18-11-2022 - 07:36

HAI NHÀ GIÁO, HAI TỔNG BÍ THƯ CỦA ĐẢNG

Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2022 trân trọng giới thiệu bài viết: "Hai nhà giáo, hai Tổng Bí thư của Đảng" của tác giả Lê Văn Tùng

 hai nhà giáo, hai tổng bí thư của đảng

         

Lúc sinh thời, trong một lần phát biểu tại hội nghị cốt cán ngành giáo dục, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Và chúng ta cũng rất vui mừng khi thấy nhiều vị xuất thân từ nhà giáo đã trở thành lãnh tụ cách mạng của dân tộc như thầy giáo Nguyễn Tất Thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của Nhân dân ta, thầy giáo Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, ngưới anh cả của quân đội Nhân dân Việt Nam... Đặc biệt có hai nhà giáo đã trở thành hai Tổng Bí thư của Đảng, đó là thầy Trần Phú và thầy Hà Huy Tập. Trước khi trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta thì Trần Phú và Hà Huy Tập là những nhà giáo bản lĩnh, tâm huyết, luôn được học trò mến yêu và kính trọng.

1. Trần Phú quê làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ngày 01/5/1904 tại Tuy An tỉnh Phú Yên, khi thân sinh ông, giải nguyên Trần Phổ đang dạy học ở đây.

Trần Phú đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trường Quốc học Huế vào mùa hè năm 1922, lúc ấy anh mới 18 tuổi. Gia đình, bạn bè, nhà trường và cả những thầy giáo người Pháp, ai cũng mừng cho anh. Trong rất nhiều lời chúc mừng, sẻ chia tốt đẹp lúc bấy giờ anh nhớ nhất lời thầy Võ Liêm Sơn: "Thầy mãi tới 25 tuổi mới đỗ được thành chung. Con đã đạt sớm hơn thầy nhiều. Nhưng thầy hy vọng con sẽ có con đường đi khác với con đường mòn mà lớp người như ông thân sinh con, như thầy đã đi".

Anh biết, thầy Võ đã đặt nhiều niềm tin vào người học trò yêu của mình. Nhưng con đường đi khác là con đường nào, phải chăng thầy đã thấy được ý tưởng yêu nước thầm kín mà lâu nay mình hằng ấp ủ.

Trần Phú được bổ về Vinh dạy trường tiểu học Pháp Việt Cao Xuân Dục. Mới về trường anh đã được cử vào dạy lớp nhất (lớp cuối của cấp tiểu học). Thầy Phú trông rất trẻ, vì tuổi thầy cũng không hơn học trò là mấy. Học trò lớp nhất, lớp nhì thời bấy giờ phần lớn đã lên 16, 17 tuổi, có trò còn cao to, trông già dặn hơn thầy. Có người chưa biết đã gọi thầy bằng "anh". Thầy Phú chỉ gật đầu cười, vui vẻ chào đáp lại. Sau này khi biết đó là thầy Trần Phú, người đỗ đầu kỳ thi "đíp lôm" ở trường Quốc học Huế về, rồi qua các bài giảng của thầy, qua thái độ niềm nở, vui vẻ, gần gũi của thầy, họ càng ngạc nhiên mến phục.

Thầy Phú ở nhờ một nhà trọ trong phố, thầy làm việc rất cần cù, ban đêm thường thức khuya để soạn bài, chấm bài, học, viết... Thầy sống đạm bạc, thường ngày ăn cơm tháng ở một nhà hàng chuyên nấu cho những thầy giáo, thầy ký lương thấp, chưa có gia đình riêng. Ở nhà, thầy thường mặc áo bà ba trắng, đi guốc gỗ, chỉ khi ra đường hay đến trường thầy mới mặc áo the, đi dày hạ, mấy năm sau mới thấy thầy mặc đồ Âu.

