc của nước ta cách đây hàng trăm năm, có thể nói tác giả có cái nhìn rất mới mẻ, đã cho mình đôi mắt trong veo để nhìn đời, nhìn người, thấy hết mọi giá trị tốt đẹp của con người. Quý giá biết bao tấm lòng nhân hậu của Hồ Xuân Hương!

Qua thơ văn của Hồ Xuân Hương, ta thấy bà cho chuyện tinh dục là chuyện bình thường, tự nhiên không có gì phải cấm kỵ và xấu xa. Nếu xấu xa tại sao “hiền nhân quân tử ai mà chẳng, mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo” (Đèo Ba Dội). Nếu xấu xa tại sao những cánh “cửa son đỏ chói đùm hum nóc” (Đèo Ba Dội) và cánh cầu trắng phau phau đôi ván ghép” (Cái Giếng) lại có sức mạnh “lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại” và không những kẻ thứ dân mà cả Vua chúa cũng “Chúa dấu vua yêu một cái này”.

Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh (Hồ Xuân Hương, tác phẩm, thân thế và văn tài, Đại nam xuất bản ) đề cập đến “cái nòng” của Hồ Xuân Hương như sau: Cái mà người vô bệnh ưa hơn hết, phụng thờ hơn hết, phải nói rõ là ưa và phụng thờ trong những lúc không có con mắt người thứ ba nào trông vào, trong những lúc “cấm ngoại thủy không ai được biết”… nhưng nơi chỗ đông người, người ta vừa nghe nói đến thì đã vội vàng kêu la “bất nhã”, “tục” vì thành kiến luân lý,… Biết rõ giá trị của thân xác và “cái này” của người nữ, Hồ Xuân Hương đã đem những vũ khí đó của người nữ ra làm độc chiêu. Giống như các phong trào đấu tranh nữ quyền tại Mỹ, trong nhiều cuộc xuống đường, các bà đã đem phô trương vẻ đẹp thân thể như một vũ khí tranh đấu, thì Hồ Xuân Hương đã không ngần ngại trình bày qua văn chương “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”, bà còn lại cho biết “da nó xù xì, múi nó dày”, hoặc tả rõ ràng, tỷ mỉ hơn “Cầu trắng phau phau đôi ván ghép/ nước trong leo lẻo một dòng thông/ cỏ gà lún phún leo quanh mép/cá diếc le te lách giữa dòng” hoặc “Chành ra ba góc da còn thiếu/Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”…

Theo Hồ Xuân Hương vai trò của phụ nữ trong việc tạo nên âm dương hòa hợp theo đúng đạo của tạo hóa là một việc đáng tôn vinh. Chuyện chăn gối là chuyện tự nhiên của mọi giai tầng xã hội, từ vua chúa đến dân gian  ai mà không muốn “Cho ta yêu dấu chẳng rời tay” , “chẳng mong được yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày”  cho nên dẫu “chồn chân mỏi gối hãy còn ham”. Sự trân trọng đó của phái nam đã một lần nữa xác nhận sự hiện hiểu của phái nữ. Chuyện chăn gối là hình ảnh thường gặp trong thơ của bà. Còn hình ảnh nào đẹp đẽ bằng cảnh trai thanh gái lịch “đánh dù”  trong ngày lễ hội: “Trai co gối hạc khom khom cật/gái uốn lưng ong ngữa ngữa lòng/Bốn mảnh quần hồng bay phất phới/ hai hàng chân ngọc duỗi song song”… Còn hình ảnh nào hấp dẫn cho bằng cảnh người nữ nông dân “tát nước khe” với nét đẹp “nước lộn trời giữa thiên nhiên”, “xì xòm đáy nước mình nghiêng giữa/nhấp nhỏm bên bờ đít vắt ve,...”. Còn hình ảnh nào nóng bỏng bằng cảnh tao nhân mặc khách tìm vui trong những cuộc “đánh cờ” nơi thâm cung: “Thoắt mới vào, chàng liền nhảy ngựa/Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên/ Hai xe hà chàng gác hai bên/thiếp sợ bí thiếp liền gánh sĩ,…và còn nhiều hình ảnh ở các tầng lớp khác, từ cô hàng sách, bà lang, đến các nhà sư hổ mang còn nặng lòng trần cũng không thoát khỏi nhu cầu tìm “cực lạc là đây, chín rõ mười” đó. Sự thực đó như cơm để ăn, không khí để thở, có gì đâu mà phải cấm kỵ đến nỗi văn chương không được phép đề cập đến.

