01-09-2022 - 07:41

“DỌC ĐƯỜNG XỨ NGHỆ” - TRÍCH “BÚP SEN XANH” - TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG SẼ TRỞ THÀNH TÌNH YÊU TỔ QUỐC

Chuyên mục Dành cho nhà trường Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 8.2022, trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Dương Huyên về đoạn trích trong tác phẩm "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng. Đoạn trích được đưa vào chương trình SGK mới THCS

 

“dọc đường xứ nghệ” - trích “búp sen xanh” - tình yêu quê hương sẽ trở thành tình yêu tổ quốc

 

 

    Năm 1982, với biết bao thận trọng và tình cảm thành kính dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng đã được ra mắt bạn đọc với số lượng bản in lên đến 300.000 bản và trở thành một “hiện tượng” xuất bản của nền văn học nước nhà lúc bấy giờ. Tròn 40 năm, với bao thế hệ người tiếp nhận, “Búp sen xanh” vẫn luôn khiến người đọc thổn thức về một bậc vĩ nhân quên mình vì nhân loại cần lao với những mối quan hệ bình dị, gần gũi với con người ngay từ thời Người còn niên thiếu. Nhà văn Sơn Tùng đã góp phần hé mở cánh cửa để người đọc dần dần khám phá những miền tâm tư sâu thẳm của nhân vật Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng lỗi lạc, một vị lãnh tụ thiên tài đồng thời là một nhà thơ lớn, một danh nhân văn hóa thế giới, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Nhà văn Sơn Tùng là người con của huyện Diễn ChâuNghệ An, một vùng bãi ngang nằm sát biển, trong cộng đồng dân chài lấy thuyền làm nôi và tiếng sóng vỗ bờ làm lời ru của mẹ. Chính cái mênh mông, phóng khoáng của biển cả đã hun đúc nên khí phách phóng túng pha chút ngang tàng của Sơn Tùng. Bên cạnh đó ông lại được giáo dưỡng trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống "trọng chữ hơn trọng miếng ăn". Bằng tất cả lòng kính yêu, ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn đã dành trọn cả cuộc đời mình để nghiên cứu, sưu tầm và viết về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tiêu biểu hơn cả là cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh”, cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên được viết một cách trọn vẹn về thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. 

 “Bút sen xanh” là tiểu thuyết lịch sử được nhà văn Sơn Tùng viết từ năm 1948 đến năm 1980 gồm ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Tác phẩm được viết theo dấu chân của cậu bé Côn (Cung) từ thuở ấu thơ đi qua những biến thiên lịch sử của đất nước, của gia đình nội ngoại hai bên và quá trình định hình nhân cách, ra đi tìm đường giải phóng dân tộc của vĩ nhân Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành trong khoảng 20 năm, cuộc chia tay trên Bến Nhà Rồng ngày 5 tháng 6 năm 1911 giữa Út Huệ và Nguyễn Tất Thành, được tác giả kể lại bằng tất cả tâm huyết và tài năng, tinh thần trách nhiệm của một người cầm bút.

