11-01-2023 - 07:44

Ghi chép HƯƠNG SƠN, XUÂN NÀY của Nhà thơ LÊ VĂN VỴ

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) phát hành tháng 1/2023 trân trọng giới thiệu Ghi chép HƯƠNG SƠN, XUÂN NÀY của Nhà thơ LÊ VĂN VỴ

LÊ VĂN VỴ

HƯƠNG SƠN, XUÂN NÀY...

                                                                                                           Ghi chép

 

Áp Tết, bạn bè xa quê đều muốn biết: “Năm 2022 đi qua, quê ta có gì mới ?”

Tôi không chần chừ mà rằng: Nhiều sự kiện, nhưng ấn tượng nhất là huyện nhà về đích Nông thôn mới (NTM). NTM đã làm lột xác không chỉ thị trấn Phố Châu mà cả những kẻ De (Sơn Hàm) kẻ Đọng (Phúc Mai Thủy) kẻ Mỏ (Sơn Trung) ; những tên đất, tên làng mà mới nghe tên đã bao nỗi nhọc nhằn giờ đã “thay da đổi thịt”.

Năm 2014, Sơn Kim 1 là xã đầu tiên về đích NTM và phải 8 năm sau; năm 2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ trao Bằng đạt chuẩn NTM cho huyện Hương Sơn.

Thông tin này khiến anh bạn Nguyễn Trọng Đắc, quê Sơn Bình, hiện cư trú tại Hà Nội không giấu được niềm vui và  lên kế hoạch tết này không chỉ về quê để thưởng thức cam bù mà còn lưu lại để ra xuân đi hái lộc. Lộc ở đây là nhung hươu, đặc sản Hương Sơn, Trời ban cho nông dân Hương Sơn! Nghe ông bạn “bật mí” tôi có liên tưởng cam bù, nhung hươu với  NTM có mối liên hệ thật thú vị. Này nhé, cam bù, bậc Đế Vương trong thế giới cây trái, xưa là của ngon vật lạ  tiến vua  kết tinh được phù sa bãi bồi sông Ngàn Phố, màu mỡ của những chân đồi Đông Trường Sơn, được hít thở khí hậu trong lành của vùng Núi Thơm, phơi nắng, tắm mưa, ăn sương, ngậm gió thấm cả mặn mòi những giọt mồ hôi của những người nông dân làm vườn sau 12 tháng đã trả ơn quả ngọt.

Cũng như vậy, Đông qua, Xuân đến, khi cây cối đâm chồi nẩy lộc là lúc đàn hươu đổ lông khoác lên mình cả bầu trời sao và trên đầu nhú lộc. Thật có lý khi nói rằng: Với Hương Sơn, mùa xuân là mùa lộc và thành quả xây dựng NTM là “cam bù”,  “lộc nhung”  ban tặng cho Hương Sơn sau hành trình nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi.

Dẫu biết rằng nghề trồng cam bù và nuôi hươu có từ “ngày xửa ngày xưa” nhưng cam bù và nhung hươu thời NTM đã thành hàng hóa; đã là sản phẩm OCOP ba sao đến với hội chợ, với các “Thượng Đế” khắp mọi miền Tổ quốc, theo bước chân những người con đi xa mà quà quê, hương quê, vị quê, hồn quê lan tỏa. Khó tính mấy cũng dễ dàng nhận ra, cam bù ngày xưa chỉ trồng trong vườn nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, nếu có mang ra chợ bán cũng từng mớ, từng rổ, phụ thêm cho nhà nông dưa cà mắm muối.  Cam bù thời NTM mở rộng thành trang trại với mô hình vườn - ao - chuồng khép kín, được sản xuất theo chuỗi giá trị, có thể truy xuất nguồn gốc.