Theo Hồ Xuân Hương, người nữ còn có một nghĩa vụ nặng nề giúp người nam vượt qua những khó khăn, của cuộc đời như cái quạt đã làm “mát mặt anh hùng khi tắt gió”, hoặc giúp che đầu quân tử lúc mưa sa”. Người nữ phải được trọng vọng ngang hàng với người nam vì người nữ có nghĩa vụ vừa làm vợ vừa làm mẹ “ thân cò lặn lội bờ sông” vừa phải thỏa mãn chồng vừa phải dỗ dành con thơ “bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng/thằng bé hu hơ khóa dưới hông”. Còn hình ảnh nào sống động hơn để vẽ nên vai trò nặng nề đó của người đàn bà.

Còn hơn thế nữa, Hồ Xuân Hương qua bài thơ “Kẽm trống” đã miêu tả một cách tinh tế cái cảnh “vượt cạn” của người phụ nữ, đồng thời nói lên một nghĩa vụ cao cả của người đàn bà là sinh hạ trẻ thơ, một nghĩa vụ hơn hẳn nam giới, vì đàn ông không làm được việc đó.

Hai câu thơ đầu của bài thơ “Kẽm trống” giới thiệu thiên nhiên “núi và sông” của địa danh Kẽm Trống, thế nhưng âm thanh phát ra từ “núi và sông” hùng vĩ đó chỉ là “lắc lắc’ và “long bong”, câu thơ tiếp “gió giật sườn non khua lắc cắc” không thấy hiện ra cảnh “núi non” câu tiếp là “sóng dồn mặt nước võ long bong”, ý câu thơ này cũng vậy chẳng làm hiện ra cảnh sông nước “long bong” không phải âm thanh của dòng nước vỗ ở một khúc sông có diện tích rộng, thoáng. Chúng ta thấy âm thanh “long bong” ở đây giống như nước vỗ trong một bình có độ thông thoáng hẹp. Hai câu thơ “gió giật sườn non khua lắc lắc”, “sóng dồn mặt nước vỗ long bong” họa nên hình ảnh một bà mẹ mang thai, đứa con trong bụng (trong trống) nó khua, nó đạp bên sườn. Vất vả lắm nhưng gió giật sườn, sóng dồn mặt nhưng tai nghe nhe nhóm lắc lắc, long bong.

Xét đến hai câu thơ tiếp “ở trong hang núi còn hơi hẹp/ Ra khỏi đầu non đã rộng thùng”. Ví dụ khách là đứa con trong bụng mẹ, lòng mẹ như vách núi, nơi nuôi dưỡng bé. Bé lớn lên và thấy nơi mình trú đã hẹp, bé tìm cách chui ra, thế nhưng việc ra khỏi được chiếc đầu non bé bỏng, bé đã tưởng mình lớn lắm rồi. Và bà mẹ đã nhắc bé rằng không gian trước mặt bé chỉ là mới là cái rộng thùng.

Thêm vào hai câu kết “qua cửa mình  nên ngắm lại/ hàn vi có biết nỗi bưng bồng. Hồ Xuân Hương muốn nói chung phái nam hãy ngắm lại mình để nhớ là tất cả đàn ông đều đã qua “các cửa đó” cũng như đừng quên nỗi bưng bồng” khó nhọc của mẹ hay người nữ.

