24-11-2022 - 08:13

GIÓ TỪ NHỮNG MÙA SEN

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2022 trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà LLPB Hà Quảng về thơ Trần Nam Phong - "Gió từ những mùa sen"

 

gió từ những mùa sen

                                                                                     

Viết chờ sen lên (Nxb Hội nhà văn, 2020), tập thơ đầu tay cũng như nhiều bài khác trên trang cá nhân của Trần Nam Phong rất được bạn đọc trìu mến đón nhận. Lãng đãng ít sắc màu triết lý, pha một chút hương vị thiền, đậm chất trữ tình đồng quê…! Tuy nói tập thơ đầu nhưng đó một quá trình sáng tác rất dài của anh,  gợi nhiều ấn tượng cho bạn đọc. Trên con đường từ miệt quê về phố thị anh vẫn mang theo nhiều âm hưởng quê kiểng tạo nên trong thơ một nét trong sáng dịu dàng.

Thơ tình yêu: Sen thơm vào cốm nõn                   

Bạn trẻ đọc thơ anh, bắt gặp một cảm xúc dịu ngọt mà mới mẻ trước tiên ở mảng thơ tình. Những câu thơ khá độc đáo, với những hình ảnh lạ, ngôn ngữ cũng rất ấn tượng: …Bìm bịp ngủ trong lồng ngực em /Anh mơ làm con nước/…Trăng thức để tròn/ Sao tình em/ Lại khuyết…Gió ngậm tóc đi tu/Sen thơm vào cốm nõn/ Mình anh thơ thẩn tìm thu/…Ra bể tìm sông, sông giấu mặt/Mùa đi/ Vời vợi mảnh buồm nâu (Tìm thu). Những hình ảnh vừa ẩn dụ vừa siêu thực đánh mạnh vào cảm giác người đọc. Cảm xúc thì trẻ trung, ngôn ngữ lại mới mẻ, những câu thơ mang hương vị riêng: Tiếng chim gáy cất lên/Em họa mi trong mắt/ Bình minh/ Mang cơn mưa/ Về gieo hạt/Anh nhặt được/ Những ánh sao/ Còn ướt (Bình minh).

Người và vật, hình và tiếng, tất cả quyện lẫn hài hòa đánh thức các giác quan người đọc trong một niềm hân hoan trẻ trung, mới mẻ. Niềm hân hoan của tình yêu! Dẫu sao đó cũng là cơn mơ tình ái. Nó lóe lên ở một vài bài. Đa phần thơ anh và mang âm hưởng làng quê hồn hậu.

Trần Nam Phong có những bài thơ viết rất hay, rất tinh tế về tình yêu! Nhiều phương diện nhiều cảm xúc, tâm trạng được thể hiện thoáng qua nhưng đầy day dứt. Về hiện tại thì mạnh bạo mới mẻ, về kỷ niệm lại giản dị, thâm trầm. Hoa dong riềng, một loài hoa bình dị hơn cả cỏ, thế mà nhà thơ thổi vào đó tình yêu của mình làm nó bỏng cháy trái tim người đọc:…Cánh hoa hồn nhiên lửa cháy/Tháng ngày chưa kịp gọi tên/ Dong riềng, dong riềng, dong riềng/Giọt mật thời gian tươi mãi/Bao năm chưa về thăm lại/Thương mùa hoa có đơm bông (Hoa dong riềng). Những nỗi buồn của tình yêu dẫu có lúc phai sắc vì chia cách thì cũng có lúc cháy lên như lửa không bao giờ tàn rụi trong những trái tim đợi chờ! Bài thơ đi theo tiết tấu sáu chữ một dòng đều đều như tình yêu nhớ lại, bỗng nhói lên ba nhịp điệp từ: Dong riềng,/dong riềng, /dong riềng như một lời thảng thốt một phút quặn lòng của kỷ niệm hiện về. Bài thơ là một ẩn dụ về bông hoa dong riềng - tình yêu một thời của tác giả. Nó giản dị, kín đáo vẻ ngoài “Lãng quên lặng lẽ góc vườn” nhưng sâu lắng, cháy bỏng bên trong “Sắc thắm hồn quê như lửa”; sống mãi trong không gian “Nắng mưa đất trời hai nửa” bất biến cùng với thời gian “Thổi hoài ngọn gió vườn xưa”! Âm hưởng bài thơ lan dìu dịu cộng hưởng trong tâm hồn người đọc… Bài thơ là một hồi ức, một kỷ niệm xa xưa nhà thơ nhớ lại qua bao năm tháng “lãng quên” nhưng nồng nàn như vừa mới. Nhớ câu thơ cổ… Ôi hoa hồng êm dịu ký ức xa. Ta dấu ngươi trong lồng ngực trái tim ta!, cảm nhận được sự tương đồng tình yêu của con người mọi thời! 