Tôi đã cùng bạn bè ở xa về đến Sơn Trường thăm những trang trại cam trên đồi, dưới núi; trước cam, sau cam, bốn phía đều cam được đầu tư sản xuất theo quy trình Vietgap. Thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp, cam bù Hương Sơn đã chập chững làm quen với các siêu thị, lên xe, tàu hỏa, máy bay, được các chủ hàng nhà nông ship đến các “Thượng đế”. Sẽ còn nhiều chuyện bàn về cam bù, nhưng trong bài viết này, tôi muốn nói, lựa chọn cam bù để mạnh dạn đầu tư là cả  một quá trình suy nghĩ, bàn bạc và không hiếm những ý kiến trái chiều. Từ Nghị quyết trồng cây ăn quả, kích cầu các gia trại, trang trại lựa chọn cam bù, hỗ trợ giống, kỹ thuật, tư vấn quy trình sản xuất cam sạch cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường, những chủ trương, chính sách của huyện Đảng bộ Hương Sơn đi vào đời sống  tạo nên bước đột phá về sản xuất cho nông dân. Với diện tích hàng ngàn héc ta, mỗi năm đến mùa thu hoạch, cam bù đã cho nông dân tiền trăm, tiền tỷ…

Sau cơn sốt giá bất thường (52 triệu một con hươu cái giống ba tháng tuổi) giá hươu trượt xuống đáy. Từ ăn hươu, ngủ hươu, sáng hươu, chiều hươu, tối cũng hươu, người ta không còn mặn mà với hươu. Ở Quỳnh Lưu,  có chủ nuôi mở cửa chuồng  thả đàn hươu vào rừng. Còn ở Hương Sơn, Nghị quyết 05 của Huyện ủy về chăn nuôi đã định tâm người lao động, vực dậy nghề nuôi hươu  để  khi sản phẩm từ hươu trở lại đúng giá trị, nghề nuôi hươu tại Hương Sơn lại phất lên. Chú trọng đầu tư kỹ thuật chăn nuôi, kích hoạt chủ hộ phát triển gia trại, trang trại đã xuất hiện hàng trăm trang trại hươu, nâng tổng đàn lên 45.000 con. Mỗi năm, từ sản phẩm nuôi hươu ( hươu giống, nhung hươu) đã cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng/ năm. Nhưng điều đáng nói, cùng với trồng cam bù, nghề nuôi hươu đã làm thay đổi tư duy, thay đổi cách làm của người nông dân. Diện  tích đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả, nông dân xã Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Trung, Sơn Giang chuyển đổi trồng cỏ chăn nuôi gia súc.  Không chỉ dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã mà ngay cả hai bên đường Quốc lộ  Tám A, những nơi đất trống đồi trọc, nhân dân đã trồng có voi, cỏ VA 6, có sả lá lớn Ghine, cỏ họ ngô Super BMR để chăn nuôi. Đặc biệt, nhân dân Sơn Lễ và các xã lân cận đã trồng cỏ nguyên liệu bán cho Công ty nuôi bò sữa Vinamilk với mỗi tấn có giá từ chín trăm ngàn đồng đến một triệu hai. Cân cỏ đếm tiền đã làm thay đổi số phận của người nông dân biết suy nghĩ trên thửa ruộng của mình. Vì vậy, không chỉ cam, bưởi vv… trở thành hàng hóa, mà cỏ thời NTM cũng trở thành hàng hóa. Đó là bước chuyển biến cốt lõi làm thay đổi cơ cấu sản xuất; linh hồn của NTM. Nhưng không chỉ có thế, mà sản phẩm nhung hươu, nhung sấy khô, nhung xay tươi, rượu nhung của một số doanh nghiệp trên địa bàn Hương Sơn đã đến với khách hàng cả nước. Doanh nghiệp Hương Luật (Sơn Lâm) mạnh dạn đầu tư, máy móc thiết bị, huy động nhân lực khuyến khích con cháu năng động tham gia hội chợ để giới thiệu sản phẩm nhằm làm lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP từ nhung hươu. Đây là cả bước chuyển mình, lột xác, của những người nông dân lao động thời kỳ NTM mở cửa.

Thành quả NTM khiến cho rừng đại ngàn Hương Sơn không bị xẻ thịt, nên mươi năm nay hồi sinh mãnh liệt. Những cánh rừng Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng  khoác lên mình màu xanh điệp điệp trùng trùng. Đã lâu lắm rồi, tôi có dịp lên khe Năm, khe nước Sốt, đến cánh rừng chị Lành nghe véo von chim hót, thấy rù rì ong bay về làm tổ, căng lồng ngực hít thở không khí thưởng thức bữa tiệc hào phóng thiên nhiên ban tặng thấy hạnh phúc ngập tràn.

