11-09-2023 - 01:24

Ghi chép NGƯỢC DÒNG NGÀN TRƯƠI của NGUYỄN THU HƯỜNG

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Ghi chép NGƯỢC DÒNG NGÀN TRƯƠI của NGUYỄN THU HƯỜNG

nguyễn thu hường

ngược dòng ngàn trươi

                                                                                                                  Ghi chép

Với chiều dài khoảng ba mươi cây số, tuyến đường DT5 là con đường duy nhất dẫn đến Vườn Quốc gia Vũ Quang, bắt đầu từ cầu Hương Đại và kết thúc tại gần Đồn biên phòng Hương Quang. Năm 2018, hồ Ngàn Trươi bắt đầu tích nước, cùng với một số ngôi làng của hai xã Hương Quang và Hương Điền, một phần của tuyến đường DT5 đã chìm sâu dưới mặt nước. Giờ đây, để đến Vườn Quốc gia Vũ Quang, bạn sẽ phải đi khoảng hai mươi ki lô mét bằng đường thủy ngược về phía thượng nguồn sông Ngàn Trươi.

Trên chiếc ca nô tuần tra, tôi cùng với các cán bộ công tác tại Ban quản lý Vườn Quốc gia Vũ Quang hướng về phía thượng nguồn sông Ngàn Trươi. Từ xa, tôi nhìn thấy thân đập thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang màu trắng xám nổi bật giữa bao la màu xanh của nước, màu xanh của bầu trời và màu xanh của những hòn đảo lớn nhỏ ẩn hiện. Tôi không thể rời mắt khỏi cảnh tượng thơ mộng và bình an trước mắt, cảm nhận hết vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của vùng đất này. Chiếc ca nô lướt nhanh, để lại phía sau những vệt sóng nước trắng xóa nhấp nhô, giao thoa vào nhau rồi tan dần trên mặt nước. Tiếng động cơ vang rền từ chiếc ca nô phá vỡ bầu không gian yên lặng, âm thanh lan xa đập vào các vách núi vang vọng lại nghe rất mơ hồ. Tôi nhắm mắt lại hình dung những dấu tích của ngôi làng cũ ẩn sâu dưới làn nước trong xanh, bên cạnh những thân cây khẳng khiu nhô lên khỏi mặt nước.

Sau hơn 40 phút chiếc ca nô cập bờ, cách bến thuyền khoảng vài trăm mét. Chúng tôi băng qua bãi đất trống đi về phía phần đường DT5 nhô ra khỏi mặt nước. Vài chiếc xe máy cũ đang dựng sẵn ở đó, cứ hai người trên một chiếc xe hướng vào rừng sâu. Con đường DT5 ngoằn ngoèo xuyên sâu vào rừng, một bên là dòng sông Ngàn Trươi, phía bên kia là cánh rừng xanh thẳm với những ngọn núi nhấp nhô. Tôi không nén nổi thích thú khi ngắm nhìn những khe nước chảy róc rách và trên sườn đồi, dưới bãi cỏ xanh tốt là những đàn trâu thong dong gặm cỏ chen lẫn với các bụi cây dại.

Trước mắt tôi là bãi Cà Tỏ, nơi con suối Rào Rồng nhiều lần tách ra rồi hợp lưu với suối Rào Vền tạo thành dòng sông Ngàn Trươi hùng vĩ. Nằm trong thung lũng Hương Khê, giữa hai dãy núi Vũ Quang và Ngàn Trươi, bãi Cà Tỏ có địa hình hiểm trở, dòng suối chảy xiết, nhiều thác ghềnh. Theo truyền thuyết, nơi đây đã diễn ra trận chiến vang dội của nghĩa quân Hương Khê dưới sự lãnh đạo của cụ Phan Đình Phùng trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược. "Đồn tiền tiêu" của nghĩa quân Hương Khê năm xưa nằm ven bãi Cà Tỏ, giờ đây là "Miếu cụ Phan".

 "Miếu cụ Phan" không phải là ngôi miếu mà là nhà bia tưởng niệm cụ Phan Đình Phùng và cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Ngay sau cổng vào miếu là hai cây cổ thụ tán lá xum xuê, chằng chịt dây leo, dưới hai gốc cây đầy những quả sung chín rụng. Có lẽ đã khá lâu không có người quét dọn, thắp hương nên ngôi miếu thờ rất lạnh lẽo. Tôi và Hoàng bước miếu vào dâng hương và cúi đầu tưởng nhớ đến cụ Phan Đình Phùng cùng các anh hùng đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Cảm giác ấm áp lan tỏa trong tôi khi thực hiện hành động này, như một sự tôn trọng và tri ân đối với những người đã hy sinh để giành lại độc lập cho đất nước.

