16-07-2019 - 09:51

Đồng Lộc, 1968

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết "Đồng Lộc, 1968" trích bút ký Tư liệu:“Đồng Lộc 1965 -1975” của Nhà văn Đức Ban được rút từ tuyển sách "Đồng Lộc - Ngã ba bất tử", NXB Nghệ An, 2018.

 

         Trước đòn tiến công chiến lược trong cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân miền Nam, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giôn xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Sau tuyên bố trên, Mỹ tập trung phương tiện chiến tranh của hai quân chủng hiện đại nhất là không quân và hải quân đánh ác liệt, có tính huỷ diệt vào vùng “cán xoong”, “cổ họng” từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 hòng chặn đứng sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Theo tư liệu báo chí trên mảnh đất nhỏ hẹp ấy, mức độ Mỹ đánh phá tăng lên 2,6 lần và mật độ bom tăng 20 lần (1).

         Từ ngày 01/4/1968, giặc Mỹ tập trung đánh vào hệ thống giao thông vận tải ở Hà Tĩnh một cách triệt để và toàn diện; chặn, chốt một số trọng điểm kết hợp với khống chế toàn tuyến. Chúng chọn 4 điểm trên đường bộ, tập trung đánh dứt điểm: Linh Cảm, Bến Thuỷ, Đồng Lộc, Thượng Gia - Cổ Ngựa. Trên đường thuỷ, Mỹ chốt chặn 4 cửa biển: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu và các ngã ba sông ở Đức Quang, Linh Cảm, Cửa Rào, Ngã ba Sơn. Ở những điểm này, Mỹ dùng thuỷ lôi, bom từ trường phong toả. Ngoài máy bay các loại, chúng tăng cường lực lượng tàu chiến từ ngoài biển bắn pháo vào cửa biển, kho bãi và các khu dân cư ven biển. Có thể nói, đây là giai đoạn cường độ đánh phá của giặc Mỹ xuống Hà Tĩnh cao nhất trong chiến tranh phá hoại.  

         Thời gian đầu, trước sự đánh phá dã man, quyết liệt của địch, công tác đảm bảo giao thông của Hà Tĩnh đã gặp phải nhiều lúng túng, bị động. Tháng 5/1968, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông tư về việc tăng cường lãnh đạo tổ chức đảm bảo GTVT, thành lập Ban Chỉ đạo Quân khu 4 do Chính uỷ Lê Quang Hoà làm Trưởng ban và Chủ tịch Uỷ ban hành chính các tỉnh làm Phó ban. Các lực lượng bộ đội phòng không được Trung ương tăng cường. Trung đoàn pháo cao xạ 210 thuộc Sư đoàn 367 có 5 đại đội pháo 57 ly và 3 đại đội pháo 37 ly vượt sông Lam vào Hà Tĩnh chiến đấu. Nhiệm vụ của Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Tiền phương giao là kết hợp với lực lượng bảo đảm giao thông vân tải tại chỗ khai thông bằng được đoạn đường 15 từ Linh Cảm vào Ngã ba Đồng Lộc. Các đơn vị địa phương được trang bị thêm súng 12,7 ly, thành lập thêm 3 đại đội cao xạ 37 cho dân quân Kỳ Anh, Đức Thọ và Lâm trường Hương Sơn.

         Cuối tháng 5/1968, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư cho đồng chí Lê Quang Hoà, nhắc nhở: “Bất cứ bằng cách nào cũng phải đảm bảo cho kỳ được giao thông thông suốt để không ảnh hưởng đến tiền tuyến. Việc đảm bảo giao thông thông suốt là quan trọng, nhất thiết phải thi hành cho kỳ được”.