Trong số học sinh của Trần Phú có những người rất quý trọng anh và được anh rất yêu mến. Đó là những Nguyễn Ngọc Ba, Lê Thị Phúc, Nguyễn Thị Vịnh (tức Nguyễn Thị Minh Khai)..., những người chịu ảnh hưởng nhiều của Trần Phú và về sau đã trở thành đồng chí của anh.

Hiệu trưởng trường Cao Xuân Dục lúc bấy giờ là Trần Đình Thanh, tức Trần Mộng Bạch. Ông Thanh người Thị xã Hà Tĩnh, cũng là một nhà giáo yêu nước nên gặp được Trần Phú hai người nhanh chóng trở thành bạn tâm giao. Rồi Trần Đình Thanh, Trần Phú, cùng các bạn nhà giáo Trần Tăng, Ngô Đức Diễm, Phan Kiệm Huy..., đã tổ chức thành nhóm đọc sách báo bí mật. Họ thường gặp nhau tại nhà anh Thanh trên đường gần nhà ga Vinh (nay là đường Quang Trung), để trao đổi chuyện văn chương và thời thế. Chính trên gác ngôi nhà này, Trần Phú đã được đọc tờ báo "Lơ Paria" lần đầu tiên và hiểu biết thêm về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mà anh đã từng biết tiếng.

Một sự kiện làm nức lòng Trần Phú và nhóm giáo viên trẻ trường Cao Xuân Dục là tiếng vang của trái bom Sa Diện (Trung Quốc) của anh thanh niên người Nghệ Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc Lanh khi y đi Nhật qua đây.

Tinh thần yêu nước càng được thôi thúc mãnh liệt, nhóm Trần Đình Thanh được lớp đi trước cổ vũ và Tôn Quang Phiệt - lúc này ở trong tổ chức "Việt Nam nghĩa đoàn" của sinh viên trường cao đẳng Hà Nội về tham gia, ngày 14- 7- 1925, lợi dụng ngày "hội Tây", nhóm Trần Đình Thanh, Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Lê Huân, Ngô Đức Diễm,..., đã bí mật họp sau rú Quyết thành lập Hội Phục Việt. Ít lâu sau tên Hội bị lộ, đổi thành Hội Hưng Nam như tên một hiệu buôn để giữ bí mật. Một số học trò trường Cao Xuân Dục như Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Thị Vịnh (Minh Khai)..., lần lượt được kết nạp vào Hội.

Cuối học kỳ 1926, Trần Phú xin thôi dạy học để sang Lào hoạt động. Nhưng giữa lúc ấy ban lãnh đạo Hội Hưng Nam được biết Nguyễn Ái Quốc tử Pháp sang Nga, rồi về Trung Hoa lập ra tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, bèn cử Trần Phú đi Quảng Châu để liên lạc và tìm hiểu.

Rời bỏ mái trường và học sinh thân yêu của mình, từ đây người thầy giáo, người thanh niên yêu nước Trần Phú được gặp nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và cũng từ đó anh tiếp tục những bước đi với nhiều gian lao và thử thách, nhưng đầy vinh quang trên con đường cách mạng của Đảng.

2. Hà Huy Tập sinh ngày 24- 4- 1906 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ngay từ thời niên thiếu Hà Huy Tập đã kế thừa được truyền thống hiếu học và cách mạng của quê hương, nên anh đã sớm giác ngộ và bước vào cuộc đấu tranh cách mạng. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Quốc học Huế với tấm bằng loại ưu, nhưng vì nhà nghèo không đủ điều kiện để học tiếp ở bậc cao hơn, Hà Huy Tập nhận làm giáo viên ở trường tiểu học Pháp - Việt thị trấn Nha Trang (Khánh Hòa). Mùa thu năm 1925 Hà huy Tập gia nhập Hội Phục Việt. Được Hội giao nhiệm vụ, Hà Huy Tập đã gửi một văn bản tới Toàn quyền Đông Dương yêu cầu xóa án cho nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Vì tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong giáo viên, học sinh và luôn luôn đấu tranh chống lại những quyết định tùy tiện, độc đoán của nhà trường, giữa năm 1926 Hà Huy Tập bị trục xuất khỏi Nha Trang.