Thơ tấm lòng quê kiểng: Vườn quê vẫn ngát hương cau

Như một nhà thơ tiền bối đã nhắc nhở, thơ hay cốt hai đìều: chân thật và có nét riêng! Hai điều đó đều có ở thơ Trần Nam Phong. Những điều anh thổ lộ về quê hương, cha mẹ, về tình yêu đều rất mực cảm động. Dư vị đồng quê tạo nét riêng cho thơ anh, một miền quê nghèo còn đầy sương gió nhưng không vì thế mà làm nguôi nỗi nhớ nhung, yêu mến của tác giả - yêu, từ Mấy cành lan mộc lúc trăng lên; Những hòn đá trắng mờ rêu xám của cái thôn nghèo Hoàng Diệu cho đến những vườn cau, những chiếc cầu mà trên đó từng in dấu hình bóng của mẹ, và em: …Vườn quê vẫn ngát hương cau/Lối về phố thị bắc cầu qua sông/Nhớ xưa dáng mẹ trên đồng/Áo tơi, nón lá, nâu sồng nắng mưa. (Khúc hạ 3), Ta về núi bỗng hai vai/Con sông thì chảy dặm dài nhớ mong/Bàn chân bước giữa cõi lòng/Em ơi sông rộng nhưng không có đò (Bên sông).

Thơ Trần Nam Phong rất sâu nặng tình cảm với cha mẹ. Đó là mẫu số chung của tình người ai cũng có, nhưng Trần Nam Phong đậm đà nồng hậu một cách nói riêng. Anh gắn hình ảnh mẹ với “nỗi buồn tháng tư”, nỗi mệt nhọc vất vả của mẹ qua đặc tả vạt áo mồ hôi trên cánh đồng chiêm tái nhợt lưỡi cày vào lúc trời  thâm thẩm tối (Tháng tư). Hình ảnh thơ đầy sức gợi về thời gian và cường độ lao đông, nói rõ sự vất vả, mệt nhọc của mẹ! Hay những câu thơ đầy thương cảm Lối nào mẹ tôi chạy chợ/ Nôn nao đòn gánh bán mua, với hình ảnh người mẹ với “chiếc đòn gánh” từng xuất hiện trong “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du người đọc gặp lại trĩu nặng cõi lòng (Thơ gửi mẹ ngày giáp hạt). Cộng hưởng thêm là nỗi thương nhớ khôn nguôi đối với người cha cùng anh gắn bó năm tháng nay đi xa: Đưa cha qua cánh đồng chiều/ Khổ đau níu lại bao nhiêu tháng ngày. Nỗi niềm làm tím cả khung trời tháng tư! Tình nghĩa gia tộc nhuần đượm trong thơ anh, nó tạo nên cảm giác miên man, xót xa mà trầm tĩnh. Đọc thơ anh cảm xúc ta lắng lại một dư âm hoài niệm thân thương lan xa mãi.