         Tháng 4/1968, sau thời gian đánh phá tàn bạo đoạn Thượng Gia - Cổ Ngựa trên quốc lộ 1, Mỹ tập trung đánh vào Ngã ba Đồng Lộc. Rồi chúng đánh dọc quốc lộ 15, đánh Cống 19 - Phú Lộc, cầu Cơn Bạng, cầu Tùng Cốc, Trại Tiểu, Khe Giao. Những vùng dân cư hai bên đường giao thông thuộc các xã Nga Lộc, Mỹ Lộc, Phú Lộc, Nhân Lộc, Thượng Lộc, Đồng Lộc, Sơn Lộc bị bom tàn phá nặng nề. Từ một điểm, địch mở rộng phạm vi đánh phá ra một vùng rộng lớn dài 9km rộng 3km. Chúng đánh liên tục cả ngày lẫn đêm. Ban ngày là bom phá, bom sát thương, bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm các loại, ban đêm chủ yếu là bom sát thương, bom bi. Trong 7 tháng từ tháng 4 đến tháng 10/1968, máy bay địch đánh vào Đồng Lộc 1.863 lần với trên 42.990 quả bom các loại. Tổng số lần đánh vào Đồng Lộc thời gian này bằng tổng số lần chúng đánh vào toàn tỉnh năm 1965, còn số bom đạn thì gấp 2 lần, bình quân mỗi tháng địch đánh 25 ngày. Riêng ngày 15/7/1968, chúng đánh tới 103 lần với 800 quả bom. Các xã chung quanh khu vực Đồng Lộc bị bom đạn Mỹ cày nát làm 336 người chết, 346 người bị thương, cháy 3.738 ngôi nhà, 2.400 tấn gạo, chết 420 con trâu, bò. Nhân dân Đồng Lộc phải bỏ nhà cửa sơ tán lên vùng rừng ở Cửa Thờ Trại Tiểu, khi thi công tuyến đường tránh 70B, lại sơ tán một lần nữa, số vào sâu trong rừng, số ra Thượng Lộc, Vĩnh Lộc. Khi giặc Mỹ thực hiện lối đánh có tính chất huỷ diệt xuống 20 xã và 45 hợp tác xã ở ba huyện Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, nhiều vùng, miền khác trong tỉnh cũng chìm trong khói lửa. Tháng 8/1968, chúng đánh vào xã Đức Lập (Đức Thọ) làm cháy 5 ô tô, 100 ngôi nhà, làm chết 19 người. Ngày 23/ 8 chúng đánh vào Đức Phúc (Đức Thọ) cháy 32 ô tô, 300 tấn gạo, 200 ngôi nhà, chết 27 người. Xã Đức Tân (Đức Thọ) bị đánh liên tiếp 40 lần, chết 124 người, bị thương 154 người, 95% nhà cửa bị phá hỏng. Tình hình trở nên gay go, ác liệt. Một số quần chúng cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động.

         Ngày 13/8/1968, trước yêu cầu cấp thiết của chiến trường, Ban Chỉ đạo giao thông tỉnh quyết định mở chiến dịch vận tải đột xuất trên tuyến quốc lộ 1. Đoạn Thượng Gia - Cổ Ngựa bị địch đánh đứt, xe không qua được, tỉnh đã huy động lực lượng làm gấp đường xế từ quán Bánh Gai, qua làng Hạ Lôi (Tiến Lộc) đến sông Già qua phà dã chiến. Để mở đường cho xe qua, 130 gia đình Tiến Lộc đã tự nguyện gửi nhà cửa, tài sản lại cho dân quân, sơ tán sang các xã khác để tránh thương vong.

         Từ tháng 5/1968, một chiến dịch điều quân về Đồng Lộc diễn ra khẩn trương: 

         - Lực lượng chủ lực của Ty Giao thông bao gồm 8 công nhân của đội Thi công cơ giới đang mở đường 24 ở Kỳ Tây, Kỳ Anh đã cùng 2 máy ĐT75 do đồng chí Uông Xuân Lý dẫn đầu theo đường số 1 hành quân về Đồng Lộc. Đại đội cầu ở Thạch Lưu chuyển một nửa quân số và phương tiện về cắm chốt ở cầu Tùng Cốc, ứng cứu ngầm Tùng Cốc. Đội Xe đảm bảo giao thông với 30 xe Zin, 20 xe Giải phóng cũng được điều về Đồng Lộc. Đội Công trình 6 ở Nhân Lộc (Can Lộc) cách Ngã ba Đồng Lộc 8km; Đội Công trình 4 chốt ở Bắc Nghèn, cách Ngã ba Đồng Lộc hơn 10km.