Trời đã ngả về chiều, tiếng ve râm ran xen lẫn với tiếng chim rừng xao xác bay về tổ tạo nên một bản hòa ca vô tận của núi rừng. Một cơn mưa bóng mây chợt đến, giọt mưa nhè nhẹ rơi chỉ đủ làm ướt những tàn lá. Từ xa, ánh mặt trời vẫn chiếu tới làm vạt núi ửng lên màu hồng sáng, phản chiếu rõ những giọt mưa rơi loang loáng, mờ mờ. Khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, khu rừng bỗng chốc trở nên yên tĩnh một cách kỳ lạ, những âm thanh ồn ã của núi rừng bỗng ngừng bặt, có lẽ các loài muông thú đã im lặng để lắng nghe giai điệu mưa quen thuộc chào đón những ngày đầu tiên của mùa hè. Những hạt mưa rơi chỉ đủ ướt nền đất và làm ẩm bầu không khí, dấu vết còn lại của cơn mưa là những vũng nước đọng trên mặt đất nhưng không đủ ướt gót chân người.

Cơn mưa qua đi, những tia nắng hoàng hôn chiếu rọi qua đỉnh núi tỏa ánh sáng rực rỡ xuống thung lũng Hương Khê. Những đám mây trắng lảng bảng trên bầu trời như báo hiệu một cơn rào có thể xuất hiện vào đêm nay. Chỉ ít phút nữa thôi, những tia nắng cuối ngày sẽ vương xuống trần gian rồi nhường thời gian còn lại trong ngày cho buổi chiều và bóng tối. Những con gà rừng trống đã tìm được bụi cây trú qua đêm kêu rúc lên báo động cho những con khác tránh xa. Các loài thú đi ăn đêm bắt đầu thức dậy sau một ngày dài ngủ yên trong hang. Chúng kêu oang oác làm lũ chim rừng bắt đầu gà gật trên những cành cây giật mình, hốt hoảng bay tán loạn lên không trung.

Cầu Khe Khum bắc qua suối Rào Vền là một vị trí đẹp và thuận lợi để ngắm toàn cảnh bãi Cà Tỏ. Sáng sớm, sương mù phủ kín dãy núi phía xa và sà xuống tận mặt đất, khiến cho tôi cảm thấy những ngọn núi cao như biến mất. Ánh sáng ban mai chiếu qua lớp sương mù dày đặc, tạo nên màu sắc lấp lánh khi phản chiếu trên mặt nước suối trong veo.

Mặt trời đã hiện ra ở đàng Đông, ánh nắng rực rỡ chan hòa cả không gian, nhiệt độ tăng dần khiến lớp sương mù tan ra và bị đẩy lên cao, cuồn cuộn bay về phía đỉnh núi. Khung cảnh xung quanh trở nên sống động hơn khi ánh nắng ban mai rực rỡ bừng lên trên bầu trời. Ánh sáng mặt trời làm cảnh sắc thiên nhiên trở nên nổi bật hơn, từ những chiếc lá nhỏ bé đến những cây to lớn, những cành hoa sặc sỡ đang tỏa hương thơm ngát và từ xa những đỉnh núi hiện dần lên với các tông màu xanh lam từ nhạt đến đậm. Cả khu rừng tràn ngập âm thanh của tiếng chim hót líu lo, tiếng nước chảy róc rách, tiếng côn trùng ồn ào và thỉnh thoảng là tiếng kêu oang oác của lũ thú rừng trở về nơi trú ẩn sau một đêm săn mồi.

Sáng nay, Hoàng sẽ đưa tôi đi ngắm suối Rào Rồng. Từ trạm kiểm lâm Cò 1, chúng tôi đi qua một chiếc cầu bê tông bắc qua con suối cạn. Đây là một nhánh của suối Rào Rồng, hợp lưu với suối Rào Vền. Vào mùa này, con suối khô cạn trơ ra những hòn đá cuội lớn nhỏ ẩn hiện dưới những bụi lau lách. Tới một ngã ba, trước mặt chúng tôi là Đồn biên phòng Hương Quang, rẽ về tay phải tới Thành cụ Phan dưới chân núi Thanh Lù, còn rẽ về tay trái sẽ gặp suối Rào Rồng. Bãi Trại Cưa nằm ven suối Rào Rồng là điểm dừng chân đầu tiên.