Kỳ Anh là một miền đất nhiều thắng cảnh sông, núi, biển, đồng, luôn tạo những nét riêng vừa hùng vĩ vừa dịu dàng luôn níu giữ bước chân du khách. Cảnh quê trìu mến nồng đượm trong thơ anh, nơi có Đèo Ngang thơ mộng, đền Bà Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu cổ kính, Chợ Voi hoang sơ nơi Quang Trung từng làm trại dừng đàn tượng binh trên đường ra Bắc (?). Đây cũng là nơi khúc thắt giao thông tuyến đường Nam Bắc thời chống Mỹ là vùng trọng điểm chịu nhiều bom đạn, có nhà văn đã viết về vùng đất này: “Một chiếc cầu ba thước mặt trời lên bom dội chùm chùm”, hay “Từng chuyến xe qua từng dặm lửa/ Bom đạn trong chiều bay đuổi theo” (Quốc Anh). Bao xương máu đã đổ để giữ mạch máu này! Tập thơ đã phản ánh khá rõ nỗi gian lao mà anh dũng của mảnh đất quê, nơi: Dòng sông thức với phù sa/ Nên chi điệu ví đậm đà hồn quê nhưng cũng là nơi Mộc miên dậy đỏ đất trời/ Hoa rơi như níu hồn người bay lên/ Chiều ơi, chiều có bình yên/ Nơi bao xương máu nặng nguyền núi sông. 

Trần Nam Phong nặng tình với quê, gửi gắm một tình cảm sáng trong mà đằm thắm gắn với những năm tháng trẻ trung của mình, những hình ảnh thân thương thuở hoa niên hiện về trong thơ anh rất cảm động: những ngọn khói, cánh diều, mùa phượng vĩ, những tiếng ve ngân dội lên trong lòng anh bao xao xuyến: …Bâng quơ ngọn khói lên trời/ Cánh diều no gió rong chơi chốn nào/Lá đa thả vạn bè sao/Bao nhiêu hạt gạo nôn nao ngân hà/…Mây lành chầm chậm lên cao/Đã nghe trong gió xôn xao hạ về/Vườn xuân e ấp tiếng ve/Đâu đây lửa phượng đam mê đất trời (Khúc hạ 3).

Thơ thế sự: Ta về nhặt cái mênh mông cõi người

Tập thơ không chỉ nổi bật bởi những khúc tâm tình sâu lắng, những niềm vui bàng bạc về tình yêu, tập thơ còn gợi cho ta một bề sâu khác của tâm tình thi sĩ, ấy là nỗi bâng khuâng lo lắng với cuộc đời, với thế sự. Tác giả nhìn cuộc đời bằng con mắt tình yêu có pha chút suy tư. Qua một màn mưa anh thấy: …Mưa rút ruột trời/ Chẳng lấp nổi đáy tham trần thế/Mưa ơi có hay/Khổ đau đã thành sông bể. Hay: …Quê hương ơi đã qua thủa đói nghèo/Vẫn còn đó bao khổ đau, bất hạnh. Tác giả có thể rất vui với sắc màu cuộc sống đổi thay trên quê hương nhưng không bàng quan với những nghịch cảnh đang tồn tại. Nhận thức rõ sự hy sinh của cha anh một thời qua Trên đất nước máu xương thành sông núi, thấy rõ trách nhiệm thế hệ đi sau, đó là tâm niệm của anh. Sự mong ước của tác giả có lẫn chút tư biện nhưng bề sau là tấm lòng của một con người có trách nhiệm trước cuộc sống: Biết đâu trong cõi vô thường/ Nguyện làm ngọn cỏ lót đường người đi/ Biết đâu trên nẻo thiên di/ Nguyện làm chiếc lá yêu vì mùa xuân (Viết chờ sen lên). Vẫn biết sự mong manh bé nhỏ của mình, của một kiếp người, của một kẻ “với bất công, đang vào trận đánh” vẫn không nguôi mơ ước: Chiếc lá mục cuối vườn/Gân lá cuốn theo dòng lũ/ Xoay tít giấc mơ hóa thân/ Làm chiếc bè cứu nhân độ thế

