20-02-2020 - 16:18

Chùm thơ viết về quê của cố tác giả Nguyên Lâm Huệ

Tác giả Nguyên Lâm Huệ tên thật là Nguyễn Lâm Huệ, sinh 20/8/ 1954, quê Hà Tĩnh, có gần 30 năm sống và làm việc ở Đà Nẵng. Ông đã qua đời đột ngột vào lúc 2 giờ sáng, ngày 19/2/2020 tại nhà riêng. Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu bài viết về ông của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và một chùm thơ viết về quê rút ra từ tập “ Vẫn còn” –NXB Hội nhà văn, 2018.

NGHE HUỆ “ĐEN” ĐỘC CA

                                        Nguyễn Thụy Kha

Không hiểu sao, cứ gặp Huệ “đen” cùng ngồi uống rượu, tôi luôn nhớ đến câu thơ Tản Đà: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Chơi với nhau mấy chục năm nay, thấy rất rõ Huệ “đen” là một gã giang hồ chính hiệu, nhẹ nhàng hơn cũng là “lang thang sĩ” như Huệ “đen” khiêm nhường tự nhận trong thơ.

Dạo mùa thu vừa rồi, gặp Huệ “đen” ở Đà Nẵng. Ngoài rượu, Huệ “đen” còn cho tôi uống dốc chai hai tập thơ của anh: “Lặng lẽ một dòng sông” và “Khúc độc ca”. Đọc thơ Huệ “đen” tự chưng cất bằng thứ gạo đời anh đã khất thực được dọc hành trình giang hồ gió bụi, ủ bằng thứ men bí truyền của cha ông, một thứ rượu quê sóng sánh tăm trong lành lại đựng vào những chiếc bình cũ quen thuộc. Nhưng uống vào thì say êm. Say như vừa thoát khỏi những pop-rock ồng ộc âm thanh điện tử, thoát khỏi một thứ rượu rởm, ngồi ung dung nhấm nháp từng câu ví giặm do chính anh độc ca bằng cái nhịp 7/8 độc đáo trong mọi nhịp điệu âm nhạc của ca khúc thế giới. Cứ lần theo giai điệu hát bằng cái nhịp ấy, là gặp Huệ “đen” đang lộn trái mình ra trước nhân gian. Uống bình rượu đầu “Lặng lẽ một dòng sông”, đã bắt đầu lơ tơ mơ trong “Những đợt sóng hằn lên như những nếp nhăn”, bắt đầu lạc trong “Đêm hun hút len vào ngõ phố”, lại thấy trẻ ra khi “Xuân cựa mình cố đẩy một mùa đông”, thấy mắt mình “Như mắt ai chớp vội”, lại thấy “Lành lạnh đôi vai già”, chợt nhìn sông hóa “Dải lụa xanh mềm như hơi thở”, “Múi bưởi đào tươi như môi người con gái” và thầm gọi Huệ Đen tin cậy như em. Nhưng vẫn còn chưa đã. Lại “tẩn” thêm một bình nữa gọi là “Khúc độc ca” thì thực sự mới thấy mình say lử. Hình như bình này êm hơn, nhưng nặng hơn. Ôi gã giang hồ “Xuôi ngược trên đầu hai thứ tóc”. Gã định bắt ta say quắc cần câu hay sao, mà cứ tưới vào ta cái hồn cốt ví dặm nhưng lại rất Huệ “đen” đến thế kia. Cũng gió đấy sao lại “Gió nấc lên từng đợt thở đợi chờ”. Cũng hò đấy sao “Buốt câu hò da diết bến sông xa”. Cũng em đấy sao “Em vô tình dẫm nát cả hồn thơ”. Cũng thương đấy sao “Nắng trượt ngã trên đỉnh đầu lão hói”. Hình như mọi thứ thường nhật ta gặp qua Huệ “đen” đều chuếnh choáng hơi men hết. Cái thằng bạn “lang thang sĩ” này, trông cũng to cao đàn ông ra phết mà tự dưng diễu cợt mình thành con cò “Cổ dài ra và nhỏ lại” rồi “khạc ra thơ”. “Của độc” trong “Khúc độc ca” của Huệ “đen” là cách chơi điệp âm. Điệp âm của Huệ “đen” tạo nên những hợp âm nghịch đột ngột, khiến người ngấm rượu cứ chợt thấy chao đảo, chợt thấy mình phát sóng khác thường. Nào là “lêu têu”, “tuềnh tàng”, “lãng đãng”, “lành lạnh”, “nghêu ngao”, “bảng lảng”. Nào là “hồng hộc”, “xồng xộc”, “ngầy ngậy”, “xao xác”, “hiu hiu”, “dờn dợn”, “rưng rưng”. Nào là “cuồn cuộn”, “liêu xiêu”, “liêu phiêu”, “lồng lộng”, “đê mê”, “là ngà”, “mang mang”, “phe phé”, “lênh phênh” … Những nghịch âm của một tửu đồ “say chuyên nghiệp” nhìn bóng mình ra mình, nhìn mình ra bóng. Uống rượu thơ Huệ “đen” say khướt là để biết chia sẻ, biết trắc ẩn, thêm nặng lòng với cõi đời vừa cao diệu, vừa nhố nhăng, vừa đáng sống và vừa muốn chết. Thèm vào những thứ tìm tòi, cách tân diệu vợi. Cần quái gì chủ nghĩa này, trường phái nọ. Song tự nhiên lại thấy tất cả. Có ấn tượng đấy, siêu thực đấy, tượng trưng đấy, mô-đéc đấy. Cái câu: “Những cô bé vùng cao môi hồng má đỏ/ Ngúng nguẩy mông đưa trên những cặp chân sào” thì có mà “hậu hiện đại” của mấy chú “lòe chữ” cứ gọi là bằng cụ. Nhưng cứ theo Huệ “đen” “uống đến tàn đời say khướt say” thì cũng là một thử thách chứ chẳng chơi. Muốn liêu xiêu thế chẳng dễ đâu. Chẳng biết cũ mới gì hết. Nếu không có một “cỗ lòng để gió cuốn đi” như Huệ “đen” thì đừng có mà mơ với chả mộng. Độc ca với chả hòa ca.