Với những trang văn xúc động “Búp sen xanh” đã mô tả cuộc sống thời thơ ấu của một cậu bé sinh trưởng ở vùng xứ Nghệ trong một gia đình nề nếp Nho giáo. Đọc đoạn trích “Dọc đường xứ Nghệ” (SGK 7 “Cánh diều”) ta càng thấm thía lời đề từ ngắn gọn của nhà văn Sơn Tùng: "Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời". Đoạn trích kể về cảnh ba cha con cụ Phó bảng đi thăm bạn bè của ông qua nhiều vùng đất quê hương: “Ba cha con Phó bảng lại thủng thẳng bước trên con đường mà sông núi đẹp như bức gấm thêu. Đi hết dãy núi Cấm, sang địa phận Diễn Châu, mảnh đất nổi tiếng trong lịch sử với tên gọi Châu Diễn, Côn tần ngần nhìn ngôi đền cổ kính có nhiều tòa từ trên đỉnh núi xuống tận chân núi, sát đường Thiên lí”. Quê hương xứ Nghệ non nước hữu tình, địa linh nhân kiệt đã gieo những hình ảnh đẹp đẽ vào tâm hồn cậu bé Cung từ thuở ấy. Tình yêu quê hương bắt đầu từ những điều bình dị để thổi vào tâm hồn rộng mở một tình cảm rất đỗi lớn lao. Bắt đầu từ cảnh sông, cảnh núi đến văn hóa lịch sử của vùng quê, về thành Cổ Loa gắn với chuyện tình sử Mỵ Châu – Trọng Thủy. Nhưng đằng sau câu chuyện đáng buồn giữa chàng Trọng Thủy vì hiếu quên tình, nàng Mỵ Châu ruột để ngoài da, cậu bé Côn đã phê phán sự nham hiểm ghê gớm của vua nước Triệu, phát hiện được điều đáng trọng của Thục Phán An Dương Vương: Người đã tự chém cô con gái yêu quý của mình và tự xử án mình bằng hành động nhảy xuống biển về tội để mất nước chứ không cam chịu nộp mình cho giặc. Đó là sự phân tích sâu sắc, mới mẻ của một cậu bé tuổi còn niên thiếu. Câu chuyện mở dần ra về hòn Hai Vai hay còn là núi “Tướng quân rơi đầu” trong trí tưởng tượng phong phú của người dân Nghệ Tĩnh thời đó. Câu chuyện chỉ là câu chuyện hoang đường nhưng rồi một triết lý nhân sinh của cậu bé Côn được đúc kết qua câu vè mà bà ngoại thường đọc cho chú nghe: “Dân vạn đại, quan nhất thời/ Ghế quan ai ngồi xin chớ thờ ơ/ Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Tư tưởng nhân nghĩa như người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng nhắc đến ở thế kỷ XV ngấm vào cốt tủy của Bác từ thưở còn nhỏ, trở thành niềm khát khao “ham muốn tột bậc” mà Người tâm niệm suốt cả một đời: Thương dân, yêu dân, tất cả vì đất nước “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Như vậy những câu dân ca, bài vè, câu ví giặm, với tên suối tên sông... đậm chất Nghệ mặn mà, ân tình của bà, của mẹ nơi Hoàng Trù quê ngoại và Làng Sen quê nội đã hun đúc nên một nhân cách biết gắn cuộc đời mình, phận vị mình với quần chúng nhân dân. Vốn được sinh ra và giáo dục trong một gia đình nho học nghèo yêu nước, luôn gần gũi với nhân dân lao động, được truyền thống quê hương hun đúc, cậu bé Nguyễn Sinh Côn vốn thông minh ham hiểu biết đã dần dần hình thành chí lớn đi tìm đường cứu nước, để rồi về sau trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới. Trong đoạn trích, người đọc còn thấm thía cách dạy con của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cụ đã giáo dục các con tu dưỡng làm người bằng cách kể cho con nghe về các sự tích của các địa danh do nhân dân sáng tạo ra, bằng những câu hỏi gợi suy nghĩ, quan điểm từ đó để các con thấy được những bài học nhận thức, triết lí nhân sinh. Cụ Phó bảng là một người hiểu biết sâu rộng, bản tính cương trực, thẳng thắn, yêu quê hương đất nước, đau nỗi đau khi dân tộc còn nô lệ, lầm than.

Có thể nói rằng từ những tháng ngày dọc đường xứ Nghệ, những kí ức thanh bình ít ỏi ấy có thể là bệ đỡ để rồi từ đó Người có thể vượt qua những kí ức tang thương. Hình ảnh lay động lòng người đọc nhất là cảnh đám tang bà Hoàng Thị Loan giữa đất trời "Kinh thành Huế nghiêng nghiêng dưới gầm trời u ám cuối năm", khi đó cậu bé "Nguyễn Sinh Côn, đầu đội khấu rơm, mặc áo đại tang, chống gậy, chân đất, đi sau quan tài mẹ... Côn gục đầu vào nắp áo quan mẹ... Côn vừa khóc nấc dồn dồn, toàn thân run lên...". Rồi đến cảnh "Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về với ngôi nhà hoang vắng trong thành nội... Côn bế em vào lòng, tựa lưng bên bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm đen quạnh quẽ mịt mù". Vậy đấy, tuổi thơ của Bác trải qua những khổ ải, thiếu thốn trăm bề, và Bác đã vươn lên, vượt qua những giông tố ấy, mãi là bài học về tình thương, nhân cách, nghị lực sống ngay từ thuở ấu thơ của Người...