         - Lực lượng thanh niên xung phong: Đại đội 551, một đại đội mạnh của Tổng đội 55 chuyển từ La Khê về Khe Giao; Đại đội 553 tập trung quân về chốt ở cầu Eo Út; Đại đội 554 ở Khe Ác (Hương Khê) hành quân cấp tốc về Mỹ Lộc, chốt ở eo Truông Kén; Đại đội 557 đang phục vụ ở trạm bơm Linh Cảm được điều về chốt phía Bắc Ngã ba Đồng Lộc; Đại đội 552 từ đường 28 chuyển về đóng ở xã Xuân Lộc, phía đông Đồng Lộc.

- Lực lượng vũ trang: Đại đội 37, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của Tỉnh đội cùng với các đại đội trực chiến của dân quân thường xuyên cơ động, linh hoạt đánh trả địch ở Ngã ba Đồng Lộc. Trung đoàn cao xạ 210 thuộc Sư đoàn 367 có 5 đại đội pháo 57 ly và 3 đại đội pháo 37 ly vào Đồng Lộc tháng 6/1968.  Ngày 8/6, các đại đội của Trung đoàn đã chiếm lĩnh trận địa. Binh trạm 9 điều Tiểu đoàn 206 tham gia mở tuyến đường Thượng Lộc - Cửa Thờ ra cây số 23 đường tỉnh lộ 3, phía Tây Đồng Lộc. Ty Công an điều một tổ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, trị an và điều xe khi thông tuyến.

         - Lực lượng các ngành và địa phương: Ty Bưu điện triển khai tuyến đường dây điện thoại bảo đảm thông tin liên lạc từ Cống 19 sang cầu Cơn Bạng (Thượng Lộc), cầu Tùng Cốc, Ngã ba Khiêm Ích, Ngã ba Truông Kén, Bãi Dịa, Eo Út, Khe Giao đến Ban Chỉ huy Tổng đội 55, Ty Giao thông và Ban Chỉ đạo đảm bảo giao thông tỉnh. Ty Y tế chuyển Bệnh viện Can Lộc lên xã Vĩnh Lộc, cách Ngã ba Đồng Lộc 4km, kịp thời cấp cứu thương binh. Công nhân viên các ngành lương thực, thương nghiệp, vật tư, ngân hàng, tài chính hướng về Đồng Lộc, đảm bảo mọi nhu cầu thiết yếu cho bộ đội và nhân dân đảm bảo giao thông vận tải. Ty Giáo dục tập trung duy trì phong trào Bổ túc văn hoá, nhất là trong lực lượng TNXP.

Ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ - Ảnh: Tư liệu

         Chỉ trong một thời gian ngắn, công việc điều động các lực lượng trực tiếp đảm bảo giao thông vận tải ở điểm Đồng Lộc đã diễn ra nhanh gọn và an toàn. Từ đó về sau các lực lượng gồm hơn 1.600 người thuộc lực lượng chủ lực của Ty Giao thông, lực lượng TNXP, lực lượng vũ trang bám dọc các tuyến đường ở trong hầm, ở trong hào luỹ, trong lán nửa chìm nửa nổi giữa các làng quê, sẵn sàng ra mặt đường khi có lệnh để phá bom nổ chậm, lấp hố bom, kéo xe sụp lầy, dẫn xe đi trong đêm… 

         Trong vòng 7 tháng, từ tháng 4/1968 đến 31/10/1968, giặc Mỹ đã ném xuống đất Hà Tĩnh 18.661 quả bom TN, hàng ngàn quả thuỷ lôi. Tính riêng ở Ngã ba sông Linh Cảm là 749 quả, phà Nghèn 825 quả, Đò Điệm 594 quả, Cửa khẩu Kỳ Anh 610 quả (2). Để chủ động đối phó với tình hình, Tỉnh đội mở các lớp huấn luyện phá bom nổ chậm cho dân quân tự vệ các ngành, các địa phương, các đơn vị thuộc ngành Giao thông vận tải. Hơn 285 tổ rà phá bom nổ chậm được thành lập với 2.455 cán bộ, chiến sĩ. Hỗ trợ đắc lực, đầy hiệu quả cho công việc rà phá bom và cắm tiêu bom là 285 tổ quan sát phát hiện, cắm tiêu những cái chết giấu mặt trong lòng đất, với 1.066 chiến sĩ. Ty Giao thông vận tải đã chia vùng quản lý và phân công các đơn vị chịu trách nhiệm, “không bỏ sót một quả bom nào trên đường giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho xe qua”, “quyết tử cho thông đường thông tuyến”.