                                                                                             N.T.K

 

Gặp gỡ bạn văn chương tại quê nhà

NGUYÊN LÂM HUỆ

VỀ THẠCH HẢI

 

Lâu lắm rồi không về Thạch Hải

Chiều quê hương mây vần vũ trên đầu

Bãi đước khóc, dấu chân người ở lại

Bến sông chiều ngày ấy tiễn đưa nhau.

 

Không còn nữa lũ chim làm tổ

Buổi hoàng hôn ríu rít gọi nhau về

Xuôi dòng nước thuyền ai tìm bến đỗ

Thạch Hải chiều… trong khóe mắt em đưa.

 

Biển êm dịu như tình người Thạch Hải

Bao thăng trầm năm tháng đã qua đi

Bờ cát trắng dấu chân người đi mãi

Nắng chiều nghiêng trên sóng biếc thầm thì.

 

Ôi ta nghe trong từng cơn sóng nhỏ

Chát môi người câu ví mẹ ru xưa

Nghe trong gió chút hương tình sót lại

Tím môi em năm tháng đợi chờ…

 

Xưa ta mang nửa vầng trăng kỷ niệm

Nửa vầng trăng để lại quê nhà

Chiều nay nhé,

           ơi vầng trăng nguyên vẹn

Tình yêu nào cũng cháy trong ta.

 

SÔNG XƯA BẾN CŨ

Nghe thương câu đợi, câu chờ

Trăng mơ, đêm mờ sương lạnh

Người ơi tình sâu nghĩa nặng

Nao nao câu dặm quê nhà.

 

Nhớ ngày rời bến sông quê

Quá giang đò về chợ củi

Đò em xuôi dòng cửa Hội

Tình anh gác lại non Hồng

 

Một thời khói lửa bão giông

Câu hò theo anh đi mãi

La Giang xanh màu huyền thoại

Má em hồng nắng xuân chiều

 

Một đời trôi dạt liêu phiêu

Trở về sông xưa bến cũ

Thẫn thờ lắng nghe bến kể

Chuyện người con gái sang sông

 

Đã qua bên nớ theo chồng

Bến xưa neo lại nỗi lòng làm chi

Đêm đêm sông nước thầm thì

Người ơi! Còn nhớ điệu hò trên sông.

 

Chạnh lòng ngọn gió cuối đông

Êm êm đôi bờ sóng thở

Hồn thơ một đời mang nợ

Câu thương, câu nhớ, câu chờ…

 

            

TÌM LẠI

 

Tôi trở về tìm lại tuổi thơ tôi

Trong những áng mây trôi trên dòng Ngàn Mọ

Ơi dòng sông một thời thơ trẻ

Vẫn hiền hòa chung thủy xanh nguyên

 

Tôi trở về bến cũ để tìm em

Tìm lại dáng xưa những chiều em xõa tóc

Con bìm bịp bên kia sông bật khóc

Gốc bần già che mặt đứng trầm tư

 

Tôi trở về phố nhỏ giữa cơn mưa

Như chiếc lá cuối mùa cô độc

Ngồi nhẩm đếm những dấu hài lưu lạc

Chợt cô đơn thức giấc trong hồn

 

Dòng sông đời năm tháng chẳng xanh hơn

Gợi thương nhớ bên bồi bên lở

Tôi về lại mảnh vườn xưa bé nhỏ

Tấm lưng còng mắt mẹ mỏi mòn trông

 

Tuổi thơ tôi còn đó một vầng trăng

Khao khát quá hỡi chân trời cao rộng

Đêm thức giấc muôn vì sao rực sáng

Chợt hỏi lòng hạnh phúc ở nơi đâu?

 

Dòng sông Ngân ngày ấy đến tìm nhau

Thương em quá một thời Chức Nữ

Ta như chim tung trời bạt gió

Biết bao giờ trở lại tiết mưa ngâu

 

Đám rêu sần loang lổ thân cau

Gốc trầu cội đốm vàng theo gió nắng

Mùi khói rơm giữa trời quê yên tĩnh

Thoáng trong hồn từng vị ngọt khôn nguôi

 

Tôi trở về tìm lại tuổi thơ tôi

Cái nồng ấm một thời tôi đã mất

Phút yên lặng bất thần tôi bắt gặp

Đám mây chiều lặng lặng phía đầu non.

 

CAN LỘC

 

Thị trấn Nghèn nho nhỏ

Nằm giữa hai con sông

Chín mươi chín ngọn hồng

Trầm tư trong nắng gió

 

Quê hương chàng thi sĩ

Ông vua viết thơ tình

Chỉ gửi “hương cho gió”

Giữa biển đời xanh trong

 

Về ngã ba Đồng Lộc

Mười cô gái năm xưa

Vẳng đâu đây giọng hát

Át cả tiếng bom thù

 

Chiều nghĩa trang gió thổi

Hàng cây buồn hát ru

Các em đang yên nghỉ

Trong giấc nồng ngàn thu

 

Về thăm quê bí thơ

Đất cha truyền con nối

Cũng là đất bị cói

Xưa hành nghề ăn xin

 

Trời Can Lộc biếc xanh

Mắt mẹ già ngầu đục

Mong một ngày xoáy lốc

Cuốn đói nghèo bay xa…

. . . . .
Loading the player...