Người đọc trân trọng những giấc mơ tự đáy lòng của thi sĩ, như trước đây Chế Lan Viên từng thao thức: “Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/ Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư”. Nếu chỉ toàn niềm vui dẫu hay đến đâu thơ cũng sẽ nhẹ so với đời! Sống tràn đầy với hôm nay nhưng tác giả luôn nhớ về cội nguồn: Sinh ra trên trái đất này/Có mưa, có nắng, có ngày, có đêm/ Có biển rộng, có đất liền/Có nguồn cội nối muôn miền quê xa/ Thế gian giăng mắc phù hoa/Làm sao quên được quả cà, bát canh. Lòng thi sĩ luôn băn khoăn một lẽ sống, cuộc sống lớn lao mà mình bé nhỏ, trĩu nặng một ưu tư: Người đi ra bể tìm sông/ Ta về nhặt cái mênh mông cõi người/ Mà sao trĩu nặng trong đời/ Mây bay kiếp trước, mưa rơi kiếp này. Lo lắng suy tư thấy rõ trách nhiệm của một kiếp người, sức sống quê hương, sự giáo dục của cha anh đã rèn luyện cho tác giả một tư cách công dân một lòng tin bền bĩ: Thẩn thơ áo tím, áo nâu/ Nào ai biết được cao sâu cõi người/ Hãy tin trong Phật có trời/ Tin lòng chung thủy của người mình yêu/Hãy tin trong nhiễu có điều/ Trong mây có móc, trong chiều có giông…    

Thơ hy vọng: Hãy tin “trong nhiễu có điều”

Sinh ra ở một miền quê có nhiều đặc sắc, nơi đây là mảnh đất cuối, địa đầu phía Nam của nước Việt cổ và cũng là tuyến sau của bao lớp binh đao thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Một vùng hỗn cư nhiều lớp cư dân, ngoài người bản địa, còn nhiều lớp người từ xa đến: quan lại thất sủng , kẻ phản loạn chống triều đinh bị đi đày, nho sĩ ẩn cư vì thời loạn…, theo với lẽ hưng phế của thời cuộc họ cùng gia quyến về đây sống bao đời tạo nên một lớp cộng đồng nhiều nét đặc biệt. Văn hóa đằng ngoài ảnh hưởng vào đây từ rất sớm. Sinh thời nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh có cho rằng, không phải ngẩu nhiên mà hai vị tiến sĩ Lê Quảng Ý, Lê Quảng Chí thuộc lớp khoa bảng đầu tiên nước ta (Tk14), rồi các nhà  khoa học, nhà văn hóa, nhà doanh nghiệp tên tuổi về sau cũng nhiều người xứ này! Đời sống tinh thần mãnh liệt, tính cần cù nhẫn nại của đời trước còn truyền lại cho đời sau tạo một cốt tính để thích nghi hoàn cảnh! Trần Nam Phong gắn bó nhiều năm nắm rõ sắc thái văn hóa xứ quê và không phải điều đó không ảnh hưởng ít nhiều trong sự chuyển dịch âm hưởng đời sống vào thi ca tạo một nét riêng mà quê hương mang lại.

Thơ Trần Nam Phong dẫu chưa có phong cách thật riêng, nổi bật cá tính sáng tạo nhưng cũng đã có nhiều nét riêng về ý tứ, câu chữ. Con đường thi ca anh  đi mới ở chặng đầu, chắc còn nhiều thay đổi cho đến khi anh “ngộ” được cái “tạng” thơ của mình. Cái đáng quý là những tác phẩm đầu tiên của anh đã đến được với tấm lòng bạn đọc. Đón chờ những tác phẩm mới của anh. Có một lời khuyên chăng, xin nhắc lại một lời khuyên của người xưa: Thơ hay “ ý kỵ lộ, mạch kỵ hở” hay nói một cách dễ hiểu tránh sự dễ dãi, tăng cường chất trí tuệ để có thể đi vào quỹ đạọ thơ hay cả nước,./.

         Hà Qảng      

_______________

(*) Viết chờ sen lên, Thơ Trần Nam Phong, NXB HNV 2020

 

. . . . .
Loading the player...