Đọc “Dọc đường xứ Nghệ” ta còn thấy nhà văn Sơn Tùng đã mô tả sống động không khí ở cả vùng Nghệ An giàu truyền thống yêu nước nuôi dưỡng ý chí của một nhân cách rất lớn, một vị lãnh tụ vĩ đại sau này bằng một giọng văn thanh lịch, đậm chất cổ điển kết hợp với lời ăn tiếng nói hàng ngày được thể hiện một cách tự nhiên, chân thật. Ở “Búp sen xanh” là những gì chân thật, gần gũi, thân thương mà cũng vĩ đại, thiêng liêng nhất về Người. Ta như thấy đâu đó bóng dáng tuổi thơ nghịch ngơm của chính mình, ta lặng người xúc động bởi tình người của những người thợ xóm Chiếu Sài Gòn làm phu khuân vác, tình làng nghĩa xóm của cậu bé Nguyễn Sinh Côn vào năm mất mùa đã lén xúc gạo nhà mình đem cho bà hàng xóm phải ăn thân chuối cầm hơi, của những người hàng xóm giúp đỡ đưa tang, ai cũng muốn đón anh em Côn về ở với mình vì xót thương hoàn cảnh côi cút mất mẹ, cha lại ở xa; ta đã nghẹn ngào bởi trong ngôi nhà hoang vắng trong cái cảm giác sợ hãi, cô đơn những đêm đầu vắng mẹ ở thành nội, bé Xin nhớ hơi mẹ, thèm sữa gào khóc, không dỗ được em, Côn khóc luôn với em. “Búp sen xanh” đã vượt qua những giới hạn của tiểu thuyết lịch sử thường nhằm xây dựng một thần tượng trong nhân dân mà đi sâu miêu tả khắc họa cuộc sống dung dị, đời thường rất đỗi chân thực về vị lãnh tụ sống mãi trong lòng dân “cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu". Qua đó ta cũng bắt gặp những mảnh đất hồn người nơi xứ Nghệ yên bình nghe cha đọc thơ, ngắm mẹ ngồi dệt vải, có chị Thanh, anh Khiêm; cố đô Huế cổ kính, trường Quốc học và cuộc sống khốn khó, bất hạnh mang theo nỗi trăn trở về tuổi trẻ, về con người và vận mệnh dân tộc; có hình ảnh người thầy giáo trẻ nơi Trường Dục Thanh, Phan Thiết; có Bến Nhà Rồng với những người thợ máy và tiếng còi tàu vọng mãi trong không gian thăm thẳm, có gương mặt người con gái Sài Gòn. Tất cả thôi thúc Người vội vã xuống tàu làm phụ bếp trên tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-re-vin bôn ba khắp năm châu bốn biển trong 30 năm không nghỉ với bàn tay không mà lòng yêu nước thương dân đã ngấm vào cốt tủy và lời thề hẹn trở về khi đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Nghẹn ngào bởi lời gửi gắm niềm tin của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cho Người: “Nước mất, con lo tìm đường cứu nước, cha rất mừng. Con đi vì mục đích lớn. Con có thể thực hiện được cái điều mà cha và lớp người như cha phải bó tay”. Chắc chắn khi đọc lại chúng ta đều không khỏi thổn thức trước câu nói của người cha ấy khi tiễn con xuất dương tìm đường cứu nước: “Đừng! Con đừng gọi cha lúc này! Con phải gọi: Tổ quốc! Đồng bào! Đi… đi con!”. Chấp nhận sự đánh đổi lớn lao như vậy vì trong trái tim vĩ đại kia là lòng yêu nước nồng nàn, là ham muốn rực cháy đưa dân tộc khỏi xiềng xích, là tiếng vẫy gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chính sự chở che, yêu thương của gia đình, quê hương, của hàng xóm, của bè bạn, sự nghiêm khắc của cha, sự tảo tần của mẹ, sự đùm bọc của “chị Thanh”, “anh Khiêm” đã nuôi dưỡng nên một vĩ nhân lịch sử.

Chúng ta lớn lên khi tất cả đã đủ đầy, văn hóa nghe nhìn có cơ hồ xâm lấn văn hóa đọc. Thế nhưng những trang viết của nhà văn Sơn Tùng hẳn sẽ giúp ta thấm thía hơn giá trị của gia đình, giúp ta thêm yêu nơi ta đã chôn rau cắt rốn, sự dưỡng dục, dạy dỗ, nơi từng cành cây ngọn cỏ mái nhà cũng thân thương và bình yên đến lạ. Và càng trân quý hơn những điệu hồn thiêng liêng của văn hóa truyền thống dân tộc. Đoạn trích “Dọc đường xứ Nghệ” và “Búp sen xanh” đã để lại những dư vị đẹp đẽ, những bài học cao cả, giá trị thiêng liêng. Chính vì lẽ đó “Búp sen xanh” cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Trong điện ảnh, sách được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng”, về sau được sản xuất thành phim truyện với tựa đề “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Nhà nghiên cứu Mịch Quang đưa Búp sen xanh lên sân khấu tuồng với tên gọi “Cậu bé làng Sen”. Còn Nhạc sĩ Thuận Yến thì có lần nói rằng chính “Búp sen xanh” đã là nguồn tư liệu và khởi nguồn của cảm hứng để ông viết nên ca khúc nổi tiếng “Miền Trung nhớ Bác.” Họa sĩ Lê Lam đã chuyển thể tác phẩm thành truyện tranh mang tên “Từ làng Sen.” “Búp sen xanh” cũng được chuyển thể thành truyện thơ như “Diễn ca Búp sen xanh” của tác giả Lê Xuân Hãng, “Nhụy vàng hương sen” của tác giả Hoàng Trang, “Ngó sen” của tác giả Đức Thục và “Hương sen” của tác giả Hồ Nam. Tất cả những điều đó làm ta thấm thía hơn tấm lòng, nhân cách của con người Việt Nam đẹp nhất – Hồ Chí Minh như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định:

Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung,thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nắng phù sa!

          Dương Huyên

 

. . . . .
Loading the player...