         Ngã ba Đồng Lộc rộng 0,6km2, nơi hội tụ đường 15 từ Đức Thọ về, tỉnh lộ 2 từ Ba Giang (trên quốc lộ1) lên. Hàng từ Bắc chuyển vào Nam theo quốc lộ 8 vào quốc lộ 15 đến Đồng Lộc hoặc từ quốc lộ1 theo đường tỉnh lộ 2 đến Đồng Lộc rồi từ Đồng Lộc, độc đạo quốc lộ15 lên Hương Khê vào Quảng Bình. Nằm trong địa phận Ngã ba Đồng Lộc, Mỹ tập trung đánh dứt điểm là đoạn cầu Cơn Bạng (Thượng Lộc, Can Lộc) đến Ngã ba Đồng Lộc dài 8km, đoạn Bãi Dịa lên Ngã ba Đồng Lộc dài 3km, đoạn Ngã ba Đồng Lộc lên Khe Giao dài 10km. Những đoạn đường này có 2 cầu: Cơn Bạng và Tùng Cốc trên đường 15 có cùng đặc điểm một bên núi trọc, một bên đồng lúa, đồng trũng có lợi cho Mỹ oanh tạc, bất lợi cho công việc đảm bảo giao thông. Thanh niên xung phong bám đường từ cầu Cơn Bạng đến khe Giao (quốc lộ15), đường Truông Kén - Đồng Lộc, chốt giữ 7 trọng điểm: cầu Cơn Bạng, cầu Tùng Cốc, Ngã ba Đồng Lộc, truông Kén, Trại Tiểu, Khe Giao, eo Út. Ngoài lực lượng này, còn quân chủ lực giao thông, nhân dân các xã lân cận, các đơn vị công binh, tất cả sẵn sàng có mặt nối liền đường nhanh nhất bảo đảm mạch máu giao thông không một lúc ngừng chảy. Dưới bom đạn dày đặc của Mỹ, nhiều người đã hi sinh. Các tuyến đường không ngày nào không thấm máu các chiến sĩ đảm bảo giao thông.

        Ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội 55 chốt giữ trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc, nhận nhiệm vụ vượt bãi Dịa lên đường 15 xây dựng công sự giữa ban ngày để đêm bám trụ cứu đường, cứu xe. Một quả bom Mỹ đã rơi trúng công sự, cả tiểu đội 10 người hi sinh. Tên tuổi 10 cô gái: Võ Thị Tần (Thiên Lộc), Hồ Thị Cúc (Sơn Bằng), Trần Thị Hường (thị xã Hà Tĩnh), Trần Thị Rạng (Đức Vịnh), Hà Thị Xanh (Đức Hoà), Nguyễn Thị Nhỏ (Đức Lạng), Võ Thị Hà (Đức Giang), Dương Thị Xuân (Vĩnh Lộc), Nguyễn Thị Xuân (Đức Tân), Võ Thị Hợi (Thiên Lộc) trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thành những người anh hùng bất tử.

        Hỗ trợ cho công tác đảm bảo giao thông là Đại đội pháo 37 ly của Tiểu đoàn 8, các đại đội trực chiến của Tỉnh đội, Trung đoàn 210 thuộc Sư đoàn 367. Cuộc chiến đấu của bộ đội phòng không ở Ngã ba Đồng Lộc được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân các xã vùng ven và lãnh đạo huyện Can Lộc. Dân quân Trung Lộc, Thượng Lộc, Đồng Lộc đã tiếp đạn, chuyển tải thương binh, cung cấp lương thực, thực phẩm. Vừa phục vụ chiến đấu, vừa chịu đựng sự tàn phá của bom đạn Mỹ, vừa sản xuất xây dựng đời sống, các tầng lớp nhân dân đã phát huy cao độ đức tính cần cù, dũng cảm, nghĩa tình thuỷ chung góp phần to lớn vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược.