Tháng 8 năm 1926 Hà Huy Tập về Vinh vào dạy trường tiểu học Cao Xuân Dục. Anh vui mừng được gần gũi Trần Phú, bạn học cũ, người đã cùng anh lập nên "Thanh niên tu thân hội" ở Huế ngày trước, thế là nhóm Trần Đình Thanh, Trần Phú..., lại có thêm một thành viên tích cực mới, thầy Hà Huy Tập.

Tại Vinh, ngoài việc giảng dạy tại trường, thầy Trần Phú, thầy Hà Huy Tập còn tích cực tham gia phong trào dạy chữ quốc ngữ cho công nhân Trường Thi, Bến Thủy, còn xuống các xóm thợ, các làng xã quanh Vinh để tìm hiểu tình hình và xây dựng thêm cơ sở. Phát hiện được những hoạt động hăng hái của Hà Huy Tập, chính quyền thực dân quyết định đưa anh lên dạy một trường ở vùng núi Nghệ An. Do không chấp nhận quyết định đó, Công sứ Vinh đã lệnh cho Đốc học Vinh cách chức giáo viên của Hà Huy Tập.

Được tổ chức giao nhiệm vụ, tháng 3-1927, Hà Huy Tập rời Vinh đi Sài Gòn. Ở đây, anh lại vào dạy học tại trường Tiểu học tư thục An Nam học đường. Hà Huy Tập đã tổ chức thành công nhiều cuộc bãi khóa của học sinh, chống lại chế độ giáo dục thực dân của nhà trường. Bọn mật thám tuy nhận được tin báo có một người dáng thấp, nhỏ, rất nhanh nhẹn từ miền Trung vào đang hoạt động tích cực trong học sinh và thanh niên. Nhưng do Hà Huy Tập rất cảnh giác trong hoạt động, thường xuyên thay đổi chỗ ở, ứng phó rất linh hoạt với tình hình nên vẫn không bị bắt. Tuy nhiên đến tháng 6 - 1928, Hiệu trưởng trường An Nam học đường có quyết định đình chỉ việc giảng dạy của anh với lý do kích động học sinh nhiều lần bãi khóa.

Rời khỏi công việc của người thầy giáo, Hà Huy Tập xin vào làm việc tại một hiệu buôn, đến tháng 8- 1928, Anh rời khỏi hiệu buôn đến Bà Rịa xin vào làm việc ở đồn điền trồng mía Phú Mỹ. Trong thời gian ở Phú Mỹ, Hà Huy Tập đã vận động thành lập được một chi bộ Đảng trong công nhân do Anh trực tiếp làm Bí thư. Như vậy dù ở trường học hay ở đồn điền, bất kỳ môi trường nào thì với nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng, ở đâu Hà Huy Tập cũng vượt lên mọi hoàn cảnh để giác ngộ quần chúng, xây dựng nên phong trào cách mạng.

Cuối năm 1928, Hà Huy Tập sang Trung Quốc để tiếp tục những bước đi mới trong sự nghiệp hoạt động cách mạng theo sự phân công của Đảng.

3. Trần Phú, Hà Huy Tập là những chiến sĩ cộng sản kiên cường, những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cả hai đều bắt đầu bằng sự nghiệp nhà giáo, đều học trường Quốc học Huế, đều kinh qua dạy các trường tiểu học, đều cùng quê hương Hà Tĩnh...., và về sau đều trở thành Tổng Bí thư của Đảng, những người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Đảng, Nhân dân và ngành Giáo dục nước nhà mãi mãi tưởng nhớ và tự hào về các đồng chí cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, những nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, những người con ưu tú của dân tộc, nhân dân.

              Lê Văn Tùng

. . . . .
Loading the player...