Để đến bãi Trại Cưa, chúng tôi đi qua một con suối cạn. Đây là dấu vết của con suối cổ xưa, do biến đổi địa chất và địa hình trở thành suối cạn. Mang đặc trưng của những con suối chảy qua vùng này, hai bên bờ và lòng suối cạn là hàng ngàn hòn đá cuội đủ các kích cỡ từ vài xen ti mét cho đến hàng mét tạo nên một bức tranh phong cảnh vô cùng ấn tượng. Trải qua hàng triệu năm, bằng sức mạnh và sự bền bỉ, dòng nước đã bào mòn những tảng đá lớn kiêu hãnh trở thành những viên sỏi cuội và cuối cùng là những hạt cát khiêm nhường theo dòng nước chảy ra sông Ngàn Trươi.

Chảy qua khu vực phía Nam của Vườn Quốc gia Vũ Quang, suối Rào Rồng là một dòng suối tuyệt đẹp được hình thành bởi ba nhánh suối lớn nằm ở sườn phía Đông của dãy núi Trường Sơn, trong đó có một nhánh suối bắt nguồn từ đỉnh Rào Cỏ. Suối có tên Rào Rồng có lẽ bởi vì nó giống như một con rồng lớn, với ba nhánh suối như là cái đuôi rồng, thân rồng uốn lượn qua các khe núi nằm giữa rừng nguyên sinh. Hai chân trước và sau bám vào Suối Rào Vền, và đầu của con rồng cúi xuống uống nước sông Ngàn Trươi. Với chiều dài khoảng 15 cây số, dòng suối Rào Rồng uốn lượn, phân nhánh rồi hợp lại tạo nên những bãi đá tự nhiên tuyệt đẹp, trong đó có bãi Trại Cưa. Dọc hai bên bờ và lòng suối là hàng ngàn khối đá, hòn đá cuội với đủ các kích thước lớn nhỏ tạo thành bãi đá tự nhiên hết sức độc đáo đan xen nhau với những bãi cát màu vàng sáng ẩn hiện dưới làn nước trong xanh như ngọc bích.

Khe Rào Rồng cách bãi Trại Cưa khoảng ba trăm mét. Từ cột mốc đánh dấu điểm cuối con đường, chúng tôi đã bộ đi xuyên qua khu rừng rậm đến khe Rào Rồng. Phong cảnh ở đây rất hoang sơ, dãy núi Ngàn Trươi cao lừng lững một màu xanh thẫm in bóng xuống lòng suối Rào Rồng. Những dấu vết của mùa lũ còn hiện hữu trên vạt đất ven dòng suối. Bên kia bờ, có một cây cổ thụ cô độc, chắc chắn đã chịu rất nhiều cơn bão và lũ lụt, nhưng vẫn kiên cường đứng vững, với thân cây sần sùi và bộ rễ lộ ra ngoài mặt đất, nó trở thành biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ và sự bền bỉ giống như con người chống chọi với thiên nhiên. Phía thượng nguồn, từ Khe Rào Rồng, một thác nước nhỏ với những con sóng bạc trắng bắn lên cao khi dòng nước vượt qua ghềnh với những hòn đá lớn nhô lên giữa lòng suối, có lẽ đó là dấu vết còn lại của bức kè đá năm xưa nghĩa quân Hương Khê chống giặc Pháp xâm lược.

Từ bên này suối Rào Rồng, nhìn theo hướng con đường mòn đi lên núi Ngàn Trươi mà trong lòng tôi tràn đầy nuối tiếc. Nhưng tôi tin rằng: Nếu có sức khỏe tốt và được chuẩn bị kỹ càng hơn, chắc chắn tôi sẽ có dịp được tham gia hành trình cùng với nhóm chuyên gia đặt bẫy ảnh trong Vườn Quốc gia Vũ Quang.

                                                                                                        N.T.H

Suối Rào Rồng- Vũ Quang- Hà Tĩnh (ảnh do tác giả cung cấp) 

. . . . .
Loading the player...