         Từ giữa tháng 9/1968, mưa to kéo dài nhiều ngày gây ngập lụt trên diện rộng. Các tuyến đường giao thông quan trọng như quốc lộ 1, quốc lộ 8, quốc lộ 15 nhiều đoạn bị ngập và bị xói lở. Các tuyến đường mới mở như bãi Dịa - truông Kén, Cống 19 - khe Út và từ Ngã ba Đồng Lộc đến khe Giao bị hố bom cắt đứt, lầy, thụt xe không qua được. Tuyến vận tải đường bộ qua địa bàn Hà Tĩnh bị tắc nghẽn. Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã họp khẩn cấp, phát động phong trào vận tải nhân dân. Hàng ngày người dân gánh bộ, thồ hàng bằng xe đạp theo cung trạm từ phía Bắc vào phía Nam giao hàng cho Quảng Bình. Trung ương điều vào Hà Tĩnh đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hoá gồm 200 người và đội thuyền nan của tỉnh Hà Nam gồm 800 chiếc. Tỉnh thành lập một bộ phận chuyên trách chỉ đạo vận tải nhân dân và vận tải thuỷ, lập các bến bãi, kho trạm dọc sông, dọc đường để giao nhận hàng; củng cố đường giao thông nông thôn. Tính đến cuối năm 1968, toàn tỉnh đã làm mới 277km đường, sửa chữa 1.500 km, cải tạo 554km, tổng cộng 6.400km, trong đó đường ô tô 400km, liên thôn 1.000 km và đường sản xuất 5.000km. Mỗi huyện thành lập 2 - 3 đội xe thồ do lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ huy. Các cơ quan nhà nước thành lập các tổ xe thồ. Các xã lấy đơn vị HTX nông nghiệp tổ chức các trung đội, đại đội nam nữ thanh niên và dân quân gánh hàng từ cung trạm này sang cung trạm khác, cách nhau 20km, đi về trong một ngày. Tỉnh thành lập 1 tiểu đoàn xe thồ gồm 2.000 người. Công ty Vận tải sông biển và các HTX huy động 800 thuyền vận tải và thuyền đánh cá của nhân dân lập thành các đội vận tải đường ngắn. Phong trào vận tải nhân dân và vận tải thuỷ trong tháng 9 và tháng 10 - 1968 đã có khoảng 10 vạn lượt người tham gia. Cùng sát cánh với lực lượng vận tải nhân dân, vận tải thuỷ là vận tải đường goòng và các công ty như: Công ty ô tô Hà Tĩnh, Công ty ô tô 8, Công ty 20 của Cục Ô tô. 

         Từ tháng 2/1965 đến tháng 10/1968, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã vượt qua bao khó khăn gian khổ, kiên cường chịu đựng những tổn thất hi sinh to lớn vì “độc lập, tự do của Tổ quốc”. Suốt 4 năm ấy, máy bay Mỹ đã đánh phá Hà Tĩnh 32.090 lần với 296.009 quả bom, tàu chiến Mỹ đã pháo kích 4.900 lần với 149.000 quả đạn, 12.800 người đã hi sinh, 12.800 người bị thương, 29.000 ngôi nhà bị cháy và nhiều tổn thất to lớn về kinh tế, văn hoá xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết nhất trí, kiên trì vượt qua mọi thử thách, tự nguyện hi sinh để đảm bảo mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt, góp phần to lớn vào chiến thắng chung của đất nước và vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế của tỉnh.

 

 (1) Tư liệu báo chí Mỹ sau chiến tranh ném bom hạn chế của Mỹ.

 

 (2) Dẫn theo “Hà Tĩnh 30 năm kháng chiến”- Bộ Chỉ huy quân sự  Hà Tĩnh; 1968.

 

. . . . .
Loading the player...