Hồ Xuân Hương đã ngang nhiên chống lại thành kiến xã hội ruồng bỏ những người phụ nữ đã “cả nể nên chửa hoang”. “Quản bao miệng thế lời chênh lệch/những kẻ không mà có mới ngoan”. Bà đặc biệt chống đối kịch liệt cái chế độ đa thê của xã hội đương thời, chế độ đa thê là một sự bất công của chế độ phụ quyền “Đàn ông thì năm thê bảy thiếp”, trong khi đó đàn bà “phải chính chuyên một chồng”. Thân phận người đàn bà, đặc biệt các tì thiếp thiệt đáng thương, chẳng khác gì một thứ nô lệ hay một thứ dụng cụ cho đàn ông. Mang tiếng là vợ, nhưng về phương diện sinh lý bình thường, người làm thiếp không được quyền đòi hỏi, “Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lưng/năm thì mười họa nên chăng chở/một tháng đôi liền có cũng không”. Tuy vậy làm thiếp vẫn còn đỡ hơn các phụ nữ chẳng may phải làm cảnh “cán cân tạo hóa rơi đâu mất”, khiến lâm vào  cảnh góa bụa thì miệng túi càn khôn đành phải khép lại. Cả đời, vì xã hội phụ quyền không chấp nhận người đàn bà được đi bước nữa.

Trước những trói buộc của xã hội, nhiều lúc bà cũng mơ được thoát ra khỏi các tập tục, lễ giáo, các ý thức hệ phong kiến khắc nghiệt, nhưng sức người có hạn, mà ước lệ xã hội khắt khe đã có từ ngàn đời nên bà chỉ đành trăn trở trong đêm khuya mà than cho thân phận “Canh khuya văng vẳng/trống canh dồn, trơ cái hồng nhan với nước non”. Tuy vậy bà vẫn chứng tỏ là một người có nhiều nghị lực “thân đâu đã chịu già”, bà kêu gọi phụ nữ khác hoặc tự nhủ mình chớ có khóc than mà phải luôn luôn vùng lên tranh đấu “nín đi kẻo thẹn với non sông”.

Đúng là không thẹn với non sông, thơ của bà đã được dịch sang tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn ở Châu Á từ năm 1960. Ở phương Tây, thơ của bà được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Nga, tiến Đức, Canada, Tiệp Khắc, Slovakca, tiếng Anh. Đặc biệt là năm 2000, giáo sư Đại học Corolime đòng thời là một nhà thơ lớn của Mỹ đã hợp tác cùng với một nhà xuất bản thơ tên tuổi ở Mỹ là Apper congonPress in cuốn thơ Hồ Xuân Hương” (Spring Essence) mà ông đã để tâm nghiên cứu và dịch sang tiếng Anh trong 10 năm. Thơ ca ở Mỹ không hề bán chạy. Một nhà thơ nổi tiếng đương thời in một cuốn thơ bán được từ 1000-4000 bản cho hơn 300 triệu người Mỹ đã là một điều ngạc nhiên. Ấy thế mà cuốn thơ Hồ Xuân Hương (Spring Essence)  in ra đã thành công ngay lập tức. Đã được các nhà truyền thông đại chúng của Mỹ, đài BBC cũng như như báo chí toàn nước Mỹ nói tới rất nhiều. Quyển sách đã được in và bán được trên 20.000 bản (số liệu và dẫn chứng rút ra từ “Tác phẩm văn học Nôm của Hồ Xuân Hương tại Mỹ của giáo sư John Baleban).

Tóm lại, Hồ Xuân Hương là một nữ tiên phong, một thiên tài có tính độc đáo, có một không hai trong văn học Việt Nam. Bà đã đi trước thời đại của bà để nói lên tiếng nói của phụ nữ chống lại cơ chế phụ quyền. Tiếng nói thơ văn của Hồ Xuân Hương đã vượt không gian và thời gian để nối kết nền văn học Việt Nam với toàn thế giới và làm hãnh diện cho văn thơ Việt Nam.

  Lê Trần Sửu

 

 

. . . . .
Loading the player...