Khi cái ăn, cái mặc đầy đủ, người dân vươn tới cái Đẹp. Hoa không chỉ được trồng ở công sở mà được trồng ở vườn nhà, không chỉ hiện diện mỗi khi tết đến xuân về mà bốn mùa, dọc các con đường liên thôn, liên xã hoa đua sắc. Nhu cầu làm đẹp đâu phải chỉ mỗi thanh nữ? Con gái Hương Sơn nổi tiếng ”tóc dài, ngài đẹp”. Những năm 80, tôi đã đò ngang Choi sang Sơn Thịnh mê mải với những cô gái dệt thảm, da trắng, mắt huyền, tay búp măng, môi son dệt thảm thoăn thoắt. Còn bây giờ, đi đâu cũng gặp người đẹp. Người đẹp vào rừng làm trang trại, người đẹp hái cam, làm sản phẩm OCOP, người đẹp chăn nuôi hươu, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Nhiều người tấm tắc bức tranh thiếu nữ bên hoa huệ, còn tôi thì mải mê với hình ảnh đàn hươu quây quần quanh cô gái cô gái Hương Sơn ăn cỏ ngon lành không chút sợ hãi chợt ngộ ra được chỉ tấm lòng yêu thương mới cảm hóa, thuần dưỡng được cả động vật hoang dã …

Trước tết, tôi đã cùng đồng chí Bí thư Bùi Nhân Sâm tua một vòng từ cầu Cánh Tàng (Sơn Long) lên Nông trường chè Tây Sơn (Sơn Kim 2) an lòng với chủ trương phủ xanh đất trống, đồi trọc. “Tết này là tết trồng cây”, toàn Đảng, toàn dân từ miền ngước đến miền xuôi, bất kể già trẻ, trai gái, Kinh hay Thượng, theo Đạo Thiên chúa hay đạo Phật ai ai cũng trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác”, “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Tôi đã chia sẻ  những băn khoăn, thao thức của đồng chí Chủ tịch  UBND huyện Nguyễn Quang Thọ về  làm sao tạo ra được lên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, làm sao chủ động tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm mới có thể phát triển bền vững được. “Mong muốn rất nhiều. Chúng tôi đã trồng thí nghiệm cây dược liệu. Đất đai, khí hậu Hương Sơn rất thích hợp phát triển sản phẩm này. Nuôi trồng không khó, nhưng từ dược liệu đến sản phẩm phải là các nhà khoa học, phải là quy trình công nghệ. Chúng tôi đang tìm kiếm đối tác và liên kết, không biết khi nào đủ duyên để ý tưởng thành hiện thực”. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện quả quyết.

Tôi biết, làm NTM, lãnh đạo Hương Sơn không chỉ khuyến khích nhân dân làm giàu của cải mà làm giàu tâm hồn, tình cảm, nhất là đời sống văn hóa. Cách đây hai tuần, đồng chí Giám đốc Trung tâm văn hóa ngỏ ý mời tôi về dự liên hoan Dân ca ví dặm tại xã Sơn Tây và trao đổi với tôi về trầm tích văn hóa Giếng làng cũng như di tích lịch sử văn hóa, vật thể, phi vật thể. Đồng chí cũng cho biết bài thơ “Giếng làng” của tôi đã được NS Trịnh Chung chuyển thể thành dân ca và đã được đội văn nghệ xã Sơn Hàm dàn dựng sắp trình diễn cho bà con trong dịp Tết đến, Xuân về này…

Chuyện NTM, chuyện Tết cứ râm ran không thể nào dứt. Thầy Vũ Trọng Hoài mang ra chai rượu nhung hươu, sản phẩm OCOP, nâng chén chạm ly mừng huyện nhà về đích NTM, mừng những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân  vừa qua đạt được và  mừng cho những ý Xuân nẩy lộc đâm chồi, ra hoa kết trái.

                                                                                             Xuân 2023

                                                                                                 L.V.V

Thị trấn Phố Châu trên bước đường đổi mới. Ảnh: Minh Lý

. . . . .
Loading the player...